Ý nghĩa siêu độ, bạt độ trong nghi thức Mông Sơn thí thực

Cúng thí thực theo các Tổ thầy dạy, phải xuất phát từ tâm thành, vật thí thực không tốn kém cầu kỳ mà rất đơn giản. Điều cốt yếu của nghi thức là phải thực hiện trai giới như pháp (tức thực hiện chánh pháp) để trì chú thì mới đem lại lợi ích bất khả tư nghị cho các loài cô hồn, ngạ quỷ.
Nghi thức Trai đàn chẩn tế siêu độ cho cô hồn, ngã quỷ, âm linh ra đời từ khi Phật còn tại thế. Trong kinh ghi rõ lời đức Thế Tôn chỉ dạy cho ngài A Nan nhiều tiết mục cúng thí cho các loài ngạ quỷ được ăn bằng xúc thực, ý tư thực theo thứ tự: mua sắm các thực phẩm nấu chín, bày biện lên bàn, có hương hoa, trà quả. Rồi chắp tay nhất tâm phụng thỉnh chư vị cổ Phật đến đạo tràng cúng tế, để giúp chúng sinh cõi âm được ăn, uống cùng nghe rõ lời kinh, lời pháp khai thị của chư Phật một cách trật tự và hanh thông, sau đó yết hầu được mở rộng (yết hầu mở rộng xin nói ở phần sau) để được ăn uống dù bằng xúc thực, ý tư thực vẫn cảm thấy khoái khẩu no nê.
 
Nghi thức Trai đàn chẩn tế là phương thức siêu độ, bạt độ cô hồn, vong linh, âm linh mà ta thường thấy ở các chùa, tự viện và các tịnh thất hay làm vào những ngày lễ trọng. Đặc biệt là Trai đàn chẩn tế thường được tổ chức lớn nhằm vào việc siêu độ các vong linh mang tính cách (nhân văn xã hội) cao thượng đó là cầu siêu cho các hương hồn liệt sĩ, các vong linh tử nạn về an toàn giao thông, các vong linh thai nhi sản nạn, hoặc những nơi xảy ra tử nạn đông người...
 
Với lòng bi mẫn của đức Phật dạy, trên thực tế chúng ta thấy không phải lúc nào cũng lập được Đàn tràng lớn, bởi các yếu tố (tổ chức kinh tế, xã hội-chính trị). Vậy, theo kinh sách và các chân sư chỉ dạy, nếu chúng ta là những Phật tử thuần thành, có tâm chí thành thương xót các cô hồn, ngã quỷ, âm linh thì đều có thể thực hiện được nghi thức thí thực Tiểu Mông sơn ở ngay khu vực mình ở và tại tư gia vào những ngày sóc vọng (nếu thấy cần thiết).
 
Cúng thí thực theo các Tổ thầy dạy, xét về mặt căn bản là phải xuất phát từ tâm thành, vật thí thực không tốn kém cầu kỳ như người ta tưởng mà rất đơn giản. Điều cốt yếu của nghi thức là chúng ta phải thực hiện trai giới như pháp (tức thực hiện chánh pháp) để trì chú thì mới đem lại lợi ích bất khả tư nghị cho các loài cô hồn, ngã quỷ cũng như các đảng.
 
Một thực tế hiện nay, không ít thầy bà theo tín ngưỡng dân gian thần quyền nhân danh (này nọ) tổ chức cúng thí không chỉ gây tốn kém về vật chất mà kết quả cầu siêu bạt độ cho các vong linh, cô hồn, các đảng không đem lại kết quả như mong muốn (nếu không muốn nói là gây thêm phiền não chướng) bởi họ không hiểu được ý nghĩa sâu mầu của chánh pháp đạo Phật.
 
Bài viết này chúng tôi có đôi lời bàn luận tham cứu góp phần vào việc thực hiện cúng thí thực, để chúng ta cùng chia sẻ suy ngẫm tìm hiểu về nội dung này, trên cơ sở với lòng bi mẫn và thực hiện chánh pháp cứu độ chúng sinh theo tinh thần mà đức Thế Tôn đã dạy.
 
Duyên khởi - xuất xứ cúng Mông Sơn thí thực
 
Đạo Phật là đạo cứu chúng sinh ra khỏi sáu cõi sinh tử luân hồi khổ đau để đến các cõi Phật giới (hay còn gọi là cõi vô sinh tử). Do đó chư Phật trong mười phương thế giới đều thị hiện vào tam giới, lục đạo để cứu khổ chúng sinh theo sở nguyện phương tiện của mình. Đó là giáo pháp, tâm đại từ bi và trí tuệ.
 
