Nhớ cây nêu ngày Tết

Cuộc sống phát triển hiện đại đồng nghĩa với việc những phong tục xưa cũng dần đi vào quên lãng hoặc được rút gọn. Khá nhiều tập tục xưa đã không còn được nhớ đến, thế nhưng đôi khi chính điều bé nhỏ như trồng cây nêu ngày Tết lại giúp mọi người cảm nhận rõ ràng hơn ngày Tết đã đến rồi.
 

Ngày dựng cây nêu gọi là lên nêu thường vào 23 tháng Chạp, ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu. Trong ảnh là cây nêu ngày Tết độc đáo của người dân tộc Cơtu - Quảng Nam.



 

Cây nêu thường là cây tre cao khoảng 5 - 6m. Người ta sẽ treo vải, một cái khánh bằng đất nung, cá chép giấy và một cái vành có buộc lá.



 

Tùy nơi còn có tục treo trên cây nêu ngày Tết bùa trừ tà, nhánh cây xương rồng, bầu rượu kết bằng rơm... việc này có ý nghĩa trừ tà ma.

 

Hoa văn tinh xảo, màu sắc tuyệt đẹp trên cây nêu trong ngày Tết ngã rạ (mừng lúa mới) ở xã Bình An.

 

Đi kèm với phong tục cây nêu ngày Tết, dân gian còn có điều kiêng cữ là từ ngày dựng nêu đến hạ nêu, chuyện nợ nần vay mượn không được đòi, mà phải đợi sau ngày hạ nêu.



 

Trên ngọn nêu có buộc nhiều thứ (tùy từng địa phương) như cái túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ.

 

 

Khi có giỏ thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng như tiếng phong linh, rất vui tai. Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…



Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để Tổ tiên về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may.



Trong các lễ hội, cây nêu là tiêu điểm tập trung, cố kết tâm thức cộng đồng. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới.



Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ dưới cây nêu ngày Tết, quên đi những ưu phiền của năm cũ.


Tác giả bài viết: Minh Tuệ