Sắc dục vị đắng nhiều hơn vị ngọt

Đăng lúc: Thứ năm - 14/09/2017 01:55 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Sắc dục không phải là làn sóng dữ, nhưng dễ dàng nhấn chìm biết bao người tài hoa. Chúng ta phải nên biết, khi vô thường đến, tất cả vợ chồng, con cái mỗi người đều theo nghiệp đã tạo mà đi, dù cho có lưu luyến khóc than, tiếc nuối nhưng nghiệp ai tạo ra đều nhận lấy.
Như chúng ta đã biết, luyến ái sắc dục trong tình yêu nam nữ là căn bệnh thâm căn cố đế của tất cả mọi người. Đây là thói quen si mê nặng nề nhất của chúng tôi. Trong hiện đời, nó đã làm cho tôi điên đảo, vọng động, rơi vào vòng tội lỗi và xém chút nữa là đã mất mạng vì nghiệp tình ái này. Mãi đến khi chúng tôi được đầy đủ phúc duyên xuất gia tu học tại Thiền viện Thường Chiếu, tôi vẫn bị thói quen ham muốn luyến ái nam nữ cuốn hút nặng nề, suýt chút nữa là tôi bị rớt đày bởi vì “tình xưa nghĩa cũ”.
    
Trong kinh đức Phật thường hay thí dụ hình ảnh chiếc lưới để nói lên sự mất tự do của một người khi bị vướng vào vòng ái dục. Tôi khi xưa thường hay tự hào rằng mình có số đào hoa nên đi đâu cũng kết duyên tình ái tới đó. Vướng vào nghiệp này giờ ngồi ngẫm lại mới thấy tội lỗi vô cùng, muốn chiếm tình cảm của người khác phái chúng ta phải nói dối để ga lăng và tâng bốc nàng ta hầu được lòng phái đẹp. Còn khi đã có vợ rồi muốn ăn vụng thì phải nói dối, lừa đảo bằng mọi cách, nào là sống không có hạnh phúc hoặc bị cha mẹ ép buộc để tán tỉnh lấy lòng người ta thật là tội lỗi. 
    
Những người cư sĩ tại gia lớn lên phải đi đến hôn nhân, để duy trì giống nòi nhân loại, có vợ, có chồng, xây dựng hạnh phúc gia đình để phát triển tình yêu thương, là chuyện đương nhiên trong đời sống xã hội, nhưng ta phải thương yêu như thế nào để không bị lưới ân ái trói buộc, mà gây khổ đau và làm tan nát hạnh phúc gia đình. Qua đó, chúng ta thấy, ái dục là cội gốc của luân hồi sinh tử, hễ còn ái là còn khổ đau, dứt ái, lìa được ái, thì ta một đời thong dong, tự tại, giải thoát, không bị sự trói buộc của nó.
 
Đứng về phương diện hành trì để chuyển hóa luyến ái nam nữ thì người xuất gia dễ dàng thực tập hơn người tại gia, vì người xuất gia sống trong môi trường rất thuận lợi về mọi mặt. Những vị xuất gia tại Thiền viện Thường Chiếu phải tự lao động công ích, tự làm, tự nấu ăn, tự dọn dẹp, sắp đặt mọi thứ công việc mà không bị lệ thuộc các phật tử bên ngoài như các chùa khác. Quý thầy không được xem truyền hình, không được đọc sách báo, tiểu thuyết tình cảm, nên không thấy những hình ảnh khêu gợi ái dục trong phim ảnh hay sách báo. Do đó, tâm luyến ái dục vọng cũng bị hạn chế và lần theo thời gian, quý thầy dùng trí tuệ để chuyển hóa ái dục.
     
Tuy có điều kiện thuận lợi trong việc tu học như vậy, nhưng lâu lâu quý thầy cũng bị ra đời lấy vợ, có ai hỏi thì đổ thừa tại nghiệp tôi nặng quá. Trên thực tế, một bên chịu, một bên không, thì làm sao có chuyện kết nối yêu thương; tại vì hai bên đều đồng ý thích thú nên mới cùng nắm tay nhau xây dựng tổ ấm gia đình. Ta thấy, luyến ái nam nữ là căn bệnh trầm kha từ vô thủy kiếp đến nay. Thế gian này thiếu nó thì không thể tồn tại, đời sống con người sẽ khô khan, cằn cỗi, chẳng ai thèm xây dựng đóng góp, mở mang phát triển làm gì nữa. Chính tình yêu thương đó thúc đẩy con người sống, làm việc, phục vụ, để xây dựng hạnh phúc gia đình và đóng góp xã hội.
 
