“Tương tư” thầy

Đăng lúc: Thứ ba - 03/10/2017 10:12 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Các em phật tử ngày nay đi đến chùa tu học vì không giữ được tâm chính niệm nên dễ rơi vào cảm giác “yêu thầy”. Cộng thêm sự phát triển của mạng xã hội như facebook, zalo… nên khoảng cách giữa vị thầy và người phật tử càng được rút ngắn, không còn những chuẩn mực cần có như trước đây. Mới đầu sẽ chỉ là những tin nhắn hỏi đáp về pháp Phật, một lời chào xã giao nhưng dần dà “mưa dầm thấm lâu”, tình cảm sẽ nảy nở một cách tự nhiên mà các em không hề hay biết.
Hơi thu đang về trên từng con phố ngõ. Lặng yên ngắm nhìn đất trời và vạn vật đang đổi sắc, lắng nghe tiếng chuông chùa đang vọng lại đâu đây tôi thấy lòng mình sao thật an nhiên lạ kỳ. Một bông hoa khẽ rơi xuống vai, tôi nhẹ nhàng nhặt lên và nhìn ngắm. Bông hoa thật đẹp nhưng cũng thật mong manh.
 
Buổi trưa mùa thu thật yên bình, không ồn ào náo nhiệt. Nắng cũng bớt gay gắt hơn, thay vào đó là một sắc nắng nhẹ dịu, ấm áp. Bên cạnh tôi là hai em học sinh trung học, có lẽ vừa tan trường, đang cười nói với nhau vui vẻ cùng một chú chó nhỏ. Nhìn nụ cười hạnh phúc của các em, tôi bất giác nhớ đến em - một cô gái… lỡ “tương tư” thầy.
 
Hạt mầm tình ái
 
Em là một cô bé xinh xắn, đang học lớp chuyên văn của một trường cấp 3 thành phố. Em chỉ cho tôi về nhóm chát các em mới lập ra để chia sẻ ảnh các thầy ở chùa mà theo cách các em vẫn gọi là “soái ca”. Em bảo: “Thời nay các thầy đẹp ghê chị nhỉ? Vì thầy đẹp nên em mới đến chùa đó! Chứ trước mẹ em có bắt em cũng không đi đâu”. Tôi chỉ cười, nghĩ thầm: “Ừ thầy đẹp cũng tốt, ít ra nhờ nhân duyên này em mới biết đến chùa để học pháp Phật. Tâm lý trẻ con chắc cả thèm chóng chán thôi”.
 
Thế rồi, mỗi khi trở về sau khi tham gia một khóa tu, em lại nhắn tin kể với tôi hôm nay ở chùa em nghe pháp thoại chủ đề gì? Cơm chay buổi trưa có món nào ngon? Rồi em khoe đã quen với rất nhiều bạn. Trong các tin em gửi tôi không thấy em nhắc tới người thầy trước đây em vẫn thường khen là đẹp nữa. Bởi vậy, tôi đoán chắc em cũng quên chuyện đó rồi nên cũng không muốn hỏi. 
 
Thấy em đi chùa nghe pháp, tham gia các hoạt động thiện nguyện mùa hè tôi thấy vui lắm. Bởi trước đây, hè tới là em lao ngay đi du lịch nước ngoài để chụp ảnh sang chảnh khoe bạn bè trên facebook. Giờ nhìn em thay đổi, tôi thấy mừng thay. 
 
Bông hồng có gai
 
Mọi việc cứ thế bình yên trôi qua cho đến một ngày em kể với tôi: “Em lỡ “thích” thầy mất rồi chị ơi!”. Tôi hỏi em: “Thích trong tình thầy trò hả em?”. Em nói: “Không. Không phải chị ạ, còn hơn thế cơ... Giờ em nên làm thế nào hả chị? Ngày nào em cũng lôi ảnh thầy ra ngắm, em “thích” thầy lắm chị ạ. Chỉ cần thầy nói chuyện với bạn gái khác, em lại thấy ghen và khó chịu. Liệu đây có phải là tình yêu không chị?”.
 
