Hòa thượng Thích Thanh Nhã nói về vấn đề nghi lễ Phật giáo

Nghi lễ của Phật giáo thể hiện sự trang nghiêm, tôn kính tới người sáng lập (đức Bổn sư), nghi lễ còn là sự biểu hiện lòng tôn kính và tin tưởng của mọi người đối với Tam Bảo một cách có hệ thống.

ht thanh nha

Hòa thượng Thích Thanh Nhã – Phó trưởng Ban TT Ban nghi lễ T.Ư GHPGVN

PV: Kính bạch Hòa thượng, GHPGVN có rất nhiều nghi lễ quan trọng. Kính xin Hòa thượng chia sẻ cho đại chúng được biết về ý nghĩa  nghi lễ trong  Phật giáo.

HT.Thích Thanh Nhã: Phật giáo có rất nhiều nghi lễ dành cho chư tăng và tại gia, hiện nay chư hành giả vẫn giữ nếp cổ xưa thực hành với các thời khóa  hằng ngày như: khóa sáng, khóa trưa và khóa tối. Đây chính là những nghi lễ chính thức của người tu hành trong các chùa hành đạo nhằm giữ quy củ hành gia theo đúng chính pháp.

Đối với các phật tử tại gia việc tu tập có sự kết hợp giữa đời với đạo cũng rất quan trọng, do vậy việc hành trì đối với phật tử tại gia  nên thật đơn giản để đem đến lợi lạc. Nếu các phật tử có điều kiện thì hành trì, tụng kinh theo các thời khóa. Nếu ai không có điều kiện thì có thể thực hành nghi thức ngồi thiền, niệm Phật…Khi niệm Phật, phật tử phải nhất tâm, công đức mới được thành tựu.

Nghi lễ là chỉ chung cho nghi thức tụng niệm hành lễ, sinh hoạt, trong phạm vi tín ngưỡng thờ phụng của một tôn giáo. Bất cứ một tôn giáo nào đều phải có những hình thức nghi lễ để tiêu biểu tinh thần đạo vị của mình. Mục đích vẫn là chí thành cầu nguyện, tán thán công đức vị Giáo chủ mà mình đã quy ngưỡng  tôn thờ.

PV: Hòa thượng đánh giá như thế nào về ý nghĩa của các nghi lễ như cầu siêu, cầu an… đối với hàng phật tử ?
 
HT.Thích Thanh Nhã: Đạo Phật  không phải là một tôn giáo chỉ chú trọng về phương diện nghi lễ, nhưng nhờ có sinh hoạt nghi lễ mà đưa người vào đạo Phật một cách dễ dàng. Như cầu an cho người bệnh hoạn, tai nạn…, cầu siêu bạt độ cho người lâm chung.v.v…Đó là những phương tiện thực tế để điều hòa lý trí, gieo rắc tình cảm của con người, an ủi tinh thần cho người còn cũng như kẻ mất. Vì thế, nghi lễ cũng là vấn đề quan trọng và có nhiều lợi lạc trong đạo Phật.

Về ý nghĩa cầu an là mục đích sám hối tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng, tránh mọi bệnh hoạn, tai họa và nghiệp báo, để được thân tâm an lạc, phước huệ trang nghiêm, đạo tâm kiên cố, bồ đề tăng trưởng. Cầu an còn là cầu nguyện trong những trường hợp tai họa, ốm đau do nguyên nhân tội lỗi gây ra. Chúng ta phải nhất tâm trì niệm tụng kinh, niệm Phật, trì chú, Bái sám hồng danh.v.v…đối trước Tam Bảo. Chính nhờ sức mạnh của tinh thần cầu nguyện này, mà giao cảm đến Chư Phật, Bồ tát sẽ gia hộ cho chúng ta sớm đạt được như ý.

Còn về ý nghĩa của việc cầu siêu là mục đích sám hối tội lỗi cho người quá vãng, hầu chuyển nghiệp nhân xấu của người, khiến họ xa lìa quả báo đau khổ, rời khỏi cảnh giới tối tăm đọa đày, cầu cho thần thức người được nhẹ nhàng thảnh thơi, siêu sinh về nơi thế giới tịnh lạc, chóng thoát luân hồi.

Chúng ta là những người đệ tử Phật phải luôn  thực hành trong chính pháp tu tập theo lời đức Phật dạy nhằm đạt đến sự giải thoát, xóa bỏ mê mờ đẻ có được cuộc sống an lạc.

PV: Kích bạch Hòa thượng  mục đích của các buổi lễ tâm linh trong các chương trình sự kiện phật sự là gì?

HT.Thích Thanh Nhã: Các buổi lễ tâm linh tại các chương trình sự kiện được GHPGVN tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng, các buổi lễ đều mang tính linh thiêng và màu nhiệm, nhằm cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân dân an lạc.