Đức Phật thích Ca Mâu Ni thị hiện Ta bà, nói pháp và hướng dẫn con người tu tập giáo pháp để giải thoát sinh tử luân hồi. Đức Thế Tôn còn thuyết minh về các kinh Dược sư, kinh Địa Tạng, kinh A Di Đà để cứu khổ chúng sinh về bệnh tật qua (kinh Dược Sư); cứu khổ chúng sinh trong các cõi địa ngục, ngã quỷ và cõi người qua (kinh Địa Tạng) nhằm thức tỉnh con người luôn tự cảnh giác mà xa lìa các đường ác quỷ; với kinh A Di Đà, đức Thế Tôn cũng chỉ dạy cho con người ai muốn vãng sinh về nước Cực lạc thì tu pháp môn Tịnh độ. Và với đức Bồ tát Quán Thế Âm thì Ngài nói về ý nghĩa sâu mầu về chú Đại Bi để cứu khổ cứu nạn chúng sinh.
 
Cùng với đức Thích Ca Mâu Ni lúc bấy giờ, bên cạnh Ngài còn có nhiều vị cổ Phật thị hiện trong Tăng đoàn để trợ lực với Ngài về một số giáo vụ quan trọng khác nhau như ngài A Nan (thị giả Phật có khả năng nghe và thuộc lòng tất cả các kinh Phật đã nói); Xá Lợi Phất (bên cạnh Phật thuyết pháp); Ca Diếp, Mục Kiền Liên (được Phật chỉ cho cách cứu mẹ thoát kiếp ngạ quỷ để rối có kinh Vu Lan) và các ngài Phú Lâu Na, Phổ Hiền, Văn Thù, Quán Thế Âm...Trong tất cả các vị cổ Phật có mặt bên cạnh đức Phật Thích Ca thì đức Quan Thế Âm được thấy ở nhiều hạnh nguyện Bồ tát cứu khổ, cứu nạn thật đa dạng với nhiều phương tiện thị hiện thân tướng tương ưng trong các cõi để cứu độ chúng sinh.
 
Điều muốn nói ở đây là Phật Quán Thế Âm thị hiện quỷ Vương Tiêu Diện và với xuất xứ nghi thức "Mông Sơn Thí Thực Cô hồn". Theo tác giả Đức Hạnh, thì nghi thức này có ba xuất xứ, nhưng theo người viết tóm lược lại thì chỉ có hai xuất xứ căn bản được ghi nhận qua kinh điển đó là:
 
Một: Lúc Phật còn tại thế: một hôm, vào buổi chiều, Tôn giả A Nan đang tọa thiền tại bãi cỏ ngoài tịnh xá Kỳ Viên. Bỗng nghe có tiếng động, A Nan ngước mặt nhìn, thấy một con quỷ có thân tướng mặt đỏ, lười lè dài tới rốn, miệng tóe lửa, râu ria xồm xoàm, đang cầm chĩa ba, quỳ xuống quỷ nói:
 
"Này A Nan, ta là Quỷ Vương, thống trị các loài ngạ quỷ, nhưng ta đang đói lắm! Ta sẽ ăn thịt ngươi A Nan". Nói xong con quỷ trườn tới. An Nan sợ quá, đứng lên nói: "Khoan đã, đừng ăn thịt ta, ta sẽ tính chuyện ấy sau cho quỷ". Nói xong, A Nan chào quỷ vương đi vào tịnh xá. Tại đây, A Nan gặp Phật và trình bầy đầu đuôi câu chuyện về con quỷ mặt đỏ, lưỡi dài, miệng đầy lửa đòi ăn thịt mình cho đức Phật nghe.
 
Đức Phật nói: "Không sao đâu, A Nan đừng sợ! Quỷ không thể ăn thịt người được. Để Như Lai chỉ cho A Nan những cách cúng dường cho các loài quỷ được ăn".
 
Những cách cúng dường ấy cho các loài ngạ quỷ, âm linh, cô hồn...được ăn như thế nào, đức Thế Tôn chỉ cho ngài A Nan đã được ghi trong kinh có tên "Kinh Diệm Khẩu".
 