Tôi cứ ngồi lặng yên nghe em kể, để cho em giãi bày mọi tâm tư nỗi niềm trong lòng. Bởi tôi biết chỉ có nói ra thì em mới thoải mái và nhẹ nhõm hơn được. Giờ tôi mới hiểu vì sao mấy ngày trước gặp em, cứ thấy em trầm tư suy nghĩ, không phải là cô bé hay cười, lanh lợi mà tôi biết. 
 
Em nói em bây giờ giống như đang nắm chặt trong tay một bông hồng có gai vậy. Bông hồng đẹp và thơm lắm, em muốn ngắm nhìn và sở hữu nó. Nhưng nếu giữ nó trong tay thì chắc chắc em sẽ bị thương, sẽ đau và chảy máu. Đáng lẽ ra, ngay từ đầu… em không nên gieo “hạt mầm” này. Bởi nếu không gieo nó thì em sẽ không phải khổ tâm như bây giờ.
 

 
Vấn vương màu áo nâu sòng
 
Đúng là tình yêu luôn có lý lẽ riêng của nó. Tình yêu lắm khi đến rất nhanh, chỉ từ một ánh nhìn, một gót hài… mà người ta thường gọi là tình yêu sét đánh. Chẳng ai có thể cấm được việc này. Vì đó là việc của tâm hồn, của trái tim. Mà con tim luôn có lý lẽ riêng của nó. 
 
Các em phật tử ngày nay đi đến chùa tu học vì không giữ được tâm chính niệm nên dễ rơi vào cảm giác “yêu thầy”. Cộng thêm sự phát triển của mạng xã hội như facebook, zalo… nên khoảng cách giữa vị thầy và người phật tử càng được rút ngắn, không còn những chuẩn mực cần có như trước đây. Mới đầu sẽ chỉ là những tin nhắn hỏi đáp về pháp Phật, một lời chào xã giao nhưng dần dà “mưa dầm thấm lâu”, tình cảm sẽ nảy nở một cách tự nhiên mà các em không hề hay biết.
 
Rất tiếc, từ niềm tin đến ngưỡng mộ trong tâm của các em, cộng thêm phong thái thanh cao, ôn hòa, tính cách chân tình nhẹ nhàng và cư xử quan tâm trong giao tế của vị thầy, nên có những em lầm tưởng mình đang được đối xử theo cách “đặc biệt”. Và các em cứ lún dần trong “vũng bùn” ấy mà không thể rút chân ra được.
 
Nhưng các em không biết rằng cái em yêu không phải vị thầy bằng xương bằng thịt, mà chính là sự thanh cao, thánh thiện của vị thầy với bóng dáng người đệ tử xuất gia của đức Phật, với oai nghi thanh thoát khi giữ gìn giới luật. Các em “yêu” hay “thương” vị thầy ấy vì đó là một người xuất gia, là người luôn có sự nhẹ nhàng trong hành động, ấm áp trong lời nói và nét đẹp được tỏa chiếu từ sự hành trì giới luật và uy nghi, khác với những chàng trai ở bên ngoài.

Nếu vị thầy ấy không phải là người xuất gia, không thực tập uy nghi giới luật thì sẽ không có sự tỏa chiếu thảnh thơi, không có cái sáng của một người giải thoát. Một khi vị thầy ấy không tiếp tục hành trì giới luật uy nghi mà để cho những thứ tình cảm trần tục kéo đi thì ánh sáng đó cũng sẽ tắt dần mà thôi. Rồi đây, trong em sẽ chỉ còn sự thất vọng và chán chường với một con người cũng còn đầy rẫy trần tục như ai giữa cõi đời ô hợp. 
 
Chưa kể đến việc các em sẽ luôn phải sống trong nỗi lo sợ, giằng xé trong tâm về nghiệp quả nghiêm trọng đã tạo khi ngăn cản con đường tu tập của người khác, tạo điều kiện phá hủy phạm hạnh của người xuất gia, làm cửa thiền hoen ố bụi trần, khiến thiên hạ rẻ khinh người tu học, gây tai tiếng cho đạo Phật.
 
