Cận cảnh tái hiện lễ thượng nêu trong kinh thành Huế

Thượng nêu là một nghi lễ có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người Việt. Đây cũng là nét đặc trưng trong phong tục cung đình ngày xưa của triều Nguyễn vào những ngày giáp Tết Nguyên đán.
Sáng nay (1/2), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức tái hiện nghi lễ thượng nêu (còn gọi dựng nêu – PV) trong Hoàng cung – Đại Nội Huế.
 

Cận cảnh tái hiện lễ thượng nêu trong kinh thành Huế

Theo huyền sử trong dân gian thì nguồn gốc lễ dựng nêu thiên về Phật giáo. Ngày xưa, quỷ thường chiếm đất đai của con người, Phật phải ra tay giúp đỡ. Với thần thông vô biên, Phật đã đẩy lùi được ma quỷ, nhưng lại khiến cho quỷ không có đất kiếm ăn, nên phải cầu khẩn đến Phật cho biết chỗ đất nào không phải là của Phật. Lúc này, Phật mới bảo ở đâu có chuông, phướn là đất của Phật.

Cận cảnh tái hiện lễ thượng nêu trong kinh thành Huế

Qua đó, Phật mới dạy dân dựng cây tre cao, trên đó có treo chuông, phướn, đồng thời rải vôi đánh dấu, vẽ hình cung tên làm giới hạn. Cây tre càng cao bóng tỏa càng rộng, thì ma quỷ càng sợ và xa lánh.

Cận cảnh tái hiện lễ thượng nêu trong kinh thành Huế

Từ đó, nêu được dựng trước Điện Thái Hòa, các miếu trong Đại Nội, dinh phủ, đình chùa và trước nhà của gia chủ. Lễ dựng nêu được diễn ra rất uy nghiêm và phải là viên quan hàm “Tam phẩm” trở lên mới được nhận chỉ dụ của nhà vua làm chủ lễ.

 

Cận cảnh tái hiện lễ thượng nêu trong kinh thành Huế

Để tái hiện nghi thức độc đáo này, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phục dựng lễ dựng nêu với đầy đủ nghi lễ, bắt đầu từ cửa Hiển Nhơn để vào Hưng Miếu, Thế Miếu. Đoàn rước nêu gồm quân lính áo vàng, áo đỏ, đội Đại nhạc, Tiểu nhạc… và sau khi tổ chức tại Thế Miếu, lễ dựng nêu tiếp tục được tổ chức tại khu vực điện Long An (Bảo tàng cổ vật Huế) với các nghi lễ tương tự.

Cận cảnh tái hiện lễ thượng nêu trong kinh thành Huế

Cây tre để dựng nêu là loại tre đực, cao, to và khỏe.

Cận cảnh tái hiện lễ thượng nêu trong kinh thành Huế

Cận cảnh tái hiện lễ thượng nêu trong kinh thành Huế

Bên cạnh đó, lễ dựng nêu cũng được tổ chức tại nhiều điểm di tích khác trong quần thể di tích cố đô Huế nhưng với quy mô đơn giản hơn diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết. Với nghi thức “độc nhất vô nhị” ở xứ Huế, du khách và người dân đến tham quan quần thể di tích Cố Đô Huế những ngày này sẽ được chứng kiến nét đẹp văn hóa của người Việt đang được duy trì và tiếp nối trong đời sống tâm linh.

Cận cảnh tái hiện lễ thượng nêu trong kinh thành Huế

Trên ngọn nêu được treo chuông, phướn, ấn tín, bút lông, đoản kiếm… nên phải cử lính canh cho đến ngày khai hạ. Sau lễ dựng nêu, triều đình thường cho bắn súng lệnh từ Kỳ Đài để cáo với đất trời. Tiếng súng lệnh dứt, từ khắp các huyện, phủ và triều đình sẻ nghỉ ngơi sau một năm lao động nhọc nhằn để ăn Tết và du Xuân.

Cận cảnh tái hiện lễ thượng nêu trong kinh thành Huế

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố Đô Huế cho biết: “Việc phục dựng lại nghi thức lễ dựng nêu là nhằm giữ lại một nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống Tết của người Việt. Đồng thời, góp phần tạo không khí Tết ấm áp ở khu vực đền miếu, cung điện trong những ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thiêng liêng của Tổ quốc”.

Cận cảnh tái hiện lễ thượng nêu trong kinh thành Huế

Lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố Đô Huế, nhất tâm cầu nguyện trước bàn thờ dựng nêu với bộ trang phục truyền thống.

Phi Hoàng (tphue.net)