Hai: Xuất phát từ lòng thương xót chúng sinh trong các cõi âm vô bờ bến, với đại bi tâm và trí tuệ thâm sâu của bậc đạo sư chân tu, ngài thiền sư Bất Động đời nhà Đường tại núi Mông đã được vô số ngai quỷ, cô hồn, âm linh tìm đến ngài để xin bố thí cho ăn qua nhiều hiện tượng như: cứ vào những chiều chạng vạng, ngài Bất Động thiền sư nhìn thấy những ngọn lửa lập lòe, ngắn dài, run rẩy chơi vơi dưới các thung lũng núi Mông, cùng với những thanh âm tru tréo hú vang thật rùng rợn! Rồi đến khi ngài vào ngồi thiền thì nghe bên ngoài chung quanh chùa có những tiếng xì xào, gõ cửa than khóc...
 
Trước những hình ảnh ma quái của các loài cô hồn, ngạ quỷ, âm linh hằng đêm hiện ra như vậy, ngài Bất Động thiền sư hiểu ý các loài âm linh ấy bị đói, lạnh muốn ngài cứu giúp cho được no ấm. Từ đó ngài Bất Động quyết tâm đi tìm phương cách bố thí thực phẩm cho chúng sinh cõi âm được ăn bằng giáo pháp Phật (cam lồ pháp thực). Do vậy, ngài Bất Động đã bỏ công tìm kiếm trong Đại Tạng Kinh đời Đường qua thời gian nhiều tháng năm và cuối cùng ngài tìm gặp được cuốn kinh Diệm Khẩu (tức miệng lửa). Trong kinh ghi rõ lời đức Thế Tôn chỉ dạy cho A Nan nhiều tiết mục cúng thí cho các loài ngạ quỷ được ăn bằng xúc thực, ý tư thực theo thứ tự mà được no đủ.
 
Nghi thức thí thực công phu chiều cũng được thiền sư Bất Động soạn trong kinh Diệm Khẩu. Trong quá trình soạn, ngài cơ bản giữ nguyên toàn bộ lời Phật dạy, để làm nến tảng cho việc biên soạn thêm một số nghi thức tại chùa ở núi Mông, do đó mà có tên "Nghi thức Mông Sơn thí thực cô hồn". Tác phẩm soạn đấu tiên đó là Nghi thức công phu chiều, dành riêng cầu siêu độ cho cô hồn, ngạ quỷ hằng ngày trong thiền môn (chùa). Trong đó gồm các kinh Di Đà cầu siêu; kinh Hồng Danh Bảo Sám (để sám hối) cho chúng sinh cõi âm nói chung. Tiếp đến Tiểu Mông Sơn (toàn bộ kinh Diệm Khẩu).
 
Tuy nhiên, ngài Bất Động thiền sư có thêm lời ngưỡng vọng hướng về kính lễ: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh; Thường Trụ Thập Phương Phật, Pháp, Tăng và Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni; Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát; Minh Dương cứu khổ Địa Tạng Vương Bồ tát; Khải giáo A Nan Đà Tôn giả. Lời ngưỡng vọng kính lễ này, nếu không nói rằng đó là lời báo ân, thì cũng là lời giới thiệu cho toàn thể bốn chúng đệ tử Phật hậu lai biết rõ nguyên nhân ra đời của nghi thức cúng thí cô hồn, ngạ quỷ là do hai vị cổ Phật Quán Thế Âm, A Nan đà và đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni mà có.
 
Cũng căn cứ từ kinh điển của chư Phật, ngài Bất Động thiền sư sau khi thực hiện nghi thức cúng thí cho các cô hồn, ngã quỷ, Thiền sư cũng làm lễ quy y Phật, Pháp, Tăng cho ba giới cõi âm và có lời khai thị cho hữu tình ở giới này. Và sau cùng của nghi thức là những bài kinh Bát Nhã, Vãng Sinh... Như vậy, ta có thể hiểu sau cúng thí thực về phương diện (vật chất) là thí ngữ (tức khai thị Pháp Phật) cho cô hồn, ngai quỷ và các đảng để được siêu độ, bạt độ cảnh giới lành.
 
