Được gặp Đức Phật

Sự tu học của mỗi người, phải để ý, quán sát từng cử chỉ hành vi của mình. Ngay khi ý bất thiện khởi lên liền nhận biết để trừ diệt, chớ nên để nó tung hoành sai khiến cho thân, khẩu làm ác để rồi mình chịu khổ dài lâu trong sinh tử luân hồi.
Kính thưa quý vị đồng tu! Hôm nay, lại được cơ hội chia sẻ với quý vị những gì mà con đã từ lâu ưu tư, suy nghĩ về những điều đã học từ kinh Phật, hay từ những tài liệu viết về giáo pháp của đức Phật. Mong rằng, bài viết này làm cho người đọc có gì đó để suy tư về việc tu tập của mình, và tìm ra được hướng đi đúng với con đường giác ngộ, giải thoát mà đức Phật đã chỉ dạy.
 
Trong kinh Pháp Cú có câu:
 
“Khó gặp bậc Thánh nhân
 
Không phải đâu cũng có
 
Chỗ nào bậc trí sanh
 
Gia đình tất an lạc”.
 
(Pháp Cú 193).
 
Hay như, chúng ta đã nghe đâu đó rằng “gặp Phật ra đời là khó”. Quả thật đúng như vậy! Trong sinh tử luân hồi, đã bao nhiêu vị Phật ra đời mà chúng ta vẫn còn hiện hữu nơi đây, tức là vẫn còn trôi lăn trong luân hồi, khó tìm được con đường giải thoát. Bởi chỉ có gặp đức Phật hay các vị Thánh đệ tử Thanh văn của Phật, chúng ta mới có cơ hội học được giáo pháp, và con đường thực hành đưa đến giác ngộ và giải thoát khỏi luân hồi. Cho nên, Phật dạy “gặp được bậc Thánh nhân là khó”. Và chúng ta cũng biết rằng, để trở thành một vị Phật hay các vị Thánh đệ tử của đức Phật, phải tu rất nhiều kiếp hay A-tăng-kỳ kiếp mới thành tựu được đạo quả. Cho nên, sự xuất hiện của một vị Phật là hy hữu “khó thay Phật ra đời”.
 
Một vấn đề mà chúng ta hay hiểu lầm, đó là nói về kiếp. Kiếp ở đây, không phải là kiếp người của chúng ta mà là kiếp trái đất. Sự thành-trụ-hoại-không của trái đất phải trải qua thời gian rất dài, rất khó mà tính đếm được bằng con số thông thường. Quý vị có thể tìm hiểu thêm trong Tương Ưng Kinh, tập 2, Thiên Nhân Duyên, chương 4, Tương Ưng Vô Thỉ.
 
Xét lại mình thì sao? Có ai trong chúng ta tự hỏi rằng: tại sao giờ này mình vẫn còn hiện hữu trên thế gian này? Trong những kiếp mà chư Phật ra đời, mình ở đâu? Và là loài gì trong lục đạo? Chẳng lẽ nào mình chưa từng diện kiến đức Phật một lần nào hay sao? Theo sự suy tư của con thì cũng có lúc đã từng mà cũng có khi là không.
 
Không gặp được Phật là sao? Bởi vì do vô minh và tham ái mà chúng ta tạo ra các hành nghiệp thiện và ác sai khác, để từ đó tái sanh trong các cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Bây giờ, hãy nói về các ác bất thiện pháp trước. Khi chúng ta tạo các nghiệp bất thiện, hoặc trọng nghiệp bất thiện, thậm chí có cả tà kiến bác bỏ nhân quả đi kèm, thì khi thân hoại mạng chung, chúng ta chỉ có thể sanh vào các cảnh ác thú, đọa xứ, địa ngục, chịu thống khổ lâu dài trong đó mà thôi. Như vậy, khi Phật ra đời làm sao chúng ta có cơ hội được gặp Ngài! Có vị nghĩ rằng, nếu làm loài vật thì khi gặp Ngài cũng có thể được lợi ích. Điều này hy hữu lắm thưa quý vị! Trong kinh tạng, chúng ta vẫn thấy có như voi, khỉ. Nhưng thật hiếm vì phải có phước và có duyên với Phật mới được như vậy. Số còn lại ngoài sự hy hữu đó là chúng ta và những chúng sanh khác. Đâu phải con vật nào cũng được cái phước lớn như thế. Bất thiện nghiệp đã cho quả như chúng ta biết, thế còn thiện nghiệp thì phải khác chứ! Đúng vậy! Thiện nghiệp thì cho chúng ta tái sanh trong những cảnh giới an vui như loài người hay chư thiên trên cõi trời. Nhưng chúng ta phải xét:
 
- Thứ nhất, phải biết rằng thân tứ đại của chúng ta và thân tứ đại của Phật đều không khác nhau, nghĩa là cũng theo quy luật sanh, lão, bệnh và tử. Khi chúng ta làm người hay vị thiên nào đó thì đức Phật đã nhập Niết-bàn thì làm sao chúng ta gặp Ngài.
 