    
 
Trong cuộc sống này dù không có tình yêu lứa đôi chính thức nhưng nhu cầu tình dục vẫn hoạt động bình thường nên mới có tình trạng mua bán dâm. Người xuất gia là đi ngược lại dòng đời và một khi đi tới tình dục thì sẽ làm tan vỡ tất cả lý tưởng giác ngộ, giải thoát của mình. Vì vậy, chúng ta không nên coi thường, đừng tưởng là không sao.
    
Nếu đó là tình thầy trò thì không sao, nhưng nếu nó có hơi hướm của luyến ái, yêu thương, thì mình phải biết rõ nó sẽ dẫn tới hẹn hò rồi yêu thương. Chuyện này đã có xảy ra trong đại chúng. Một vị thầy với một phật tử nữ, hai người đã thường xuyên tiếp xúc qua lại bằng điện thoại và sự gặp gỡ hàng tuần, hàng tháng, rồi cuối cùng rủ nhau ra đi, xây dựng tổ ấm yêu thương.
 
Vì vậy, mình phải thấy cho rõ, đây có phải là tình thầy trò hay không? Nếu nó có màu sắc của ái dục thì ta phải cẩn thận, nếu để nó làm ta nhớ thương mỗi khi không được tiếp xúc, nói chuyện, thì đây là nguyên nhân sẽ đưa ta tới sự gần gũi. Mới đầu, ta chỉ gặp gỡ, trao đổi, thưa hỏi đạo lý tu tập với tình thầy trò, nhưng với thời gian, nước ái sẽ thấm dần vào trong trí não ta, cho nên ta phải nhớ mình đã xuất gia, mình đã có chí nguyện đi theo sự nghiệp của đức Thế Tôn, nên mình phải biết khôn ngoan, sáng suốt xa lìa.
    
Muốn vượt qua sự luyến ái đó, chư huynh đệ phải biết quan tâm, khuyên nhủ, nhắc nhở động viên lẫn nhau. Khi có ai nhắc nhở mình, thì mình phải chắp tay lại xin cám ơn người đó. Nếu làm được như thế, ta mới có năng lực làm chủ bản thân, vượt qua sự quyến rũ hấp dẫn của ái dục.
   
Trong khi đó, người tại gia sống ở ngoài đời, phải tiếp xúc chung đụng nhiều thứ, lại không có những giới luật ngăn cản và bảo hộ, nên những hạt giống của ái dục rất dễ thấm vào lòng mọi người. Do đó, Phật chế ra giới cho người tại gia là không được tà dâm, để giúp người phật tử sống hạnh phúc lứa đôi một vợ một chồng bằng sự chung thuỷ một lòng. Đứng về phương diện đó mà nói thì tu tại gia và tu chợ, khó hơn tu chùa rất nhiều, vì người tại gia phải tiếp xúc, gặp gỡ thường xuyên để giữ mối quan hệ gia đình, bè bạn và giao dịch làm ăn trong xã hội.
     
Con đường xuất gia vốn là con đường dễ dàng nhất để quý thầy cô có cơ hội chuyển hóa nghiệp tình ái. Tuy nói vậy, con đường chuyển hóa ái dục không đơn giản tí nào. Nếu không biết cách, nếu không quyết tâm dứt khoát xa lìa cội gốc luân hồi, sinh tử, thì sẽ trở thành con ma lơ lớ làm tổn hại nhiều người hơn và làm mất đi giống nòi nhân loại, vì cái bệnh nam ái nam, nữ ái nữ mà trong thời đại này rất nhiều người như vậy.
    
Đây là căn bệnh của thế kỷ làm đau đầu thế giới loài người, nếu ở trong chùa mà như thế thì phá hủy đời người tu. Đây là loại ma của thời hiện đại, đang có chiều hướng gia tăng trong rất nhiều chùa. Quý thầy cô nếu không chịu nổi đời sống độc thân để tu hành, chuyển hóa ái dục, thì cứ ra đời lấy vợ, lấy chồng bình thường. Còn nếu ở trong chùa mà lơ lớ như thế thì tội lỗi biết chừng nào.
     
Đối với người tại gia, cuộc sống cần có tình yêu thương nam nữ để xây dựng hạnh phúc gia đình, nên Phật vì lòng từ bi, thương xót chúng ta mà chế ra giới không tà dâm, sống chung thủy một vợ một chồng để đảm bảo hạnh phúc lứa đôi. Ái không phải chỉ là tình cảm giữa nam và nữ, mà nó còn có ý nghĩa khác là lòng nhân ái, là tình yêu thương nhân loại, là tình người trong cuộc sống.
   