Nhưng cũng không thể trách các em được; bởi tuổi trẻ vốn là tuổi mộng mơ, trái tim luôn rung động bởi những điều nhỏ bé và đơn giản. Đức Phật luôn dạy: Hãy nhìn cuộc đời bằng đôi mắt từ bi. Bởi vậy, có hiểu được nỗi lòng của các em, chúng ta mới có thể tâm sự và giúp các em tìm được lối thoát cho thứ tình cảm đơn phương này.
 
Thương yêu bằng trái tim tuệ giác
 
Cô em gái của tôi và rất nhiều bạn trẻ khác nữa, tôi tin ai cũng từng một lần trải qua thứ tình cảm này, khi lỡ “tương tư” thầy. Đây là thứ tình cảm trong sáng, tinh khôi, là những rung cảm đầu đời vô cùng chân thành. Bởi tuổi thanh xuân là lúc con tim yêu mãnh liệt và rực cháy nhất. Để rồi khi thứ tình cảm ấy nhẹ trôi đi cũng là lúc các em dần trưởng thành. 
 
Các em biết không, một vị thầy xuất gia không chỉ tu cho riêng mình mà còn tu cho cả cha mẹ và tổ tiên. Một người khi xuất gia là đã cắt ái ly gia, đã nuôi dưỡng một tâm nguyện sâu rộng và lý tưởng thanh cao. Đó là phụng sự, tự độ, tự tha, là hạt giống bồ đề dũng mãnh. Là một người tu, trong lòng ai cũng mang một trái tim nóng bỏng là tu tập chuyển hóa bản thân, gia đình, mang cái đẹp đến cuộc sống, giúp mọi người bớt khổ, giải thoát, sống tốt, sống đẹp... 
 
Trái tim phụng sự, mà người tu gọi là lý tưởng ấy nó đẹp lắm, nó làm cho người tu có trái tim để thực tập, để vượt qua những chướng ngại, những khó khăn trong cuộc đời và vươn tới mục tiêu ấy. Người tu sở dĩ đẹp vì nơi người tu có sự thực tập giới luật, có sự thực tập uy nghi, có sự thảnh thơi, bình an, trầm tĩnh và đặc biệt là có lý tưởng sống, cái lý tưởng ấy có thể cống hiến cho bất kỳ ai mà không có sự ràng buộc hay bó hẹp. 
 
Các thầy xuất gia vì không muốn trái tim của mình thuộc về một người, mà muốn trái tim ngày càng mở rộng để có thể thương được thật nhiều người. Mà để đi trọn con đường phụng sự này thì các thầy phải là một người tự do. Có tự do thì trái tim mới ôm được muôn người, “mới ôm trọn được cả thái hư”.
 
Con người từ xưa đến nay vốn luôn ích kỷ và đố kỵ, lúc nào cũng muốn giữ tất cả những thứ tốt đẹp cho riêng mình, từ đồ vật cho đến tình cảm. Cảm giác được sở hữu khiến bản ngã chúng ta lớn hơn và thấy thỏa mãn hả hê. Và khi không có được thứ đang mong muốn thì chúng ta sẽ tìm mọi cách, bất chấp mọi thủ đoạn để giành lấy được nó. Các em phải chăng cũng đang rơi vào tình trạng này? Khi các em muốn “độc chiếm” người thầy ấy và khó chịu khi người khác ở bên cạnh thầy của em? 
 
Nhưng em đâu biết nếu em cứ muốn nắm bắt, chiếm hữu người đó cho riêng mình thì người ấy sẽ không còn đẹp nữa, vì chính em đã làm cho lý tưởng của người ấy bị mất rồi. Một người tu mà không có lý tưởng thì không còn đẹp nữa em à, lúc ấy thì giới luật không còn để bảo hộ cho người tu ấy nữa. Và em sẽ không còn cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ sự thực tập của người ấy, em sẽ không còn thấy người tu ấy đẹp nữa, điều đó thật sự là rất uổng, phải không em? 
 