- Thứ hai, chúng ta cũng thấy rằng trong thời Phật tại thế, có biết bao nhiêu người sanh cùng thời với Ngài, ấy vậy mà có gặp được Ngài đâu. Nghe danh còn không thể huống chi là gặp Ngài. Như vậy, có phải chúng ta thiếu phước và thiếu duyên với các Ngài hay không? Mỗi chúng ta phải tự suy nghĩ làm sao mới có phước và duyên để được thân cận các Ngài.
 
- Thứ ba, cho rằng chúng ta có duyên với các Ngài. Vậy tại sao chúng ta không giải thoát được sanh tử luân hồi. Xin thưa với quý vị! Quý vị có khả năng nhận biết đó là một vị Phật hay không? Đấy chính là nguyên nhân khiến chúng ta vẫn là phàm phu trong sanh tử luân hồi mặc dù chúng ta có làm phước, tạo thiện nghiệp. Nhưng bao nhiêu đó vẫn chưa đủ. Điều này giống như hàng Phật tử chúng ta hiện nay, đến chùa chỉ biết cầu nguyện, lễ bái và cúng dường mà ít ai chịu học hỏi giáo lý cũng như cách thực hành. Hoặc có khi học mà học không đến nơi, học cho biết, học để hý luận, học để khoe khoang. Những cách học như vậy chỉ gây tổn hại cho bản thân và người khác thôi. Học không đến nơi hay nói khác đi là sự hiểu biết chưa đúng tầm, thì việc làm sẽ không thành tựu viên mãn được. Ví như việc bố thí. Chúng ta bố thí nhưng không phải mục đích xả đi tâm tham, tâm dính mắc với của cải hay vật mình cho, chúng ta bố thí vì danh vì lợi là nhiều… chính như vậy mà quả báo chỉ là phước hữu lậu và còn phải tái sanh luân hồi. Việc làm của chúng ta và các vị Bồ-tát tuy có giống nhau về hình thức, nhưng bản chất tâm trong việc làm đó của cả hai là khác nhau. Khác nhau như thế nào, quý vị có thể tìm hiểu thêm trong kinh tạng nói về các pháp Ba-la-mật mà chư Bồ-tát đã thực hành.
 
Lại nói đến duyên lành gặp Phật. Như thời đức Phật còn tại thế, những người ngoại đạo có duyên gặp Ngài, ở đây chúng ta không đề cập đến những vị đã quy y làm đệ tử của Ngài. Còn những vị khác thì sao? Do ngã mạn, tự cho mình là chí tôn, không ai có thể hơn được, hoặc do tuổi lớn hơn mà không thể làm đệ tử của người nhỏ tuổi hơn mình, giống như vị thầy của hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên trước khi hai vị này đến với đức Phật, hoặc như vị ngoại đạo Upaka mà đức Phật gặp khi Ngài đi đến Lộc Uyển. Vị ấy không tin rằng đức Phật chúng ta đã đắc đạo quả, nên lắc đầu rồi bỏ đi. Còn rất nhiều trường hợp trong kinh mà chúng ta có thể biết đến khi đọc, khi nghe. Như vậy, quý vị mới thấy một điều là liệu rằng chúng ta có giống những người trên đây không? Ai trong chúng ta có khả năng để nhận biết đó là một vị Phật?
 
Thật không dễ đâu thưa quý vị! Ai có khả năng nhận biết 32 tướng tốt của đức Phật như các vị Bà-la-môn giáo tiên đoán tương lai khi Thái tử Tất Đạt Đa vừa mới chào đời? Hoặc ai có khả năng nhận biết được lời của đức Phật là chân lý? Hoặc có thể như ông trưởng giả Cấp Cô Độc khi nghe danh hiệu đức Phật, toàn thân rúng động và lập tức tìm mọi cách để được gặp Ngài? Có phải chăng chúng ta học và thực hành pháp của Ngài dạy khi còn có thể không? Để rồi đủ duyên gặp một vị Phật nào đó trong tương lai, nhờ đây mà đắc đạo giải thoát. Trong thời giáo pháp của đức Phật còn tồn tại mà chúng ta không chịu nghiên cứu, học hỏi thì làm sao khi Phật dạy mà mình nghe cho được.
 