Nghi thức Trai Đàn Chẩn Tế Siêu Độ hay Bạt Độ
 
Theo tác giả Đức Hạnh (trong bài Mông Sơn thí thực) thì nghi thức Trai đàn chẩn tế ra đời là do các vị đạo sư chân tu Trung Hoa và Việt Nam (Huế - Bình Định) soạn dựa trên cơ sở tư tưởng cứu bạt của kinh Diệm Khẩu làm nền tảng. Sau đó tiếp tục biên soạn, chế tác nhiều bản văn theo thể lục bát, thất ngôn, lục ngôn, ngũ ngôn, tứ ngôn, hai câu hoặc một đoạn văn xuôi trong nghi thức. những bài văn ngắn, dài này nhằm tác bạch, xướng ngôn, tán tụng, phụng thỉnh chư Phật, triệu mời thập loại cô hồn, ngạ quỷ, các giới vong linh, và nói pháp ngữ. Số lượng những bài văn nói trên có đến hơn trăm, chưa nói đến nghi thức Mông Sơn Diệm Khẩu.
 
Trong số hàng trăm bài tán, tụng, phụng thỉnh đó, thỉnh thoảng có đề cập đến hai vị Phật hóa thân tối quan trọng trong nghi thức đó là Quán Thế Âm và ngài A Nan. Điều này được thấy trong hai bài: "Hội khởi Mông Sơn tối thắng duyên...Giáo điển chân thừa cứu đảo huyền. Nan Đà tôn giả chân nhập định. Cứu khổ Quán Âm thị Diện Nhiên". Và bài "Tu thiết trai diên, A Nan nhân duyên khởi, Cứu khổ Quán Âm, thị hiện Tiêu Diện Quỷ". Và trong nghi thức này, ngài Địa Tạng Vương được vị sám chủ thỉnh nhiều hơn, bởi vì Ngài trong vai trò thăm viếng và hướng dẫn siêu độ cho chúng sinh ở địa ngục.
 
Sở dĩ nghi thức Trai đàn chẩn tế, có đến cả trăm bài văn ngắn, dài như vậy là vì phát xuất từ tư tưởng lớn của tâm đại từ bi, phát nguyện lớn, siêu độ, bạt độ của chư Tăng Ni cùng Phật tử. Nói đến cứu độ vong linh cô hồn, ngạ quỷ hay nói khác hơn để chúng ta dễ hiểu: cứu vớt con người còn sống, được lên khỏi vực sâu cả ngàn mét chắc sẽ còn dễ hơn vạn lần so với các vong linh được ra khỏi địa ngục u minh, tăm tối.
 
Bởi khi còn sống, họ đâu có huân tập tán thán và tìm hiểu để học tập giáo lý sâu mầu của nhà Phật, đến khi họ chết đọa trong tam đồ ở chốn u minh, với thân vô hình lung linh như mây như gió, dẫu là tâm thức của họ vẫn cảm nhận được mọi thứ khổ đau, đói khát, lạnh lùng, nhưng họ đang còn nguyên hiện tướng định nghiệp ác là cô hồn, ngai quỷ... thì làm sao dễ dàng nhận ra lời khai thị chánh pháp...
 
Vả lại, nếu họ vốn đang có tâm thanh tịnh trong sáng (mà chết) thì tự siêu thoát rồi. Bằng không, lại càng khổ đau, tăm tối, cho nên khi thác sinh bị đọa bởi mê mờ nên cứ ở mãi nơi cõi u minh đến cả trăm năm và lâu hơn nữa bị đói khát, khổ đau, lạnh lùng...
 
Qua đây, cho thấy hàng trăm bài sám thỉnh, tác bạch, lời kinh, tiếng kệ, thần chú và chư Tăng tán tụng, xướng ngôn, pháp ngữ, lễ lạy, bắt ấn, thủ xích xuống bàn, vang vọng là những tiếng nói, âm điệu đánh thức cô hồn, ngạ quỷ, âm linh và các đảng trở về thực tại. Suốt 4 tiếng đồng hồ của nghi thức siêu độ, 5 tiếng bạt độ trong nghi thức trai đàn chẩn tế. Chính là những phương tiện tối thắng mầu nhiệm được coi như là (kỹ thuật) trong việc cứu vớt (độ) các cô hồn, ngạ quỷ, vong linh được thoát khỏi cảnh địa ngục tối tăm, siêu lên các cõi trên (Tịnh độ, Nhân, Thiên) là do uy lực của Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) thì pháp lực này phải được nhân lên gấp nhiều lần mới có thể khai mở tâm thức u tối của cô hồn, ngạ quỷ, hương linh và các đảng để họ trở về với sự trong sáng, tỉnh thức mà phát lồ sám hối Phật, Pháp, Tăng để được siêu thăng cảnh giới lành.
 
