Phật dạy gì về tâm dua nịnh?

Đăng lúc: Thứ tư - 14/04/2021 06:46 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Qua những lời dạy của Đức Thế Tôn, ở chương 8 trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, ta thấy được đời người chỉ một lần sống, sống chi li nịnh nọt cũng hết một kiếp người, sống yêu thương thành thật cũng hết một kiếp người. Vậy hãy sống như thế nào là điều mà mỗi chúng ta nên lựa chọn.

 
Cuộc đời thật quá ngắn ngủi, chúng ta không có thời gian lao vào những trần cảnh, hơn thua, được mất, danh lợi… mà quên rằng ta đã chọn con đường tu sĩ, gác lại cả những tham vọng và tiền tài sống với hoài bão của người xuất gia để nhận được bản tâm, sống và tu tập xứng đáng là con gái Như Lai.
 
Trong chương 8 Kinh Di Giáo, Đức Thế Tôn đã dạy: “Này Tỳ kheo các ông, Tâm dua nịnh cùng với đạo trái nhau. Thế nên, phải có tâm chân chất ngay thẳng, phải biết tâm dua nịnh chỉ là dối trá người vào đạo không nên có. Thế nên, các ông tâm phải đoan chính, lấy chân chất ngay thẳng làm gốc.”
 
Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người ai cũng yêu chuộng sự chân thật, không một ai thích những người sống dua nịnh, giả dối cả. Ở đời còn như thế, huống chi chúng ta là người tu, cuộc sống này vốn mong manh, sớm còn tối mất, vô thường nhanh chóng, có hẹn cùng ai đâu? Vậy sao chúng ta không sống chân thật như Đức Phật dạy: “Không dua nịnh, giữ tâm đoan chánh?”
 
Thế nhưng đối với danh vọng của cuộc đời, kể cả chúng ta, những người đã khoác lên mình chiếc áo giải thoát, dù đủ duyên được tắm mát giáo lý của Đức Thế Tôn nhưng chưa hẳn ai cũng làm chủ được chính mình. Những lúc tâm phàm phu khởi cũng không tránh khỏi những cái gọi là “thế tục” chạy theo cái không thật, hơn thua để mang lại lợi lạc cho chính mình, để khẳng định bản thân hơn người, nâng cao cái tôi, tạo thêm tội lỗi mà chúng ta không hề hay biết. Bởi vậy, cuộc sống mới có chữ “Tôi” thêm huyền là: “tồi”, sắc là: “tối”, nặng là: “tội”. Thế nên, hãy quên đi cái của riêng tôi, mở lòng sống vì mọi người, thì ta có những ngày sống thật ý nghĩa giữa cuộc đời ngắn ngủi này. Thật may mắn thay! Chúng ta gặp được chân lý mà Đức Phật đã dạy: “Phải biết tâm dua nịnh chỉ là dối trá, người vào đạo không nên có, vì vậy các ông tâm phải đoan chính, lấy chân chất ngay thẳng làm gốc.” Vậy tại sao, tâm dua nịnh là dối trá, bởi lẽ rằng, sống cả cuộc đời chỉ để làm hài lòng người khác, có thể dối trá sự thật để đạt được mục đích mà mình mong muốn, đánh đổi cả nhân cách, niềm tin của người khác dành cho mình, vui trên nỗi đau của người… đó chẳng phải là tội lỗi hay sao?
 
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật có dạy: “Chẳng phải chỉ có người lực sĩ mới có nhiều sức mạnh mà người ngay thẳng, thắng được tâm của chính mình còn mạnh hơn cả người lực sĩ… Phật đã trải qua vô số kiếp, chẳng nghe theo tâm, mà nỗ lực tinh tấn đạt đến quả vị Phật”.
 
Thế nên, chúng ta phải sống một cuộc sống không vụ lợi và chân thành với nhau, để cuộc sống này đầy yêu thương và tốt đẹp. Bởi lẽ con người đến với nhau chỉ vụt thoáng rồi lại vụt qua, có duyên tiền kiếp mới được gặp nhau. Thế nên, hãy để lại trong lòng nhau những gì tốt đẹp nhất, không quá phô trương, cũng không mong mỏi, cưỡng cầu, nghĩ thoáng, nhìn thông, buông bỏ, để dễ thở hơn trong cuộc sống ngắn ngủi này.Thí dụ như có lần luật sư Kiến Nguyệt ở Trung Hoa trên đường đi thọ giới và tham học, lên đến Hoa Sơn thì gặp trong chúng có vị viễn tòa, vị này thấy Ngài liền có cảm tình. Sau khi học kinh Lăng Nghiêm xuống, vị viễn tòa đem cơm ra mời Ngài ăn. Nhưng ở đây là sống trên núi, trong thời sống kham khổ chúng thì thường ăn cháo, ít được ăn cơm, mà Ngài được mời cơm. Nếu là chúng ta, thì mình sẽ thấy hân hạnh hơn người, và sẽ ăn liền, nhưng với vị luật sư này, thì khác… Ngài hỏi:
 
- Chúng tăng đều ăn cháo, cơm này từ đâu mà có?
 