Chữ ái không có nghĩa là vướng mắc mà có nghĩa là thương yêu. Chữ dục đứng riêng có nghĩa là khao khát, ham muốn, hay nói gọn lại là thèm khát. Khi hai chữ đứng riêng thì ta rất dễ hiểu, một bên là tình thương (ái) và một bên là ham muốn (dục). Nhưng khi gộp hai chữ lại thành chữ ái dục thì ta hơi khó hiểu, vì trong ái có dục, trong dục có ái.
     
Đức Phật khuyên dạy người xuất gia hãy nên diệt trừ nguồn gốc ái dục. Vì ái là yêu thích, thương yêu, mến tiếc, luyến ái, tham ái, bám víu. Dục là sự ham muốn hưởng thụ dục lạc. Ái dục là lòng ham muốn, luyến ái, bám víu, tham cầu hưởng thụ mọi sự sung sướng thường tình đối với tất cả chúng sinh trên thế gian này.
    
Trong kinh Pháp Cú Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ ái dục là nguồn gốc của mọi sự đau khổ trong đời, là sức mạnh hấp dẫn, thúc đẩy con người tìm sự thỏa mãn với nhau bởi lòng ham muốn khoái lạc. Ái dục là cạm bẫy nguy hiểm nhất, vì khi được toại nguyện nó sẽ đem lại cảm giác ngọt ngào êm dịu và khi được rồi mà thiếu nó thì ta chịu không nổi. Cho nên một trong hai người vợ hoặc chồng chết hay chia tay thì liền kiếm người khác để thế vô chỗ trống đó. Chính vì vậy, lòng ham muốn ái dục của con người cứ thế mà tăng trưởng theo thời gian. Cho nên, không cần ai chỉ dạy mà ta vẫn bị ái dục lôi cuốn, hấp dẫn đến ngớ ngẩn cả người.
 
Trong nhà thiền có câu chuyện “con cọp dễ thương” chắc quý vị ai cũng biết. Thuở xưa, tại một đồi núi hoang vắng, có một thiền sư sống ẩn dật, tu hành nơi đây. Trong lúc hóa duyên, sư tình cờ gặp đứa bé nằm lăn lóc bên bìa rừng, động lòng thương xót nên sư đã đem đứa bé về nuôi dưỡng. Chú bé lớn lên nhờ sự chăm sóc của thiền sư giàu lòng nhân ái, sống giữa rừng núi hoang vu không một bóng người qua lại.
    
Thắm thoắt 18 năm đã trôi qua, chú bé giờ đây đã lớn khôn nhưng chưa bao giờ giáp mặt với con người. Bạn bè chú là những con thú rừng hiền lành như hươu, nai, khỉ, vượn và các loài chim chóc khác. Tâm hồn chú trắng tinh như tờ giấy trắng với thiên nhiên đồi núi chập chùng, vui vẻ hài hòa với các loài thú yêu thương bé bỏng trong rừng sâu.
 
Thiền sư thường nói với chú tiểu, ở trên đời này loài cọp là dữ hơn hết, chớ nên gần gũi nó, ai gần là bị nó nhai cho tan xương, nát thịt. Chú tiểu cũng hay hỏi chị em nhà hươu, nhà nai trong rừng loài nào là dữ nhất, cả hai đều đáp cọp là loài dữ nhất, nó chuyên ăn thịt các loài thú khác để bảo tồn mạng sống. Các loài thú trong rừng chỉ cần nghe hơi và tiếng kêu của nó thôi, là sợ đến té đái cả bầy, anh người hãy nên tránh xa nó ra.
    
Một hôm, được tin người bạn đồng tu trong cơn bệnh nặng khó bề qua khỏi, thiền sư liền quảy túi xuống núi cùng với đệ tử của mình. Chú tiểu chưa bao giờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hôm nay được dịp, chú ngắm nhìn đủ thứ màu sắc với nhiều hình ảnh đẹp trong thế giới con người. Trên đường trở về, hai thầy trò tình cờ gặp một thiếu nữ tuổi vừa trăng tròn, dáng người thon thả, xinh đẹp làm sao. Chú tiểu ngạc nhiên nhìn dáng vẻ xinh đẹp của người khác phái một cách say sưa, đắm đuối, đôi mắt chú cứ nhìn chăm chăm vào người con gái ấy như lạc vào mê hồn trận của cõi thần tiên.
    
