Pháp sư

Thông thường, vị Tăng (Ni) chuyên thuyết giảng Phật pháp trong các pháp hội tu học được xưng tán là pháp sư. Hiện nay, tương ứng với pháp sư còn có giảng sư, cũng chuyên thuyết giảng Phật pháp. Dù chức năng và nhiệm vụ trao truyền Chánh pháp giống nhau nhưng danh xưng pháp sư được sử dụng nhiều hơn trong các pháp hội lớn và trọng thể.

Đức Phật thuyết pháp - Tranh PGNN
 
Thực tế cho thấy vị pháp sư hay giảng sư nào thuyết pháp hay, tướng mạo đẹp, oai nghi đầy đủ thì được bốn chúng quy ngưỡng, hâm mộ. Thính chúng thì tùy nhân duyên, căn chủng mà thích nghe pháp nơi vị pháp sư này hay vị giảng sư kia. Thành ra, có không ít vị khi thuyết giảng chủ động điều chỉnh pháp vị sao cho phù hợp với người nghe, thuận với sở dục của hội chúng. Lúc này sự giảng kinh, thuyết pháp ngoài đề tài thường có xu hướng chú trọng đến việc làm sao cho vui vẻ, thoải mái, hài hước, sinh động…, nói chung là hợp với người nghe hơn là khế kinh, y giáo.
 
Theo tinh thần phương tiện, uyển chuyển và linh động hay tùy duyên thuyết pháp vốn rất cần thiết, nhưng quá sa đà vào phương tiện, thuyết pháp vì nhiều động cơ và mục đích cá nhân mà xa rời chánh giáo là điều không nên. Bởi như vậy Thế Tôn nói là tuy có thuyết pháp mà không phải pháp sư. Vì pháp sư phải trao truyền được pháp vị chân thật cho đại chúng. Như nước trăm sông xuôi về biển cả chỉ có một vị mặn, cũng vậy Chánh pháp thì thuần nhất một vị là an lạc và giải thoát mà thôi.
 
“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
 
- Như Thế Tôn nói pháp sư. Vậy thế nào gọi là pháp sư?
 
Phật bảo Tỳ-kheo:
 
- Lành thay! Lành thay! Nay ngươi muốn biết những gì mà Như Lai đã nói về nghĩa pháp sư phải không?
 
Tỳ-kheo bạch Phật:
 
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
 
Phật bảo Tỳ-kheo:
 
- Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
 
Phật bảo Tỳ-kheo:
 
- Nếu người nào đối với sắc mà nói pháp khiến sanh ra yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, thì đó gọi là pháp sư. Nếu người nào đối với thọ, tưởng, hành, thức mà nói pháp khiến sanh yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, thì gọi đó là pháp sư. Đó cũng gọi là những gì mà Như Lai đã nói về pháp sư.
 
Tỳ-kheo kia sau khi nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui”.
 
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 26)
 
Theo Thế Tôn, vị pháp sư nói gì cũng không ra ngoài năm uẩn. Bởi năm uẩn bao hàm hết tất cả vũ trụ, thế giới và nhân sinh. Quan trọng nhất là, nói pháp làm sao để người nghe đối với năm uẩn ‘khiến sanh ra yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh’. Cụ thể, nhờ nghe pháp mà tham sân si phiền não rơi rụng bớt khiến cho thân tâm trở nên nhẹ nhàng hơn. Người thuyết pháp được như thế thì mới gọi là pháp sư.
 
Mới hay, chấp thủ năm uẩn là vô minh phiền não hằng trói buộc chúng sinh luân hồi sinh tử. Để bước ra khỏi dòng xoáy miên viễn này cần thành tựu tuệ giác ‘năm uẩn đều không’, tháo tung các trói buộc. Bậc pháp sư phải khéo thuyết để trao truyền cho thính chúng tuệ giác ‘qua bờ’ này. Thiện thuyết là khiến cho hội chúng thấy rõ sắc (thọ, tưởng, hành, thức) là vô thường, khổ, duyên sinh, vô ngã mà ‘yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh’. 
 
Thế nên, tất cả bốn chúng đệ tử Phật cần học, hiểu, thực hành, giảng nói và trao truyền Chánh pháp. Những ai nói lên được tinh túy của Chánh pháp là ‘năm uẩn đều không’, ‘khiến sanh ra yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh’ với năm uẩn mới đích thị là pháp sư. Vị này đã nói lên được những điều mà Thế Tôn muốn nói, trao truyền được những điều mà Thế Tôn muốn trao truyền. Nên có không ít người luôn nghĩ rằng mình là pháp sư nhưng thực sự chỉ là người nói kinh, giảng pháp, chỉ tương tợ pháp sư mà thôi. ‘Những gì mà Như Lai đã nói về pháp sư’ trong pháp thoại thật quá rõ ràng. Vấn đề là chúng ta phải phấn đấu thật nhiều để xứng đáng với danh xưng pháp sư, nói pháp đúng như những gì Thế Tôn đã dạy.
 

Tác giả bài viết: Quảng Tánh