Thật ra, người tu cũng chỉ là con người. Nhưng là con người biết tôn trọng sự tự do của mình và của người khác. Người tu cũng yêu quý cái đẹp, nhưng là cái đẹp lành mạnh và trong sáng. Người tu cũng yêu con người, nhưng không muốn bị cầm tù bởi một người. Cho nên người tu khi yêu thì yêu rất nhiều người. Nhưng đó không phải là thứ tình yêu trai gái trần tục mà là tình yêu thương thuần khiết giữa con người với con người, là nghĩa huynh đệ, tình thầy trò sâu nặng. Người tu coi mọi người, mọi loài, ai ai cũng là gia đình của mình. Bởi có coi mọi người là gia đình thì mới có thể giúp cho họ được sống cuộc đời an nhiên, hỷ lạc như mình. 
 
Chính vì những “cái nhưng” đó mà người tu có giới luật để bảo vệ. Đó là người tu chân chính. Cũng có người tu không chân chính cho nên đã đánh mất tự do của mình và của người khác, làm cho mình tỳ vết, làm cho mình bị trói buộc vào vòng luẩn quẩn của tình cảm nam nữ.
 
Sư ông làng Mai luôn dạy: “Mắt là đại dương sâu, với những đợt sóng ngầm”, vậy nên “thuyền tôi đi trong chính niệm, xin nguyện nắm vững tay chèo, để không chìm đắm trong biển sắc mênh mông”. Tai cũng là đại dương sâu, có thể làm mình đắm chìm trong biển âm thanh mênh mông, các uẩn khác của chúng ta cũng vậy, cũng đều là những đại dương có các đợt sóng ngầm mà nếu mình không cẩn thận, không đủ chính niệm, mình sẽ bị chìm trong các đại dương đó một cách dễ dàng...
 
Chỉ ngắm chứ đừng nắm chặt “bông hoa”
 
Chắc chắn vì các em còn trẻ nên luôn yêu thích cái đẹp. Có ai trong chúng ta lại không yêu thích, say đắm cái đẹp? Yêu thích cái đẹp chẳng có tội gì hết cả. Và hơn nữa một người có khả năng nhìn ra vẻ đẹp và biết thưởng thức vẻ đẹp như các em thì làm sao không thể ngã lòng trước cái đẹp của “bông hoa” cho được? 
 
Ai trong chúng ta cũng vậy thôi, khác nhau là chúng ta có nhìn thấu được chiều sâu của “bông hoa” hay không? Chúng ta có thấu hiểu hết những ước mơ, những hoài bão, những thăng trầm… của “bông hoa” không? Hay chúng ta chỉ yêu vẻ đẹp hào nhoáng, bóng bẩy bên ngoài của “bông hoa” mà thôi? Chúng ta không thể vì tình yêu sâu nặng với “bông hoa”, mà muốn ngắt nó mang về cất vào trong tủ và nhìn ngắm một mình được.
 
“Bông hoa” sinh ra cũng có số mệnh và ước mơ của nó. Đó là nguyện ước được tỏa hương, đem hoa phấn dành tặng cho muôn loài ong bướm, được vươn mình đón lấy những tia nắng ấm áp, rực rỡ của mặt trời, được dâng hiến vẻ đẹp một cách trọn vẹn nhất. Để rồi khi sắc tàn héo úa, “bông hoa” ấy không còn gì hối tiếc vì nó đã được sống hết mình, được đem hương sắc tô điểm cho cuộc đời.
 
Đây là điều các em cần suy nghĩ (quán chiếu) và nhìn cho kỹ vào lòng mình và vào “bông hoa”. Tâm mà người đời hay gọi là lòng của mình đó, nó thường hay thay đổi và nói dối chúng ta lắm. Bởi vì chúng ta không biết nhìn sâu (ánh sáng của chính niệm) vào tâm của mình. Cho nên. tâm của chúng ta dễ phát sinh cái tưởng, gọi là tâm tưởng, mà tưởng thì luôn luôn sai lạc với sự thật. Một khi đã có cái tưởng ở trong lòng của mình rồi, thì chỉ có buồn phiền, thương ghét, hờn ghen… tồn tại song song ở trong mình mà thôi. Hai cái này nó như là hình với bóng vậy.
 
Em à, em hãy thử bình tâm suy nghĩ một chút thôi, tự hỏi tình cảm mà em đang nuôi dưỡng liệu đó có phải thứ chân thật, nó có làm cho em hạnh phúc hay chỉ khiến em chìm đắm trong nỗi ưu phiền? Nếu là tình yêu thương đẹp thì cớ sao lại làm cho em khổ đau thế này?
 
