Chuyện chưa kể về những "linh ứng" trong việc tạo tượng Phật ngọc Quán Âm lớn nhất VN

Phật ngọc Quán Âm

Phật ngọc Quán Âm

Giá trị và được chú ý nhất tại khu điện thờ Nam Minh (Đồng Nai) là pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng Ngọc bích Nephrite lớn nhất Việt Nam được chế tác bởi bàn tay tài hoa, sáng tạo của những người thợ Việt.

Công trình xây dựng khu điện thờ Nam Minh với tổng diện tích 5ha tại ấp Vĩnh Hiệp, Tân Bình, Đồng Nai vừa hoàn thành. Đây là một trong những công trình mang ý nghĩa tâm linh, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo.

Giá trị và được chú ý nhất tại khu quần thể này là pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng Ngọc bích Nephrite lớn nhất Việt Nam được chế tác bởi bàn tay tài hoa, sáng tạo của những người thợ Việt.

Cơ duyên và nguồn gốc Ngọc Nephrite

Ngọc bích Nephrite là một trong những loại báu vật đặc biệt được xếp thứ hai trong hàng “Ngũ Hoàng, Nhất Hậu”, mang biểu tượng của trí thông minh, lòng nhân ái, tận tâm và chân thật.

Người Mông Cổ cổ đại coi Nephrit là tượng trưng của chiến thắng và được dùng để trang trí kiếm và thắt lưng. Ở Châu Âu, Nephrit tượng trưng cho lòng ngay thẳng, tận tâm can đảm, sự đoan chính, sự chung thuỷ và anh minh, nó được coi là biểu tượng của sự hoàn thiện và trong sạch. Người Trung Quốc tôn thờ gọi nó là đá vĩnh cửu, đá thần linh và đá bình an.

Tại tỉnh British Columbia, Canada (giáp với vùng Alaska Bắc cực) là nơi được trời đất ban tặng cho một thềm Ngọc Bích Nephrit lớn nhất thế giới.

1

Khu điện thờ Nam Minh

Ấp ủ từ lâu một ước nguyện là có một bức tượng Phật Bà Quan âm bằng ngọc thật đẹp trong khu điện thờ Nam Minh, đồng thời sáng tạo một kiệt tác để đời cho nhân loại mang một thông điệp an lành đến mọi nơi; ông Trịnh Hữu Hòa - một doanh nhân thành đạt tại TP Hồ Chí Minh, chủ nhân của khu điện thờ đã tìm đến công ty New World Gemstones Corp, thuộc Tập đoàn Jade West Group (JWG) - Tập đoàn khai thác ngọc bích lớn nhất thế giới. Đây cũng chính là Tập đoàn khai thác khối ngọc tạc ra bức tượng ngọc nổi tiếng có một không hai là tượng Phật ngọc vì Hòa bình Thế giới.

Như một cơ duyên, tại đây ông Hòa đã được chiêm ngưỡng một khối ngọc bích lớn có chất lượng A++, chất lượng ngọc tốt nhất. Theo nhận định của ông Kirk Makepeace – chủ tich Tập đoàn JWG: “Đây là khối ngọc quý hiếm 100% Nephrit Jade trong vòng 25 năm trở lại đây. Ngọc có mầu xanh lá cây, nặng khoảng 11,5 tấn và được đặt tên là Lang Ley (Langley Bouder)” .

Hành trình đưa Ngọc quý về Việt Nam

Chất lượng và sự quý hiếm của khối ngọc đã mê hoặc ông Hòa, ngay lập tức ông quyết định đặt mua và ủy thác cho Công ty Giovanni Việt Nam nhập khẩu về Việt Nam. Mất một quãng thời gian dài mới tìm được Ngọc quý, vận chuyển về Việt Nam cũng là cả một bài toán khó không kém.

Ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch hãng thời trang Giovanni cho biết: “Tôi và ông Hòa cùng luật sư Nguyễn Toàn Thắng đã cùng nhau tính toán kỹ lưỡng phương án vận chuyển để đảm bảo khối ngọc về Việt Nam an toàn và sớm nhất”.

Vì khối ngọc có kích thước và trọng lượng lớn, nhiều phương án đã được đưa ra, cuối cùng ông Hòa quyết định đưa ngọc về bằng đường hàng không. Ông Kirk Makepeace nói: “Trong lịch sử kinh doanh mấy chục năm của ông, chưa thấy một khách hàng nào quyết định vận chuyển bằng đường hàng không như thế, bởi chi phí đắt đỏ và mạo hiểm hơn rất nhiều phương án vận chuyển phổ biến là đường biển”.

1

Giấy chứng nhận của Tập đoàn JWG

Quyết định xong phương án vận chuyển, ông Hòa phải đặt mua một container theo kích thước chuẩn của hàng không dành riêng cho khối ngọc, thế nhưng không có hãng hàng không nào nhận vận chuyển một khối ngọc nặng như thế. May mắn thay, như được Phật độ chỉ đường, một hãng hàng không của Hàn Quốc đã đồng ý nhận vận chuyển, với điều kiện sẽ nhận hàng tại sân bay Seatle, tiểu bang Wasington, Hoa Kỳ.

Thế là khối ngọc được vận chuyển bằng đường bộ từ Surrey City Canada, nhập cảnh vào Hoa Kỳ và lên máy bay tại sân bay Seattle chuyển về đến cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Việt Nam một tuần sau đó.

Tìm người chế tác: Thợ Việt hay nước ngoài?

Ngọc về tới Việt Nam, theo giới thiệu của ông Kirk Makepeace, ông Hòa đã tìm đến xưởng chế tác Phật ngọc của công ty chế tác Jade Thongtawee (Thái Lan), công ty đã chế tác tượng Phật ngọc vì Hòa bình Thế giới (Phật Thích ca Mâu ni).

