Tư liệu 1963: "Chùa Từ Đàm bị phong tỏa" của Tâm Chánh
Thì chiều hôm ấy, chúng tôi đang đứng trước hiên nhà Tăng, thấy ngoài sân đi vào một người lùn, mập, mặt đỏ gay, gắt, có cái súng lục nằm trong túi quần để lòi cái tay cầm ra ngoài. Người này quanh quẩn ngoài sân chùa một lúc như muốn tìm ai rồi tiến thẳng đến chỗ Thượng Tọa T.Q. đứng và dừng lại trước mặt Thầy! Người bạn tôi hoảng hốt nắm tay tôi kêu:
“Chị ơi, chị, cái giò heo, ông nớ có cái giò heo, ông đứng nói chuyện với Thầy đó tề, chị ơi, em sợ quá, làm răng chừ”!
Tôi đã tái mặt khi thấy người này tiến về phía Thầy, nhưng không khỏi tức cười với cái danh từ khôi hài của bạn trong lúc này. Đứng xa nhìn tới, không hiểu Thầy và người ấy đã nói gì với nhau mà người kia lửng thửng đi ra ngả sau. Thì ra ông ta đã nói thẳng Thầy: “Thầy T.Q. ở mô, cho tôi gặp một chút” và Thầy đã trả lời: “mô sau nhà”
Hú hồn!!
Chúng tôi đã sống qua 5 ngày đầy ý nghĩa đoàn kết, thân mật, yên vui thì chiều hôm ấy, bắt đầu chiến dịch chiêu hồi. Chính quyền đưa phụ huynh lên đòi con em về, làm huyên náo cả chùa! Máy phóng thanh chỉ vào chùa la inh ỏi, đòi nhà chùa trả con em về với gia đình, khuyên nhủ các học sinh, sinh viên và Phật Tử trong chùa nên về với gia đình…Thật là mâu thuẫn, nhà chùa có cầm giữ, lôi kéo ai, chính nhà chức trách đã vây quanh chùa không cho con em người ta về, bây giờ lại la làng xóm đòi chùa phải trả con em về!!
Lúc đầu mới nghe máy phóng thanh gọi, một vài em trong GĐPT có thân nhân đến hỏi thăm, lật đật chạy ra thì bị cảnh sát lôi bừa bỏ lên xe chở về, mặc cho em này vùng vẫy kêu la. Những em khác được gọi sau, có kinh nghiệm, không chịu ra gặp mặt phụ huynh chỉ đứng trong sân chùa nói vói ra, và mặc dầu lời hăm dọa của chính quyền, lời bị bắt buộc dỗ dành của phụ huynh, các em vẫn cương quyết không về! Họ gọi người này không được qua người khác, cứ réo mãi suốt ngày, đến nửa đêm, nhức tai, nhức đầu, lập đi lập lại mấy câu mâu thuẫn như từng điệp khúc của mộtbản nhạc không hồn! Nhiều anh em Phật Tử con công chức cứ phập phồng lo sợ đến phiên mình bị gọi về!! lăng xăng chạy lui chạy tới tìm cách tránh mặt, để đối phó nếu rủi có bị gọi!! Không khí chùa trở nên rộn ràng, lộn xộn.
Cái trò chơi trẻ con đặc biệt này kéo dài trong 2 ngày đêm vẫn không có kết quả gì, cuối cùng chính quyền đưa ra biện pháp soát chùa. Một lệnh mới được công bố:
“Nếu trong 24 tiếng đồng hồ nữa, những người trong chùa không về thì nhà chức trách sẽ soát chùa, nếu ai không có tên trong tờ khai ở lại chùa thì chính quyền sẽ đưa biện lý tới bắt”
Được tin này, quý Ôn, quý Thầy sợ phiền lụy cho tín đồ, khuyên tín đồ về, nhưng tất cả đều nguyện cùng ở lại để được sống chết có nhau. Nhưng rồi tín đồ cũng phải vâng lệnh quý Ôn, quý Thầy để làm gương. Các Bác lần lượt ra về từ chiều hôm trước. Riêng các đoàn thể thanh niên thì cương quyết ở lại. Đêm đó quý Thầy phải thuyết phục anh em đến 2,3 giờ sáng. Tuy thế, sáng ngày anh em GĐPT vẫn không chịu về. Cuối cùng Ngài Hòa Thượng Hội Chủ phải đích thân ra họp anh em, khuyên nhủ, bắt buộc hồi lâu, anh em yên lặng, nét mặt đau khổ, nước mắt chảy dài, có người dằn lòng không được đã phải nấc lên thành tiếng khóc, cung kính đảnh lễ Hòa Thượng lặng lẽ lui ra sắp đồ đạc để về! Những người còn lại đứng chứng kiến không ai cầm được nước mắt trước cảnh chia tay não lòng này!
Một đoàn xe buýt do chính quyền đưa đến chực sẵn để đưa Phật Tử về. Anh em tưởng là ra đường phóc lên xe về liền, theo lời nhà chức trách đã rao đi rao lại mấy hôm nay:
“Đồng bào cứ tự do ra về, chính quyền không làm khó dễ gì hết”.
