TT. Huế: Lễ Tưởng niệm 17 năm ngày Cố Hòa thượng Thích Thiện Trí viên tịch

Sáng ngày 05/02/2017 (09/01 năm Đinh Dậu) tại chùa Hiếu Quang, phường Trường An, thành phố Huế; HT. Thích Quang Nhuận và chư Tăng bổn tự đã trang nghiêm tổ chức lễ húy nhật lần thứ 17 cố Hòa thượng Thích Thiện Trí (1907 - 2000).
Quang lâm dâng hương tưởng niệm và cử hành buổi lễ có chư tôn đức Giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT. Huế; chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT. Huế; chư tôn đức Tăng Ni các tổ đình, tự viện, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất cùng bà con Đạo hữu Phật tử các giới tỉnh TT. Huế, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh.
 
Hòa thượng Thiện Trí thế danh Nguyễn Diêu, sinh năm Đinh Mùi (1907) tại làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Công húy Hồng Ân, tự Tế Mỹ, hiệu Huyền Hưng và Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Ngạch, pháp danh Hồng Liên, tự An Thành. Ngài sinh trưởng trong gia đình theo truyền thống Phật giáo, gia đình có 5 anh chị em và ngài là con thứ hai.
 
Năm 12 tuổi, Ngài được song thân cho phép xuất gia với Hòa thượng Phước Hậu, trú trì chùa Linh Quang. Với tư chất thông minh hiếu học, sau 7 năm chuyên cần học đạo hầu Thầy.
 
Năm Ất Sửu (1925), Ngài được Bổn sư cho thọ Sa-di giới tại Giới đàn Từ Hiếu do Tổ sư Tâm Tịnh làm Đường đầu. Ngài đặc biệt có năng khiếu về văn chương, thi phú nên được Bổn sư cho đến chùa Tra Am cầu học với Hòa thượng Viên Thành.
 
Năm Nhâm Thân (1932), Ngài được thọ Tỳ-kheo giới tại Giới đàn Từ Vân ở Đà Nẵng do Hòa thượng Phước Trí chùa Tam Thai làm Đường đầu Hòa thượng. Trong giới đàn này, Ngài là vị Thủ Sa-di. Được dự vào hàng Chúng trung tôn, Ngài thuộc đời thứ 43 dòng Thiền Lâm Tế và là thế hệ thứ 9 của Pháp phái Liễu Quán, có Pháp danh là Tâm Thái và Pháp hiệu là Thiện Trí. Trên bước đường tu học, Ngài không những được Bổn sư chỉ giáo mà còn được nhiều bậc Cao tăng thạc đức ân cần dìu dắt. Sau sự ra đi của Hòa thượng Viên Thành, Ngài đau đớn bàng hồng, trống vắng khi mất đi một bậc Ân sư mà Ngài hằng kính quý. Tiếp tục con đường tham vấn, Ngài đã đến cầu học với Hòa thượng Giác Viên chùa Hồng Khê.
 
Một nhân duyên chớm nở trong bước đầu hành đạo, năm Quý Dậu (1933), Ngài đã thể theo ước nguyện của một số Phật tử ở Sài Gòn, thỉnh Ngài vào Nam để dạy Phật pháp cho họ. Trong dịp này Ngài đã gặp được Cụ Phan Khôi, một nhà thơ mới, một học giả nổi tiếng đương thời. Cuộc gặp gỡ này Ngài thường cho đó như một tiền duyên tao ngộ. Con đường văn chương thi phú của Ngài trở nên thông bác cũng nhờ sự tận tâm chỉ bày của cụ Phan Khôi.
 
Thời gian ở Nam không lâu khi nghe tin tại quê nhà các Pháp lữ đều vào Bình Định cầu học với Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp, Ngài đã trở về quê rồi lên đường vào Bình Định. Sau một thời gian tham học, Hòa thượng lại về Huế để phụng sự Bổn sư.
 
Con đường phụng Đạo giúp đời của Ngài được rõ nét nhất trên hai lĩnh vực là văn thơ và nghi lễ. Một tác phẩm đầu tay của Ngài được xuất bản là Phật học thiền đàm với bút hiệu là Tế Nam được nhà Chí sĩ Sào Nam Phan Bội Châu đề tựa cho tập sách này bằng bốn câu thơ:

“Ai vào bể khổ vớt quần sinh,
Ức vạn Như Lai một quyển kinh,
Lời cạn ý sâu là Phật lý,
Khơi đèn Bát nhã diệt vô minh”.
 
Một tập sách dùng ngôn từ giản dị mà hàm chứa ý Đạo sâu xa được quần chúng nhiệt tình đón nhận và đã tái bản.
 
