Đức Phật an cư không tiếp khách

Thực hiện an cư cấm túc, không ra khỏi trụ xứ, ngày đêm nghiêm mật sáu thời công phu thiền định là điều cần làm. Một năm chỉ có ba tháng an cư, Đức Phật là bậc đã giác ngộ mà còn không tiếp khách, tinh chuyên tu tập, phải chăng đây là điều mà hàng hậu học phước mỏng nghiệp dày như chúng ta cần suy ngẫm?

Một thời, Thế Tôn trú tại một khu rừng ở Icchànangala. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ kheo:

Ta muốn sống độc cư thiền tịnh trong ba tháng, không tiếp một ai, trừ một người đem đồ ăn đến.

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Rồi Thế Tôn, sau khi ba tháng an cư đã mãn, từ chỗ thiền tịnh độc cư đứng dậy, gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo đến hỏi: “Với sự an trú nào, này chư Hiền, Sa môn Gotama an trú nhiều ngày trong mùa mưa?”, các ông hãy trả lời: “Với định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này chư Hiền, Thế Tôn an trú nhiều ngày trong mùa mưa”.

Này các Tỷ kheo, đây là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 10, phẩm 2,

phần Icchànangala [lược], Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.486)

LỜI BÀN:

Có lẽ ít ai ngờ rằng Thế Tôn cũng “nhập thất”, thực hiện quán niệm hơi thở một cách miên mật và không hề tiếp khách hay gặp bất cứ ai trong mùa an cư. Ngài quá mệt mỏi với thế sự rồi chăng hay chỉ “thị hiện” để răn dạy các Tỷ kheo và hậu thế chúng ta?

Tất nhiên, Thế Tôn cũng cần nghỉ ngơi bằng cách an trú thân tâm trong thiền tịnh và hiện tại lạc trú. Nhưng quan trọng hơn là Ngài đã làm gương, cảnh sách các đệ tử đã lãng phí quá nhiều thời gian tu tập trong việc tiếp xúc, lễ lạt, họp hành, hội thảo… mà chểnh mảng phận sự an cư.

Mặt khác, Phật muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thiền định, nhất là pháp môn Tứ niệm xứ, nền tảng cho các Thánh quả. Đa phần các Tỷ kheo thời Thế Tôn nhờ thực hành niệm thân, thọ, tâm, pháp trong mùa an cư mà thành tựu giải thoát, chứng đắc các Thánh quả.

Ngày nay, các Tỷ kheo cũng thực hành an cư nhưng chưa thực sự hướng nội hoàn toàn. Phật sự đa đoan đã gặm nhấm hết thời gian và tâm lực, nên nếu không khéo vận dụng tu học thì an cư chỉ đạt được hình thức mà thôi.

Do vậy, thực hiện an cư cấm túc, không ra khỏi trụ xứ, ngày đêm nghiêm mật sáu thời công phu thiền định là điều cần làm. Một năm chỉ có ba tháng an cư, Đức Phật là bậc đã giác ngộ mà còn không tiếp khách, tinh chuyên tu tập, phải chăng đây là điều mà hàng hậu học phước mỏng nghiệp dày như chúng ta cần suy ngẫm?

Vẫn biết, an cư đích thực là ngay nơi tự tâm của hành giả và cứu cánh nằm trong phương tiện, những việc làm của Bồ tát vốn không thể nghĩ bàn. Nhưng nếu chưa phải là Bồ tát sở hành vô ngại thì noi gương Phật, hạn chế ngoại duyên, chuyên tâm thiền định, thực hiện phận sự an cư.

Quảng Tánh