Lễ Tưởng niệm huý nhật lần thứ 50 Đức Đại lão HT. Thích Tịnh Khiết Tăng thống GHPGVNTN viên tịch

Sáng ngày 12-02, tại tổ đình Tường Vân (phường Thủy Xuân, TP.Huế), đã diễn ra lễ húy nhật lần thứ 50 Đức Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973).


Video Lễ Tưởng niệm 50 năm Đức Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết viên tịch



Di ảnh Đức Tăng thống được tôn trí trước Tổ đường
 
Đến dâng hương và đảnh lễ có chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, chư Tôn đức Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, chư Tôn đức Sơn môn, Pháp phái Tường Vân, chư Tôn đức Tăng, Ni các tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất ở trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo Thiện tín nam nữ Phật tử các giới cũng đã về tham dự.

Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, nguyên Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Đệ nhất Tăng thống GHPGVN Thống nhất, bậc cao tăng có công lao rất lớn trong công cuộc chấn hưng và phát triển của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20.

Đúng 9 giờ 30, chư tôn Hòa thượng niêm hương tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Sau đó, Hòa thượng Thích Quang Nhuận đã cử hành lễ cúng ngọ tại chánh điện Tổ đình Tường Vân.



Hoà thượng Thích Quang Nhuận niêm hương bạch Phật cử hành lễ cúng ngọ


Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, húy Nguyễn Văn Kính, sinh ngày 17-11-1890 tại làng Dưỡng Mong Thượng, xã Phú Mỹ, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, con trai thứ 3 của cụ Nguyễn Văn Toán và bà Tôn Nữ Thị Lý.

Năm lên 9 tuổi, ngài bắt đầu theo học chữ Hán. Với tư chất thông minh, chẳng bao lâu ngài đã tinh thông những bộ sách căn bản của Nho học. Nhưng có lẽ do túc duyên nhiều đời, chí xuất trần đã sẵn, nên sau 6 năm sách đèn theo Khổng học, ngài quyết chí xin song thân được cùng người anh ruột xuất gia tu học tại chùa Tường Vân, làng Dương Xuân Hạ, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, thụ giáo với ngài Thanh Thái (dòng thiền Lâm Tế) - đệ tam Tổ chùa Tường Vân. Ngài được Tổ nhận làm đệ tử xuất gia, ban pháp danh Trừng Thông, tự Chơn Thường.



Sau 3 năm, ngài đã học xong chương trình Trung đẳng Phật học. Mặc dù trong thời gian mới nhập đạo này, đúng theo truyền thống Thiền tông, ngài phải chấp tác rất nặng nhọc, ngoài việc học hành kinh kệ.

Vốn bẩm tính thông minh, sẵn có một đạo phong uy nghi từ lúc hãy còn nhỏ tuổi, nên ngài rất được các bạn đồng tu kính nể. Cũng do tư chất đặc biệt xuất chúng ấy, mà ngài đã được đặc cách miễn tuổi để thụ Tam đàn Cụ túc vào năm 19 tuổi (năm 1910), chỉ 3 tháng sau khi thụ Sa-di giới. Đại giới đàn này do ngài Vĩnh Gia làm Hòa thượng Đường đầu.

Sau khi thụ Cụ túc giới trở về chùa, ngài phát tâm lạy bộ vạn Phật nhất tự nhất bái suốt ba năm liền. Đến năm 23 tuổi, song thân ngài từ trần cùng một lượt, ứng theo một lời nguyện khi sinh tiền của hai cụ là được vãng sinh cùng một lúc.

Năm 32 tuổi, ngài trở về tổ đình cư tang nghiệp sư viên tịch. Sau đó ngài theo học lớp Cao đẳng Phật học với Hòa thượng Huệ Pháp - chùa Thiên Hưng; ngài Phước Huệ - chùa Thập Tháp, tham cứu kinh điển Đại thừa suốt thời gian 5 năm.

Năm 42 tuổi, ngài làm dẫn thỉnh sư tại Đại giới đàn Từ Hiếu.

Năm Ất Hợi (1935) đời vua Bảo Đại triều Nguyễn; pháp huynh của ngài trú trì tổ đình Tường Vân viên tịch, ngài được kế thế ngôi vị trú trì từ đây. Năm này ngài được 44 tuổi đời. Ngài thường được thỉnh vào cung nội để giảng pháp cho Hoàng gia, nhất là cho Tam tôn cung (Thánh cung, Tiên cung và Từ cung).

Năm 1938 ngài làm Chứng minh Đạo sư sáng lập An Nam Phật học hội.

Năm 1940 ngài làm Giám đốc Đạo hạnh, Cao đẳng Phật học viện mở tại tổ đình Tường Vân và Báo Quốc, có những Tăng sinh về sau trở thành những bậc pháp khí như Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hoà, Hòa thượng Hành Trụ, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Thiện Siêu, Hòa thượng Thiện Minh, Hòa thượng Trí Quang...

Năm 1944, ngài làm Yết-ma Đại giới đàn mở tại tổ đình Thiền Tôn.

Năm 1947, ngài thụ phong chức vị Tùng Lâm Pháp chủ Trung Việt.

Năm 1949 (Kỷ Sửu), ngài làm Đàn đầu Hoà thượng cho Đại giới đàn Báo Quốc và năm 1951 thì được suy tôn lên ngôi vị Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1951, ngài ra Bắc chủ toạ Đại hội Giáo hội Tăng-già toàn quốc tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Năm 1952, ngài trở vào Nam chủ tọa lễ truy phong Pháp chủ Phật giáo Nam Việt tại chùa Ấn Quang.

Năm 1955, ngài tham dự đại hội Phật giáo Thế giới tại Tích Lan và chiêm bái Phật tích tại Ấn Độ.


Trong 64 năm là một sứ giả như lai, Đại lão Hòa thượng đã dùng trí tuệ giác ngộ, đức hạnh của bậc cao tăng để lãnh đạo Tăng Ni, Phật tử vượt qua muôn trùng khó khăn, chướng ngại, và thách thức của lịch sử. Chính những công hạnh sáng ngời của mình, Đại lão Hòa thượng đã mở ra nhưng trang sử vàng son của Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại.

Trong dịp đầu Xuân Quý Sửu, khi quý vị Thượng toạ Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên đến tổ đình Tường Vân đảnh lễ chúc thọ đầu năm, dường như linh cảm trước sự ra về vĩnh viễn, ngài đã ân cần phú chúc những lời huấn dụ hết sức cảm động: "Tôi thấy sức khỏe tôi đã kém nhiều, tôi khuyên các Tăng Ni, Phật tử cố gắng lo việc tu hành để báo đáp công ơn Tam bảo, thương mến mà đoàn kết với nhau để xây dựng Giáo hội và góp phần vào nền hoà bình dân tộc".



Ngài khuyên nhủ Tăng Ni cố gắng nghiêm trì giới luật để giữ gìn mối đạo và đừng bỏ rơi chúng sinh thời mạt pháp.

Chỉ sau vài ngày pháp thể khiếm an, ngài an tường xả báo thân vào lúc 20 giờ 45 phút ngày 23 tháng giêng năm Quý Sửu (nhằm 25-12-1973).

Ngài trụ thế 83 năm, Hạ lạp 62. Bảo tháp ngài do môn đồ phụng lập tại khuôn viên tổ đình Tường Vân.



Bảo tháp Đức Tăng thống Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết tại Tổ đình Tường Vân


Tác giả bài viết: Ban TT TT GHPGVN huyện A Lưới