Chánh niệm là 'thức ăn' của tâm mỗi ngày

Nếu tâm ta luôn chánh niệm tỉnh giác, ý thức được hành động của mình biết rõ việc thiện-ác dứt khoát chỗ không an không tới, việc không an không nghĩ đến. Vì vậy sẽ được an lạc ngay lúc đó.
Hình minh hoạ

Khi biết mình đang cận kề sự chết, chúng ta có thật sự an lạc không?

Nếu tâm an lạc không có mặt thì lúc đó nỗi sợ hãi, sự khổ đau sẽ chinh phục toàn bộ tâm chúng ta.

Chết bằng tâm sợ hãi thì chắc chắc sẽ bị đoạ vào bốn đường dữ (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, AtuLa) để chịu nỗi thống khổ. Chết bằng tâm đau đớn, sợ hãi rất nguy hiểm, nó sẽ quyết định cảnh giới tái sanh tương lai. Do đó khoảnh khắc cận tử nghiệp vô cùng quan trọng.

Khi bị nỗi sợ hãi chi phối, tâm sẽ trở nên khó chịu, bất an. Những phiền não đó sẽ từ từ thiêu đốt chúng ta. Nó là ranh giới đầu tiên cần phải vượt qua lúc cận kề sự chết.

Sự khó chịu, bất an của tâm còn được gọi là tâm sân.

Tâm sân nghĩa là trạng thái tâm bất mãn, không hài lòng.

Hằng ngày chúng ta nuôi dưỡng sinh mạng này bằng thức ăn.

Vậy thức ăn của thân là những gì ?

Có lẽ ai cũng biết rõ! Thân thể này cao lớn, khỏe mạnh là được chăm sóc từ những thức ăn ngon, bổ dưỡng, phù hợp.

Còn thức ăn của Tâm thì sao?

Người thế gian họ rất ít quan tâm.

Họ luôn bị chìm đắm trong các thú vui dục lạc.

Họ luôn bỏ đói nội tâm!

- Thức ăn của tâm của người tu là gì? Đó là “Chánh Niệm”.

Khi tâm được nuôi dưỡng bằng sự Chánh Niệm thì tâm sẽ an tịnh. Sự an tịnh đó sẽ dễ dàng giúp ta loại bỏ phiền não và trở nên trí tuệ.

“Chánh Niệm là dưỡng chất tốt nhất của Tâm.”

Nội tâm bị bỏ đói bằng sự không tu tập Chánh Niệm, thì tâm chúng ta sẽ bị những phiền não chi phối. Tâm sẽ bị những thức ăn độc hại khác làm hao mòn rồi dẫn đến tâm bệnh. Những thức ăn độc hại đó chính là tham, sân, si, ngã mạn, đố kị, keo kiệt… sẽ đầu độc tâm mỗi ngày.

Khi xưa còn là đứa trẻ, bắt gặp những gì thích thú thì chúng ta luôn khao khát để có được. Đến khi trưởng thành thì tâm ta vẫn vậy! Sự khao khát thích thú còn mãnh liệt hơn xưa.

Tâm ta thật sự lớn mạnh chưa? Hay nó vẫn cũ như ngày nào?

Lúc cận kề sự chết, chúng ta vẫn là đứa trẻ ngây thơ, nó vẫn chưa đủ lớn để thoát khỏi sự trói buộc của phiền não.

Vì vậy, Chánh niệm là thức ăn tốt nhất của Tâm.

Tâm được nuôi dưỡng bằng Chánh niệm sẽ dễ dàng khắc phục được sợ hãi, lo lắng, không bị những tạp niệm xâm hại. Khi cận kề sự chết tâm trở nên an tịnh.

Tâm an tịnh là thành quả của Chánh niệm.

Người tu tập Chánh niệm nếu chưa đủ duyên chứng đắc đạo quả thì lúc cận tử nghiệp rất dễ dàng tái sanh những cảnh giới an lạc. Cõi người, cõi trời là cánh cửa rộng mở dành cho người tu tập Chánh niệm.

Ngay lúc này ta tu tập Chánh niệm, dù cuộc đời này có xảy ra biến cố gì thì tâm luôn an ổn không bị dính mắc. Sự Chánh niệm là nền tảng thiết yếu của nội tâm!

 

Tác giả bài viết: Thiện Minh (ST)