Thiền sư thấy thế bảo chú đệ tử đi nhanh về núi, kẻo trời tối. Chú tiểu ngớ ngẩn cả người ra mà hỏi, dạ thưa thầy, đây là con gì vậy? Thiền sư nhanh miệng nói: “cọp cái đó con, đi lẹ lên con ơi, kẻo cọp xơi bây giờ!”. Hai thầy trò cũng đã kịp về đến núi, trước khi trời vừa tối. Kể từ đêm hôm đó, chú tiểu bắt đầu thao thức, trăn trở mãi không sao ngủ được, chẳng thiết gì đến việc ăn uống. Chú cứ nhớ mãi về hình ảnh con cọp cái đó sao mà dễ thương, xinh đẹp làm sao đâu, nhất là khi cười để lộ hai hàm răng trắng đều như hạt bắp. Bị sự dằn vặt bởi hình ảnh sống động và sức hấp dẫn lạ kỳ đó, chú tiểu không còn chịu nổi nữa, vì trong lòng cứ nhớ mãi hình ảnh và bóng dáng đó, làm cho con tim chú rung lên bần bật như muốn vỡ nát ra, chú đành đến thú thật với thiền sư:
 
    
 
“Sư phụ ơi, sao con cứ nhớ đến con cọp cái đó quá chừng, thà con tìm gặp nó, để cho nó ăn thịt con cho rồi. Con thà chịu mất mạng, mà trong lòng cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng. Từ nhỏ đến giờ, con chưa từng trải qua cảm giác nhớ nhung, thương yêu, trìu mến, lạ lùng đến thế kia. Dạ thưa sư phụ, con phải làm sao đây?”. Chú tiểu kia đã bị tiếng sét ái tình làm rung động cả trái tim ngây thơ, hiền lành, chất phát của thuở nào.
    
Nói đến đây chúng tôi mới nhớ lại câu chuyện ông thầy tu và cô gái lái đò. Chuyện đó như sau, một hôm ông thầy có việc phật sự nên phải đi qua đò, khi đến bờ sông bên kia cô gái đều lấy mọi người chỉ có một đồng, riêng thầy cô ta lấy hai đồng. Ông thầy mới thắc mắc hỏi: Cô gái trả lời tại thầy nhìn tôi chăm chăm nên phải trả thêm một đồng, ông thầy hết đường hỏi.
 
Lúc trở về ông thầy biết rồi nên không thèm nhìn cô ta nữa, mà cứ cúi gằm mặt xuống để coi phen này cô ta có cớ gì để lấy tiền thêm mình hay không? Nhưng lần này, cô ta lại đòi ông thầy phải trả bốn đồng gấp đôi số tiền trước. Ông thầy mới ngạc nhiên và thắc mắc, lần này tôi đâu có nhìn cô sao phải trả bốn đồng cơ chứ? Tuy rằng thầy không trực tiếp nhìn tôi, nhưng trong tâm thầy nhớ mãi bóng hình của tôi nên phải trả bốn đồng. Ông thầy hết đường thắc mắc. Qua câu chuyện trên chúng ta đã thấy sỡ dĩ con người ta có mặt trong cõi đời này là do sắc dục và chết bởi sắc dục, tái sinh trong lục đạo luân hồi này cũng chỉ vì luyến ái sắc dục mà ra.
    
Thiền viện Thường Chiếu bây giờ có trên 200 vị thầy tu trẻ như thế, ít ra cũng có vài thầy xin nạp mạng mình cho cọp nhai nát xương chơi. Chú tiểu đó có duyên ở núi tu hành, chưa từng biết người nữ là gì và cũng chưa từng một lần trò chuyện với người khác phái, ấy thế mà, khi có duyên sự xuống núi cùng thầy, chỉ một lần thoáng thấy bóng dáng thôi, đã ngớ ngẩn người ra như kẻ mất hồn.
    
Chính vì vậy, ai dính mắc vào luyến ái, đam mê, tham muốn dục vọng, không biết chừng nào mới thoát ra được. Một khi đã nói đến sự luyến ái, tức là sự thèm khát và ham muốn về sắc dục. Ai trong chúng ta có thể vượt qua được, thật là trăm khó, ngàn khó. Đã là con người, thật khó có thể thoát ly vĩnh viễn được ái dục, ngoài trừ các vị đại Bồ tát và chư Phật. Chính vì vậy, Phật đã đưa nhiều hình ảnh thí dụ sống động về sự tác hại của ái dục, mà khuyên người xuất gia phải cố gắng tu học sau cho tốt, dùng trí tuệ để chuyển hóa ái dục mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
 