Em cũng thấy một “bông hoa” sẽ không thể khoe hương sắc nếu em cất nó vào tủ kính hay nắm chặt nó trong tay. Chỉ một lần thôi, em hãy thử lắng nghe tâm tư, ước muốn tự do của “bông hoa” đó. Em hãy để lòng mình mở rộng ra đi, sẽ thấy rằng tình yêu thương không phải là một sự chiếm hữu cho riêng mình. Nếu tình yêu là một sự chiếm hữu thì đó không còn là tình yêu nữa. 
 
Yêu thương là mình làm cho mình và cho “bông hoa”, mỗi ngày một tươi đẹp hơn, mỗi ngày một hạnh phúc và tự do hơn. Chứ không phải tình yêu thương mà khiến mình và người thương của mình héo hon và sầu khổ được. Nếu muốn làm được như vậy thì em hãy để lòng mình mở ra như một khung trời bao la.
 
Và khi làm được điều đó em sẽ càng yêu thương “bông hoa” hơn. Và tình yêu thương của em mỗi ngày một tự do và thanh thản nhiều hơn. Em vẫn có thể nhìn bông hoa và nghe tiếng chim hót thanh thoát như mọi ngày. Như chúng ta đã từng ngắm nhìn mặt trời mọc một cách hạnh phúc, mà không cần phải đem mặt trời về giấu trong chiếc gương thần.
 

 
Trao tặng “bông hoa” cho cuộc đời
 
Chiếc áo nâu không mang lại một vị thầy đẹp hay vị thầy giỏi. Nhưng cởi chiếc áo nâu ra để khoác vào chiếc áo thế gian thì cái làm nên “thần tượng”, là người em vẫn luôn ca tụng là “soái ca” cũng sẽ tan biến. Vì nó đã đưa người mặc trở lại cái bình thường mà mình chán gặp. Em hãy nghĩ mà xem, cái bình thường của một con người bình thường giữa xã hội thì đâu có gì để “hấp dẫn” em nữa đâu. Liệu người đó có đáng để em hi sinh và bất chấp tất cả khi làm những điều bị ngăn cấm, bị trêu chọc, bị phản đối, thậm chí là thương luân bại lý.
 
Tôi cũng từng như các em, cũng thấy hình ảnh người tu sĩ trong tấm áo nâu sòng sao đẹp và bình dị đến thế! Nó khác với tất cả những thứ xô bồ, ồn ào, lừa lọc ngoài kia. Để rồi tình thương ấy cứ lớn dần trong tim chúng ta lúc nào không hay. Nhưng nếu vị thầy trong tấm áo nâu thân thương ấy nói những lời lỗ mãng hay hành động bạo lực thì liệu em có còn thương nữa không? 
 
Đó, em thấy rồi đấy. Thứ tôi và em trân quý ở vị thầy ấy không phải màu áo nâu mà chính là đạo hạnh của một người tu sĩ. Các thầy đẹp bởi các thầy đi ngược lại dòng đời, không để cho tình cảm thế gian chi phối. Bởi vậy, nếu em lôi kéo vị thầy ấy đi vào con đường của mình thì những thứ từ trước đến giờ em kính trọng sẽ tan thành mây khói.
 
Em cố gắng ghi nhớ lời dạy được ghi chép trong bộ Luận Đại trí độ của Bồ Tát Long Thọ: “Dục vọng (dâm dục) dù không não hại chúng sinh, nhưng có sức trói cột, nên tội ác rất lớn”.
 
Em cần thành tâm hối cải nghiệp chướng đã tạo suốt cuộc đời này như một cách sám hối. Đồng thời, phải dốc tâm tinh tấn tu tập để thoát khỏi tâm ma, sớm tìm về bờ giác như kiều nữ Ma Đăng Già chứng quả A La Hán sau khi từ bỏ tâm ái dục.
 
