Học viên Bậc Lực V tại Huế tìm hiểu về Cuộc đời và Đạo nghiệp Đức Trưởng lão HT. Thích Minh Châu

Sáng ngày 30/6, tại chùa Từ Lâm (27, Trần Thái Tông, phường Thủy Xuân, Tp. Huế), các Học viên Bậc Lực V đã tìm hiểu về tiểu sử Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Ngài là vị Ân sư sáng lập viên của GĐPTVN.
Đại đức Thích Tâm Phương, UV BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng BTS GHPGVN huyện A Lưới là đệ tử của Đức Trưởng lão Hòa thượng Ân sư và Huynh trưởng cấp Dũng: Thiện Điều - Nguyễn Thắng Nhu, Trưởng Phân ban GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế đã chia sẻ về Cuộc đời và Đạo nghiệp của Ngài.

Trưởng lão Hòa thượng thuộc đời thứ 9 dòng Liễu Quán, là vị pháp truyền thứ 5 của Tổ đình Tường Vân, Thừa Thiên Huế. Ngài là đệ tử đắc truyền của Đức Đệ nhất Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thích Tịnh Khiết, được bổn sư ban pháp danh Tâm Trí, tự Minh Châu, hiệu Viên Dung.

Hòa thượng, thế danh Đinh Văn Nam, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 (Mậu Ngọ) tại làng Kim Thành, tỉnh Quảng Nam, nguyên quán làng Kim Khê, tỉnh Nghệ An. Ngài xuất thân từ gia tộc cư Nho mộ Phật, có năm đời Tiến sĩ. Thân phụ là Tiến sĩ Hoàng giáp Trừng Tuệ Đinh Văn Chấp; thân mẫu là cụ bà Trừng Tín Lê Thị Đạt. Thuộc dòng trâm anh thế phiệt cùng với tư chất thông tuệ, Ngài đã xuất hiện như một vì sao sáng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Năm 1936, Ngài tham gia Hội An Nam Phật học do Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm Hội trưởng và đã đóng góp tích cực cho sự phát triển Phật giáo tại 17 Tỉnh hội miền Trung. Cùng năm ấy, Ngài tham gia sáng lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục, tiền thân của Gia đình Phật tử Việt Nam.

Năm 1946, Hòa thượng xuất gia tại Tổ đình Tường Vân. Năm 1949, Ngài được thọ Tam đàn Cụ túc giới tại Đại Giới đàn Hộ Quốc, chùa Báo Quốc, Huế. Năm 1952, trong lúc đang giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Bồ Đề ở Huế, Ngài được Hội đồng Tăng-già và Hòa thượng bổn sư đề cử xuất dương du học tại Trường Dharmaduta Ashrama, Colombo, Sri Lanka và đỗ văn bằng Giáo thọ sư (Saddhammācariya). Năm 1955, Ngài sang Ấn Độ nghiên cứu chuyên sâu Thánh điển Pāli và hoàn tất các khóa Cao học và Tiến sĩ tại Đại học Nava Nalanda Mahavihara, Bihar. Năm 1961, Ngài trở thành người Việt Nam đầu tiên đỗ Tiến sĩ Phật học, được Tổng thống Ấn Độ đích thân trao văn bằng và ca ngợi bản luận án xuất sắc đối chiếu Trung Bộ Kinh và Trung A-Hàm thuộc hai văn hệ Nam truyền và Bắc truyền. Từ năm 1962 đến 1964, Ngài được mời ở lại trường giảng dạy, đồng thời, biên soạn nhiều tác phẩm nghiên cứu bằng Anh ngữ.

Năm 1964, Hòa thượng về nước, chuyên tâm xây dựng và phát triển giáo dục Phật giáo, đảm trách Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, đại học danh tiếng đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, lấy “Duy tuệ thị nghiệp” làm phương châm. Trong thời gian này, Ngài bắt đầu phiên dịch Kinh tạng Pāli ra Việt ngữ.

Từ năm 1981 đến 2012, Ngài tham gia tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tiếp tục chấn hưng nền giáo dục Phật giáo nước nhà. Ngài thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, và Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam. Ngài cũng mở rộng bang giao với Phật giáo các nước, tham dự nhiều hội nghị quốc tế. Ngài đã sáng lập Thiền viện Vạn Hạnh làm nơi giảng dạy Phật pháp và hướng dẫn Như Lai thiền hằng tuần cho tứ chúng.

Là một bậc thạc đức có viễn kiến sâu rộng, Hòa thượng đã định hướng cho sự phát triển vững bền của Phật giáo Việt Nam, dung hòa cả hai hệ tư tưởng Phật học Nguyên thủy và Đại thừa, được các giới Phật học trong và ngoài nước trân trọng. Đặc biệt, năm bộ kinh Nikāya bằng Việt ngữ do Ngài phiên dịch đã đem lại sắc thái mới cho nền Phật học nước nhà.

Công hạnh viên mãn, Ngài an nhiên thị tịch vào ngày 01 tháng 09 năm 2012 (16/07 Nhâm Thìn), để lại tấm gương sáng ngời cho hàng hậu thế!

Một số hình ảnh ghi nhận được:



Niệm Phật cầu gia hộ







Huynh trưởng cấp Tấn: Tâm Ngọc - Nguyễn Thị Minh Nguyệt,
Phó Trưởng Phân ban GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu mở đầu





Đại đức Thích Tâm Phương chia sẻ















Chụp hình lưu niệm


 

Tác giả bài viết: Ban TT TT GHPGVN huyện A Lưới