Vậy, Phật có yêu thương không? Phật yêu thương còn nhiều hơn chúng ta nữa nhưng không luyến ái và dính mắc, bởi trái tim của Phật vốn có tình yêu thương chân thật và bình đẳng với tất cả mọi người. Cho nên, ta phải thấy rằng, hễ là con người thì ai cũng có hạt giống của ái dục nếu không thì ta đâu có bị luân hồi trong cõi này. Trong tình yêu thương lúc nào cũng có gốc rễ của tình dục, vì sự thèm khát và ham muốn, nên ta luyến ái, yêu thương, chấp trước, bám víu vào đó, để thỏa mãn được khát vọng của mình. Ta tu tập là để chuyển hóa sự luyến ái, ham muốn cho riêng mình thành tình yêu thương chân thật vì tất cả mọi người.     
     
Khi ta đã chọn con đường xuất gia là con đường đi ngược lại dòng đời để chuyển hóa sự yêu thương, ích kỷ của riêng mình, thì ta phải khép kín lại cánh cửa ái ân, để mở rộng tình yêu thương rộng lớn cho tất cả mọi người. Như vậy không có nghĩa ta cho rằng ái ân là một tội ác.
     
Ái ân là tình yêu thương của nhân loại, là lẽ sống của mọi người, nhưng vì ta đã chọn cho mình một con đường để mở rộng tấm lòng nhân ái bằng tình yêu thương chân thật. Như chúng ta đã thấy, con đường thương yêu của Phật không hề bị hệ lụy, khổ đau, ràng buộc của tình ái chi phối. Con đường này không làm cho ta phiền muộn khổ đau, nhờ ta biết đem lại bình yên, hạnh phúc cho mình và người khác.
    
Sau khi ta khôn ngoan, sáng suốt, lựa chọn con đường của Phật rồi, ta phải đóng kín lại cánh cửa ái ân, mở rộng cánh cửa bình đẳng yêu thương nhân loại. Chúng tôi cũng từng là một chúng sinh si mê vô độ, say đắm luyến ái sắc dục nam nữ như cục nam châm khi gặp sắt. Tuy có duyên xuất gia nhưng vẫn chưa đủ sức làm chủ bản thân mỗi khi gặp người khác phái. Tôi vẫn biết mình còn yếu kém, dở tệ như thế, nên với tâm hổ thẹn trình bày ra đây, để chúng ta cùng cảm thông và hiểu cho nhau, cùng ráng cố gắng tu tập nhiều hơn, để vượt qua luyến ái buộc ràng mà thành tựu đạo giác ngộ, giải thoát.
     
Khi có một cặp vợ chồng làm lễ cưới ta thường chúc họ được trăm năm hạnh phúc, như vậy hạnh phúc chính là mục đích của hôn nhân. Cho nên, vấn đề hạnh phúc trong hôn nhân là nhu cầu thiết yếu của một đời người. Ai cũng biết gia đình là nền tảng của xã hội và đời sống vợ chồng là nền tảng của hạnh phúc gia đình. 
     
Đời sống hôn nhân sẽ rất phức tạp nếu không có những điểm chung, nhất là những điểm không chung ấy thuộc về phẩm chất tâm lý thì nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình rất cao. Sự đồng tâm cùng chung một chí hướng hay một lý tưởng nào đó sẽ đưa đến hiệp lực, nhất là cả hai cùng là phật tử, nhờ vậy ta dễ dàng vượt qua những khó khăn trong cuộc đời vì đã tin sâu nhân quả. 
 
Đời sống vợ chồng nếu không đặt mình vào những bổn phận và trách nhiệm rõ ràng thì sẽ rất khó giữ gìn được tình yêu lâu bền. Bởi vì sao? Sống với nhau là để yêu thương lo lắng san sẻ cho nhau và còn có trách nhiệm nuôi dạy con cái nữa và đóng góp lợi ích cho xã hội, chứ không phải lấy nhau chỉ để hưởng thụ dục lạc ích kỷ cho riêng mình.
 
Trong tình yêu lứa đôi yếu tố chung thủy được coi là quan trọng nhất trong cuộc sống hôn nhân, có thể nói đây là nền tảng luân lý đạo đức chuẩn mực chỉ có trong những người đã ý thức trách nhiệm và tin sâu nhân quả. Có một lời nói mà chúng tôi cảm thấy thương tâm đó là: Phía sau sự thành công của người chồng, có bóng dáng của người vợ. Phía sau những bi kịch của một người đàn ông có bóng dáng của nhiều người đàn bà. Cuộc sống trong thời văn minh hiện đại, dễ làm cho con người đổ vỡ hạnh phúc nhiều hơn bởi áp lực của cuộc sống với bộn bề công việc và sự tự do quá mức trong tiếp xúc quan hệ nam nữ. 
 
