Tỷ-kheo Rattapàla nói về lý do xuất gia

Đăng lúc: Thứ hai - 09/10/2017 22:03 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Trong cách giáo dục của Ngài, Đức Phật thường tán dương và nhắc nhở các học trò của mình về ý nghĩa và mục đích của việc xuất gia:
Xuất gia (nekkhamma) là một thuật ngữ Phật học dùng để chỉ cho một người quyết tâm rời bỏ đời sống gia đình gắn liền với các trách vụ và lạc thú của người thế gian để theo đuổi đời sống không gia đình của người tu sĩ với mục đích “cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn” đi đôi với lý tưởng tự lợi và lợi tha. Đó là một lý tưởng sống cao đẹp mà người ta cần phải nhận thức cho thật đúng và cần phải sửa soạn cho thật kỹ trước khi quyết định theo đuổi. Vì nếu thiếu hiểu biết đúng đắn về ý nghĩa và mục đích xuất gia thì không thể sống đời sống của người tu sĩ một cách đúng nghĩa. Tương tự, nếu không trang bị cho thật tốt về ý chí và lý tưởng xuất gia thì cũng không thể đặt để những bước đi tiến bộ và lợi lạc trong đời sống của người tu sĩ. Trong cách giáo dục của Ngài, Đức Phật thường tán dương và nhắc nhở các học trò của mình về ý nghĩa và mục đích của việc xuất gia:
 
“– Lành thay, lành thay, này các Anuruddha. Này các Anuruddha, thật xứng đáng cho các Ông, những Thiện gia nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông có hoan hỷ trong Phạm hạnh. Này các Anuruddha, trong khi các Ông với tuổi trẻ tốt đẹp, trong tuổi thanh xuân, với tóc đen nhánh, có thể hưởng thụ các dục lạc, thời các Ông, này các Anuruddha, với tuổi trẻ tốt đẹp, trong tuổi thanh xuân, với tóc đen nhánh, lại xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này các Anuruddha, các Ông không vì mệnh lệnh của vua mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Các Ông không vì mệnh lệnh của kẻ ăn trộm mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Các Ông không vì nợ nần mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Các Ông không vì sợ hãi mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Các Ông không vì mất nghề sinh sống mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng có phải với tư tưởng như sau: “Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này” mà các Ông, này các Anuruddha, vì lòng tin, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình?

Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.


Để thấy rõ hơn về lý do xuất gia của những người Phật tử quyết tâm rời bỏ gia đình, sống đời Phạm hạnh của người tu sĩ, chúng ta đọc và chiêm nghiệm cuộc đàm đạo lý thú sau đây giữa vị vua Koravya xứ Kuru và Tôn giả Ratthapala:
 
“Rồi vua Koravya ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, vua Koravya bạch Tôn giả Ratthapala:
 
– Bạch Tôn giả Ratthapala, có bốn sự suy vong này. Chính do thành tựu bốn sự suy vong này mà ở đây, có người cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế nào là bốn? Lão suy vong, bệnh suy vong, tài sản suy vong, thân tộc suy vong. Thưa Tôn giả Ratthapala, thế nào là lão suy vong? Ở đây, thưa Tôn giả Ratthapala có người niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung. Vị ấy suy tư như sau: “Nay ta đã già, niên cao lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung. Thật không dễ gì cho ta thâu được các tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm tăng trưởng các tài vật đã thâu hoạch. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Vị này, do thành tựu lão suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala được gọi là lão suy vong. Nhưng Tôn giả Ratthapala nay còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời; Tôn giả Ratthapala đâu có lão suy vong? Vậy Tôn giả Ratthapala đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?
 
Và thưa Tôn giả Ratthapala, thế nào là bệnh suy vong? Ở đây, thưa Tôn giả Ratthapala, có người bị bệnh, khổ đau, mang trọng bệnh. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta bị bệnh, khổ đau, mang trọng bệnh, thật không dễ gì cho ta thâu được các tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm tăng trưởng các tài vật đã thâu hoạch được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Vị này do thành tựu bệnh suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, được gọi là bệnh suy vong. Nhưng Tôn giả Ratthapala nay ít bệnh, ít não, tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng; Tôn giả Ratthapala đâu có bệnh suy vong? Vậy Tôn giả Ratthapala đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình?
 