Để thực hiện nghi lễ là thể hiện nội dung, ý nghĩa của từng buổi lễ. Tất cả những nội dung ấy được thể hiện trong một không gian  linh thiêng với những  lễ nhạc như chuông, mõ, khánh, kèn, trống… tạo nên một không khí trang nghiêm thanh tịnh.

Nghi lễ Phật giáo Việt Nam tùy theo từng vùng miền mà nghi thức hành lễ có phần giống nhau và khác nhau, nhưng điểm chung nhất là tạo niềm tin và đem lại niềm an lạc cho người sống lẫn người đã khuất. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng Nghi lễ là một trong những pháp môn hành đạo, phương tiện truyền giáo để cảm hóa lòng người, đưa họ quay về chính đạo. Từ ý nghĩa đó, thông qua Nghi lễ đã góp phần quan trọng trong việc củng cố và tăng trưởng niềm tin chính pháp, tạo sự an lạc, cùng an trú trong chính niệm và giây phút hiện tại, có như vậy buổi lễ tâm linh mới có được sự linh nghiệm và lợi lạc.
 
PV: Hòa thượng có thể chia sẻ lợi ích về việc cầu siêu trong đám hiếu, hiện nay nhiều gia đình muốn mời các sư thầy về làm lễ, nếu không mời được sư thầy thì nên làm thế nào..?

HT.Thích Thanh Nhã: Cầu siêu là cầu nguyện cho người sau khi lâm chung, thời gian 49 ngày, cứ mỗi thất làm tuần, hoặc ngày giáp năm hay húy kỵ.v.v..Trong thời gian này, gia quyến cần đặt vấn đề cầu nguyện và hiếu sự lên trên hết, nên tránh tất cả sự sát hại sinh linh và bao nhiêu việc làm khác có tính cánh gây tội lỗi, cần nhất là người cầu nguyện phải trai giới thanh tịnh, vận hết lòng thành tập trung vào việc tụng Kinh, niệm Phật, sám hối để cầu nguyện.

Bên cạnh đó thân nhân của người quá vãng cần làm thêm những việc từ thiện: Phóng sinh, bố thí, cúng dường, ấn tống Kinh điển.v.v…Đó là ý nghĩa cầu siêu và việc cần làm của người còn đối với người mất vậy.

Nếu không thể mời được thầy về làm lễ thì gia đình vẫn có thể tự hành trì tụng niệm theo quyển CHƯ KINH NHẬT TỤNG, nhất tâm niệm Phật để vong linh được siêu thoát, công đức vô lượng vô biên.

PV: Kính bạch Hòa thượng trong thời gian tới để giữ gìn, phát huy truyền thống và bản sắc Nghi lễ Phật giáo Việt Nam, ban nghi lễ T.Ư sẽ thực hiện như thế nào?

HT.Thích Thanh Nhã: Nghi lễ Phật giáo nước ta  có sự hòa nhập của nghi lễ dân gian  mang sắc thái của ba miền Bắc, Trung, Nam. Tất cả hòa nhập một cách hài hòa, nhuần nhuyễn, tinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, tư tưởng, tình cảm của đa số quần chúng.

Hằng năm các nghi lễ chính của Phật giáo vẫn  được duy trì như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan các ngày vía Phật …các nghi lễ luôn được hành đạo để duy trì tông phong của mỗi vùng miền, tùy duyên và tín ngưỡng của từng địa phương mà tổ chức.

Do tính chất quan trọng của nghi lễ Phật giáo, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cùng ngành Nghi lễ từ Trung ương đến địa phương đã, đang ra sức củng cố, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam thông qua Nghi lễ với mục đích tăng cường sức lan tỏa giáo lý của đức Phật, góp phần tạo niềm tin vững chắc của quần chúng phật tử vào ngôi Tam Bảo, tạo nên một xã hội hiền thiện với nguồn sống tâm linh lành mạnh.

Hiện nay Ban nghi lễ còn gặp khó khăn trong việc  thống nhất nghi lễ tụng niệm 3 miền Bắc, Trung, Nam, nghi lễ được tổ chức mỗi nơi với nhiều hình thức khác nhau thùy thuộc vào sắc thái đặc thù của từng vùng miền, của sơn môn, hệ phái. Trong thời gian tới cần có sự vào cuộc của HĐCM; HĐTS, các cấp lãnh đạo cùng  Ban nghi lễ Trung ương sẽ có kế hoạch, định hướng lâu dài để từng bước triển khai thực hiện thống nhất nghi lễ trong toàn quốc, góp phần vào sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, nhằm đem lại niềm  an lạc và hạnh phúc cho mọi người.

Con xin chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Cẩm Vân thực hiện

Nguồn tin: phatgiao.org.vn