Tết ở chùa

Đăng lúc: Thứ ba - 05/02/2013 14:42 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Tết ở chùa

Tết ở chùa

Mừng Xuân về, mừng tuổi mới con thắp một nén hương lòng thành kính dâng lên Tổ tiên ông bà; và cũng xin được gởi lòng tri ơn sâu sắc của con đến ba mạ và các thế hệ đi trước, những người đã vun bồi và tạo ra quả ngọt để bây giờ cho con hưởng nhận. Con cũng nguyện cầu Hồng ân Tam Bảo cho dòng suối huyết thống được khai thông, cho cây huyết thống ngày càng xum xuê và vươn cành nhánh đi muôn nơi.

Xóm Hạ-Chùa Cam Lộ- ngày  01/02/2013

Ba mạ kính thương!

Thế là chỉ còn mười ngày nữa thôi năm mới sẽ đến gõ cửa từng nhà. Nhanh thật ba mạ hỉ! Thoáng một cái vậy mà đã tám mùa Xuân trôi qua con không cùng nhà

mình đón tết rồi!

Bên đó, nhà mình chuẩn bị Tết đến đâu rồi ba mạ! Những cây mai trước nhà giờ này đã được lặt lá chưa? Mấy cái lư hương chắc chuẩn bị được thay đất mới rồi ba hỉ? Còn bộ lư đồng nữa, ba mạ có nhờ ai đánh lại chưa? Năm nay ba mạ có định đánh vẹc-ni lại bàn thờ, bộ ghế, …không vậy? Nhà mình chắc vẫn gói bánh tét bánh chưng như mọi năm vậy ba mạ hỉ! Ba mạ biết không, mỗi khi cùng mấy chị em ở trong chùa chuẩn bị đón Tết con thường nhớ lại không khí nhộn nhịp, ấm cúng, quây quần của nhà mình lúc đón Xuân về. Con nhớ những buổi gói bánh tét bánh chưng và cả lúc nấu bánh  bên bếp lửa nữa. Con nhớ những đêm ba mươi thức cùng ba mạ đón giao thừa rồi đi chùa hái lộc đầu năm…

Ở bên này đang vào cuối đông nên trời khá lạnh. Nhiệt độ dưới O là chuyện thường ngày, có hôm tuyết rơi  trắng xóa khắp mọi nơi, có hôm thì đóng băng luôn và những lúc như thế hồ sen được phủ một lớp băng dày chúng con có thể lên đứng trên đó chơi được ba mạ ạ! Tuy vậy không khí chuẩn bị đón Tết ở chùa vẫn nhộn nhịp, tưng bừng lắm ba mạ! Ba mạ biết không, vừa rồi trong dịp Tết tây và Noel người Việt ở khắp mọi nơi từ châu Âu, châu Mĩ về Làng đông lắm. Có lẽ, tại được nghỉ nên họ có dư thời gian để đến Làng tham dự đón No-en và Tết tây cùng quý thầy quý sư cô và thiền sinh Tây phương. Trong ngày Noel, khi cả một ngàn người cùng rước nến (một người cầm trên tay một cây nến) từ tháp chuông đại hồng vào đến thiền đường trong im lặng và quay trở về với từng bước chân tiếp xúc với Tổ  tiên trong mình họ cảm động lắm ba à. Họ bảo như thấy lại được hình ảnh ngày vía Bụt A Di Đà khi còn ở Việt Nam, chỉ có khác ở chỗ xưa niệm danh hiệu Bụt còn bây giờ niệm bước chân và hơi thở.

Còn hôm  đón Tết tây thì ai cũng khóc cả! Bởi cả ngày hôm đó họ được nói chuyện bằng tiếng Việt, được ăn cơm Việt Nam, được đi rong chơi trong những bụi trúc vàng những lùm tre xanh, được thăm hồ sen, thăm vườn rau với đủ các loại rau mang hương vị quê nhà: từ ớt, ngò, sả, kiệu, rau răm, rau quế, tía tô, kinh giới đến rau má, mồng tơi, cải,…Đến tối (lúc 12 giờ khuya) lại được cùng tham dự buổi lễ trong thiền đường với hai hàng y hậu rực vàng của gần hai trăm vị xuất sĩ cùng tiếng chuông trống Bát Nhã được thỉnh lên nữa. Đã vậy còn viết lời phát nguyện đầu năm rồi bỏ vào chuông để đốt dâng tấm lòng của mình lên chư Bụt, chư vị Bồ tát và ông bà tổ tiên nữa.  Ba mạ biết không, có những vị người Việt Nam mà lập gia đình với người nước ngoài dễ thương lắm. Mỗi khi về Làng  họ gọi đi thăm nội (nếu là con trai), hoặc thăm ngoại (nếu là con gái), hay về nội về ngoại ăn tết. Họ xem Làng như quê hương Việt Nam của mình vậy đó !

