“Lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của Đạo Phật đối với dân tộc”

Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN tổ chức trọng thể sáng nay 7-11-2021.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN - Ảnh: Bảo Trinh/BGN

Thưa Chư vị Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam,

Thưa các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các địa phương,

Thưa Chư vị Tăng Ni cùng đồng bào Phật tử ở trong nước và nước ngoài;

Thưa các vị khách quốc tế,

Thưa toàn thể quý vị đại biểu,

Hôm nay, trong không khí trang nghiêm, đoàn kết, tôi rất vui mừng tới dự Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7-11-1981 - 7-11-2021) được tổ chức trực tiếp tại Thủ đô Hà Nội và trực tuyến đến các điểm cầu trên toàn quốc. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và với tình cảm cá nhân sâu sắc, tôi trân trọng gửi tới các chư tôn đức giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể quý tăng ni, phật tử trong nước, ngoài nước và các quý vị đại biểu những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa toàn thể quý vị,

Lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của Đạo Phật đối với dân tộc. Hơn hai nghìn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, qua những thăng trầm cùng lịch sử, Phật giáo đã sớm hòa nhập vào đời sống xã hội, hòa đồng với cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và trở thành một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Trải qua chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, dựa trên nền tảng giáo lý mang tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng từ bi, hỉ xả, “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”; lấy phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “hộ quốc, an dân” cho đường hướng hành đạo, Phật giáo luôn luôn là thành viên tin cậy, có nhiều đóng góp quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả các mặt hoạt động kinh tế - xã hội, chung sức, chung lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, cuộc sống yên vui.

Phật giáo đã góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ khi nước ta bước vào thời kỳ xây dựng quốc gia dân tộc độc lập, tự chủ thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, với tinh thần hành pháp hộ quốc, an dân, nhiều chư tôn đức, thiền sư đã tham gia chính sự, phò vua, giúp nước, xây dựng ý thức quốc gia dân tộc, khẳng định vị thế của nhà nước Đại Việt với các nước láng giềng, như đại thiền sư Khuông Việt - Ngô Chân Lưu, Pháp Thuận, Đa Bảo, Vạn Hạnh… Các vị đó không chỉ là các bậc cao tăng chăm lo phần đạo cho phật tử, mà còn là những quân sư tài ba, phò vua, giúp nước.

Đồng thời, với tầm nhìn của bậc minh quân, nhiều vị vua đã lấy tinh thần Phật giáo để thu phục nhân tâm, an dân, trị quốc, xây dựng nên những triều đại rực rỡ huy hoàng. Điển hình là đức vua Lý Thái Tổ, người vốn xuất thân từ chùa, đã coi Phật giáo là quốc giáo, đặt nền móng vững vàng cho sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo trong triều đại thời Lý; Phật hoàng Trần Nhân Tông vừa là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, đồng thời cũng là người khai sáng phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm bản sắc của Phật giáo Việt Nam...

Trong đời sống xã hội, giáo lý Phật giáo về đề cao giá trị con người, hướng thiện, đoàn kết, hòa đồng với cộng đồng, xây dựng xã hội an bình đã thấm đượm trong tư tưởng, ứng xử của đông đảo người dân Việt Nam, góp phần hun đúc nên những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Tín ngưỡng và ngôi chùa Phật giáo đã trở thành tín ngưỡng và nơi gắn bó, thân thuộc của nhân dân ta. Hầu hết các vùng miền, làng, xã ở Việt Nam đều có những ngôi chùa Phật giáo. Như cha ông ta ngày xưa từng nói “đất của vua, chùa của làng”, chùa chính là tài sản tinh thần vô giá của dân, của làng, của xã, là nơi tập hợp sinh hoạt cộng đồng, là nơi đoàn kết lòng dân ở cơ sở. Trong lịch sử hàng nghìn năm, dân ta có lúc mất nước nhưng vẫn không mất làng, không mất chùa, không mất bản sắc văn hóa dân tộc. Hình ảnh mái chùa luôn gần gũi, thiêng liêng, thấm sâu vào ký ức mỗi người con Việt Nam chúng ta; đi xa quê, mỗi khi nghe tiếng chuông chùa là thấy trong lòng trào dâng tình yêu quê hương, đất nước. “ Mái chùa che chở hồn dân tộc”.

Có thể nói lịch sử hơn 2000 năm Phật giáo Việt Nam là lịch sử của những người Phật giáo yêu nước. Tiếp nối dòng chảy của Phật giáo yêu nước cho tới tận thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, ở thời kỳ nào, dù trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay hòa bình phát triển đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng gắn liền với lịch sử dân tộc và đều có rất nhiều tấm gương điển hình giúp đời, “hộ quốc, an dân”.

Đặc biệt, từ khi có Đảng lãnh đạo cách mạng nước ta, Phật giáo luôn nêu cao truyền thống đi đầu trong đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc và tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có hàng nghìn tăng ni, Phật tử trở thành những chiến sĩ yêu nước, sát cánh cùng toàn dân đánh giặc. Nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng. Nhiều nhà sư đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong kháng chiến, góp phần vào thắng lợi chung của cả đất nước. Những tấm gương tiêu biểu, điển hình (tôi xin nêu ví dụ) như năm 1947, Hoà thượng Thích Thế Long đã làm lễ "cởi áo cà sa khoác chiến bào" cho 27 vị tu sĩ Phật giáo tham gia kháng chiến chống Pháp; năm 1963, Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chế độ Mỹ - Diệm và rất nhiều tấm gương khác đã tô thắm thêm màu cờ của Tổ quốc trong ngày thống nhất, độc lập và hoà bình.

Thưa toàn thể quý vị,

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ cộng hòa, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách toàn diện. Thế là: Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ mở mang”.