Cách thức cúng cô hồn trong kinh Diệm Khẩu
 
Như phần trên đã đề cập, trong kinh ghi rõ lời đức Thế Tôn dạy cho ngài A Nan nhiều tiết mục cúng thí cho các loài cô hồn, ngạ quỷ được ăn bằng xúc thực, ý tư thực theo thứ tự như mua sắm các thực phẩm nấu chín, bày biện lên bài cùng hương, hoa, trà quả. Rối chắp tay nhất tâm phụng thỉnh chư vị cổ Phật đến đạo tràng cúng tế, để giúp chúng sinh cõi âm được ăn uống và nghe pháp khai thị của chư Phật, Bồ tát một cách trật tự và hanh thông. Nhờ pháp lực (trì chú vi diệu) này, mà yết hầu ngạ quỷ đươc mở rộng, để được ăn uống dù bằng xúc thực, ý tư thực vẫn cảm thấy khoái khẩu no nê. Bởi vì mỗi vị cổ Phật đều có uy lực cứu độ riêng biệt thật siêu đẳng như vị Phật Diện Nhiên Vương, có tên Tiêu Diện Đại Sĩ (Phật Quán Thế Âm thị hiện) được phụng thỉnh trước tiên đến đạo tràng để thống lãnh các loài cõi âm nói chung đi trong trật tự đến đạo tràng. Tiếp đến phụng thỉnh 13 vị Phật phần này xin quý vị (xem thêm trong kinh Diệm Khẩu).
 
óm lại do năng lực biến thủy, biến thực sâu mầu vi tế khó nghĩ bàn của Phật pháp mà khả năng siêu độ, bạt độ giải cứu chúng sinh trong pháp thí thực đều biến thành cam lồ hữu dụng là bất khả luận. Tất cả chúng sinh trong 3 giới bị đọa lạc đều được ăn, uống no đủ một cách hanh thông, dù ăn bằng xúc cảm, hay ý nghĩ vẫn cảm thấy no nê.
 
Điều đáng nói ở đây là, trước khi cúng ăn, chúng sinh 3 cõi nói trên dều được nghe 7 vị Phật nói lời khai thị nội dung được ghi trong nghi thức tán tụng là: "Hãy phát nguyện xả bỏ lòng tham lam, quay về Tam bảo và phát tâm bồ đề, tức khắc được ra khỏi cõi u minh, sanh về Tịnh độ. Xong rồi, 3 giới cõi âm ấy được Tôn giả A Nan nói lời mời ăn uống. Qua kinh điển được biết, khi còn tại thế, Tôn giả A Nan tự thân tri hành hết các việc: phụng thỉnh chư Phật, triệu mời các loài ngạ quỷ, cô hồn đến đạo tràng và mời ăn uống. Cuối cùng hai đức Phật có danh hiệu là: Án mục lục lăng ta bà ha và Án nga nga nẵng tam bà, phạ phiệt nhựt ra hồng đến nói pháp thí vô giá, và pháp phổ cúng dường.
 
Nội dung cúng thí thực cho các loài ngạ quỷ, cô hồn các đảng mà đức Phật đã nói cho Tôn giả A Nan, được ghi trong kinh Diệm Khẩu với chỉ bấy nhiêu thôi như đã nêu ở trên, nếu không nói là cơ bản, cũng đủ để cho các loài ngạ quỷ, cô hồn được ăn uống và nghe Phật pháp mà siêu sinh Tịnh độ. Đây  là pháp tối thắng duyên do 13 vị cổ Phật và Bồ tát Tiêu Diện Đại Sĩ, đều có uy lực siêu đẳng gia trì hộ niệm cho họ.
 
Nhân đây, chúng ta cùng tìm hiểu về ý nghĩa Thần chú trong Mông Sơn thí thực: Qua uy lực siêu đẳng của 13 vị cổ Phật trong kinh Diệm Khẩu, cho ta thấy và hiểu thêm ý nghĩa của các thần chú là siêu đẳng tuyệt đối, là linh diệu chú không thể nghĩ bàn và không có ngôn từ nào giải thích, bởi đó là Phật pháp sâu mầu, vi diệu. Cho nên các tổ thầy nói, (Phật chính là thần chú, Thần chú chính là Phật).
 
