Đối xử công bằng với chính mình

Mục đích của đạo Phật là giúp con người hiểu rõ bản thân mình cũng như thế giới chung quanh để thiết lập một đời sống hạnh phúc an lạc, thoát ly mọi phiền não khổ đau. Đó chính là nhận thức về khổ đau và thực hành con đường đưa đến chấm dứt khổ đau mà Đức Phật, bậc Giác ngộ, đã từng tuyên bố như là mục đích thuyết pháp độ sinh của Ngài. (1)

 
Suốt 45 năm thuyết giảng Chánh pháp, Đức Phật không dạy gì khác ngoài việc nêu rõ sự thật về khổ đau và chỉ bày cho mọi người cách thức đi ra khỏi khổ đau.
 
Theo lời Phật thì sở dĩ con người cứ rơi vào phiền muộn khổ đau, không tìm thấy đời sống thanh thản an lạc, ấy là do con người quá mê say trong thế giới dục lạc, quay cuồng trong thế giới dục vọng, khiến tâm trí trở nên dao động mê mờ, không còn phân biệt được thế nào là thiện-ác, đúng-sai, hạnh phúc-khổ đau, thể hiện lối sống tự mâu thuẫn với chính mình, nghĩ rằng mình phải sở hữu hạnh phúc nhưng thường làm những việc có hại cho bản thân, gây khổ đau cho chính mình. Người ấy ước mong có được hạnh phúc nhưng lại để cho lòng tham lôi kéo vào lối sống phóng dật, chuyên làm các ác hạnh về thân, về lời, về ý như sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến, tạo phiền não khổ đau cho chính mình và gây phiền toái khổ đau cho người khác (2). Đạo Phật gọi lối sống như vậy là mê lầm, bất an, khổ đau, không biết yêu quý tự ngã, không biết thương mình, không tôn trọng tự ngã, không đối xử công bằng với chính mình. Vua Pasenadi xứ Kosala từng tâm sự với Đức Phật lối sống mâu thuẫn của phần lớn loài người, cứ cho rằng tự ngã hay bản thân mình là thân thương nhất nhưng lại làm những việc chống lại tự ngã, gây tổn hại cho tự thân, khiến cho chính mình phải chịu nhiều phiền lụy khổ đau. Đấng Giác ngộ chứng thực lối nhận xét này của nhà vua:

“Như vậy là phải, thưa Đại vương. Như vậy là phải, thưa Đại vương. Thưa Đại vương, những ai sống thân làm ác, sống miệng nói ác, sống ý nghĩ ác; đối với người ấy, tự ngã là kẻ thù. Dầu họ có nói: “Tự ngã là thân ái của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là kẻ thù. Vì sao vậy? Những gì kẻ thù làm cho kẻ thù, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thù.
 
Những ai sống thân làm thiện, sống miệng nói thiện, sống ý nghĩ thiện, đối với họ, tự ngã là thân ái. Dầu cho họ có nói: “Tự ngã là kẻ thù của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là thân ái. Vì sao vậy? Những gì kẻ thân ái làm cho kẻ thân ái, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thân ái.
 
Nếu những ai biết được,
Tự ngã là thân ái,
Họ sẽ không liên hệ,
Với các điều ác hạnh.
Kẻ làm điều ác hạnh,
Khó được chơn hạnh phúc,
Bị thần chết cầm tù,
Từ bỏ thân làm người.
Kẻ có nghiệp như vậy,
Cái gì là của mình?
Lấy cái gì đem đi?
Cái gì theo dõi họ,
Như bóng theo dõi hình?
Ở đây kẻ bị chết,
Làm các nghiệp công đức,
Làm các nghiệp ác đức,
Lấy cả hai đem đi.
Cả hai của kẻ ấy,
Như bóng theo dõi hình.
Cả hai theo kẻ ấy,
Do vậy hãy làm lành,
Tích lũy cho đời sau,
Công đức cho đời sau,
Là hậu cứ cho ngươi”. (3)

