Phật dạy: Tỷ kheo, khi đi đến các gia đình hãy giống như mặt trăng

Muốn xứng đáng để đi đến các gia đình, nhằm giáo hóa và làm mô phạm cho hàng Phật tử, người con Phật xuất gia phải tự rèn luyện mình, trong sáng như mặt trăng, buông xả như bàn tay mở giữa hư không, tự tại và giải thoát.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:
 
Hãy giống như mặt trăng, này các Tỷ kheo, khi đi đến các gia đình, thân tâm phải dè dặt, luôn luôn là người mới giữa các gia đình, chớ có đường đột xông xáo.
 
Này các Tỷ kheo, ví như một người nhìn cái giếng cũ, sườn núi dốc hay thác nước, thân tâm phải dè dặt, không có đường đột xông xáo.
 
Này các Tỷ kheo, các ông nghĩ như thế nào một Tỷ kheo xứng đáng đi đến các gia đình?
 
Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm sở y.
 
Này các Tỷ kheo, ví như bàn tay này giữa hư không, không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc. Cũng vậy, vị Tỷ kheo đi đến các gia đình, tâm không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc, nghĩ rằng: “Những ai muốn được lợi, hãy được lợi! Những ai muốn công đức, hãy làm các công đức!”.
 
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 5, phần Ví dụ với trăng [trích], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.341)
 
Lời bàn: 
 
Đời sống xuất gia, tuy bản chất là ly tục song thực tế luôn gắn liền với con người và cuộc đời. Khất thực để nuôi sống thân mạng và tùy duyên thuyết pháp độ sanh là nhiệm vụ của mỗi Tỷ kheo. Do đó, đi đến với gia chủ vào mỗi buổi sáng hàng ngày đối với các Tỷ kheo là tất yếu.
 
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ đến với gia chủ với thái độ và cung cách thế nào? Thật tuyệt vời khi Thế Tôn dùng hình ảnh mặt trăng để biểu thị cho sự quang lâm của Tỷ kheo, phải thực sự mang đến ánh sáng, mát mẻ và yên bình cho mọi nhà.
 
Trước hết là sự dè dặt, không đường đột xông xáo, luôn chánh niệm tỉnh giác để mọi biểu hiện luôn tương hợp với oai nghi tế hạnh. Sự thận trọng trong từng cử chỉ, lời nói là điều tối cần thiết vì ngay nơi cung cách của Tỷ kheo đã phản ánh rõ nét sự an tịnh nội tâm, tư cách đạo đức và năng lực giáo hóa của chính vị ấy.
 
Tiếp đến, vị Tỷ kheo khi đến với gia chủ trong tâm thái buông xả, như bàn tay mở giữa hư không. Đành rằng, khất thực là xin ăn nhưng không đơn thuần là nhận mà trong đó còn cho, cho rất nhiều bằng cách ban tặng giáo pháp. Do đó, luôn ý thức để tự làm chủ trong tinh thần muốn ít và biết đủ, không để cho danh lợi cám dỗ, sanh khởi tham ái. Nhờ đó, vị Tỷ kheo không bị vướng mắc, chẳng bị trói buộc.
 
Vì thế, muốn xứng đáng để đi đến các gia đình, nhằm giáo hóa và làm mô phạm cho hàng Phật tử, người con Phật xuất gia phải tự rèn luyện mình, trong sáng như mặt trăng, buông xả như bàn tay mở giữa hư không, tự tại và giải thoát.

 

Tác giả bài viết: Quảng Tánh