Thế nhưng công ty này chưa có kinh nghiệm tạc tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát, thời gian chế tác tối thiểu 2 năm và phải vận chuyển khối ngọc sang xưởng của họ. Công ty Jade Thongtawee cũng yêu cầu ông Hòa phải có mặt ở đó 2 lần 1 tháng để giám sát và nghiệm thu công việc.

Nhận thấy việc tiếp tục vận chuyển và giám sát việc chế tác khối ngọc là vô cùng khó khăn và phức tạp, ông Hòa quyết định tìm kiếm thợ trong nước để chế tác. Tuy nhiên từ trước tới nay, những bức tượng Phật ngọc cần chế tác đều phải đưa sang nước ngoài để tạc, vì thế tìm được thợ trong nước và dám nhận lời thi công khối ngọc bích quý giá này không phải là dễ.

1

Ông Hòa và ông Kirk Makepeace bên cạnh khối ngọc

Nhưng với một trái tim từ bi, môt tấm lòng Phật pháp luôn hướng về đức Phật, một lần nữa cơ duyên và Phật độ lại đưa ông Hòa tìm gặp được nhóm thợ ngọc lành nghề của anh Mai Viết Cường. Tuy có chút hoài nghi, nhưng ông Hòa vẫn tin tưởng giao trọng trách chế tác cho nhóm của anh Cường.

Tâm và Tầm của những người thợ Việt Nam

Nephrite là loại ngọc bích có cấu tạo rất cứng vì thế khó khăn nhiều trong quá trình tạc tượng, trong quá trình khoan cắt khối ngọc, chỉ cần vài giây không có nước thì tại điểm tiếp xúc sẽ bị nổ do nhiệt độ tăng lên. Thêm vào đó tại Việt Nam, công nghệ chế tác đá chưa được chú ý và đầu tư, thợ Việt chủ yếu vẫn dùng phương pháp thủ công và vật dụng thô sơ.

Dẫu vậy ông Cường cùng nhóm làm việc vẫn hạ quyết tâm thực hiện bằng được tác phẩm nghệ thuật mang đậm nét tâm linh này. Ông nói: “Tôi cảm phục ông Hòa bởi dám bỏ ra một số tiền lớn để chế tác tượng Phật Bà Quan Âm cầu mong cứu khổ cứu nạn và chia sẻ cho mọi người cùng chiêm bái, chính tư tưởng lấy chữ nhân làm trọng và luôn hướng về đạo Phật của ông Hòa đã thuyết phục tôi”.

Ông Nguyễn Văn Minh thợ cả trong nhóm cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi làm việc với động lực và niềm tin vào đức Phật cộng với niềm đam mê, khao khát tạc thành công một bức tượng có giá trị nghệ thuật, tâm linh không chỉ mang ý nghĩa là di sản của Việt Nam mà còn là di sản chung cho thế giới”.

Mang phẩm chất giống như ngọc Nephrite, những người thợ Việt kiên trì, bền bỉ, cần cù, sáng tạo đã làm nên một điều kỳ diệu gây ngạc nhiên, xen lẫn nghi ngờ cho tất cả những người đến chiêm bái.

Với khối ngọc thô ban đầu nặng 11,5 tấn, cao 1800 x 1600 x 40mm, ông Cường và nhóm thợ đã chế tác thành phẩm một pho tượng Phật Bà Quan Âm cao hơn 2m (với những chi tiết vòng tay và tràng hạt được đeo “sống” như thật). Thêm vào đó ông Cường còn tận dùng khối ngọc dư chế tác thêm được 6 pho tượng ngọc có chiều cao từ 90 – 100 cm.

1

Tượng Phật Bà Quan Âm đã hoàn thiện

Tất cả hoàn thiện trong vòng chưa đầy một năm. Điều này vượt xa yêu cầu của ông Hòa đặt ra cho nhóm chế tác là cố gắng chế tác được tượng cao 1,6 – 1,7m (bởi chiều cao kích thước phủ bì của tảng ngọc là 1,8m).

Khối ngọc khi mua về đã bị nứt cạnh một mảng lớn, vậy mà ông Cường và nhóm thợ đã khéo léo xử lí tránh và lách được các tì vết để có một pho tượng ngọc hoàn mỹ không tì vết, tận dụng được tối đa chiều cao. “Chúng tôi vui và cảm thấy nhẹ nhàng giống như được giải nghiệp khi hoàn thành xong công việc” Ông Cường hạnh phúc nói.

Tượng Phật ngọc vì Hòa bình Thế giới bắt đầu bằng giấc mơ của vị Lạt Ma Zopa Rinpoche được kết nối thực hiện với ông bà Ian và Judy.

Tại Việt Nam, một ước nguyện lớn được định hướng bằng chữ Nhân hướng về đức Phật, ông Trịnh Hữu Hòa đã cùng với ê kip thực hiện là ông Nguyễn Trọng Phi, công ty Giovanni Việt Nam, luật sư Nguyễn Toàn Thắng và nhóm thợ Việt của ông Mai Viết Cường sẽ đưa tượng Phật Bà Quan Âm bằng ngọc Nephrite lớn nhất Việt Nam đến với hàng triệu người Việt cùng chiêm bái trong niềm an lạc và hòa ái.

Như lời của Lạt Ma Zopa Rinpoche từng nói: “Phật ngọc sẽ thắp sáng toàn cõi thế gian này, mang lại niềm an lạc, hạnh phúc cho chúng sanh, sự ảnh hưởng của Phật ngọc sẽ góp phần ngăn chặn những cuộc chiến tranh, những hủy hoại tàn phá đang sảy ra khắp nơi trên thế giới”, và chúng ta có quyền tin vào điều đó.

Theo Thi Dung - DĐDN