Nuôi dưỡng tự do

Đăng lúc: Thứ ba - 29/06/2021 15:15 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Theo tôi không thể có hạnh phúc nếu không có tự do, và không ai ban tự do cho chúng ta cả; chúng ta phải tự mình nuôi dưỡng nó lớn lên. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn làm sao có thêm được tự do.
Trong lúc ta ngồi, đi đứng, ăn cơm hay làm việc ngoài trời, là ta đang nuôi dưỡng tự do. Tự do là điều ta thực tập hàng ngày. Bất cứ bạn đang ở đâu, nếu bạn có tự do là bạn cảm thấy an lạc. Tôi có nhiều người bạn bị giam cầm ở các trại học tập, nhờ biết thực tập nên không quá đau khổ. Sự thật họ đã tăng trưởng trong đời sống tâm linh, và điều ấy làm tôi hãnh diện về họ.
 
Tự do có nghĩa là không bị ràng buộc bởi ưu phiền, bởi cơn giận và bởi sự tuyệt vọng. Nếu bạn đang giận thì bạn phải chuyển hóa cơn giận để lấy lại tự do. Nếu bạn đang tuyệt vọng thì phải nhìn nhận cơn tuyệt vọng đó và đừng để nó tràn ngập tâm hồn bạn. Bạn phải thực tập như thế nào để chuyển hóa năng lượng tuyệt vọng, và có được tự do mà bạn xứng đáng được hưởng mà không bị tuyệt vọng ràng buộc.
 
Bạn có thể thực tập tự do mỗi giây phút trong đời sống hằng ngày. Mỗi bước chân bạn đi có thể giúp bạn lấy lại tự do. Mỗi hơi thở có thể giúp bạn nuôi lớn tự do. Khi bạn ăn, ăn như một con người tự do. Ðiều này bạn có thể làm được bất cứ ở đâu.
 
Nhờ nuôi dưỡng tự do cho chính bạn, bạn có thể giúp những người đang chung sống với bạn. Mặc dù bạn đang sống với họ trong cùng một nơi chốn, trong cùng những điều kiện vật chất, nhưng nếu bạn thực tập, bạn sẽ là một người tự do hơn, vững chãi hơn. Nhìn cách bạn đi, cách bạn ngồi, cách bạn ăn, mọi người sẽ cảm kích. Họ sẽ thấy rằng niềm vui và hạnh phúc đã có thể đến với bạn, và họ sẽ muốn được như bạn, bởi vì bạn đã làm chủ được mình, bạn không còn là nạn nhân của sự giận dữ, sự thất vọng, sự chán chường. Sự thực tập mà tôi đã hành trì trong đời sống của một tu sĩ Phật giáo là sự thực tập tự do. Khi tôi được nhận làm chú tiểu, bổn sư của tôi trao cho tôi một quyển sách có tựa đề “Bước tới Tự Do Thảnh Thơi,” sách học của một tu sĩ tập sự.
 
Ðược thở vào và thở ra là một nhiệm mầu. Một người bị bệnh nặng không thể nào thở một cách tự do, và người ấy sẽ ngưng thở nay mai. Nhưng tôi đang sống. Tôi có thể thở vào và biết rằng tôi đang thở vào. Tôi thở ra và biết rằng tôi đang thở ra. Tôi mỉm cười với hơi thở ra và tôi biết rằng tôi đang còn sống. Vậy thì khi bạn thở vào, bạn hãy nhận biết hơi thở vào ấy. “Thở vào tôi biết là tôi đang thở vào.” Không ai có thể ngăn cấm bạn thưởng thức hơi thở vào của bạn. Khi bạn thở ra, hãy nhận biết đó là hơi thở ra. Hãy thở như một con người tự do.
 
Ðối với tôi, đang còn sống là một nhiệm mầu. Ðó là sự nhiệm mầu huyền diệu hơn hết thảy các nhiệm mầu. Cảm thấy rằng mình đang sống và đang thở, là đang thực hành một sự nhiệm mầu; một sự thực hành bạn có thể làm bất cứ lúc nào. Cảm thấy mình đang sống và đang bước đi là một sự nhiệm mầu. Thiền sư Lâm Tế, một vị thiền sư nổi tiếng sống vào thế kỷ thứ chín, nói rằng nhiệm mầu không phải là đi trên mặt nước, mà là đi trên mặt đất.
 
Ai cũng bước đi trên mặt đất, nhưng có những người bước đi như kẻ nô lệ, chẳng có chút tự do nào. Họ bị cuốn hút vào tương lai hay quá khứ, và họ không thể sống bây giờ và ở đây, nơi mà cuộc sống đang sẵn sàng cho họ. Nếu ta bị vướng mắc vào những lo âu, tuyệt vọng, những dự án, những nuối tiếc quá khứ và lo sợ tương lai, trong cuộc sống hằng ngày, thì ta không còn là người tự do. Ta đã không thể sống an ổn bây giờ và ở đây.
 
 
Trích “Sống tự do bất cứ nơi nào ở đâu” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 264
  • Khách viếng thăm: 254
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 33659
  • Tháng hiện tại: 504442
  • Tổng lượt truy cập: 107078332
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012