Nhớ những mùa Trung Thu cũ

Nghe những bậc cao niên kể lại, tết Trung Thu đã có từ lâu lắm rồi. Có 3 truyền thuyết chính được nhắc đến nhiều nhất để nói về nguồn gốc tết Trung Thu, đó là: Hằng Nga và Hậu Nghệ, Đường Minh Hoàng du nguyệt điện và sự tích chú Cuội của Việt Nam. Theo phong tục người Việt, tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu tức rằm tháng 8 âm lịch. Vào đêm ấy, người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng. Nhân dịp này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, còn trẻ em rước đèn, đi xem múa lân, hát các bài hát chủ đề Trung Thu và vui hưởng bánh kẹo, trái cây do cha mẹ bày ngoài sân dưới hình thức một mâm cỗ.
Mỗi năm, vào những ngày đầu tháng 8 âm lịch đến rằm, Sài Gòn bắt đầu rộ lên không khí chuẩn bị đón tết Trung Thu. Cứ đến mùa này, các hàng bánh Trung Thu nhan nhản mọc lên khắp nơi, nhiều nhất ở dọc các con phố chính hoặc khu chợ. Bánh Trung Thu được bày bán trong các tủ kính đủ các loại, nào là: bánh thập cẩm, bánh đậu xanh nhân trứng, bánh dẻo nhân mứt, bánh in, bánh bía… Kèm theo bánh Trung Thu là những chiếc lồng đèn đủ kiểu đủ dáng: đèn ngôi sao, đèn kéo quân, đèn cá chép, thiên nga, thỏ ngọc, bươm bướm, thuyền buồm, đèn xếp v.v… trông khá bắt mắt. 

Nghe những bậc cao niên kể lại, tết Trung Thu đã có từ lâu lắm rồi. Có 3 truyền thuyết chính được nhắc đến nhiều nhất để nói về nguồn gốc tết Trung Thu, đó là: Hằng Nga và Hậu Nghệ, Đường Minh Hoàng du nguyệt điện và sự tích chú Cuội của Việt Nam. Theo phong tục người Việt, tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu tức rằm tháng 8 âm lịch. Vào đêm ấy, người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng. Nhân dịp này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, còn trẻ em rước đèn, đi xem múa lân, hát các bài hát chủ đề Trung Thu và vui hưởng bánh kẹo, trái cây do cha mẹ bày ngoài sân dưới hình thức một mâm cỗ. 

Tôi nhớ cách đây mấy mươi năm, lúc còn học tiểu học, cứ đến mùa Trung Thu là đám con nít chúng tôi rất mừng. Đó là dịp để chúng tôi được vui chơi, rước đèn, ca hát, phá cỗ do ba mẹ, anh chị bày cho, nhất là được tha hồ ăn bánh kẹo mà không sợ bị quở mắng là “ăn nhiều kẹo bị hư răng!”. 
 

 
Trước tết Trung Thu vài hôm, ba mẹ tôi đã mua bánh, trà, trái cây để biếu họ hàng, người quen. Lồng đèn cũng được ba mẹ mua trước đó để chúng tôi chuẩn bị rước đèn cùng đám trẻ trong xóm. Nhưng đám con nít thường sốt ruột không thể đợi lâu, ngay tối 14 âm lịch, chúng tôi đã đồng loạt rủ nhau xếp hàng rồng rắn đi rước đèn khắp các khu phố. Dịp này, hầu như đứa trẻ nào cũng thuộc bài hát “Rước đèn tháng tám”. Chúng tôi vừa cầm đèn “diễu hành”, vừa hát vang “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm”… Rồi tiếp theo, bài “Thằng cuội”: “Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to. Có thằng Cuội già. Ôm một mối mơ”… Ngày đó, trẻ con vui tết Trung Thu thường không phân biệt hoàn cảnh. Con nhà khá giả thì rước đèn thiên nga, đèn kéo quân, đèn bươm bướm… Con nhà nghèo thì rước đèn xếp, đèn lon, đèn cầy… Miễn có đèn vui chơi là được! 

Đêm rằm tháng 8, khi trăng vừa lên cao, đã thấy nhiều gia đình trong xóm bày cỗ cúng trăng. Trên mâm cỗ thường bày bánh Trung Thu, trà, kẹo, mía, các loại trái cây... Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Sau khi cúng gia tiên, cúng trăng, ba mẹ tôi chia bánh trái cho con cháu, rồi cả nhà quây quần bên mâm cỗ thưởng thức bánh Trung Thu bên tách trà thơm. Bọn trẻ chúng tôi lại rủ nhau rước đèn, vừa ăn bánh, vừa hát vang khắp khu phố… 

Ngày nay, thời buổi kinh tế thị trường, hình như người ta hờ hững với Trung Thu hơn. Có lẽ do việc kiếm tiền quá khó khăn nên nhiều gia đình không “mặn” đón tết Trung Thu, mặc dù các quầy hàng vẫn bày bán bánh, bán lồng đèn trước cả tháng. Bánh nướng Trung Thu nhân đậu xanh một trứng giá cũng đã 40.000 đồng/cái; còn một chiếc đèn lồng giấy xếp giá “bèo” nhất cũng 10.000 đồng, thử hỏi những hộ lao động nghèo sao không khỏi đắn đo? 

Trẻ em bây giờ đa số mê vào quán net, mê chơi games hơn đi rước đèn. Tôi nhớ đêm Trung Thu năm ngoái, mặc dù trời quang mây tạnh, nhưng khu phố tôi ở chỉ thấy lác đác dăm ba đứa trẻ chơi đèn lồng. Bánh Trung Thu chỉ thấy xuất hiện trên bàn của những gia đình làm ăn nên ra, còn đa số những hộ nghèo hầu như ít quan tâm. Vì thế nên mới có chuyện sau rằm tháng 8, nhiều quầy bán bánh Trung Thu đã rầm rộ treo bảng “đại hạ giá” hoặc khuyến mãi “mua 1 tặng 2”!!

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hải Thảo