Lời của bậc Giác ngộ xác nhận rất rõ rằng hạnh phúc hay khổ đau của con người là hoàn toàn tùy thuộc ở các hành vi (nghiệp) thiện hay bất thiện mà người ấy tạo tác và tích tập. Chính các nghiệp thiện hay bất thiện mà người ấy đã tích tập tạo nên cái gọi là tự ngã (atta) của người ấy; nó là những gì thiết thân nhất với người ấy, do người ấy tạo tác và thọ báo, gắn liền với người ấy ở lúc này hay lúc khác, từ đời này sang đời khác, khiến cho người ấy hoặc lãnh thọ hạnh phúc an lạc hoặc gánh chịu bất hạnh khổ đau trong các cảnh giới luân hồi. Người không biết yêu quý tự ngã, không biết thương mình, không tôn trọng tự ngã thì tự để cho mình rơi vào lối sống mê lầm phóng dật, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, nghĩ như vậy là hạnh phúc nhưng bản thân lối sống ấy là sai lầm và đưa đến khổ đau. Người ấy tự hành xử mâu thuẫn với chính mình, cho rằng tự ngã là thân ái nhưng lại đối xử với tự ngã như kẻ thù, nghĩ rằng mình yêu quý tự ngã nhưng lại hành động chống lại sự an toàn của tự ngã, gây phiền lụy cho tự thân, tạo khổ đau cho chính mình. Kinh Phật gọi hạng người như vậy là kẻ ngu vụng về, phi chân nhân, tự mình xử sự như một kẻ mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị kẻ trí quở trách và tạo nên nhiều điều vô phước (4).

Nói cách khác, người ấy không biết yêu quý tự ngã, không biết thương mình, không tôn trọng tự ngã, không đối xử công bằng với chính mình. Trái lại, người biết yêu quý và tôn trọng tự ngã thì không để cho mình rơi vào lối sống mê lầm phóng dật, thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác, nỗ lực thực hành nếp sống chơn chánh hiền thiện, thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, khiến cho chính mình được hạnh phúc an lạc, tự ngã được an ổn, thoát khỏi mọi phiền lụy khổ đau. Người ấy không xử sự mâu thuẫn với chính mình, không biến tự ngã thành kẻ thù, sống thân ái với tự ngã, tôn trọng tự ngã, đối xử công bằng với chính mình. Đức Phật xem hạng người có lối sống chơn chánh như vậy là bậc hiền trí không vụng về, là bậc chân nhân, tự mình xử sự không như một kẻ mất gốc, không bị thương tích, không phạm tội, không bị kẻ trí quở trách và tạo nên nhiều phước đức (5).

Như vậy, cứ theo lời Phật thì người mà để cho tham dục chi phối, rơi vào lối sống mê lầm phóng dật - thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác - tức là tự mâu thuẫn với chính mình, không biết yêu quý tự ngã, không biết thương mình, không tôn trọng tự ngã, không đối xử công bằng với chính mình. Người ấy không đối xử công bằng với chính mình, vì lẽ vị ấy để cho lòng tham chi phối, dẫn dắt vào lối sống phóng dật, làm các ác hạnh về thân (sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục), làm các ác hạnh về lời (nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm), làm các ác hạnh về ý (tâm bị tham, sân, tà kiến chi phối), khiến cho tự ngã hay bản thân mình phải gánh chịu mọi bất hạnh khổ đau ở đời này và đời sau bởi ác nghiệp mà mình đã làm. Người ấy không hiểu rõ chính mình, không hiểu tham-sân-si hay các ác nghiệp là kẻ thù của tự ngã, không biết xót thương cho số phận đọa đày của chính mình trong các cảnh giới khổ đau do chính các ác nghiệp của mình gây nên. Kinh Pháp Cú nói như vầy về người ấy:
 
Người ngu si, thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù;
Làm ác nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay. (6)
 
Nay than, đời sau than,
Kẻ ác, hai đời than;
Nó than: “Ta làm ác”,
Đọa cõi dữ, than hơn”. (7)
 
Trái lại, người mà không để cho tham dục chi phối, không rơi vào lối sống mê lầm phóng dật - thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác - tức là thể hiện lối sống sáng suốt, không mâu thuẫn với chính mình, biết yêu quý tự ngã, biết thương mình, tôn trọng tự ngã, đối xử công bằng với chính mình. Người ấy đối xử công bằng với chính mình, vì vị ấy biết khắc phục lòng tham, không để cho tham dục lôi kéo vào lối sống phóng dật, thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác, khiến cho tự ngã hay bản thân mình được an toàn, không bị thương tổn, được hạnh phúc an lạc, không rơi vào phiền lụy khổ đau. Người ấy được nói như sau:
 