Năm 1975, miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông gấm vóc thu về một mối, tạo điều kiện cho Phật giáo Việt Nam thống nhất và phát triển. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, hợp nhất toàn thể các sơn môn, hệ phái Phật giáo trên phạm vi cả nước thành một tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ cả ở trong nước và nước ngoài. Có thể nói, đây là một sự kiện lịch sử, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển toàn diện của Phật giáo Việt Nam.

Từ khi được thành lập, thống nhất đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đoàn kết tăng ni, phật tử, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thực hiện tinh thần "Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật" và kiên trì phương châm: "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong 40 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát triển toàn diện mọi mặt. Tổ chức giáo hội được xây dựng, củng cố, thống nhất từ trung ương đến cơ sở. Công tác đào tạo tăng tài được coi trọng, đội ngũ tăng, ni tăng nhanh về số lượng, chất lượng được nâng lên; sinh hoạt tôn giáo ngày càng đi vào nền nếp và được mở rộng với nhiều hình thức phong phú, nội dung hấp dẫn. Cơ sở thờ tự được đầu tư, xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu tu học và sinh hoạt tôn giáo của Phật tử.

Hoạt động tôn giáo ổn định, tuân thủ chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Các hoạt động xã hội của giới tăng, ni, phật tử cả nước đã phát huy hiệu quả, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước. Nhiều chức sắc Phật giáo được tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và tích cực tham gia hoạt động của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội. Nhiều tăng ni và nhà chùa có vai trò quan trọng trong việc vận động quần chúng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn dân cư

Hoạt động đối ngoại của Phật giáo ngày càng được mở rộng, đa dạng từ tham gia các tổ chức quốc tế, tới phát triển các Hội Phật tử người Việt nam ở nước ngoài, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con Việt kiều, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền, khẳng định tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, với sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan chức năng, Giáo hội đã 3 lần đăng cai và tổ chức thành công rực rỡ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Phát huy tinh thần từ bi, hỉ, xả, vô ngã vị tha trong nhà Phật, Giáo hội các cấp và giới tăng ni, phật tử tích cực tham gia công tác bảo trợ, trợ giúp xã hội trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo trợ, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo… với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực; hàng năm quyên góp hàng nghìn tỷ đồng cho các đối tượng người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người cao tuổi neo đơn, người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh. Những hoạt động ý nghĩa này đã góp phần chia sẻ trách nhiệm với chính quyền, với cộng đồng xã hội, được dư luận ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Giáo hội cùng các tăng ni tích cực hưởng ứng, vận động Phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể phát động như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa mới, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc... với nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu.

Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tới nay, hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động, kịp thời chỉ đạo dừng, hoãn nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho tăng ni, phật tử và xã hội. Giáo hội đã ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho Quỹ vắc xin, hỗ trợ mua trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm... Phong trào “cởi áo nâu, khoác áo blue” đã thu hút được hàng ngàn tăng ni, Phật tử cùng với các chức sắc, tín đồ của các tôn giáo bạn đăng ký là tình nguyện viên ra tuyến đầu, vào các bệnh viện thu dung, dã chiến giữa tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để góp sức cùng với đội ngũ y, bác sỹ chăm sóc người bệnh. Nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo trở thành nơi điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19; tiếp nhận tro cốt của những người qua đời vì dịch bệnh để thờ cúng cho đến khi thân nhân đến nhận. Qua đó, góp phần làm an lòng những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, mất mát người thân trong dịch bệnh, góp phần ổn định tư tưởng xã hội. Những hành động cao đẹp, đầy tình nhân ái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tăng ni, phật tử thực sự đã làm lay động hàng triệu trái tim đồng bào cả nước, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và toàn dân phòng chống dịch bệnh.

Đạt được những thành quả quan trọng nêu trên, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp ủy, chính quyền, đoản thể, chúng ta có thể khẳng định rằng, ngay từ khi thành lập đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xác định rõ, kiên định đường hướng hành đạo đúng đắn, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết, tiếp tục gắn bó, đồng hành cùng đồng bào cả nước và các tôn giáo bạn trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước do Đảng lãnh đạo.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Nhân sự kiện quan trọng này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tăng ni, phật tử cả nước đã đạt được trong những năm qua.

Thưa toàn thể quý vị,

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo. Trong đó khẳng định “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung”. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua tiếp tục khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư góp phần ngăn chặc các tệ nạn xã hội”, “Phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tôn vinh những người có công với đất nước và nhân dân, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.

Phát huy truyền thống tốt đẹp Phật giáo Việt Nam trong hơn 2.000 năm qua, tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi mong muốn và đặt nhiều niềm tin vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; phát huy sức mạnh của tôn giáo, của tín ngưỡng, của văn hóa để phát triển đất nước.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa đồng bào Phật giáo ở trong và ngoài nước trong ngôi nhà chung Giáo hội; thực hiện đoàn kết giữa đồng bào Phật giáo với đồng bào các tôn giáo khác và nhân dân cả nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng. Đồng thời, tiếp tục chung tay đóng góp để xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhân dịp này, tôi đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo. Hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động tuân thủ pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh trong cả nước.

Một lần nữa, tôi xin chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam 40 năm trưởng thành và phát triển. Chúc các quý vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể tăng ni, phật tử trong nước và ngoài nước được sức khỏe dồi dào, trí tuệ thắp sáng, Phật đạo viên thành.

Chúc các tôn giáo đoàn kết để tiếp tục đóng góp xây dựng đất nước. Chúc các quý vị đại biểu khách quý luôn mạnh khoẻ, tinh tấn và an lạc.

Xin trân trọng cảm ơn".