Nhà mình năm nay có còn gói bánh, làm mứt gừng,.. không vậy ba mạ?

mua lan ngay mong 1Tet

Bên ni quý thầy quý sư cô đang chuẩn bị đón xuân về với bao hương vị, những nét đặc sắc của quê hương. Nào là nhóm làm báo mừng Xuân, nhóm thì làm chõng tre để Thầy bình thơ cuối năm, nhóm thì làm pháo làm câu đối, nhóm tổ chức đóng kịch , nhóm thì lo các câu Kiều để bói Kiều đầu năm rồi còn múa lân, cắtt mai (mận ở đây có hoa màu trắng, màu hồng nở vào mùa xuân như hoa mai, hoa đào ở Việt Nam vậy), làm cổng để đón Tết nữa. Tất nhiên là việc gói bánh chưng bánh tét, làm  dưa món, đồ chua ngọt, chao, mứt gừng, mứt dừa,… và dựng nêu trong ngày Tết thì không thể nào thiếu được rồi. Những vị thiền sinh Tây phương đến tham dự ba tháng An cư kiết đông với quý thầy quý sư cô cũng háo hức tham gia vào việc chuẩn bị đón Tết lắm mạ à, còn người Việt thì khỏi nói, họ như đang trở về nhà mình cùng người thân chuẩn bị đón Xuân vậy. Tuy ở trời Tây nhưng lại ở trong chùa, với lại Thầy con muốn mang văn hóa, phong tục Việt Nam về lại với những người con Việt xa xứ và cũng để giới thiệu cho người phương Tây biết đến phong tục nước mình nên Tết ở đây chẳng khác gì ở nhà cả ba mạ à, có khi còn đậm hồn quê hơn ở nhà mình nữa. Con vẫn đi hái lộc đầu năm, đi chúc Tết, thăm người thân, (hì hì…, người thân của con ở đây là Thầy con, là sư cha sư mẹ, sư anh sư chị sư em trong mái nhà tâm linh đó), và được nhận lì xì như xưa vậy đó!

Ba mạ biết không, thường trong những ngày Tết (âm lịch) sinh viên về Làng đông lắm. Các em đa số từ Việt Nam đi du học ở Pháp, Bỉ, Đức hay cả ở Thụy Điển nữa. Có lẽ khi về Làng đón Tết, quây quần bên quý thầy quý sư cô gói bánh, nấu bánh, bói Kiều,… các em có được sự bình an hơn và tìm lại được hơi ấm của gia đình khi ở xứ người trong mùa Đông giá lạnh. Mấy em thường có được những buổi giao lưu với quý thầy quý sư cô để kể về những khó khăn, những thao thức, ước mơ của mình trong những lần ngồi uống trà chung. Trong số những người đến với Làng trong dịp Tết con thương nhất những em người Việt nhưng được làm con nuôi cho người nước ngoài từ thuở còn nhỏ. Mấy em về Làng để tìm về nguồn cội, tìm văn hóa của gốc rễ tổ tiên mình. Con thương mấy em đó nhiều, bởi khi nhỏ thì không sao, đến khi lớn nhận ra sự khác biệt của mình với những người trong ngôi nhà mình đang sống, trong xã hội xung quanh mấy em khổ đau lắm. Các em không hòa nhập được vào cộng đồng mình đang sống, cũng như thiếu sự truyền thông với xung quanh, đi học đi làm sống trong gia đình nhưng lại thấy cô đơn, bơ vơ, lạc lõng. Các em khao khát muốn biết về mình, về cha mẹ mình, về nơi mình sinh ra nhưng đồng thời cũng đau khổ vì cảm giác bị ruồng bỏ. Mấy em học nói tiếng Việt, tập ăn đồ Việt và cũng tham gia hết lòng vào việc đón xuân dù chẳng biết gì, chẳng hiểu gì cả.

Ngày Tết con cũng thương những người già xa xứ nữa ba mạ à! Tết về họ thèm được thấy không khí của Việt Nam chung quanh mình mà con cái thì lại đi học đi
 

làm hết, hàng xóm thì toàn người Tây phương. Thế là họ về Làng để tham gia vào việc đón tết, để nhìn mâm ngũ quả chưng trên bàn thờ, để ngắm câu đối đỏ treo trước sân chùa, để nhìn hoa mai hoa đào nở rực, để nghe pháo nổ. Và nhất là để được nghe tụng kinh tiếng Việt, để được nghe tiếng trầm hùng của ba hồi chuông trống Bát Nhã, được lạy Thầy chúc Tết và hái lộc đầu năm. Và cả được nghe ngâm Kiều giải Kiều trong âm vang của tiếng đàn tranh; được thổ lộ tâm tư, nguyện ước của mình dâng lên chư Bụt và Tổ tiên qua lời khấn nguyện đầu năm. Và cả được nhìn thấy những trang phục truyền thống của Việt Nam (áo dài khăn đóng, áo the thâm guốc mộc, áo tứ thân nón quai thao, áo bà ba với chiếc khăn rằn, nón lá) qua  những tiết mục văn nghệ mang đậm hồn quê, cả hình ảnh ông Địa qua trò múa lân nữa.

Tuy con không hiện hữu đó để cùng nhà mình đón Tết nhưng con đâu có xa cách ba mạ hí! Con đang cùng có mặt với gia đình mình đón xuân đó thôi! «Chầm chậm xuân về lòng đất chuyển. Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương», con về cùng nhà mình qua sự chuyển biến của đất trời, qua cây cối trong vườn, qua các anh chị em và các cháu đó ba mạ!

Mừng Xuân về, mừng tuổi mới con thắp một nén hương lòng thành kính dâng lên Tổ tiên ông bà; và cũng xin được gởi lòng tri ơn sâu sắc của con đến ba mạ và các thế hệ đi trước, những người đã vun bồi và tạo ra quả ngọt để bây giờ cho con hưởng nhận. Con cũng nguyện cầu Hồng ân Tam Bảo cho dòng suối huyết thống được khai thông, cho cây huyết thống ngày càng xum xuê và vươn cành nhánh đi muôn nơi.

Thương kính và biết ơn!

Con gái của ba mạ


Nguồn tin: langmai.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 560
  • Khách viếng thăm: 555
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 97219
  • Tháng hiện tại: 2905362
  • Tổng lượt truy cập: 88709965
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012