Làm cha mẹ trong chánh niệm

Người cha người mẹ phải hiểu được tâm ý, nhu cầu, khúc mắc của con. Đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên con mà con sẽ không nghe theo mà còn khiến cha mẹ và con cái dần không hiểu nhau, dần xa nhau thêm.

 
Là những Phật tử, chúng ta đều luôn ghi nhớ và sống theo những lời dạy của Đức Phật. Được tôn Đức Phật làm bổn sư là một may mắn lớn nhất trong cuộc sống mỗi chúng ta. Chúng ta tôn kính Đức Phật không phải để có phước báu, không phải để được gia hộ, mà bởi những lời dạy của Người khiến chúng ta tin tưởng và thực sự giải thoát chúng ta khỏi nỗi khổ niềm đau.
 
Đọc lại những câu chuyện về sinh thời của Đức Phật, có rất nhiều câu chuyện về việc Đức Phật gặp những kẻ thô lỗ, thù ghét Người, không tin tưởng Người, thậm chí là nhạo báng, ngăn trở việc truyền pháp của Người. Nhưng chỉ sau khi được gặp mặt và nghe Người thuyết giảng, họ đã thay đổi từ chỗ hung hăng, hiếu chiến, muốn “gây chuyện” trở nên điềm tĩnh và sáng suốt, họ đã giác ngộ và nhiều người trong số họ đã trở thành học trò của Đức Phật, đã quy y và gia nhập tăng đoàn. 
 
Như vậy, những lời giảng pháp của Đức Phật đã có sức cảm hóa cả những người ngoan cố nhất, vô minh nhất và nặng thành kiến nhất. Thậm chí, cho đến nay, khi Đức Phật đã nhập Niết-bàn hơn hai ngàn năm, những lời dạy của Người vẫn còn cảm hóa biết bao cuộc đời đi lầm hướng.
 
Tại sao Phật pháp lại có sức cảm hóa lớn như vậy? Bởi Đức Phật đã thấu hiểu được những suy nghĩ, những nổi khổ niềm đau của chúng sinh và đã mang tới cho họ chính những điều mà họ cần tới nhất. Nghe Phật thuyết, ai cũng nhận thấy những lời dạy này là dành cho chính mình, tháo gỡ được những nỗi khổ niềm đau mà mình đang gặp phải, và đưa ra những giải pháp không hề “cao siêu” gì, mà ai cũng có thể thực tập và thực hành trong đời sống hàng ngày được. Có nghĩa là để giúp đỡ một người nào đó, trước hết chúng ta cần hiểu và đồng cảm với những suy nghĩ, những nổi khổ niềm đau của họ, từ đó mới có thể đề ra những giải pháp phù hợp với hoàn cảnh riêng của họ.
 
Đây là một điều hết sức giá trị mà chúng ta cần học hỏi (dù chỉ được một phần nhỏ) từ cuộc đời Đức Phật và áp dụng trong cuộc sống của mình, nhất là trong việc làm cha mẹ trong chánh niệm mà chúng ta đã bàn tới. Để có thể có những lời khuyên, những hướng dẫn đúng với những gì con cần, người cha người mẹ phải hiểu được tâm ý, nhu cầu, khúc mắc của con. Đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên con mà con sẽ không nghe theo mà còn khiến cha mẹ và con cái dần không hiểu nhau, dần xa nhau thêm. 
 
Thấu hiểu con
 
Không khó để hiểu một đứa trẻ bởi suy nghĩ và cuộc sống của trẻ còn rất đơn giản, không phức tạp như người lớn chúng ta. Trẻ không biết lừa dối, không biết che dấu cảm xúc, không biết giả vờ hay tỏ vẻ. Trẻ sẽ bộc lộ cảm xúc, nhu cầu của mình một cách rõ ràng, nếu cha mẹ thực sự quan tâm đến con thì sẽ dễ dàng nhận ra những sở thích, nhu cầu của trẻ.
 