Năm 1935, Tổng hội Phật học Việt Nam tại Trung phần ra đời. Ngài được mời vào Ban Giảng sư của Hội.
 
Năm 1938, Hòa thượng Bổn sư về đảm trách trụ trì Tổ đình Báo Quốc, nên Ngài phải thay Thầy trú trì chùa Linh Quang.
 
Năm 1940, Cụ Hiệp tá Ưng Bàng phát tâm cúng sở vườn và được một số Phật tử cúng dường tịnh tài, nên Ngài đã xây dựng ngôi chùa Hiếu Quang trên mảnh đất này.
 
Năm 1945, Ngài đã chuyển chùa Linh Quang cho Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế làm nơi đào tạo Tăng tài và là cơ sở cho Tăng già sinh hoạt, Ngài trở về sống nhàn tịnh suốt đời nơi ngôi chùa Hiếu Quang khiêm tốn này. Chùa Hiếu Quang từng đã là nơi ngâm thơ, uống trà của Mai Lâm thi đàn mà Ngài là Giám đàn.
 
Ngài có nếp sống trầm mặc, ưa cảnh thanh bần đạm bạc, bản chất lại khẳng khái bộc trực, thường giao hiếu với văn nhân trí thức. Ngồi kiến thức Phật học, Ngài còn tinh tường về các thể thơ, đối liễn và cổ nhạc. Đối với nghi lễ Phật giáo, Ngài am hiểu cả Thuyết lẫn Tông; lại có một âm thanh kỳ đặc, là một bậc nghi lễ siêu đẳng như Hòa thượng chùa Châu Lâm tán thán: “Phạm âm vi diệu, liên xã đồng hoan”.
 
Trong con người nhàn tịnh ấy, Ngài lại có một nỗi lòng ưu thời mẫn thế và đã giải bày hạnh nguyện lợi sinh của mình qua những ca khúc, những vần thơ, câu đối.
 
Như trong ca khúc Nam ai, Ngài đã tán dương ngày Phật đản sinh; trong điệu Tứ đại cảnh, Ngài dùng lời hướng dẫn mọi người quay về Tịnh độ, xa đời ngũ trược; Khúc ca Nam bình, Ngài có lời nêu cao tinh thần yêu nước thương nòi, bảo vệ giang sơn gấm vóc.
 
Trong tình Pháp lữ, Ngài luôn tán dương tùy hỷ, như qua câu đối tặng Hòa thượng Trí Thủ:
 
“Trung kiên trác tích, vạn hạnh viên dung, nhậm vận tùy cơ hoằng đại đạo;
Nam độ ứng thân, tam căn phổ nhiếp, lưu thông phú cảm giác quần sinh”.
 
Là một Đạo sĩ thường huân tu Phật pháp nên hành, trú, tọa, ngọa đều là đạo cả. Qua một bữa ăn chiều, Ngài đã ứng khẩu thành thơ nói lên sự lợi ích của an bần, của thiểu dục như:

“Sống đơn sơ là thấy khỏe tâm hồn,
Khỏi nặng bụng bởi mùi đời lộn xộn,
Không cao lương khỏi bận phiền cùng đốn,
Không ngon mồm khỏi vướng nợ sinh linh.
Đặng thanh tâm cho tuệ mạng trưởng thành,
Dễ tiêu hóa những nỗi niềm tham vọng.”
 
Trong cái nhàn tịnh như lánh đời thì nhiệt tâm vì đạo pháp và dân tộc bao giờ cũng nóng bỏng trong lòng Ngài.
 
Năm 1963, trong những ngày đầu của phong trào chống kỳ thị bất công, ở bài Điếu văn tưởng niệm chư anh linh Thánh tử đạo đã bỏ mình tại đài phát thanh Huế, âm ba của Ngài đã xốy thẳng vào lòng người gây bao cảm xúc…
 
Khi những Phật sự nào cần đến, Ngài đều hoan hỷ đóng góp không từ nan.
 
Năm Đinh Tỵ (1977) và năm Tân Sửu (1981), Giáo hội tổ chức hai Đại giới đàn tại Tổ đình Báo Quốc, Ngài đều tham gia vào ngôi vị Tôn chứng. Năm 1982, Giáo hội suy tôn Ngài lên ngôi vị Hòa thượng và là hàng Giáo phẩm Chứng Minh của Giáo hội.
 