Xây dựng cuộc sống hạnh phúc gia đình bằng những lời Phật dạy có nghĩa là chồng và vợ phải có ý thức bình đẳng tôn trọng nhau, chung thủy một vợ một chồng, biết cảm thông và tha thứ cho nhau và có trách nhiệm nuôi dạy con cái đàng hoàng. Có những cặp vợ chồng bề ngoài rất vui vẻ, hạnh phúc nhưng bên trong họ đang khốn khổ vô cùng, họ chỉ sống giả tạo với nhau để che mắt thiên hạ. Hạnh phúc gia đình thật sự chỉ có mặt khi nó đến từ lòng vị tha và có sự cảm thông sâu sắc giữa hai người.
   
Đức Phật dạy, một người vợ lý tưởng hay một người chồng đạo đức là hai người biết thể hiện tình yêu thương của mình trong bốn vai trò đối với nhau:
    
- Một là coi chồng hoặc vợ như là người mẹ, người cha của mình, thương yêu con cái không giới hạn, trải lòng bao dung, hy sinh tất cả cho con. Người chồng hoặc vợ không phải khi nào cũng làm tốt hết mọi công việc trong nhà và ở ngoài xã hội, có những lúc quá nhiều khó khăn, trắc trở người chồng hay vợ cũng suy sụp tinh thần lẫn thể xác. Lúc ấy, vai trò của hai người phải thay đổi qua vai trò của người mẹ hoặc người cha, hy sinh quên mình, lo lắng an ủi vỗ về và động viên cho nhau.
    
- Hai là coi chồng hoặc vợ như là người em gái, người em gái luôn kính trọng anh chị, biết lắng nghe và phục vụ với thái độ ôn hòa, coi trọng những ý muốn của anh chị mình. Trong hai người lúc này đóng vai một người cộng sự biết chia sẻ và hợp tác, làm cho người chồng hoặc vợ cảm thấy an tâm và tin tưởng.
    
- Ba là coi chồng hoặc vợ như là bạn thân, nghĩa là vui vẻ hân hoan đối với chồng hoặc vợ, thể hiện sự duyên dáng dịu hiền và một chút tình tứ làm cho người chồng hoặc vợ cảm thấy hứng thú và yêu đời.
    
- Bốn là coi chồng hoặc vợ như là người đầy tớ, trong hai người gặp lúc mất bình tĩnh trong cơn nóng giận có thể chửi mắng nặng lời, có thể thượng chân hạ cẳng, người chồng hoặc vợ phải biết nhường nhịn lẫn nhau ví như mình là một đầy tớ bị chủ nói hoặc rày la vẫn vui vẻ không buồn giận. Nếu được như vậy sẽ giúp cho hai người vượt qua những khó khăn bất trắc trong cuộc đời và sẽ có được một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc thật sự. 
    
Tuổi trẻ trong thời đại ngày hôm nay đang đối mặt với sự khủng hoảng về đời sống hôn nhân, họ chưa đủ kinh nghiệm để bước vào đời sống vợ chồng. Trước những tấm gương đổ vỡ hôn nhân, làm cho giới trẻ thiết tha tìm lối thoát; ngày càng nhiều thanh niên quan tâm học hỏi về nghệ thuật sống, về kỹ năng giữ gìn hạnh phúc lứa đôi cũng như xin được làm lễ hằng thuận trong chùa là những bằng chứng thiết thực.      
  
    
 
Đạo Phật vốn là đạo giác ngộ, giải thoát, muốn vậy phải đoạn trừ tâm luyến ái và lòng ham muốn hưởng thụ vật chất cũng như tình dục là mục đích của sự tu tập chuyển hóa, nhằm giúp cho người xuất gia ái dục.
    
Ngày xưa, đạo Phật không thiết lập chương trình lễ thành hôn cho nam nữ phật tử. Ngày hôm nay chúng tôi tin rằng, những cặp vợ chồng được làm lễ hằng thuận trước sự chứng minh của Tam bảo với những lời cầu nguyện và chỉ dạy của chư tăng, sẽ là nguồn động viên giúp đỡ chúng ta tin sâu nhân quả và cùng nhau sống tốt hơn nhờ gìn giữ năm điều đạo đức, trong đó có giới sống chung thủy một vợ chồng.
    