Nếu con mong muốn một điều gì đó hợp lý, không phải điều xấu, không vượt quá khả năng của cha mẹ thì cha mẹ hãy cố gắng đáp ứng mong muốn đó của con. Đừng bắt con phải năn nỉ, van xin hoặc phải “ấm ức”, ngậm ngùi vì cha mẹ có mà không đưa cho con. Thực sự thì ở giai đoạn này, nhu cầu của trẻ thường là chính đáng và chỉ rất đơn giản thôi. 
 
Ngược lại, nếu trẻ không muốn làm điều gì đó thì chắc chắn là có nguyên nhân chứ trẻ không phải cố tình chống đối cha mẹ đâu. 
 
Ví dụ: Nếu trẻ không chịu ăn hết cơm, có thể là do trẻ không đói, có thể do bữa trưa ăn quá nhiều hoặc có món nào đó khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu nên giờ ăn không thấy ngon miệng; chứ không phải trẻ cố tình bỏ ăn để “chọc giận” cha mẹ. Nếu trẻ không muốn ăn thì đừng ép. Không ăn hoặc ăn ít trong một vài bữa không gây hại gì cho trẻ, ngược lại nếu cha mẹ ép trẻ ăn khi trẻ không muốn thì sẽ gây những ác cảm nơi trẻ, khiến trẻ càng biếng ăn.
 
Hãy khuyến khích con tự bộc lộ những mong muốn hoặc những gì không thích. Có thể cha mẹ sẽ không chiều theo tất cả những mong muốn hoặc điều trẻ không thích, nhưng việc trẻ được bày tỏ, bộc lộ ý kiến của mình là rất quan trọng. Được bộc lộ ý kiến sẽ giúp trẻ nhận thức được giá trị của bản thân mình, và trẻ cũng sẽ dần hiểu rằng ý kiến của mình không phải quan trọng nhất, mà ý kiến của mình cần phải hợp lý và hài hòa với những ý kiến của người khác nữa.
 
Áp đặt suy nghĩ của mình lên con
 
Đừng nghĩ mình thích điều này thì con cũng thích. Nhu cầu của con trẻ rất khác với của cha mẹ. Hãy tôn trọng con, để con tự do làm con trẻ chứ không phải là “con rối” theo lệnh của người lớn.
 
Ví dụ: Trẻ thường ham học, thích khám phá, muốn được biết những kiến thức mới mẻ nhưng trẻ không có nhu cầu phải được điểm thật cao, phải đứng đầu lớp, phải được giấy khen mà việc học giỏi, đứng đầu lớp chỉ là mong muốn của cha mẹ mà thôi. Hiểu được nhu cầu của trẻ, cha mẹ chỉ nên khuyến khích, hướng dẫn trẻ học tập sao cho hiệu quả nhất, thu được nhiều kiến thức nhất, từ đó tạo điều kiện cho trẻ đạt điểm số cao chứ không nên lấy điểm số và thứ hạng để thúc ép trẻ.
 
Hiểu được nguyện vọng, nhu cầu của trẻ và khéo léo hỗ trợ trẻ đúng cách, cha mẹ có thể giúp trẻ phát huy được hết khả năng đồng thời không gây ra những áp lực tâm lý một cách sai lầm. 
 
Không dạy con bằng hình phạt
 
Hình phạt có thể là đòn roi, có thể là mắng nhiếc, có thể là bỏ đói, nhốt trong phòng,… Các bậc cha mẹ thường dùng những hình phạt này để khiến trẻ sợ và sau này sẽ không dám tái phạm, phải nghe lời cha mẹ. Điều này là rất không nên bởi những hình phạt này có hại cho trẻ nhiều hơn chúng ta tưởng. Nhiều khi bị phạt mà trẻ không hiểu sao bị phạt bởi cha mẹ không giải thích cặn kẽ cho trẻ hiểu trẻ đã sai ở chỗ nào. Những hình phạt này còn làm trẻ bị tổn thương, sợ hãi, thậm chí có thể gieo những hạt giống sân hận trong lòng trẻ. Nhiều người tới khi đã lớn, đã già rồi vẫn còn nhớ những lần bị cha mẹ trách phạt khi còn nhỏ và vẫn còn thấy buồn lòng.
 