Ngài đã đóng góp cho Đạo và để lại cho đời những thành quả tốt đẹp về nghi lễ. Ngài đã làm trong sáng hóa và đậm nét nghệ thuật vị nhân sinh của nền nghi lễ Phật giáo. Bằng con đường này, Ngài đã xoa dịu biết bao nỗi đau của trần thế. Sự nghiệp thi phú cũng không kém phần tích cực. Cái lớn nhất phải nói là việc nuôi dưỡng rèn luyện đồ chúng. Đệ tử lớn của Ngài là cố Hòa thượng Thích Quang Thể, Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng; Hòa Thượng Thích Quang Nhuận, UV HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực ban Hoằng pháp TWGh, Phó Trưởng BTS, Trưởng ban Hoằng pháp kiêm Phó hiệu trưởng Trường Cơ bản Phật học Thừa Thiên Huế, là những vị đang tích cực đóng góp vào sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Ngồi ra còn nhiều vị Ngài cũng đã dày công giáo dưỡng nên người hữu dụng.
 
Thời gian cuối đời: Trong những năm tháng khi tuổi ngoại cửu tuần, thân già sức yếu song trí tuệ Ngài luôn minh mẫn, bao giờ cũng sách tấn kẻ hậu học. Mỗi lần xuân đến, hạ mãn, chư Tăng trong Giáo hội đến đảnh lễ vấn an chúc thọ Ngài, song không bao giờ Ngài cho lễ lạy. Ngài lân mẫn ân ần chỉ dạy, khi nào cũng quan tâm đến tiền đồ của Đạo pháp. Bất cứ một sự việc gì xảy đến với Giáo hội Ngài cũng đều biết rõ và rất ưu tư. Ngài rất hoan hỷ khi nghe trình lên những thành tựu của Giáo hội và bao giờ cũng với những lời sách tấn, an ủi và ngợi khen.
 
Ngài còn trụ thế thì Tăng Ni Phật tử còn được che mát, ẩn mình dưới bóng đại thọ. Giờ đây, hóa duyên đã mãn, Ngài thu thần thị tịch vào lúc 4 giờ sáng ngày 9 tháng 01 năm Canh Thìn, tức ngày 13 tháng 02 năm 2000, hưởng thọ 93 tuổi đời và 68 Hạ lạp.
 
Một số hình ảnh ghi nhận được:
 
 
 
Cố Hòa thượng Thích Thiện Trí
 
 
 
 
 
 
 
 
HT. Thích Quang Nhuận dâng lời tác bạch và cung tuyên tiểu sử cố HT. Thích Thiện Trí
 
 
 
 
HT. Thích Huệ Ấn dâng hương tưởng niệm và cử hành buổi lễ
 
 
Chư tôn đức thành kính tưởng niệm
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Các phái đoàn chư tôn đức và Phật tử dâng lễ, thành kính tưởng niệm
 

HT. Thích Quang Nhuận đáp từ niệm ân
 
 
 
Các nghệ sĩ ngâm các bài thơ của cố Hòa thượng 
 
 
 
LỜI DI CHÚC CỦA THẦY
 
Cùng toàn thể chúng Tăng trong chùa Hiếu Quang.
 
- Thầy xét thấy, mình không còn sống lâu được nữa. Có lẽ phải về với Phật nay mai thôi.
 
- Trước khi chia tay, Thầy có vài hàng cùng với tất cả mọi người.
 
- Các con phải nhớ! Đời là tạm bợ, mạng sống vô thường, vô thường mau hơn ngựa câu qua cửa sổ; nhất là cuộc đời tuy rất đáng thương nhưng rất bạc bẽo, cho nên làm chi cũng nghĩ là việc tu và để cho mình mà thôi. Chứ đừng kể công và tính toán để rồi phải buồn!
 
- Các con là người tu hành, lẽ tất nhiên lấy Giới Luật và Giáo Pháp làm hướng đi, nhưng giữa đời cũng có nhiều người cần phải học, nhất là người xưa có câu:
 
“Tam thốn khí tồn thiên bang dụng,
Nhất đán vô thường vạn sự hưu!”
 
Phải nghĩ chuyện tu như chữa cháy, đừng để cháy nhà mà liên lụy đến thân.
 
- Thầy có dành dụm được một ít tịnh tài, để lại cho Tăng chúng, ai là người có trách nhiệm phải giữ lấy như là quỷ gốc của Thường trú, khi cần thiết lấy ra sử dụng, nhất là vấn đề chi tiêu, ăn uống của Tăng chúng hằng ngày, đừng để hết gạo mà chúng đói, có ảnh hưởng đến việc tu, được như vậy Thầy đỡ lo một phần.
 
