Nghĩ về tâm thế người thầy trong giai đoạn hiện nay

Trong tâm thức mỗi người không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ…đều ít nhiều nghĩ đến những những người đã từng dạy dỗ mình trên nhiều lĩnh vực, trên nhiều cấp học khi ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 đang về. Đây là truyền thống tôn sự trọng đạo cao quý của dân tộc Việt Nam.
Người xưa đã từng dạy “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy’; “Không thầy đố mày làm nên”; “Một mùng tết cha, mùng ba tết thầy”…Tất cả đều thể hiện sự tôn kính người thầy, những con người chèo đò kiến thức cho thế hệ mai sau. 
 
Lúc sinh thời, Bác Hồ cũng rất quan tâm đến đội ngũ thầy cô giáo. Người từng nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng, rất vẻ vang. Không có thầy cô giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì không có giáo dục, không thể xây dựng xã hội chủ nghĩa. Thầy cô giáo phải yêu nghề của mình, phải có đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, phải thương yêu các em như người ruột thịt trong gia đình mình”.
 
37 năm đã đi qua kể từ ngày nhà giáo Việt Nam chính thức được ban hành, làm dấu mốc quan trọng để cả nước tổ chức các hoạt động tôn vinh những người đưa đò kiến thức; những kỹ sư tâm hồn đã nâng bước nhiều tài năng đất nước bước đến những thành tích đáng tự hào trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực. Những thầy cô giáo chân chính đã góp công rất lớn để xã hội ngày càng tiến bộ, phát triển sánh vai cùng bè bạn năm châu, làm giàu cho đất nước. Nhiều tấm gương tận tụy, hy sinh thầm lặng lớn lao rất đáng ngưỡng mộ, tôn vinh làm cả nước phải lặng người vì xúc động. Đây những thầy cô giáo vùng núi cao bám bản, bám làng để trẻ em vùng cao không gián đoạn việc học; đây những người thầy giáo quân hàm xanh đứng trên bục giảng giữa đảo xa, biên giới đem cái chữ đến với học sinh thân yêu. Đó những người thầy cô dạy học miễn phí nhiều năm để cái chữ không trở nên xa lạ với học sinh nghèo, khó khăn, cơ nhỡ. Đó những thầy cô giáo bám trụ vùng quê sâu đầy nắng gió vì sự nghiệp giáo dục quả rất phi thường…Nhiều và nhiều lắm những con người ngày đêm vượt qua khó khăn để hoàn thành thiên chức làm thầy.
 
Tuy nhiên bao giờ cũng vậy, trong xã hội luôn có những cá nhân, tập thể làm suy giảm lòng tin trong nhân dân; vẫn còn đây những “con sâu làm sâu nhà giáo”. Điển hình như những thầy cô giáo biến chất, hủ hóa, sa đọa; áp dụng bạo lực học đường, tham ô; nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, kém nhiệt tình trên đứng trên bảng đen, bục giảng khiến xã hội rất bức xúc, lên án và nguy hại hơn là có cái nhìn không tốt, không chuẩn đối với đội ngũ thầy cô giáo hiện nay. Tuy nhiên nhìn trên bình diện chung, những “con sâu” này chiếm tỉ lệ rất ít và đang bị đào thải từng ngày, từng giờ.
 
Xã hội chúng ta vốn dĩ rất bình đẳng và công tâm; luôn sẵn sàng loại bỏ những người không còn xứng đáng đứng trên bục giảng, làm xấu đi hình ảnh đáng trân quý của người thầy, làm băng hoại đạo đức xã hội. Xã hội luôn dành những tình cảm trân quý nhất, kính trọng nhất với người thầy đã và đang cống hiến sức mình vì sự nghiệp trồng người cho đất nước hôm nay và cả mai sau. Nhân đây xin kể câu chuyện đầy xúc động về việc tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dù bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn dành thời gian viết một lá thư tay chúc mừng cô giáo cũ của mình nhân ngày khai trường. Một hành động quá đẹp, quá nhân văn rất để mọi chúng ta cũng suy ngẫm.
 
Ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 đã đến. Mỗi thầy cô giáo sẽ có thời gian chiêm nghiệm lại quá trình giảng dạy của mình đối với các em học sinh để tự rút ra những bài học cho chính mình. Ở góc độ ngược lại, những ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường, từng được thầy cô dạy dỗ cũng có thời gian nghĩ về sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của quý thầy cô; tự vấn mình đã, đang và sẽ làm gì để xứng đáng với sự truyền dạy kiến thức của thầy cô đi trước.
 
Trong xu thế phát triển của xã hội, sự hòa nhập với cộng đồng thế giới, tâm thế của người thầy hiện nay đứng trước nhiều khó khăn thách thức, nhiều sự cám dỗ đầy sự nguy hiểm đang đe dọa đạo đức người thầy. Hơn lúc nào hết, xã hội cần có sự đồng cảm, sẻ chia, hậu thuẫn từ nhiều phía để họ vững tâm, bền chí hoàn thành nhiệm vụ trồng người góp phần đào tạo nguồn nhân lực xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp, thịnh cường.
 
 

Tác giả bài viết: Trương Thanh Liêm