Thế Tôn báo hiếu Phụ Vương

Đức vua nước Xá-di là Tịnh Phạn, từng dùng chánh pháp làm phương châm cai trị, lấy nhân nghĩa đạo đức để cảm hóa nhân dân, mở lồng từ bi đối với muôn loài. Bấy giờ Ngài đang lầm trọng bệnh, các quan Ngự y hết lòng điều trị, nhưng bệnh mỗi ngày một nặng, đức vua cảm thấy ưu phiền.
Thấy thế, các vua Bạch Phạn, Hộc Phạn và Đại Xưng (các em vua Tịnh Phạn) đồng tâu “Đại vương bình sinh không thích làm điều ác thường vun bồi đức hạnh trong từng giây phút, chăm sóc thần dân tận tụy, khiến mọi người đều dược an lạc, thanh danh vang khắp bốn phương thế thì ngày nay có gì phải ưu sầu?”

Vua Tịnh Phạn bảo các vương đệ. “Dù ta có mệnh chung cũng chẳng phải là điều đáng khổ tâm, ta chỉ ân hận là không thấy mặt các con ta là Tất đạt và Nan-đà, hiện đã đoạn trừ xong những tham dục ở cõi đời này. Ta cũng ân hận là không gập được con của Hộc Phạn vương là A- nan-đà, người giữ gìn tạng pháp của Phật, không mất một lời. Tại ta ân hận vì không thấy mặt cháu ta là La-vân, tuổi tuy còn trẻ mà thần túc hoàn bị, giới hạnh đầy đủ. Ví mà ta gặp được các con cháu ta, thì dù bệnh có nguy kịch cũng chẳng có chi là đau khổ”.

Bấy giờ Thế Tôn đang ngự tại núi Linh Thứu, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy phụ vương đang lâm trọng bệnh, bèn báo tin cho Nan-đà, La-vân và A-nan. Hay tin ấy, các vị này đều xin phép Thế Tôn về triều để thăm viếng đức vua. Nan-đà nói: “Đức vua Tịnh Phạn vốn là phụ vương của chúng ta, từng sinh con Thánh, lợi ích thế gian, nay chúng ta phải về thăm để báo ân sinh thành dưỡng dục”. A-nan thưa: “Đức vua Tịnh Phạn là bá phụ của tôi, đã cho phép tôi xuất gia theo Phật, thế nên tôi cũng xin phép về thăm”. La-vân bùi ngùi bạch Phật: “Thế Tôn tuy là cha của con, nhưng bỏ nước nhà ra đi tìm đạo, con nhờ Tổ phụ nuôi dưỡng mà trưởng thành, mới được xuất gia; thế nên con cũng muốn trở về hầu thăm Tổ phụ”.

Thế Tôn bèn hoan hỷ chấp nhận những lời cầu xin ấy, rồi hướng dẫn mọi người trở lại hoàng cung. Trên đường đi, Thế Tôn thấy dân chúng đang buồn thảm than khóc, vì họ được tin vị lãnh dạo đầy nhân từ của dân tộc đang lầm trọng bệnh sắp từ trần. Phật thấy tình cảnh ấy, an ủi họ: “Vô thường ly biệt là lẽ tất nhiên xưa nay, các người hãy  suy nghĩ về những nỗi khổ sinh tử mà cấu đạo để tìm con đường thoát khổ”.

Đức vua hay tin Thế Tôn đưa Nan-đà, La-vân về thăm, tinh thần bỗng nhiên phấn chấn khác thường, thân thể trở nên nhẹ nhõm, ngài đã gượng ngồi dậy trong chốc lát. Khi ấy Thế Tôn từ từ tiến vào hoàng cung, đức vua trông thấy chấp tay vái chào và nói: “Xin Như Lai hãy đặt tay lên mình tôi cho đỡ bớt cơn đau. Tôi đang đau đớn dữ dội, không thể chịu nổi, có lẽ sắp lìa bỏ cõi đời. Lần này chắc chắn là lần cuối cùng mà tôi gặp lại Thế Tôn, tôi không còn ân hận gì nữa”.

Phật thấy phụ vương lâm bệnh nặng, thân thể gầy yếu, sắc mặt biến đổi, tinh thần uể oái, bèn nói với Nan-đà: “Nghĩ lại Phụ vương xưa kia thân thể tráng kiện, dung mạo đoan trang, danh tiếng lẫy lừng mà nay lâm trọng bệnh đến nỗi tinh thần không còn tỉnh táo. Thế thì các nét đoan trang, tráng kiện xưa kia ngày nay đâu rồi?!”. Đoạn, Thế Tôn thưa phụ vương: “Kính thưa Phụ vương chớ có ưu sầu. Vì đạo đức của Phụ vương trong sáng, hoàn hảo,chẳng khiếm khuyết điều gì”. Rồi Phật đưa bàn tay vàng ánh như đóa sen nở đặt trên trán vua và tiếp: “Phụ vương là người giữ giới thanh tịnh, tâm cấu nhiễm đã xa lìa, nay không nên sầu não mà hãy nghĩ suy về nghĩa lý của kinh giáo, vì mọi vật không có gì bền chắc hết. Vậy Phụ vương hãy hoan hỷ, dù mạng sống có kết thúc vẫn giữ tâm hồn bình thản”.