Nay vui, đời sau vui,
Làm phước, hai đời vui;
Nó vui, nó an vui,
Thấy nghiệp tịnh mình làm. (8)
 
Nay sướng, đời sau sướng,
Làm phước, hai đới sướng;
Nó sướng: “Ta làm thiện”,
Sanh cõi lành, sướng hơn”. (9)
 
Về phương pháp tu tập nhằm giúp cho mình được hạnh phúc an lạc, tránh cho tự ngã khỏi rơi vào bất hạnh khổ đau, Đức Phật khuyên mọi người cần phải thường xuyên theo dõi và xem xét các hành vi của mình, xem chúng là thiện hay bất thiện, đưa đến an lạc hay khổ đau, để kịp thời chấn chỉnh. Chẳng hạn, trong bài kinh dạy cho Tôn giả Ràhula, Đức Thế Tôn khuyên nhắc vị Sa-môn nhỏ tuổi này phải dò xét mọi hành vi của thân, miệng, ý, trước khi làm, trong khi làm và sau khi làm để bảo đảm các hoạt động của thân, miệng, ý phù hợp với thiện pháp, đưa đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai; không đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai (10).
 
Một cách thức khác là phát huy tâm tàm quý đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, tức là phải biết xấu hổ và sợ hãi đối với các ác nghiệp và hậu quả xấu ác khổ đau của chúng để quyết tâm dứt bỏ thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp, ý ác nghiệp; thực hành thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp, ý thiện nghiệp. Đức Phật nói về phương pháp tu tập này như sau (11): “Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này. Thế nào là bốn? Sợ hãi tự mình trách, sợ hãi người khác trách, sợ hãi hình phạt, sợ hãi ác thú. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi tự mình trách? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người suy xét: “Nếu thân ta làm ác, lời ta nói ác, ý ta nghĩ ác, thời tự ngã có thể trách ta về phương diện giới: “Sao lại làm nghiệp ấy?”. Người ấy do sợ hãi tự trách, đoạn tận thân làm ác, tu tập thân làm lành, đoạn tận lời nói ác, tu tập lời nói lành, đoạn tận ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ lành; sống tự ngã trong sạch. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi tự trách. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về người khác trách?
 
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người suy xét: “Nếu thân ta làm ác, lời ta nói ác, ý ta nghĩ ác, thời các người khác có thể trách ta về phương diện giới: “Sao lại làm nghiệp ấy?”. Người ấy do sợ hãi người khác trách, đoạn tận thân làm ác, sống tự ngã trong sạch. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi người khác trách. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi hình phạt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thấy các vua chúa khi bắt được người ăn trộm, kẻ đi cướp đường, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi… họ lấy gươm chặt đầu. Người ấy suy nghĩ như sau: “Do nhân làm các nghiệp ác như vậy, các vua chúa bắt được người ăn trộm, kẻ đi cướp đường, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác … họ lấy gươm chặt đầu”. Người ấy vì sợ hãi sợ hãi hình phạt, không có đi ăn trộm, cướp tài sản các người khác. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi hình phạt.
 
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự sợ hãi  ác thú? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người suy nghĩ như sau: “Với ai thân làm ác, có ác dị thục trong tương lai, với ai lời nói ác … với ai ý nghĩ ác, có ác dị thục trong tương lai. Làm thế nào cho ta sau khi thân hoại mạng chung, không có sanh tại cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục?”. Người ấy vì sợ hãi ác thú, đoạn tận thân làm ác, tu tập thân làm lành; đoạn tận lời nói ác, tu tập lời nói lành; đoạn tận ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ lành; sống với tự ngã trong sạch. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi ác thú”. Bên cạnh việc thường xuyên dò xét các hành vi và vận dụng tâm tàm quý nhằm loại bỏ các hành động ác bất thiện, Đức Phật khuyên các học trò mình cần phải quán sát đến tận nguyên nhân gốc rễ của các ác nghiệp - thấy rõ tham-sân-si chính là mối dây trói buộc khiến con người rơi vào thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành - để nỗ lực bức tận gốc rễ các ác nghiệp, không để cho chúng có cơi hội sinh khởi và hành họat. Phương pháp này được mô tả như sau:
 
“Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào ta có thể sát sanh, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ của các kiết sử ấy. Nếu ta sát sanh, không những ta tự trách mắng ta vì duyên sát sanh, các bậc có trí, sau khi tìm hiểu, cũng sẽ khiển trách ta vì duyên sát sanh; và sau khi thân hoại mạng chung, ác thú sẽ chờ đợi ta, vì duyên sát sanh. Thật là một kiết sử, thật là một triền cái, chính sự sát sanh này. Những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não nào có thể khởi lên, do duyên sát sanh, đối với vị đã từ bỏ sát sanh, những lậu hoặc phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”.
 
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào ta có thể lấy của không cho, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ các kiết sử ấy. Nếu ta lấy của không cho, không những ta tự trách mắng ta vì duyên lấy của không cho… Những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não nào có thể khởi lên do duyên lấy của không cho, đối với vị đã từ bỏ lấy của không cho, những lậu hoặc phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”.
 
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào, ta có thể có tham dục, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ các kiết sử ấy. Nếu ta tham dục, không những ta tự trách mắng ta vì duyên tham dục… Những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não có thể khởi lên do duyên tham dục, đối với vị đã từ bỏ tham dục, các lậu hoặc phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”.
 
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào, ta có thể nói láo, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ các kiết sử ấy. Nếu ta nói láo, không những ta tự trách mắng ta vì duyên nói láo… Những lậu hoặc phiền lao nhiệt não có thể khởi lên, do duyên nói láo, đối với vị đã từ bỏ nói láo, những lậu hoặc phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”.
 
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào, ta có thể nói hai lưỡi, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ các kiết sử ấy. Nếu ta nói hai lưỡi, không những ta tự trách mắng ta vì duyên nói hai lưỡi… Những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não có thể khởi lên do duyên nói hai lưỡi, đối với vị đã từ bỏ nói hai lưỡi, những lậu hoặc phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”. (12)

Nhìn chung, những lời Đức Phật dạy liên quan đến tự ngã (atta) là hết sức căn bản và quan trọng cho việc thiết lập đời sống hạnh phúc an lạc của con người. Đó là cái nhìn minh triết về sự hiện hữu như thật của con người và cách thức giúp cho con người hiện hữu một cách tương đối an lạc trong các hình thái hiện hữu của thế giới duyên sinh. Mặt khác, đó cũng chính là Thánh đạo (Ariya-magga) để cho con người dần dần hạn chế và đi ra khỏi tiến trình hiện hữu khổ đau của chính mình trong thế giới luân hồi, nhờ chuyển hóa mạnh mẽ các ác nghiệp và nhờ bào mòn, bức tận gốc rễ tham-sân- si, cội gốc của hết thảy mọi phiền não khổ đau. Hẳn nhiên, đây chính là lẽ sống sáng suốt và nhân ái giữa cuộc đời mà những ai biết thương mình và thương người, biết yêu quý tự ngã và tôn trọng tự ngã của người khác sẽ tìm thấy lối đi đầy tin tưởng và khích lệ.
 
.............................................................

1. Kinh Xà dụ, Trung Bộ.
2. Đại kinh Pháp hành, Trung Bộ.
3. Kinh Thân ái, Tương Ưng Bộ.
4. Kinh Hy cầu, Tăng Chi Bộ.
5. Kinh Hy cầu, Tăng Chi Bộ.
6. Kinh Pháp Cú, kệ số 66.
7. Kinh Pháp Cú, kệ số 17.
8. Kinh Pháp Cú, kệ số 16.
9. Kinh Pháp Cú, kệ số 18.
10. Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-bà-la, Trung Bộ.
11. Kinh Tự trách, Tăng Chi Bộ.
12. Kinh Potaliya, Trung Bộ.

Tác giả bài viết: Nguyên Từ