Và thưa Tôn giả Ratthapala, thế nào là tài sản suy vong? Ở đây, thưa Tôn giả Ratthapala, có người giàu sang, tiền của nhiều, tài vật nhiều, và những tài vật của vị ấy dần dần đi đến chỗ suy vong. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta trước đây giàu sang, tiền của nhiều, tài sản nhiều. Những tài vật ấy của ta dần dần đã đi đến suy vong. Thật không dễ gì cho ta thâu được những tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm cho tăng trưởng những tài vật đã thâu hoạch được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Vị này do thành tựu tài sản suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, được gọi là tài sản suy vong. Nhưng Tôn giả Ratthapala chính tại Thullakotthita này, là con của một lương gia đệ nhất; Tôn giả Ratthapala đâu có tài sản suy vong? Vậy Tôn giả Ratthapala đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình?
 
Và thưa Tôn giả Ratthapala, thế nào là thân tộc suy vong? Ở đây, thưa Tôn giả Ratthapala, có người có nhiều thân hữu quen biết, bà con huyết thống, những thân hữu quyến thuộc của người ấy dần dần đi đến chỗ suy vong. Người ấy suy tư như sau: “Trước kia, ta có nhiều người thân hữu quen biết, bà con huyết thống. Những thân hữu quyến thuộc ấy của ta dần dần đi đến chỗ suy vong. Thật không dễ gì cho ta thâu được những tài vật chưa thâu hoạch được, hay làm cho tăng trưởng những tài vật đã thâu hoạch được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Vị này do thành tựu thân tộc suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, được gọi là thân tộc suy vong. Nhưng Tôn giả Ratthapala ở chính tại Thullakotthita này, có nhiều thân hữu quen biết, bà con huyết thống; Tôn giả Ratthapala đâu có thân tộc suy vong? Vậy Tôn giả Ratthapala đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình?
 
– Thưa Tôn giả Ratthapala, đây là bốn loại suy vong, do thành tựu bốn loại suy vong này mà ở đây, có người cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình; Tôn giả Ratthapala đâu có những loại ấy. Vậy Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình?
 
– Thưa Đại vương, có bốn sự thuyết giáo Chánh pháp, được Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác giảng dạy. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế nào là bốn?
 
“Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt”, thưa Đại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ nhất, do Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. “Thế giới là vô hộ, vô chủ”, thưa Đại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ hai, do Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. “Thế giới là vô sở hữu, ra đi cần phải từ bỏ tất cả”, thưa Đại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ ba, do Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy, tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái”, thưa Đại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ tư, do Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy, tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thưa Đại vương, đây là bốn sự thuyết giáo Chánh pháp, được Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác giảng dạy. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
 
– Tôn giả Ratthapala đã nói: “Thế giới là vô thường đi đến hủy diệt,“ ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala?
 
– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Khi Ngài 20 tuổi hay 25 tuổi, Ngài có thiện nghệ về voi, thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc?
 
– Thưa Tôn giả Ratthapala, khi tôi được 20 hay 25 tuổi, tôi thiện nghệ về voi, tôi thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc. Có đôi lúc, thưa Tôn giả Ratthapala, tôi cảm thấy có thần lực và xem không ai có thể bằng tôi về sức mạnh.
 
– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Nay Đại vương vẫn còn bắp vế mạnh, cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ đánh giặc như vậy không?
 
– Không như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, nay tôi đã già, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung, gần 80 tuổi thọ. Có đôi lúc, thưa Tôn giả Ratthapala, tôi nghĩ: “Ở đây, ta sẽ bước chân”, nhưng tôi lại bước chân tại chỗ khác.
 
– Chính liên hệ với nghĩa này, này Đại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: “Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt”, và tôi sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
 
– Thật vi diệu thay, Tôn Giả Ratthapala! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapala! Ý nghĩa này được Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, Bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo nói: “Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt”. Thật vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt. Nhưng thưa Tôn giả Ratthapala, ở vương quốc này, có đội quân voi, cũng có đội quân ngựa, cũng có đội quân xa, cũng có đội quân bộ, nếu chúng tôi gặp nguy khốn thời các đội quân bảo vệ chúng tôi. Tôn giả Ratthapala đã nói: “Thế giới là vô hộ, vô chủ”, ý nghĩa của lời nói này, cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala?
 
– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Đại vương có mắc chứng bệnh kinh niên nào không?
 
– Thưa Tôn giả Ratthapala, tôi có bệnh phong kinh niên. Nhiều khi, thân hữu quen biết, bà con huyết thống đứng xung quanh tôi và nói: “Nay vua Koravya sẽ mệnh chung, nay vua Koravya sẽ mệnh chung”.
 
– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Đại vương có thể nói chăng, với các thân hữu quen biết, bà con huyết thống của Đại vương: “Mong rằng Tôn giả thân hữu quen biết, bà con huyết thống làm vơi nhẹ sự đau khổ của tôi. Mong tất cả hãy san sẻ cảm thọ này, để tôi có thể có một cảm thọ nhẹ nhàng hơn”; hay là Đại vương chỉ có thể thọ lãnh cảm thọ ấy một mình?
 
– Thưa Tôn giả Ratthapala, tôi không có thể nói với các thân hữu quen biết, bà con huyết thống của tôi: “Mong rằng các Tôn giả thân hữu quen biết, bà con huyết thống làm vơi nhẹ sự đau khổ của tôi. Mong tất cả hãy san sẻ cảm thọ này để có thể có một cảm thọ nhẹ nhàng hơn”; và tôi chỉ có thể thọ lãnh cảm thọ ấy một mình”.
 
– Chính liên hệ với nghĩa này, này Đại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: “Thế giới là vô hộ, vô chủ”, và tôi sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
 
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Ratthapala! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapala! Ý nghĩa này được Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo nói: “Thế giới là vô hộ, vô chủ”. Thật vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, thế giới là vô hộ, vô chủ. Nhưng thưa Tôn giả Ratthapala, ở vương quốc này có rất nhiều vàng nén và tiền vàng dưới đất và trên mặt đất”. Tôn giả Ratthapala đã nói: “Thế giới là vô sở hữu, ra đi cần phải từ bỏ tất cả”. Ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala?
 
– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Dầu cho nay Đại vương sống thụ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng, Đại vương có thể nói được như sau: “Chính như vậy, tôi thọ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng này”; hay là người khác sẽ thọ hưởng tài sản này, còn Đại vương sẽ phải đi theo nghiệp của mình?
 
– Thưa Tôn giả Ratthapala, dầu cho nay tôi sống thụ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng. Tôi không có thể nói được như sau: “Chính như vậy, tôi thọ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng này”. Chính người khác sẽ thọ hưởng tài sản này, còn tôi phải đi theo nghiệp của tôi.
 
– Chính liên hệ với nghĩa này, này Đại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: “Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả”. Và tôi sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
 
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Ratthapala! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapala! Ý nghĩa này được Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo nói: “Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả”. Thật vậy thưa Tôn giả Ratthapala thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả. Nhưng Tôn giả Ratthapala đã nói: “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái”. Ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala?
 
– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Có phải Đại vương trị vì ở Kuru, một nước phồn thịnh?
 
– Thưa vâng, Tôn giả Ratthapala. Tôi trị vì ở Kuru, một nước phồn thịnh.
 
– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Nếu có người đáng tin cậy, chánh trực đến với Đại vương từ phương Đông, và sau khi đến tâu với Đại Vương: “Tâu Đại vương, Đại vương có biết chăng? Tôi từ phương Đông lại. Ở đấy, tôi có thấy một quốc độ lớn, phú cường, phồn thịnh, dân cư trù mật. Tại đấy có nhiều đội voi, đội ngựa, đội xe, bộ đội. Tại đấy có nhiều ngà voi, tại đấy có nhiều vàng nén, tiền vàng chưa làm và đã làm, có nhiều phụ nữ. Và có thể chinh phục quốc độ ấy với vũ lực như thế ấy. Tâu Đại vương, hãy đi chinh phục.” Đại vương sẽ hành động như thế nào?
 
– Thưa Tôn giả Ratthapala, sau khi chinh phục, quốc độ ấy tôi sẽ trị vì.
 
– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Ở đây có người đến với Đại vương từ phương Tây... từ phương Bắc... từ phương Nam... từ bờ biển bên kia, người ấy đáng tin cậy, chánh trực, tâu với Đại vương: “Tâu Đại vương, Đại vương có biết chăng? Tôi từ bờ biển bên kia lại. Ở đây, tôi thấy có một quốc độ lớn, phú cường, phồn thịnh, dân cư trù mật. Tại đấy có nhiều đội voi, đội ngựa, đội xe, bộ đội. Tại đấy có nhiều ngà voi. Tại đấy có nhiều vàng nén, tiền vàng chưa làm và đã làm, có nhiều phụ nữ. Và có thể chinh phục quốc độ ấy với vũ lực như thế ấy. Tâu Đại vương , hãy đi chinh phục”. Đại vương sẽ hành động như thế nào?
 
– Thưa Tôn giả Ratthapala, sau khi chinh phục, tôi sẽ trị vì.
 
– Chính liên hệ với nghĩa này, này Đại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái, “và tôi sau khi biết, sau khi thấy, sau khi nghe như vậy, đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
 
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Ratthapala! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapala! Ý nghĩa này được Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo nói: “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái”. Thật vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái.
 
Tôn giả Ratthapala đã giảng như vậy, sau khi giảng như vậy xong, lại nói thêm như sau:
 
Ta thấy người giàu sang ở đời, Có của vì si không bố thí;
 
Vì tham, họ tích tụ tài vật,
 
Và chạy theo dục vọng càng nhiều.
 
Dùng bạo lực, chinh phục quả đất, Vua trị vì cho đến hải biên,
 
Không thỏa mãn bờ biển bên này, Và chạy theo bờ biển bên kia.
 
Vua cùng rất nhiều loại người khác, Ái chưa ly, mạng chung đã đến,
 
Bị thiếu thốn, không bỏ thân họ, Không thỏa mãn lòng dục ở đời.
 
Quyến thuộc tán loạn, khóc người ấy: “Than ôi, người ấy không bất tử!“.
 
Mạng thân người ấy vải bao phủ, Họ đốt lửa làm lễ hỏa thiêu.
 
Bị thọc với cây, người ấy cháy, Độc mảnh vải, bỏ tiền của lại;
 
Ở đây, quyến thuộc cùng thân hữu, Không nơi nương tựa cho kẻ chết.
 
Kẻ thừa tự, nhận mang tài sản,
 
Riêng con người, theo nghiệp phải đi, Tiền của đâu có theo người chết,
 
Cả vợ con, tài sản, quốc độ.
 
Tài sản không mua được trường thọ, Phú quý không tránh được già suy, Kẻ trí nói đời này thật ngắn,
 
Thật vô thường, biến đổi luôn luôn.
 
Kẻ giàu, kẻ nghèo đều cảm xúc, Người ngu, kẻ trí đồng cảm thọ, Kẻ ngu bị ngu đánh nằm ngã, Bậc trí cảm xúc, không run sợ.
 
Do vậy, trí tuệ thắng tài vật, Nhờ trí, ở đây được viên thành;.
 
Không thành mãn trong hữu, phi hữu, Kẻ ngu tạo tác các ác nghiệp.
 
Nhập thai thác sanh thế giới khác, Người ấy luân hồi, tiếp tục sanh, Kẻ thiểu trí chắc hẳn phải là Nhập thai và sanh thế giới khác.
 
Như kẻ trộm bị bắt khi trộm, Ác tánh hại mình do tự nghiệp,
 
Chúng sanh cũng vậy chết đời khác, Ác tánh hại mình, do tự lực.
 
Dục vọng nhiều loại, ngọt, khả ái, Nhiễu loạn tâm dưới nhiều hình thức, Thấy hoạn nạn trong dục trưởng dưỡng, Nên tôi xuất gia, tâu Đại vương!
 
Như quả từ đây, người bị rụng, Cả già lẫn trẻ, khi thân hoại, Do thấy chính vậy, tôi xuất gia, Hạnh Sa-môn phải là tối thắng,

Thưa Đại vương!
 
Tác giả bài viết: Thích Tâm Chơn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 404
  • Khách viếng thăm: 397
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 65239
  • Tháng hiện tại: 1783268
  • Tổng lượt truy cập: 90674841
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012