Kinh Tạp A Hàm quyển 36 có chép: “Nữ nhân phạm hạnh cấu, nữ tắc lụy thế gian”. Nghĩa là, người nữ làm nhơ phẩm hạnh (của người xuất gia), người nữ đó làm lụy thế gian. Do vậy, hơn ai hết, chính em phải tự phát tâm chân thật để có thể giải trừ nghiệp chướng oan khiên này do chính em đã tạo ra.
 
Là người tu hay người đời ai cũng có đôi lần gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, cho nên khó khăn mà em đang gặp phải cũng chỉ là chuyện bình thường mà thôi. 
 
“Thấy chân tướng ái dục
Tâm ái dục không sinh
Tâm ái dục không sinh
Ai cám dỗ được mình”
 
(Kinh Tuổi trẻ và Hạnh phúc)
 
Quả thật, cuộc đời đẹp hơn rất nhiều khi chúng ta được sống trong tình yêu. Và con người là một sinh vật đặc biệt trong tất cả mọi sinh vật khi chúng ta sống không chỉ có trái tim, mà còn có lý trí. Để từ đó, chúng ta biết nhận biết đúng - sai, trách nhiệm - bổn phận… và giới hạn. Trong tình yêu, ranh giới để “phạm tội” - mong manh và mềm mại như sợi tóc… May thay, lý trí luôn nhận biết đâu là giới hạn phải trân quý và giữ gìn.
 
Vậy nên, em à… Em cứ yêu hết lòng, cứ yêu tràn ngập con tim thiên nguyên của mình để cùng cầu nguyện cho nhau nhiều sức khỏe, thêm niềm tin đồng hành. Đời này hay đời nào, ta cũng không dễ và không nên bao giờ bước qua các ranh giới (dù mong manh) và lề luật đã định…
 
Hãy để tình yêu giúp chúng ta cùng sống tốt, cùng cầu nguyện cho nhau, giữ gìn cho nhau. Các em có trách nhiệm giữ giới luật cho bản thân mình và cùng giữ cho các vị thầy ấy không sa vào cám dỗ… Nghĩa là các vị ấy tự giữ mình và các em cũng có trách nhiệm giữ dùm cho các vị ấy, để hoa đời vẫn nở - không cho một mình ta chiếm lấy - mà cho cả hội chúng cùng gắn bó với nhau trong đời này…
 
Mỗi khi tình cảm trào dâng trong tim, em hãy bình tĩnh, thở đều và nhìn thật kỹ để xem mình thương cái gì nơi người tu ấy? Là một người xuất gia ai cũng mong muốn mình được đi con đường giác ngộ giải thoát, muốn được giúp nhiều người bớt khổ, được sống trọn vẹn với lý tưởng của mình. Bởi vậy, xin em hãy lắng nghe tâm sự của một người tu, mơ ước của một người tu, hãy là một người bạn đạo đẹp của người tu. Hãy thương cả lý tưởng của người tu nữa. Không ai cấm em “đừng thương người tu”, nhưng thương mà không chiếm hữu, thương chỉ là thương thôi. Như vậy là đẹp lắm rồi!
 
Ngày xưa, Prakiti (Ma Đăng Già) cũng đem lòng thương thầy Anan – đệ tử của đức Phật. Nhưng sau khi được đức Phật giáo hóa, cô đã ngộ ra được thế nào là một tình yêu chân chính và cuối cùng cô đã trở thành một vị nữ khất sĩ. Cô đã nhận ra khi mình thương một người, mình phải thương luôn lý tưởng của người đó và yểm trợ cho người đó đi trọn con đường lý tưởng.
 
Tôi tin rằng đến cuối cùng các em có thể mỉm cười, tình nguyện buông tay, không nắm chặt “bông hoa”. Để bàn tay và trái tim em không còn bị chảy máu và đau bởi nó nữa. Nếu có thể, các em hãy trao tặng “bông hoa” ấy cho mọi người, để ai cũng có thể ngắm nhìn vẻ đẹp, cũng như hương thơm của tuệ giác thanh khiết đang tỏa ra từ nó, em nhé!
 
 
Tác giả bài viết: Tuệ An
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 255
  • Khách viếng thăm: 227
  • Máy chủ tìm kiếm: 28
  • Hôm nay: 88103
  • Tháng hiện tại: 2807684
  • Tổng lượt truy cập: 88612287
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012