Xúc động Lễ cài hoa hồng, dâng Pháp y và thắp nến tri ân Cha Mẹ tại Tổ đình Tường Vân
- Thứ bảy - 17/08/2024 06:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
PGAL - "Bông hồng cài áo" chính là nghi thức mang tính chất tôn vinh cao nhất. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ "Hiếu" mà con cái gửi đến bậc sinh thành.
Toàn cảnh buổi lễ
Bông hồng cài áo chính là nghi thức mang tính chất tôn vinh cao nhất. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm tự hào với niềm hạnh phúc vô biên vì còn cha còn mẹ là còn tất cả, còn những nghĩa tình cao quý, thân thương. Còn đóa hồng màu trắng như một nỗi buồn bất hạnh, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ mùa Vu Lan.
Trên tình thần cao quý đó, tối ngày 17/08 (14.07 Giáp Thìn) tại Tổ đình Tường Vân (phường Thủy Xuân, Tp.Huế) đã trang nghiêm thành kính diễn ra Lễ Cài hoa hồng và dâng Pháp y nhân mùa Vu lan Báo hiếu PL.2568 - DL. 2024 để tưởng nhớ đến công đức sinh thành dưỡng dục của hai vị Phật giữa cuộc đời đó là Cha và Mẹ.
Đoàn Phật tử dâng hoa cúng dường
Tất cả chúng ta đều thừa hưởng sự trao truyền từ cha mẹ mới có hình hài này. Đó là huyết thống chớ không phải chuyện bên ngoài. Cho nên cái hay dở tốt xấu của con cái là niềm vinh dự hay tủi buồn của cha mẹ. Vì vậy phận làm con không thể quên ơn cha mẹ, một trọng ơn không ai có thể từ bỏ được.
Cài hoa đến chư Tôn đức
Trên thế gian này không có ơn nào quý báu cao cả hơn ơn cha mẹ, nếu chúng ta quên đi ơn này, thì những cái ơn thường trong xã hội chắc gì chúng ta nhớ, chắc gì chúng ta có lòng biết ơn và đền ơn. Cho nên muốn thành con người đạo đức, trước tiên phải là người con hiếu thảo. Những người con Phật, không phải chỉ để cầu thoát ly sanh tử, mà còn phải làm tròn bổn phận làm người, làm con, cho nên cha mẹ là trên hết.
và quý Phật tử
Như ai đó đã nói rằng, khi cài một bông hồng lên ngực, thật gần nơi tim, có lẽ chúng ta mới cảm nhận rõ hơn bao giờ hết một điều rằng: Mỗi người chỉ có một gia đình, mất đi không bao giờ có lại. Và mẹ cha luôn là vốn liếng yêu thương nhất cho mỗi cuộc đời.
Vu Lan chỉ là tháng trọng tâm nhưng việc hiếu nghĩa cần phải thực hành cả đời này: Anh em hòa thuận, con cháu phụng dưỡng cha mẹ, ông bà. Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người Việt Nam hàng ngàn năm nay.
Một mùa Lễ Vu Lan nữa lại về. Đây là dịp để mỗi người sống nên chọn lối sống chậm lại, biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn nữa khi cuộc sống ngày càng trở nên xô bồ hơn, khắc nghiệt hơn và hối hả hơn. Là dịp để mỗi người con chúng ta hướng lòng thành kính đến các đấng sinh thành, những người đã có sinh dưỡng mỗi người con chúng ta.
Một số hình ảnh ghi nhận được:
Cung thỉnh chư Tôn đức quang lâm
Đại đức Thích Tâm Phương điều hành chương trình
Cài hoa đến chư Tôn đức
Thành kính tưởng nhớ về hai đấng sinh thành
Lễ dâng Pháp y
Trưởng lão Hoà thượng Thích Chơn Tế thực hiện nghi thức truyền đăng