Điều này được minh định qua kinh Đại Bi, thường gọi là "chú Đại Bi Đà La Ni" (tổng trì-năng trì, khả năng gìn giữ) gồm có 84 danh hiệu cổ Phật, do đó không giảng nghĩa được. Tám mươi bốn danh hiệu, trong đó có 32 hóa thân của Phật Quán Thế Âm. Danh hiệu cuối cùng 84 là Ta bà ha, là Bồ tát Tiêu Diện Đại Sĩ (tức Phật Quán Thế Âm hóa thân).
 
Qua kinh sách cũng được biết thêm một số vị cổ Phật quen thuộc có mặt trong Thần chú Đại Bi như: Phật A Di Đà (Ma hê ma hê rị đa dựng). Phật Ca Diếp (Ta bà ha) cùng các ngài A Nan, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phổ Hiền và ngài Văn Thù Sư Lợi. Trong 84 hình tượng hóa thân của chư vị cổ Phật ở kinh Đại Bi, thì 35 hóa thân nữ, 49 hóa thân nam.
 
Khi nào và ai có thể tổ chức Trai đàn chẩn tế
 
Mọi người các giới đều có thể, nếu có đủ khả năng, phương tiện và Tâm đại từ, đại bi, đại trí. Nếu có ba năng lực này, thì đây là nền tảng để thực hiện lễ Trai đàn chẩn tế siêu độ, bạt độ chúng sinh.
 
Do hiểu biết được rõ ràng các loại cô hồn, ngạ quỷ vong linh trong các cõi địa ngục, vốn trước đó họ cũng là con người nhưng vì đã tạo nên ác nghiệp mà đọa tam đồ khổ đau, nên họ rất đói khát, lạnh lùng cô quạnh và họ chỉ luôn mong cầu người sống là bà con, quyến thuộc, đồng hương nghĩ đến họ mà cho ăn uống; và cởi trói cho họ được siêu thoát qua các kinh điển Địa Tạng, Lương Hoàng Sám (tức thí Pháp).
 
Biết được hoàn cảnh rõ ràng như vậy rồi, với tâm cảm chân thật thương xót như thế liền ra tay tế độ bất vụ lợi, không mong cầu phước báo. Đó là đem lòng bi mẫn đến với chúng sinh. Ở những nơi có hàng trăm hàng ngàn người chết rủi ro bởi bão lụt, tai nạn tầu xe, hay hỏa hoạn và chiến tranh, vào những ngày Vu Lan, Phật Đản đứng ra tổ chức Trai đàn chẩn tế bạt độ thì thật lợi ích vô cùng.
 
Nghi thức Trai đàn chẩn tế là một nghi thức tối thắng thượng thừa về hai mặt: Phật tâm và giáo vụ chánh đạo, cộng với tâm biết thương xót các loài âm binh, cô hồn sẵn sàng dấn thân cứu khổ. Do có tâm đại từ bi và trí tuệ, cho nên Tăng chủ sám ngồi đàn và tập thể kinh sư phải là những bậc chân tu đạo hạnh, Phật pháp uyên thâm, thông đạt nghi lễ thực hiện Trai đàn thì sẽ đem lại lợi lạc chúng sinh vô lượng.
 
Ngược lại, nếu tổ chức không xuất phát từ tâm từ bi, ví như gia chủ đứng ra tổ chức, không có phước, chỉ có tài vật, do vì khởi niệm lợi lộc riêng tư, không nhằm vào việc siêu thoát, bạt độ chúng sinh cõi âm, mà chỉ mượn danh Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) thì chẳng đem lại lợi ích mà chỉ gây thêm phiền não thế gian.
 
Thí thực tại gia
 
Nếu Trai đàn chẩn tế là cách (bố thí lớn) thì pháp thí thực tại gia là cách tổ chức nhỏ. Theo các thầy tổ dạy, nếu Phật tử chúng ta muốn cúng thí thực cô hồn, vong linh, âm linh, các đảng thì ta cứ việc làm. Nhưng phải nhớ một điều là thanh tịnh tâm, đọc tụng theo đúng nghi thức Tiểu Mông Sơn, có trong nghi thức tụng niệm, không cần phải tụng kinh Di Đà, Hồng Danh. Chỉ cần tụng Tiểu Mông Sơn, cũng đủ năng lực làm cho cô hồn, các đảng được ăn, được siêu. Bởi vì nghi thức Mông Sơn là cơ bản tối thắng của kinh Diệm Khẩu, có đầy đủ Bồ tát Tiêu Diện và 13 vị cổ Phật trong đó như đã nói trên.
 
