Corona & hải đảo tự thân

Trong lịch sử cận đại, đây là lần đầu tiên Phật tử không thể đến chùa cùng quý chư Tăng Ni, quý đạo hữu để hân hoan chào đón ngày Phật đản.
Đối với người con Phật, ngày này vô cùng trọng đại, lòng tràn đầy hạnh phúc biết ơn vì có cơ duyên được học lời Phật dạy. Những lời quý báu đã giúp chúng sanh vượt qua đau khổ, bất an để có thanh tịnh an lạc.
 
Nhân loại đang trải qua dịch bệnh toàn cầu. Loài vi khuẩn Corona làm tê liệt hầu hết hoạt động của thế giới. Mấy triệu người nhiễm bệnh và cũng hơn trăm ngàn người đã lìa thế gian. Đa số nhà máy, hàng quán đều đóng cửa. Người dân được khuyên ở nhà để tránh lây lan.
 
Đã mấy tháng qua, người con Phật không thể đến chùa tụng kinh, thực thi lời Phật dạy. Không có chư Tăng-Ni hướng dẫn, không bạn đạo cùng tu tập, nhiều người cảm thấy rất hụt hẫng, rất cô đơn vì thiếu đi sự hỗ trợ tha lực ấy.
 
Quý báu thay cho Phật tử được Đức Phật dạy rằng, mỗi khi gặp bão tố trong đời sống, trong thân tâm thì hãy:
 
Quay về nương tựa,
Hải đảo tự thân,
Chánh niệm là Phật,
Soi sáng xa gần,
Hơi thở là Pháp,
Bảo hộ thân tâm…
 
Trong mùa dịch bệnh, mỗi buổi sáng tôi đã tập đi những bước chân thật chậm, thở những hơi thở thật nhẹ, thật đều. Từng ngày trôi qua, tôi cảm được sự an lạc trong tâm thân. Tôi thấy rõ được sự hiện hữu của vô thường, không sanh không diệt, không nhơ không sạch, trong hoa có rác, trong rác có hoa. Đau thương mất mát của loài người trong cơn bệnh dịch đã giúp nhân loại phát khởi hạnh từ bi hùng tráng, tình thương không biên giới mà tôi hiếm khi có cơ duyên chiêm nghiệm thực hành.
 
Cũng từng mỗi buổi sáng, tôi cảm nhận được thành phố yên bình, tiếng chim hót thánh thót. Bầu trời dòng sông ngày một trong xanh. Mỗi hơi thở vào, luồng khí trong sạch giúp tôi cảm được năng lượng tràn trề, lan tỏa đến từng vi tế bào trong thân thể. Có phải chăng con vi khuẩn Corona đang gây ra mất mát đau thương cho chúng sanh nhưng đồng thời cũng giảm mất mát đau thương trong hiện tại lẫn tương lai. Số chúng sanh thoát chết vì tai nạn giao thông trong giai đoạn này cũng không ít. Những căn bệnh ung thư do ô nhiễm môi trường sẽ giảm được phần nào. Nước biển dâng do băng tuyết ở Bắc - Nam cực tan chảy cũng có phần chậm lại do lượng khí thải từ nền công nghiệp và xe cộ ít đi. Những miền đồng bằng hạ lưu màu mỡ, nơi hàng triệu người sinh sống có cơ may tồn tại ở tương lai mà dự báo trước đây đầy thảm họa.
 
Cuộc sống tại nhà trong mùa dịch bệnh giúp tôi có thời gian học Phật hơn. Đọc sách xưa, ghi lời Phật dạy cách đây trên hai ngàn năm, tôi hiểu được vì sao giới khoa học gia rất ngạc nhiên, khâm phục trí tuệ siêu việt của Phật. Thuở xa xưa ấy, Phật đã thấy rõ những tương quan trong vũ trụ, giữa con người với thiên nhiên, giữa cá thể trong tập thể, vạn vật tương tác vô thường, không gì mất đi, tất cả chỉ là sự hoán đổi. Tôi đã không còn bi quan về thảm họa dịch bệnh. Bên cạnh nỗ lực phòng nhiễm tự thân và giúp đỡ nhân loại vượt qua cơn khốn khó, tôi thấy được trong bùn có sen, trong sen có bùn nhờ vào những lời dạy quý báu của Ngài.
 
Trong thời gian qua, mỗi đêm thắp nén hương trầm, ngồi lặng yên, thở vào thở ra cùng Phật, tôi thấy gần Phật hơn mà trước đây chưa bao giờ cảm nhận được như thế. Giữa đêm khuya thanh vắng trong mùa Phật đản, tôi xúc động, rung cảm bàng bạc trước nhân cách khiêm tốn của bậc đã đạt được thấu hiểu xuyên suốt mà chúng ta thường gọi là Giác ngộ hay Thành đạo. Trong mấy mươi năm hướng dẫn loài người hướng thiện, Phật chưa bắt ai phải nghe lời, đi theo, thậm chí còn khuyên người nghe thực hành, kiểm chứng để biết đúng sai. Phật tôn trọng tất cả, bất kể giàu nghèo, vua chúa, thường dân, nam nữ. Phật nhìn mọi người cũng như chính mình, khuyên mọi người hãy sống như Phật thì sẽ vượt qua được khổ đau, bất an. Chất liệu yêu thương, tỉnh thức sẽ đến như đã đến với Phật. Cuộc đời Phật tràn ắp năng lượng tình thương, an nhiên, tự tại không giây phút hư hao. Ngay cả khi rời bỏ cõi trần, Phật nằm thư thái mỉm cười, nhìn nhân gian thương yêu vời vợi.
 
Đêm khuya thanh tịnh, tôi nhìn Phật thật lâu, mỉm cười cùng Phật. Mùa dịch bệnh Corona, đốt nén hương trầm, tưởng nhớ đến ngày sinh của Ngài đến cùng nhân gian, tôi khẽ gọi tên Phật trong niềm xúc cảm vô biên.  
 

Huyền Lam (GNO)