Thế là ông viễn tòa thấy xấu hổ, vì dùng cơm ăn riêng, và ông đã nói:
 
- Tôi có lòng tốt mời Ngài, Ngài không ăn thì thôi hỏi lại làm chi?
 
Ngài luật sư liền nói:
 
-  Đại trượng phu chẳng dùng thức ăn không rõ ràng.Nên cuối cùng, Ngài không ăn. Vị viễn tòa này sau đó bàn với mấy vị có trách nhiệm, để Ngài ở gần nhà bếp thì không ổn, sợ Ngài biết được lỗi của mình không hay, nên dời chỗ Ngài đi. Ngài sẵn sàng chấp nhận chứ không có tâm không ngay thẳng hoặc dua nịnh theo để nhận những thức ăn không rõ ràng.
 
Sống chân thành - Sự khôn ngoan đích thực
 
Qua mẩu chuyện nhỏ trên, ta thấy được dù trong hoàn cảnh cam khổ đến cùng cực, tâm cong quẹo, dua nịnh cũng không khởi trong lòng luật sư Kiến Nguyệt. Thế nên, chúng ta đang sống và tu học ở thế giới hiện đại văn minh phải sống sao cho thật xứng đáng với bài học mà Đức Thế Tôn đã để lại.
 
Theo dòng chảy tất bật của thời gian và cuộc sống, con người ta cứ phát triển dần theo năm tháng, tre tàn măng mọc đó là quy luật tự nhiên của tạo hóa, nhưng có những bài học vô giá cho thế hệ kế thừa trong số đó:
 
Lòng tà mị dua nịnh,
Trái nghịch với đạo lành,
Vậy người theo pháp chánh,
Phải giữ tấc lòng thành.
 
Chúng ta nên sống chính trực ngay thẳng và chân thành là những điều mà Chư Phật, chư Tổ và những bậc thầy mong mỏi ở chúng ta.
 
Ngay cả thế tục còn không thích sự gian dối, dua nịnh. Là một tu sĩ lẽ nào ta không nhận ra điều ấy? Thế nên, chúng ta phải cố gắng từng ngày, cải thiện những tật xấu dở trong cuộc sống hàng ngày, bỏ đi những tâm tà mị, dua nịnh để sống với bản chất của tâm thể như như của chúng ta thuở ban đầu. Để xứng đáng là người tu sĩ, là đệ tử của Phật. Sống được với tâm Phật của chính mình.
 
Qua những lời dạy của Đức Thế Tôn, ở chương 8 trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, ta thấy được đời người chỉ một lần sống, sống chi li nịnh nọt cũng hết một kiếp người, sống yêu thương thành thật cũng hết một kiếp người. Vậy hãy sống như thế nào là điều mà mỗi chúng ta nên lựa chọn. Thế giới này thật rộng lớn còn bản thân ta lại quá nhỏ bé có những chuyện không cần phải so đo tính toán, những điều không vui ghép lại thành mẩu giấy vụn hãy đem cất vào một nơi thật dễ lãng quên và ta không còn vướng bận đến nó nữa… Nên nhắc nhở bản thân thường xuyên rằng: “Tôi không được hoàn hảo, nhưng nhất định phải sống chân thành, không dua nịnh dối trá, cố gắng tu học vươn đến cái chân thiện mỹ”, sống được với tâm Phật trong chính mình. Cuộc sống sẽ chẳng vì ai, sẽ chẳng vì lời oán trách mà đi theo một quỹ đạo khác, dù ta có oán trách hay không, thì cuộc sống vẫn diễn ra như thế. Vì vậy, chúng ta hãy sống tốt, sống thật bình thường chứ không tầm thường, sống an vui từ những điều đơn giản nhất.
 
 
Tác giả bài viết: Hải Anh Bảo Hải
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 507
  • Khách viếng thăm: 495
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 105583
  • Tháng hiện tại: 705041
  • Tổng lượt truy cập: 110079660
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012