- Còn về việc sau khi Thầy chết, thì tùy nghi, nhờ quý Thầy trong sơn môn hổ trợ chỉ bảo, tiết kiệm tối đa, không cúng cấp nhiều lễ rườm rà; chỉ xin ba lễ: Lễ Liệm, Lễ Yết Tổ và Lễ Nhập Tháp.
 
Rồi chí thành thay Thầy lạy tạ tất cả từ quý Thầy Tăng Ni cho đến Đạo hữu, họ đều là ân nhân của mình, và công ơn lớn lắm không lấy chi trả nổi, chỉ nguyện cùng nhau cố gắng tu tập mới gọi là phần nào đền đáp mà thôi.
 
- Điều quan trọng là trong chúng phải biết thương nhau, nổ lực tu hành, phải sống theo lục hòa, nếu ai vi phạm thì tẩn xuất, đừng vị tình mà khiếm lý. Thầy mong rằng ai cũng tu được cả và đừng ai vì nghiệp chướng riêng mà lần đân gượng gạo ở chùa, làm vạ lây nhiều người, mà trong Kinh Luật gọi là:
 
“Kẻ lạm xí Tăng luân” vậy.
 
Thân chúc.
Mùa Đông năm Kỷ Mão.
 

Bảo tháp cố Hòa thượng Thích Thiện Trí tại khuôn viên chùa Hiếu Quang
 
 
Một số bài thơ của cố Hòa thượng:
 
ĐẦU XUÂN KHAI BÚT
 
Sang năm mới thảo vài dòng khai bút
Diễn niềm vui với dịp tốt đầu xuân
Giữa bao la ta cảm thấy vô ngần
Hương xuân đượm ngạt ngào và ấm ngọt.
 
Cả vạn vật đầy hân hoan tươi tốt
Như vươn mình hớn hở đón xuân quang
Khắp non sông xuân êm đẹp huy hoàng
Hoa rực rỡ muôn màu trong nắng ấm.
 
Những hàng cây nảy mầm non tươi thắm
Như chan hòa nhựa sống giữa trần gian
Như trang thêm nét đẹp cho nhân hoàn
Mai vàng nở như kim sa bố địa.
 
Nhìn cảnh tượng cả một trời thi vị
Vận thanh bình hoan hỷ ắt năm nay
Dịp mừng xuân giao cảm Tớ trình bày
Lời khai bút cũng là lời chúc nguyện.
 
XUÂN SẮC
 
Nắng ấm sương ngời lắm vẻ xinh
Xiết bao xuân sắc giữa muôn hình
Cây sây lá thắm hoa đơm nụ
Én liệng chim ca gió thoảng mành
Nhơn thế tưng bừng niềm hỷ lạc
Không gian tô điểm nét quang vinh
Vui mừng năm mới đầy sinh lực
Đây đó ngâm câu nhạc thái bình
 
MỪNG XUÂN
 
Khoáng đãng không gian ánh rỡ hồng
Bao niềm hoan hỷ đón xuân sang
Thong dong liễu lục oanh hòa điệu
Diệu vợi khung xanh én nhiễu hàng
Cây cỏ xuê xoang màu tú lệ
Non sông trang trải nét huy hoàng
Êm đềm giai tiết vui thi vị
Tươi thắm muôn hoa sưởi nắng vàng
 
MÙA XUÂN
 
Nam Bình
 
Xiết bao hiền diệu vui xinh, ánh bình minh, rạng ngời sông núi, cùng cả sanh linh, chung hòa, khí tượng thanh bình, cảnh thanh bình. Tiết xuân thiên, hương dệt mây lành, hoa dành sắc thắm, giữa vô biên, nhạc huyền ngân ấm, muôn vật đa tình; khắp nhơn gian, tranh hồng đấu tử phô trình, hoa trang sương bạc lung linh, ngời thanh tú, thiên nhiên vẻ hình.
 
Tỏa một trời trong xanh, khắp bủa nguồn thanh lịch, giữa hoàng dinh, đời khỏe tâm linh, cả quần sanh, sống vui chân thành.
 
Hành Vân
 
Tỏa sương chiều
Tỏa sương chiều
Hoa gió cùng reo
Mừng xuân đến
Phổ biến thân yêu
Vui reo vạn vật
Niềm ưu ái
Với trần gian như đượm hồn thơ
Khắp ta bà ôn hòa tươi sáng
Bừng tâm trạng
Đẹp giang san
Rạng xóm làng
Mọi loài vui đặng
Sống vẻ vang tràn lan
Cùng đây đó
Hưởng thú thanh bình
No ấm an lành
Thật là vinh là xinh
Vẻ êm đềm khắp trong quần sanh
Gương ngời xuân tiết
Bức tranh tuyệt mỹ siêu hình.  

(PGH)