Đau khổ không vì thiếu thốn mà vì mong ước quá nhiều

Khi ta tham muốn không được như ý thì sinh ra oán giận, thù hằn, rồi phiền não, trách móc đủ thứ, dẫn đến không làm chủ bản thân, nên hành động xấu ác, mắng chửi, đánh đập, tìm cách mưu hại người làm trái ý mình, cuối cùng mang họa vào thân.

 
Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha, tại vườn xoài Jivaka, gọi các Tỷ kheo:
 
Này các Tỷ kheo, ví như một người câu cá trong hồ nước sâu, quăng xuống nước một lưỡi câu có mắc mồi. Một con cá đớp mồi, nuốt lưỡi câu ấy. Như vậy, này các Tỷ kheo, con cá ấy vì nuốt lưỡi câu nên đi đến bất hạnh, đi đến ách nạn, bị người câu cá muốn làm gì thì làm.
 
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có sáu lưỡi câu trong đời, đưa đến bất hạnh cho loài hữu tình, đưa đến tai hại cho các loài chúng sanh. Thế nào là sáu?
 
Này các Tỷ kheo, có những sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ái, hấp dẫn, liên hệ đến dục. Nếu hoan hỷ, tán dương, tham luyến và an trú vào sắc ấy, thì này các Tỷ kheo, được gọi là nuốt lưỡi câu của ác ma, đã đi đến bất hạnh, đã đi đến ách nạn, đã bị ác ma muốn làm gì thì làm.
 
Này các Tỷ kheo, có những tiếng do tai nhận thức… Có những hương do mũi nhận thức… Có những vị do lưỡi nhận thức… Có những xúc do thân nhận thức… Có những pháp do ý nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ái, hấp dẫn, liên hệ đến dục. Nếu hoan hỷ, tán dương, tham luyến và an trú vào pháp ấy, thì này các Tỷ kheo, được gọi là nuốt lưỡi câu của ác ma, đã đi đến bất hạnh, đã đi đến ách nạn, đã bị ác ma muốn làm gì thì làm.
 
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, phẩm Biển, phần Người câu cá [trích], Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.264).
 
Lời bàn:
 
Các giác quan của con người là những công cụ để nhận thức thế giới khách quan và cả chiều sâu nội tại trong tâm thức của từng chủ thể. Những giác quan ấy, kinh Phật gọi là “căn” và phòng hộ, thu thúc sáu căn là một trong những pháp tu cực kỳ quan trọng trong Phật giáo. Có thể nói, từ nơi sáu căn này mà mỗi người tự xây dựng cho mình một thế giới an vui tịnh lạc của giải thoát Niết bàn hay ngược lại là cảnh giới khổ đau, đọa lạc.
 
Khi các giác quan tiếp xúc với đối tượng của nó, như mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng hay, mũi ngữi mùi thơm… thì tâm tham ái khởi lên và mong ước sở hữu hình thành. Và cũng từ đây, con người phải cố gắng bằng mọi cách để truy tìm, chinh phục nhằm thỏa mãn khát vọng chiếm hữu. Thế Tôn gọi hành vi này là nuốt phải lưỡi câu có gắn mồi dục vọng của ác ma và bị ác ma muốn làm gì thì làm.
 
Đành rằng, phấn đấu để xây dựng cuộc sống hoàn thiện, đầy đủ, sung túc là tiêu chí chung của nhân loại. Nhưng vì lòng tham không bao giờ thỏa mãn nên cuộc đời mãi là cuộc hành trình hướng về, hướng đến…trong chi phối của tham dục và vô minh mà thôi.
 
Trong thực tế, chúng ta khổ đau không phải vì thiếu thốn mà vì mong ước quá nhiều, tham vọng quá lớn. Do vậy, giữ tâm chánh niệm khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần để không bị lôi kéo, không chạy theo, không đánh mất mình là tránh được lưỡi câu của ác ma. Sống trong trần thế mà chẳng nhiễm bụi trần chính là nhờ sự tu tập giữ gìn, phòng hộ sáu căn này.

 

Tác giả bài viết: Quảng Tánh