Cảm ơn Nhân cách

Buổi sáng Sài Gòn vào một ngày cuối tuần, gia đình tôi ra ngoại ô (quận 7) thăm cô em kết nghĩa. Từ nội đô Sài Gòn tới quận 7 phải di chuyển chặng đường khá xa nên chúng tôi xem đây như một ngày nghỉ cuối tuần

Quận 7 là nơi có nhiều kênh rạch, cây cối nhiều, có khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng thật đẹp. Đến nơi, chúng tôi chọn chỗ nghỉ là một công viên nhỏ xinh xắn và nên thơ. Hôm đó vào ngày rằm nên cô em tôi đã chuẩn bị một bữa điểm tâm sáng bằng món cháo chay nấu với nấm và đậu hủ. Cháo mang ra, tôi cắm cúi ăn ngon lành, một thoáng đã hết sạch. Không biết có ai để ý đến việc tôi háu ăn hay không. Nhưng ăn xong tôi cảm thấy cũng hơi kỳ kỳ. Ừ cũng không sao, đói thì ăn mà! Tôi tự nhủ.

Ăn sáng xong, chúng tôi đang ngồi quây quần tán dóc, bỗng có một cậu bé xuất hiện, cậu mặc chiếc áo trắng đã ngả màu, quần dài đen xắn ống thấp ống cao cũng bạc phếch, trên đầu cậu là chiếc mũ màu rêu cũ kỹ và một mâm nhôm bánh cam chồng xấp lên nhau cao như ngọn tháp được phủ kín một lớp giấy bóng trong suốt. Cậu tiến sát về phía chúng tôi đang ngồi biểu lộ ý muốn mời mọi người mua bánh. Nhưng khổ nỗi chúng tôi vừa mới ăn xong bụng còn đang căng cứng, vì thế không ai hứng thú với việc ăn vặt nữa. 

Nghĩ vậy, tôi móc ví lấy tờ bạc màu xanh năm ngàn đồng đưa cho cậu con trai của tôi tặng cho cháu bé và nói lời từ chối lời mời mua bánh! Cậu từ chối nhận tiền có vẻ “bố thí” ấy, con trai tôi cố tình nhét đồng tiền ấy vào túi áo của cậu nhưng cậu cương quyết móc đồng tiền ấy bỏ lại góc bàn và chằm chằm nhìn chúng tôi với thái độ như phản kháng, nhẹ nhàng nhưng cũng rất cương quyết, thể hiện nhân cách của một con người có tính tự trọng cao. Mọi người trong bàn trố mắt nhìn nhau, riêng tôi sáng lên trong đầu ý nghĩ thán phục bởi nhân cách của cháu trai bán bánh cam này.

Lúc này, đầu óc tôi nhảy múa với cảm giác lượng sượng theo đó là sự hổ thẹn với tự thân, vì tôi đã nhận xét sai lầm về nhân cách của cậu bé, pha lẫn chút ăn năn vì sự vội vàng thiếu tinh tế dẫn đến hành động xúc phạm đến cháu! 

Như một cách chuộc lỗi lầm, tôi quyết định mua 6 cái bánh cam. Tôi để ý thấy những thao tác thuần thục và ý tứ của cậu bé ở mọi công đoạn: lấy bao xốp trắng còn mới tinh ra và hai tay vò chiếc bao để mở miệng bao rồi luồn tay vào bao lấy từng cái bánh một đếm đủ số lượng 6 cái rồi thắt miệng bao lại một cách cẩn trọng và từ tốn cầm hai tay đưa cho tôi. Từ đây, sự gần gũi thân thiện được hé mở, tôi hỏi: " Cháu ăn sáng chưa?" Cậu trả lời: "Dạ chưa!"
Cô em tôi nghe vậy vội vàng múc cho cậu bé một tô cháo và không quên đem cho cháu một chai nước suối mát lạnh. Cháu vui vẻ đón nhận tô cháo và chai nước ăn uống ngon lành. Nhìn cháu ăn một cách vội vàng, tôi không biết do quá đói bụng hay cháu đang chạy đua với thời gian để kịp giờ bán nốt số bánh còn lại. 

Qua tâm sự với cháu, chúng tôi được biết: Gia đình cháu quê ở An Giang, nhà có 6 người, bao gồm cha mẹ và 4 anh chị em và cậu là con út trong gia đình, năm nay 13 tuổi. Cháu tâm sự: “Học đến lớp 3, do hoàn cảnh quá nghèo nên nghỉ học theo cha mẹ và các anh chị lên Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Gia đình cháu thuê phòng trọ bên Nhơn Trạch cho rẻ tiền và hàng ngày cháu qua quận 7 bán bánh. Mỗi mâm bánh cháu đội đi bán có tất cả là 300 cái, nếu bán hết cháu được 70 ngàn tiền lời!…”, cứ thế cháu vừa ăn vừa kể.

Thói đời thường “thấy người sang bắt quàng làm họ”, còn những người nghèo khó, lương thiện phải bươn chải với cuộc sống nơi đầu đường xó chợ thì bị khinh bỉ và luôn bị ánh mắt người đời nghi ngờ cảnh giác. Cậu Út kể trên, tuy không phải là trường hợp duy nhất mà tôi đã từng gặp, nhưng ở cậu lại khác với những người mà tôi đã từng gặp trước đó, ở chỗ: “Cậu là tấm gương sáng hơn về sự hy sinh cho gia đình, bản lĩnh, tự tin và đầy tự trọng, không bị cám dỗ bởi đồng tiền không phải do mình làm ra, thể hiện một nhân cách trong sáng, hồn nhiên, chất phác vốn có của mình”. 

Tuy chưa phải là một tấm gương hoàn hảo về nhân cách, nhưng trước một xã hội còn nhiều tật xấu bởi nạn làm ăn chụp giựt, lừa đảo, hối lộ, tham ô, ăn chặn, ăn bớt, dối trên lừa dưới, kéo bè kết cánh v.v… hiện nay thì cậu tuy nghèo khó nhưng vẫn giữ được nhân cách của mình.

Cậu đã làm tôi càng thấm thía hơn với câu nói của người xưa: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và thấm thía hơn về nhân cách con người. Cảm ơn cậu! Cảm ơn nhân cách!

 

Tác giả bài viết: Thanh Phương