Người Phật tử phải làm thế nào để cuộc sống gia đình được hạnh phúc?

Hạnh phúc gia đình không chỉ dừng lại ở mức độ yêu thương của một người thế gian bình thường, mà cần phải khéo léo ân cần và nhẫn nại để giúp đỡ lẫn nhau biết hướng về nương tựa với Tam bảo và luôn tìm thấy nguồn hạnh phúc chân thật của đời sống lứa đôi trong chánh pháp của đức Phật.
Đức Phật đã dạy rất kỹ bổn phận của người Phật tử và đặc biệt là trách nhiệm của mỗi người ở trong đời sống gia đình qua các bài kinh Thiện Sanh hoặc bài kinh Bảy Loại Vợ. Đây là những bài kinh căn bản rất thiết thực và phù hợp đối với người Phật tử tại gia dù là đã có gia đình hay chưa lập gia đình. Trong đó đức Phật chỉ dạy rõ những trách nhiệm và bổn phận của một thành viên trong gia đình dù là cha, mẹ hay chồng vợ hay anh em, con cái đều phải ý thức hiểu rõ và áp dụng vào trong đời sống giao tiếp hằng ngày để có được một gia đình hạnh phúc và êm ấm.
 
Đối với những Phật tử đã lập gia đình rồi thì càng phải hiểu rõ trách nhiệm, bổn phận vai trò của mình trong gia đình. Người chồng hay vợ phải thường tự kiểm điểm, xét lại bổn phận của mình là gì? Mỗi người trong gia đình đã làm trọn vẹn được vai trò của mình đối với người thân theo đúng lời đức Phật đã dạy hay chưa? Sự quan tâm, đối đãi với những người kề cận, gần gũi với mình đã thật sự bằng trọn cả tấm lòng hay chưa? Đây chính là những cây cột vững chắc để chống đỡ cho mái nhà hạnh phúc của một mái ấm gia đình. Nếu thiếu sự suy xét, thấu hiểu và ứng xử tốt thì nền tảng yêu thương và hạnh phúc không bao giờ được. Cho nên, người xưa mới nói là: “Hiểu và Thương”.
 
Người Phật tử có gia đình cần phải nhớ về ý nghĩa của đời sống vợ chồng và những ân tình của người đã chung sống với mình trong suốt những năm tháng ‘đắng cay, mặn nồng cùng có nhau’, đừng để mất duyên lành này thì về sau sẽ rất khó tìm lại. Người xưa cũng nói: “Nếu vợ chồng kính trọng lẫn nhau như ngày mới gặp thì suốt đời hạnh phúc không bao giờ có sự hối hận”.
 
Yêu nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội và mấy đèo cũng qua.
 
Phải luôn gìn giữ những kỷ niệm đẹp của ngày đầu mới gặp và sự trân trọng quý kính lẫn nhau cho dài lâu. Người xưa dạy: “Kính nhau giống như ngày mới gặp thì sẽ sống được với nhau đến khi đầu bạc răng long”. Làm được như thế mới trọn vẹn ý nghĩa của câu chúc phúc lúc mới về sống chung với nhau là “Trăm năm hạnh phúc”.
 
Tránh những việc sơ sài, cẩu thả trong ý nghĩ, lời nói và hình thức sinh hoạt hằng ngày đối với người thân yêu của mình mà có sự nhàm chán, khinh thường sẽ làm cho hạnh phúc bị đổ vỡ và khổ đau cho hai người và con cái về sau.
 
Khi chưa cầu cạnh mọi đàng.
Được rồi thì lại phũ phàng làm ngơ.
 
Đồng thời đối với người Phật tử thì hạnh phúc gia đình không chỉ dừng lại ở mức độ yêu thương của một người thế gian bình thường, mà cần phải khéo léo ân cần và nhẫn nại để giúp đỡ lẫn nhau biết hướng về nương tựa với Tam bảo và luôn tìm thấy nguồn hạnh phúc chân thật của đời sống lứa đôi trong chánh pháp của đức Phật. Cùng giúp nhau tiến bộ trong sự tu tập để dần tháo gỡ mọi buồn phiền lo toan nhỏ hẹp trong một gia đình mà tiến đến chỗ tâm an lạc rộng lớn để giúp ích cho những gia đình khác cũng được hài hòa êm ấm như gia đình của mình.

 

Tác giả bài viết: Thích Minh Thành