Bấy giờ vua Đại Xưng cung kính thưa với đức vua: “Phật là con của Đại vương, thần lực siêu việt, không một ai bằng. Nan-đà cũng là con thứ cứa Đại vương, đã qua khỏi biển ái dục sinh tử, được đạo quả vô ngại. Còn A-nan-đà, con của Hộc Phạn vương, cũng đã uống được pháp vị cam lồ; pháp của Phật thuyết giảng mênh mông như biển cả mà A-nan ghi nhớ trọn vẹn, không quên một câu. Cháu của Đại vương là La-vân, đạo đức tinh thuần, chỉ chờ công phu Thiền định nữa là thành tựu bốn đạo quả. Tất cả bốn người ấy ngày nay đều đã chọc thủng lưới ma”.

Tịnh Phạn vương nghe những lời an ủi ấy, vui mừng khôn xiết, không còn kiềm chế được, liền đưa tay ra cầm tay Thế Tôn đặt lên trái tim mình, chấp tay tỏ ý cảm tạ Thế Tôn. Ngay khi ấy, vô thường vụt đến, khí tan mệnh tuyệt, thần thức chuyển sang đời khác.

Thế rồi, con cháu trong hoàng tộc chuẩn bị làm lễ nhập quan, rồi tôn trí kim quan trên tòa sư tử, rắc hoa, đốt hương cúng dường. Phật cùng Nan-đà cung kính đứng hầu phía trước kim quan; A-nan và La-Vân đứng hầu dưới chân kim quan.

Thế rồi, giờ phút di quan trà tỳ đã đến,Thế Tôn uy quang rực sáng, tướng hảo đoan nghiêm, tự mình bưng lư hương đi trước, đến nơi hỏa táng Bấy giờ, hàng nghìn vị A-la-hán ở núi Linh Thứu cũng tề tựu về đây để tham dự lễ tang. Lúc quan tài được đặt lên giàn hỏa, Phật và dại chúng bắt đầu châm lửa. Khi ngọn lửa cháy mạnh, nhiều người hướng về phía Phật khóc than bí thầm. Những người đắc đạo thì xem đó như một việc tốt lành. Còn những người chưa đắc đạo thì bàng hoàng xúc động, lông tóc dựng ngược. Phật nói với bốn chúng: “Thế gian vô thường, khổ, không, vô ngã, tất cả đều như huyễn hóa, chẳng có gì kiên cố hết. Thân giả tạm này như làn hơi bấc lên khi trời nắng, như mặt trăng dưới nước, mạng sống không thể tồn tại mãi mãi. Các người chỉ biết sức nóng của ngọn lửa hỏa thiêu này mà khổng biết rằng ngọn lửa tham dục còn nóng hơn gấp bội. Thế nên các người cần phải nỗlực, mong cầu thoát ly sinh tử, đạt đến an lạc vĩnh viễn”.

Khi ấy các vua dùng sữa rưới cho lửa tắt, rồi nhặt láy hài cốt của đức Tịnh Phạn dựng vào những chiếc hộp vàng, chuẩn bị xây tháp để cúng dường. Đại chúng khi ấy đồng thanh thưa hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, đức vua Tịnh Phạn giờ đã mệnh chung, chẳng hay thần thức sinh vào nơi nào? Kính xin Thế Tôn chỉ bảo cho mọi người được rõ”. Đức Phật nói với đại chúng: “Phụ vương Ta là người giới hạnh thanh tịnh, đạo đức trong sáng, nên được sinh về cảnh giới Tịnh cư thiên.”

Kỳ thay! Sự chuyển biến của định luật vô thường là thế đó! Những gì có hình tướng đều không thoát khỏi tình trạng hủy hoại. Thế nên, dù có bậc Thiên Tôn (Phật) bảo hộ mà tính mệnh cũng không thể kéo dài, đặt tay mình lên chỗ quả tim mà không thể cứu sống. Hễ báo thân hết thì vô thường vụt đến, mạng sống sẽ kết thúc. Vì vậy các bậc Thánh hiền xưa nay, chỉ chú trọng việc tu tập để được đạo quả giải thoát mà ít quan tâm đến cái thân phù du bèo bọt này.

(Thích Phước Sơn - Lược dịch theo Thích-ca Phổ, Đ.50, tr.53a - 54b)