Đạo Phật có sứ mệnh đem ánh sáng và tình thương đến với muôn loài

Đạo Phật là một thực tại sinh hoạt tinh thần và hình thức hiện hữu trong cuộc đời, là một đường lối sống, cách sống và lẽ sống… bàng bạc trong muôn loài vạn vật.

Kỷ niệm ngày Đức Phật Đản sanh, nhắc nhở cho ta nhớ tới ý nghĩa cao đẹp ấy.

Ánh sáng của tinh tú, của mặt trời mặt trăng giúp cho con người thoát mọi phiền tạp, mò mẫn, đen đặc của tháng ngày. Ánh sáng của chánh pháp, của tình thương làm cho loài người sống an vui, tự tại, biết thương yêu tất cả mà không gây khổ cho nhau. Ánh sáng và tình thương là hai sự trạng có trong đạo Phật. Nền văn hóa Phật giáo được thể hiện trọn vẹn trên tiêu chuẩn ấy.

Qua những năm tháng tu trì, sau khi thành đạo, Đức Phật lần đầu tiên đã đến vườn hoa Lộc Uyển nói pháp cho năm vị đệ tử mà lịch sử gọi là “chuyển pháp luân”. Căn cứ vào những buổi thuyết pháp này và buổi thuyết pháp sau cùng của Đức Phật, ta hé thấy nội dung của nguồn giáo lý ấy đã được xây dựng trên nền tảng “nhân bản” hết sức uyển chuyển. Nói tới nhân bản là nhắc tới đạo Phật và cũng là nói tới nguồn sinh động của văn hóa nhân loại.

Đạo Phật là một thực tại sinh hoạt tinh thần và hình thức hiện hữu trong cuộc đời, là một đường lối sống, cách sống và lẽ sống… bàng bạc trong muôn loài vạn vật. Nguồn văn hóa ấy đã có trên hai nghìn rưỡi năm lịch sử truyền bá, luôn luôn phát triển với thời gian, hòa hợp chặt chẽ với cuộc sống của từng thời đại - một nền văn hóa siêu đẳng, quán thông vũ trụ nhân sinh, lấy con người làm đối tượng để giải quyết mọi vấn đề, lấy nhân tính đặt trên nền tảng kiến thiết một xã hội công bình, hợp lý; đồng thời, thừa nhận giá trị khả năng của con người về sáng tạo, và khuyên con người thương yêu tất cả - làm vì tất cả, để hòa nổi tiểu ngã vào với đại thể rộng lớn của vũ trụ vạn hữu làm một. “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không". 

 

Tác giả bài viết: Thích Đức Nhuận