Thay vì dùng hình phạt, cha mẹ hãy dùng tình thương và sự hiểu biết của mình để hướng dẫn trẻ nhận ra điều không đúng, như vậy vừa không làm tổn thương trẻ mà sau này trẻ cũng sẽ không làm điều tương tự nữa, sẽ thận trọng hơn.
 
Ví dụ: Khi trẻ đòi chơi một đồ vật nào đó mà có thể gây hại cho trẻ, như một con dao chẳng hạn và cha mẹ không cho, trẻ có thể khóc lớn, gào lớn. Hầu hết các trẻ đều như vậy. Lúc này, cha mẹ không nên quát nạt trẻ để át tiếng khóc hoặc đánh trẻ để trẻ không dám đòi nữa, cách đó là không nên. Thay vào đó, cha mẹ nên cất con dao ra chỗ khác để trẻ không còn nhìn thấy nữa, rồi quay lại vỗ về trẻ. Hãy dùng lời nói với lý lẽ và tình thương trìu mến để trẻ hiểu rằng việc đòi hỏi đó là chưa đúng.
 
Đôi khi trẻ không thực sự hiểu những lời giải thích lý lẽ của cha mẹ, nhưng trẻ cảm nhận được tình cảm trong sự vỗ về của cha mẹ, và trẻ sẽ dịu lại. Rồi cha mẹ hãy cùng trẻ chơi đùa, trẻ sẽ nhanh chóng quên việc đòi chơi con dao ngay. 
 
Việc không dùng hình phạt với trẻ là rất khó bởi từ nhiều thế hệ nay chúng ta đã quen với việc “thương cho roi cho vọt” nên nếu có đôi lúc cha mẹ dùng hình phạt với trẻ thì cần tuyệt đối nhớ những nguyên tắc khi phạt trẻ như sau:
 
Đừng trách phạt con chỉ để hả giận:
 
Nhiều lúc chúng ta có những bực bội trong cuộc sống, vốn đã gieo trong lòng chúng ta những hạt giống sân hận. Khi con làm trái ý, chúng ta có thể trách mắng con một phần để “xả” cơn giận vốn đã có trong lòng. Hãy cố gắng tránh trường hợp này bởi khi “trút giận” lên con, chúng ta thường nói những lời tổn thương con quá mức hoặc đánh con quá đau, sẽ gây những tổn thương sâu sắc trong lòng con. Hạt giống sân hận trong lòng chúng ta đã trở thành hạt giống sân hận trong lòng con.
 
Thời điểm và địa điểm thích hợp:
 
Đừng trách mắng con vào những lúc không thích hợp, ví dụ như bữa cơm, khi có khách tới nhà,… Hãy thử đặt mình vào vị trí của con, hẳn chúng ta cũng không muốn bị ai la mắng trong bữa cơm, để rồi vừa nức nở vừa ăn miếng cơm. Cảm giác đó rất khó chịu và chắc chắn con sẽ không nhận ra cái sai của mình mà chỉ nhớ mãi sự tổn thương đó.
 
Chỉ trách mắng con khi có bằng chứng:
 
Không được trách lầm con. Khi chưa tận mắt nhìn thấy hoặc chưa có bằng chứng xác thực thì không được phạt con. Chúng ta cần có bằng chứng về điều con đã làm, giải thích cho con hiểu con đã làm sai như thế nào và cần sửa chữa ra sao. Nếu chúng ta chưa biết chắc chắn mà đã trách phạt con thì con sẽ không “tâm phục khẩu phục” nữa, sẽ gây sự xa cách giữa cha mẹ và con cái.
 
Trong việc nuôi dạy con, cha mẹ hãy luôn nhớ rằng “tình yêu luôn thắng sự ghét bỏ và từ bi luôn thắng sự xấu xa”. Đó chính là làm cha mẹ trong chánh niệm.
 
 

Tác giả bài viết: Giác Hương Hạnh