Vậy cúng thí chỉ cần một bát cháo lỏng, ly nước là đủ. Muốn thêm các thứ bánh, bỏng, trái cây... là tùy ý, không sao cả. Phải đọc đúng nghi thức Tiểu Mông Sơn, thì các cô hồn, ngạ quỷ mới ăn, uống được. Nếu chỉ van vái không (tức không thực hiện Mông Sơn) các loài cõi âm không hưởng được gì. Vậy đã có lòng cúng cô hồn, nên đọc tụng theo nghi thức Mông Sơn, chúng ta sẽ được cô hồn, âm linh và các đảng hộ niệm cho mọi việc an lành hiệu quả.
 
Thay lời kết
 
Cúng thí thực không phải là giáo lý căn bản của Phật giáo. Đạo Phật ra đời mục đích tối thượng là độ sinh, chứ không phải độ tử. Vì sao vậy? Vì toàn bộ giáo lý đạo Phật dạy con người tu hành để giải thoát sinh tử luân hồi trong tam giới này.
 
Xuất phát từ lòng bi mẫn của đức Phật mà sau này ở giai đoạn sau giáo lý đạo Phật đã có thêm những phương tiện cứu độ để giải thoát cho những chúng sinh bị đọa lạc vào tam đồ (ba cõi khổ đau) như nội dung bài viết đã trình bầy ở phần trên. Điều muốn nhắc lại ở đây là cúng thí thực như Pháp (tức theo chánh pháp) đạo Phật khác xa với cúng thí của tín ngưỡng dân gian. Bởi cúng thí "kiểu" dân gian chỉ nhắm tới một phần thỏa mãn về yếu tố vật chất (vật lý) mà thôi.
 
Thực tế, theo kinh điển xét về cõi giới cô hồn, ngã quỷ thì việc ăn, uống thụ hưởng của họ qua cúng thí thực thật khó khăn. Bởi nếu không có chánh pháp đạo Phật (tức trì chú) soi sáng qua nghi lễ thí thực thì họ không thể nhận lãnh được (khi yết hầu của họ không được khai mở). Vậy, chỉ có chánh pháp vi diệu của đạo Phật mới "biến thực- biến thủy" thành cam lồ giúp họ thọ dụng được no đủ (đấy là chưa kể việc khai thị chánh pháp) thuyết linh để họ giác ngộ nương nhờ vào Phật lực mà giải thoát về cõi giới an lành.
 
Cúng thí thực nếu không phải là các Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử đạo hạnh thuần thành thì không thể thực hiện được. Theo các tổ thầy dạy, cũng như rút ra từ trải nghiêm của mình cho thấy, "chỉ một chút nghi ngờ, sao nhãng không tin chánh pháp" tức khắc sự việc không thành như mong muốn. Nhân bài viết này cũng muốn chia sẻ cùng đạo hữu, nếu chúng ta có tâm thành cúng thí thực thì cứ cúng, nhưng phải theo đúng chánh pháp, và nên nhớ lời tổ thày dạy là không cầu xin gì cả.
 
Nếu có tâm thành thì "tự nhiên như nhiên" sẽ có sự tốt lành đến từ hai phía. Đi kèm bài viết này, chúng tôi cũng sưu tầm sao lục gửi tới đạo hữu cùng những ai quan tâm đến nội dung này bài cúng thí thực của Sư ông Làng Mai - Thích Nhất Hạnh soạn, để chúng ta cùng tham cứu và có thể sử dụng được.
 
-----------------
 
Tài liệu tham khảo
 
- Kinh Đại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm,
 
- Kinh Địa Tạng; Kinh Pháp Hoa (phẩm Phổ môn)
 
- Hiển Mật viên Thông tác giả Trần Giác, Tỳ kheo Thích viên Đức
 
- Bài viết "Mông Sơn thí thực" của tác giả: Đức Hạnh trên trang điện tử Chùa: A Di Đà
 
Xem tiếp phần 2: Bài cúng thí thực của sư ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh soạn.
 

Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh và Đức Hạnh