Thế mà vừa bước chân ra cửa chùa, nhà chức trách còn giữ lại để làm mọi thủ tục cần thiết hơn một tiếng đồng hồ, soát người, soát ba lô, cặp da: rồi lại chụp hình, lăn tay, khai lý lịch, ký giấy cam đoan “Từ nay không phạm pháp nữa” rồi mới được lên xe do Hiến Binh đưa về tận nhà…để bắt buộc phụ huynh phải chịu trách nhiệm nếu con em còn đi chùa nữa!
Cảnh chùa trước đây mấy hôm huyên náo, rộn rịp bao nhiêu thì giờ này vắng vẻ lạnh lùng bấy nhiêu. Quang cảnh thật là buồn thảm, thê lương. Chúng tôi, năm người còn sót lại, trong đó có vị ủy viên giáo dục của Tổng trị sự, nhất định không về, nhưng…nhưng cũng không được phép ở lại nên đành phải chung số phận với các bạn lủi thủi ra về với bao nỗi nghẹn ngào, uất hận bên trong!
Giờ phút đi ra buồn thảm, đau xót làm sao! Thầy trò không dám nhìn nhau, không nói với nhau được một lời từ giã!!
Biết rằng có ở lại, chúng tôi cũng không làm gì ích lợi cho ai, nhưng xa quý Ôn, quý Thầy trong lúc này, mà ai cũng biết là người ta muốn cô lập quý Thầy, chúng tôi có cảm tưởng như đã làm một việc phản bội với lương tâm, chúng tôi tưởng đó là một sự thiếu sót bổn phận mà tất cả tín đồ trung thành đều không muốn, mặc dù trước khi ra về chúng tôi đều có lãnh công tác nếu chùa còn bị phong tỏa dài ngày hoặc có biến cố khác thường xảy ra.
Bảy ngày qua!! Bảy ngày chung sống dưới mái chùa lịch sử! Chắc trong thời gian ấy, bà con thân thích ở nhà lo sợ cho chúng tôi lắm. Thật ra lúc đầu chúng tôi cũng có phần hoang mang lo sợ, không hiểu họ vây chặt, chận đường tiếp tế, không cho một ai ra vào để làm gì! Không lẽ họ sẽ giết tất cả chúng tôi trong một lúc. Có một hôm chúng tôi được tin người ta chôn mìn chung quanh chùa Từ Đàm để chờ dịp cho nổ lật cả chùa, chúng tôi không khỏi rùng mình, nhưng nghĩ lại nếu được chết cùng một lúc cả Thầy lẫn bạn trên 400 người, trong một hoàn cảnh đặc biệt vì Đạo Pháp thì cũng là một cái chết lịch sử hiếm có, ngàn năm một thuở vậy. Nghĩ thế chúng tôi đã không sợ mà còn cảm thấy vui vui sung sướng là khác nữa!
Nhờ chung sống trong lúc lâm nguy, chúng tôi càng thấy rõ ý nghĩa sâu xa của tình đồng Đạo, của tính đoàn thể, của những người đồng chí hướng đồng lý tưởng, không phân biệt quen lạ, thân sơ, không phân biệt già trẻ, lớn nhỏ, chúng tôi thân nhau như ruột thịt, gần nhau và thương nhau chân thật. Thì ra, chỉ có những lúc gian nguy khốn khổ người ta mới hiểu rõ lòng nhau, mới thương nhau thành thật, mới dễ tha thứ cho nhau, khi ấy, người ta mới thấy giá trị của tình thương, tình thương thiêng liêng của những người con Phật.
Bảy ngày qua, bao chuyện buồn vui lẫn lộn. Trên có quý Ôn, quý Thầy, quý Sư Cô, quý Bác, dưới có anh chị em thanh niên Phật Tử đủ các giới, một đại gia đình sum họp khắng khít, hòa vui, cởi mở, buồn lo… “Thầy trò cùng cười khóc với nhau, cảnh tượng này không khi nào có lại được nữa, và cũng không khi nào có thể quên được!!”
Riêng tôi, rất lấy làm thỏa mãn được may mắn “bị nhốt” trong chùa để được chia sẻ mọi nỗi buồn vui, gian khổ với Thầy, với bạn, với tất cả anh chị em thanh niên trong đại gia đình Phật Giáo ở Thừa Thiên.
* Trích lục: “Trước cơn sóng gió” Do Ban Hướng dẫn GĐPT Trung phần xuất bản năm PL. 2508 (1964). Từ Tr. 75 đến Tr. 95.
cảnh tượng, khi nào, có thể, phật tử, lựu đạn, nam giao, quang cảnh, rùng rợn, khác thường, xe cộ, qua lại, lục soát, giấy tờ, rải rác, hơn nữa, xôn xao, lo âu, buồn thảm, linh cảm, biến cố, phật đản
Mã an toàn:
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Chùa Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, thành phố Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật...
Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.
Ngày thành lập : 12-09-2012
Ý kiến bạn đọc