Như chúng ta đã biết, lòng ái dục nặng chúng ta mới sinh ra cõi Ta bà, nên niệm Phật phải nhất tâm mới về Cực lạc được. Tu thiền phải buông xả từng vọng niệm mới làm chủ được bản thân. Sắc dục không phải là làn sóng dữ, nhưng dễ dàng nhấn chìm biết bao người tài hoa. Chúng ta phải nên biết, khi vô thường đến, tất cả vợ chồng, con cái mỗi người đều theo nghiệp đã tạo mà đi, dù cho có lưu luyến khóc than, tiếc nuối nhưng nghiệp ai tạo ra đều nhận lấy.
     
Tham ái là tình cảm thương yêu giữa nam và nữ, cho nên thế gian lớn lên thường khiến người ta tiến đến hôn nhân và tình dục. Đây là bản năng mạnh thứ hai so với bản năng sinh tồn của con người.
 
Sống trên đời này, chúng ta bị nghiệp quá khứ cũng như bản năng nơi chính mình thúc đẩy tìm đến tình yêu đôi lứa với người khác phái để rồi từ tình yêu đôi lứa đó, chúng ta tiến đến hôn nhân và tính dục. Tuy nhiên, đối với người xuất gia thì không được phép nhiễm vào tham luyến ái ân. Như chúng ta đã biết, tình yêu là điều không thể định nghĩa được. Con người chỉ có thể nhận thấy biểu hiện của nó và dựa vào đó, để biết rằng mình đã yêu. Đối với những lớp tình cảm còn nằm sâu trong vô thức, chúng ta lại càng không thể dùng tâm để điễn tả được mà chỉ có cảm nhận qua thực tế.
    
Tình yêu muôn đời vẫn là cái gì đó vô cùng bí ẩn mà con người không thể cắt nghĩa được, không thể hiểu hết được. Tình cảm con người là như vậy, phức tạp và bí ẩn. Tuy nhiên, một điều lạ là tuy không định nghĩa được, chỉ cảm nhận thôi nhưng nó lại mạnh hơn ý thức. Phải chăng, cái gì càng hướng về chiều sâu, càng có sức mạnh hơn những cái xuất hiện trên bề mặt? Trong thực tế, có những mối tình ngang trái, thậm chí vô lý mà người ta vẫn lao vào, bất chấp danh dự, bất chấp sự nghiệp, bất chấp tương lai, bất chấp sự ngăn cản của mọi người để đến với nhau.
     
Chẳng hạn như một cô gái xinh đẹp, con nhà giàu có lại đi thương một anh chàng, không nghề nghiệp, không đạo đức chỉ biết chơi bời lêu lỏng. Mặc dù gia đình ngăn cấm, tình yêu của họ vẫn ngày càng cháy bỏng. Đó là tình yêu rất kỳ khôi, bình thường không thể chấp nhận được nhưng họ vẫn cứ yêu, không lý lẽ nào có thể giải thích được.
    
Tại sao như vậy? Vì tình yêu luôn luôn mạnh hơn lý trí. Người ta vẫn thường nói: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu nổi”. Đúng như vậy. Sức mạnh của tình yêu vượt lên những lý lẽ thường tình. Chính vì tình cảm có sức mạnh đáng sợ như vậy nên người xuất gia của chúng ta phải biết đề phòng. Bây giờ, sống trong môi trường với đại chúng, với giới luật, được quý thầy lớn và huynh đệ bảo bọc, chúng ta cảm thấy bình yên.
     
Nhưng đây chỉ là sự bình yên tạm thời. Một ngày nào đó, khi ra làm phật sự, chúng ta sẽ đối diện với không ít những thử thách, có khi có cả sự thử thách của tình ái. Nếu không đề phòng, không cẩn thận, nó sẵn sàng đẩy chúng ta vượt ra ngoài khuôn phép. Do đó, chúng ta phải có sự hiểu biết về tình yêu, hiểu được sức mạnh cũng như nguyên nhân của nó để có phương pháp hóa giải và vượt qua.
     
Sở dĩ tình cảm có sức mạnh ghê gớm như vậy vì nó thuộc bản năng, tức là thói quen muôn đời của con người. Bản năng sinh tồn là sức mạnh tiềm tàng, sâu kín trong con người, buộc con người phải duy trì sự sống. Bản năng mạnh thứ hai là bản năng hưởng thụ, là khuynh hướng thôi thúc con người đi tìm hạnh phúc. Và trong những vấn đề mà con người gọi là hạnh phúc ấy, có tình yêu. Tình yêu cũng là một loại hạnh phúc vì trong cuộc sống, con người luôn khao khát được thương yêu trìu mến.
     
