Phi như lý tác ý

Trong Kinh Tất cả lậu hoặc thuộc tuyển tập Trung Bộ, Đức Thế Tôn nêu rõ có hai loại tư tưởng vận hành theo hai hướng khác nhau dẫn đến hai hệ quả khác nhau. Một loại là tư duy hữu ngã, bị chi phối bởi ngã tưởng, bị dẫn dắt bởi tham dục, khởi nghĩ điều gì thì dòng tư duy ấy gắn liền với dục vọng và ngã tưởng, vận hành theo khuynh hướng nhằm thỏa mãn lòng tham dục và khẳng định ngã tính.

 
Đây là lối tư duy của phần lớn những người chưa có nhân duyên tiếp xúc và học tập giáo pháp giác ngộ của Phật mà thuật ngữ Phật học gọi là phi như lý tác ý (ayoniso-manasikàra) hay tâm đặt sai hướng (1), tức lối suy nghĩ mê chấp, không phù hợp với sự thật vô thường, khổ, vô ngã của hết thảy các pháp, bị tập quán tham-sân-si chi phối, đưa đến lối sống mê lầm khổ đau. Loại thứ hai là dòng tư duy vô ngã, được dẫn dắt và soi sáng bởi chánh kiến, bởi công phu học tập và hành trì giáo pháp Giới-Định-Tuệ của Phật, có công năng thôi thúc nếp sống ly dục, thiền định và không chấp ngã. Đây là dòng tư duy trôi chảy trong đời sống của những người chuyên tâm học tập và hành trì giáo pháp giải thoát của Phật; thuật ngữ Phật học gọi lối tư duy này là như lý tác ý (yoniso-manasikàra) hay tâm đặt đúng hướng1, tức dòng tư tưởng không còn bị ám ảnh bởi ngã tưởng, không bị tham-sân-si chi phối, tập trung chính đáng vào việc nhận chân tính chất vô thường, khổ, vô ngã của hết thảy các pháp hay các hiện tượng nhằm loại bỏ tâm tham ái, chấp thủ, dần dần đi ra khỏi mọi mê lầm khổ đau. Đức Phật nêu rõ:
 
“Này các Tỷ-kheo, có phi như lý tác ý và như lý tác ý. Do phi như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt”.

Thế nào là phi như lý tác ý (ayoniso- manasikàra)?

“Này các Tỷ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý; vị này vì không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý. Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý? Này các Tỷ- kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng; hay vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Những pháp ấy là những pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý. Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp cần phải tác ý mà vị ấy không tác ý? Này các Tỷ- kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt; hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt; hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt. Những pháp ấy là những pháp cần phải tác ý mà các vị ấy không tác ý. Do vị ấy tác ý các pháp không nên tác ý, do vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Vị ấy phi như lý tác ý như sau: “Ta có mặt trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta đã có mặt như thế nào trong thời quá khứ? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai?” Hay nay vị ấy có nghi ngờ về mình trong thời hiện tại: “Ta có mặt hay ta không có mặt? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt hình vóc như thế nào? Chúng sanh này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu?”. Với người phi như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên: “Ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; “Ta không có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn; “Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; “Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn. “Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; hay tà kiến này khởi lên với người ấy: “Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia; chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại”.

 
Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược. Này các Tỷ-kheo, bị trói buộc bởi kiến kiết sử, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói kẻ ấy không thoát khỏi khổ đau”.

Và thế nào là như lý tác ý (yoniso-manasikàra)?

“Này các Tỷ-kheo, dở đâ, có vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, tuệ tri các pháp cần phải tác ý, tuệ tri các pháp không cần phải tác ý. Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý và tác ý các pháp cần phải tác ý. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp không cần phải tác ý và vị này không tác ý? Này các Tỷ- kheo, những pháp nào do tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng; hay vô minh lậu chưa sanh được khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Đó là những pháp không nên tác ý và vị ấy không tác ý. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt; hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt. Đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý. Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt. Vị ấy như lý tác ý: “Đây là khổ”, như lý tác ý: “Đây là khổ tập”, như lý tác ý: “Đây là khổ diệt”, như lý tác ý: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”. Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ”.

 
Nhìn chung, phi như lý tác ý là thói quen suy nghĩ gắn liền với cái “tôi” hay tư duy ngã chấp, hình thành và trôi chảy thường xuyên trong đời sống con người nói chung, đặc biệt là trong lối suy tư của những người chưa có cơ duyên tiếp xúc với giáo lý vô ngã của đạo Phật gọi chung là phàm phu hay phàm nhân. Do chưa có nhân duyên tiếp xúc học tập giáo pháp giác ngộ của Phật, kẻ phàm phu không biết rõ những gì cần tác ý (suy nghĩ, suy tư) và những gì không cần tác ý; vị ấy tác ý những gì không cần tác ý và không tác ý những gì cần tác ý, do vậy các lậu hoặc (hết thảy những gì tạo ra mê lầm khổ đau) chưa sanh được sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Vị ấy suy tư đến những vấn đề không thực đi đôi với ý niệm mơ hổ về tự ngã hay ngã tưởng, làm lớn mạnh thói quen chấp ngã như: “Ta có mặt trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta đã có mặt như thế nào trong thời quá khứ? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai?” Ta có mặt trong thời hiện tại, hay ta không có mặt? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt hình vóc như thế nào? Chúng sanh này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu?”. Do lối nghĩ tưởng mê lầm hay phi như lý tác ý như vậy, kẻ phàm phu càng chất chứa các ý tưởng hữu ngã, nuôi lớn cái “tôi”, càng tạo ra các ảo tưởng xoay quanh tự ngã, bị chi phối, ám ảnh, quay cuồng, rong ruổi không dứt trong thế giới ngã tưởng, rơi vào vực thẳm của các tư duy ngã chấp:

“Ta có tự ngã”;

“Ta không có tự ngã”;

“Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”;

“Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã”; “Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”; “Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại”.