Đôi khi vì thất vọng trong tình yêu mà con người phải tự tử, phải hủy hoại sự sống của mình. Thực tế đã cho thấy điều này. Không ít những chàng trai, cô gái vì thất vọng trong tình yêu đã uống thuốc độc hoặc nhảy xuống sông tự tử. Tình yêu có sức mạnh thật khủng khiếp. Tình yêu mạnh hơn cả cái chết. Với không ít người, tình yêu chính là sự sống. Vì vậy, khi đã thất bại trong tình yêu, họ sẽ vô cùng đau khổ và sự sống với họ lúc ấy không còn ý nghĩa gì nữa.
    
Ở người nam có nội tiết tố nam là Testosterone. Người nữ có nội tiết tố nữ là Estrogen. Khi đến tuổi trưởng thành, những tuyến nội tiết của người nam và người nữ sẽ tiết ra hai nội tiết tố này tạo thành trạng thái tâm lý đặc biệt để người nam đi tìm người nữ và người nữ chờ đợi người nam. Đó là lý do vì sao khi lớn lên, con người lại phải yêu thương nhau. Vậy, làm sao con người biết được mình đang yêu hay đang rung động vì tình yêu? Tình yêu là loại tình cảm đặc biệt mà chúng ta chỉ có thể gọi tên chứ không định nghĩa được.
    
Nhưng dựa vào bốn biểu hiện của tình cảm, con người có thể biết được mình đang yêu và đã yêu. 
 
- Thứ nhất, khi gặp người ấy, chúng ta cảm thấy lòng hân hoan, vui sướng. 
 
- Thứ hai, khi xa người ấy, chúng ta thấy cảm thấy buồn nhớ và luôn nghĩ về họ. 
 
- Thứ ba, chúng ta luôn muốn giúp đỡ người ấy tất cả về mọi phương diện. 
 
- Thứ tư, do muốn chiếm hữu cho riêng mình nên ta ích kỷ, chúng ta chỉ muốn người đó thuộc về ta. Nếu thấy trong tim xuất hiện bốn hiện tượng này, chúng ta biết rằng mình đã và đang yêu, hãy nên cố gắng mà tìm cách vượt qua.
    
Trong tình yêu, ngoài nguyên nhân chính thuộc về sinh lý còn do nghiệp duyên từ quá khứ chiêu cảm nữa. Vì duyên nợ ân nghĩa quá khứ, nên khiến hai người gặp nhau kết đôi trong đời sống hôn nhân. Khi thương yêu ai, chúng ta phải hiểu rằng giữa mình và người ấy đã có mối quan hệ từ quá khứ. Chỉ với đời sống vợ chồng, con người mới lo lắng, chăm sóc, giúp đỡ nhau suốt năm này qua năm khác để yêu thương nhau và trả nợ nhau. Nếu nợ quá khứ không nhiều, ơn nghĩa quá khứ không nhiều nhưng có duyên, con người vẫn có tình thương yêu trong một thời gian ngắn. Trong tình yêu, nếu để ý chúng ta sẽ thấy, ai mắc nợ nhiều sẽ thương người kia nhiều hơn.
    
Với con người, thương yêu và được yêu thương là một niềm hạnh phúc lớn lao. Tất nhiên, hạnh phúc chỉ đến trong buổi ban đầu, về lâu dài tình yêu sẽ làm cho con người đau khổ. Vì sao? Vì thương mà không được gần nhau cho nên khổ, vì ghét mà gặp nhau hoài cho nên khổ, vì mong muốn mà không được như ý cho nên khổ. Do đó, luyến ái dục vọng trong tình yêu giống như người khát nước mà uống nước muối, càng uống càng khát. Trong các thứ luyến ái dính mắc vào ngũ dục như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon ngủ kỹ mặc ấm, không bằng luyến ái nam nữ nó như là cục nam châm gặp sắt liền hút.
     
Con người ta sống bởi sắc dục, chết bởi sắc dục và chết đi sống lại trong ba cõi sáu đường cũng vì sắc dục. Người xuất gia phải xa lìa ái dục để thành tựu đạo giác ngộ, giải thoát cho nên phải đi ngược lại dòng đời. Còn người cư sĩ chuyển hóa bằng cách sống chung thủy một vợ một chồng và biết tiết chế trong đời sống tình dục, nhờ vậy tâm luyến ái cũng có phần suy giảm.
 
 
Tác giả bài viết: Thích Đạt Ma Phổ Giác
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 92
  • Khách viếng thăm: 85
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 41497
  • Tháng hiện tại: 623318
  • Tổng lượt truy cập: 117428974
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012