Đức Phật gọi các tư duy trên là tà kiến (nhận thức sai lầm), kiến trù lâm (quan điểm u ám như rừng rậm), kiến hoang vu (lối suy nghĩ mơ hồ, hoang mang, không nhận rõ phương hướng), kiến hý luận (trò chơi của đầu óc), kiến tranh chấp (quan điểm gây nên tranh chấp, tranh luận), kiến kiết phược (lối tư duy trói buộc con người vào thế giới mê chấp khổ đau) (2); chúng là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, cảm giác mê đắm, sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những người bị tham ái chi phối (3); chúng chỉ là một loại tư duy mê lầm, một tâm thức vọng động, chấn động, một trò tiêu khiển tư tưởng, một ngã mạn, con đẻ của tham dục, là ung nhọt của tâm thức, là mũi tên độc cần phải trừ bỏ, cần phải loại bỏ (4). Vì sao? Vì chúng đưa đến khổ đau. Vì chúng là nguyên nhân của sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, các hệ quả khổ đau của sự kiện luân hồi do vô minh và ngã ái tạo ra. Chính lối tư duy nhầm lẫn hay phi như lý tác ý này tiếp tục giam cầm kẻ phàm phu trong vòng luân hồi khổ đau bất tận, không bao giờ được giải thoát hay tự do; tựa như kẻ trằn trọc thâu đêm chịu đựng đêm dài không ngủ, như người bộ hành ốm yếu cảm thấy mệt mỏi vì đường dài lê thê vậy (5):

Đêm dài cho kẻ thức,
Đường dài cho kẻ mệt,
Luân hồi dài, kẻ ngu,
Không biết chơn diệu pháp.

 
Như vậy, do không biết chơn diệu pháp, tức không thấu rõ lời Phật dạy về vô thường, khổ, vô ngã, không tập trung tư duy về khổ, khổ tập, khổ diệt và con đường đưa đến khổ diệt, kẻ phàm phu bị chìm đắm trôi lăn mãi trong vòng sanh tử khổ đau vì lối suy tư mê lầm hay phi như lý tác ý. Vị ấy tự trói buộc mình vào vòng luẩn quẩn khổ đau bởi chính nhận thức mê lầm và lối tư duy không thiết thực, không lợi ích của chính mình.
 
Khác với kẻ phàm phu bị rơi vào vòng luẩn quẩn khổ đau bởi lối tư duy hữu ngã, vị đa văn Thánh đệ tử nhờ thân cận học tập giáo pháp giác ngộ của Phật nên biết rõ những gì cần tác ý và những gì không nên tác ý. Vị ấy tập trung tác ý về sự thật khổ đau của thân ngũ uẩn, tư duy về tính chất vô thường, khổ đau, vô ngã của bản thân mình, nhận thức rõ tham ái là nguyên nhân của khổ đau, biết rõ sự đoạn trừ tham ái là chấm dứt khổ đau, thấy rõ Bát Thánh đạo hay Giới-Định-Tuệ chính là con đường đưa đến chấm dứt khổ đau. Nhờ như lý tác ý hay tập trung suy tư về khổ, tập, diệt, đạo theo đúng lời Phật dạy, vị đa văn Thánh đệ tử đoạn trừ được thân kiến (thái độ mê lầm chấp năm uẩn là ngã), nghi (hoài nghi về Phật pháp, không tin tưởng, do dự, phân vân, không quyết đoán, không tinh cần trong đường lối thực hành pháp giải thoát), giới cấm thủ (chấp thủ các lối tu tập sai lầm tà vạy), ba kiết sử đầu tiên trong số mười kiết sử có công lực giam cầm chúng sanh trong vòng luân hồi khổ đau, chứng được quả Dự lưu, dự phần vào Thánh đạo, quyết chắc hướng đến giải thoát giác ngộ, chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau.
 
Tóm lại, có hai khuynh hướng tư duy dẫn đến hai hệ quả khác nhau được nói đến trong đạo Phật. Một loại gọi là phi như lý tác ý (ayoniso- manasikàra), tức lối tư duy mê lầm, vận hành theo hướng khiến tăng trưởng dục vọng và ngã chấp, đưa đến kết quả khổ đau. Loại thứ hai là như lý tác ý (yoniso-manasikàra), tức lối tư duy đúng đắn, trôi chảy theo hướng có khả năng làm muội lược dục vọng và vô minh, đưa đến chứng ngộ tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Người con Phật được khuyên từ bỏ lối tư duy thứ nhất, phi như lý tác ý, để chuyên tâm vào lối tư duy thứ hai, như lý tác ý, với mục đích nhận rõ bản chất như thật - duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã - của các pháp nhằm đi ra khỏi mọi mê lầm khổ đau.

--------------------------------
1. Kinh Tâm đặt sai hướng, Tăng Chi Bộ.
 
2. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.
 
3. Kinh Phạm võng, Trường Bộ.
 
4. Kinh Bó lúa, Tương Ưng Bộ.
 
5. Pháp Cú, kệ số 60.

Tác giả bài viết: Nguyên Vân