Quý vị muốn gặp Phật ư? Chúng ta thử đặt câu hỏi, Phật hay các bậc Thánh nhân từ đâu mà có? Có phải ở một nơi nào đó mà chúng ta không biết rồi hiện ra cho chúng ta thấy hay không? Dạ thưa không! Các vị ấy trước khi thành Phật thì cũng như chúng ta là phàm phu không khác. Nhưng các Ngài sớm nhận ra quy luật vô thường, khổ và vô ngã của đời sống này nên các Ngài mới tinh tấn tu tập các pháp Ba-la-mật cho đầy đủ, trọn vẹn để sớm được giải thoát sanh tử luân hồi. Các vị đó sống chung với chúng ta để tu tập, có lúc là hình dạng cư sĩ, có lúc là hình dạng đạo sĩ, cũng có lúc là hình dạng tu sĩ hay các loài khác trong lục đạo. Ở chỗ này nếu quý vị không nhận ra, thì cơ hội gặp các Ngài khi đã thành Phật là rất khó. Nhận ra điều gì? Nhận ra như thế nào? Quý vị còn nhớ đức Phật dạy chúng ta bài kệ gì mà mọi người thường hay nghe không? Đó là:
 
“Không làm các việc ác
 
Siêng làm các việc thiện
 
Giữ tâm ý trong sạch
 
Là lời chư Phật dạy”.
 
(Pháp Cú 183).
 
Người nào muốn thành Thánh nhân, cũng đều xa lánh điều ác và tinh tấn tạo các việc lành, hay nói cách khác là họ giữ giới thanh tịnh và tu tập các công đức. Vậy, chúng ta thử xem xung quanh chúng ta có hạng người này không? Nếu có thì nên đến thân cận họ để được nhiều lợi ích trong đời này và nhiều đời sau. Bởi vì đức Phật dạy trong bài kinh Điềm Lành thuộc Tiểu Bộ Kinh: “Không thân cận kẻ ngu, nhưng gần gũi bậc trí…”. Chính họ là những bậc có trí, bậc Chân nhân, vì biết tìm con đường đi ra khỏi luân hồi. Cũng nhờ thân cận các bậc ấy mà chúng ta có thể đắc Thánh quả như trong Tương Ưng Bộ Kinh, tập 5, Thiên Đại Phẩm, chương 11, Tương Ưng Dự Lưu, mục 5, đức Phật dạy: “Thân cận bậc Chân nhân là dự lưu phần”, tức là quả vị Thánh Tu-đà-hoàn.
 
Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta lại thấy ra được điều này. Chúng ta cứ nghĩ xa vời, phải khi nào Phật, Thánh ra đời thì mới đến thân cận. Quý vị thử suy nhân, xét quả sẽ thấy, đức Phật và các vị Thánh nhân có phải có nhân duyên từ vô lượng kiếp với nhau hay không? Nếu vậy, thì chúng ta biết được là các vị ấy trong khi là phàm phu đã cùng nhau tích lũy công đức, phước báu nên đời nay mới thành Phật, thành Thánh. Chúng ta cũng phải như vậy thì cơ duyên sau này mới được cơ hội đắc đạo. Ấy vậy mà chúng ta lại lơ là, thiếu cẩn trọng để rồi tạo ra nghịch duyên với các bậc Chân nhân. Gặp Phật hay các bậc Thánh mà là nghịch duyên thì chúng ta sẽ thế nào và ra làm sao? Quý vị có biết Đề-bà-đạt-đa không? Có biết người giả bụng bầu vu khống cho đức Phật không? Còn nhiều trường hợp khác trong kinh tạng nữa mà quý vị đã biết. Kết cục của những người này là đọa vào địa ngục chịu khổ lâu dài. Nguyên nhân cũng vì đời quá khứ gây oán thù với các vị mà ra. Chúng ta phải cẩn trọng điều này trong khi tu tập, không tạo được thiện duyên với những người mình gặp hôm nay thì chớ tạo ra ác duyên với họ. Bởi chúng ta không biết họ thành Phật, thành Thánh trước hay là chúng ta. Gặp Phật mà nghịch duyên như vậy thì thà đừng nên gặp, đã không lợi ích mà còn lỗ lã.
 
Đến đây, thì quý vị mới hiểu sâu sắc hơn lời đức Phật dạy “không làm các điều ác” là như vậy. Sự tu học của mỗi người, phải để ý, quán sát từng cử chỉ hành vi của mình. Ngay khi ý bất thiện khởi lên liền nhận biết để trừ diệt, chớ nên để nó tung hoành sai khiến cho thân, khẩu làm ác để rồi mình chịu khổ dài lâu trong sinh tử luân hồi. Mỗi người nên tâm niệm bài kệ này của đức Phật, lấy đó làm kim chỉ nam để tu học:
 
“Ý dẫn đầu các pháp
 
Ý làm chủ, ý tạo
 
Nếu với ý ô nhiễm
 
Nói lên hay hành động
 
Khổ não bước theo sau
 
Như xe, chân vật kéo”.
 
(Pháp Cú 1).
 
“Ý dẫn đầu các pháp
 
Ý làm chủ, ý tạo
 
Nếu với ý thanh tịnh
 
Nói lên hay hành động
 
An lạc bước theo sau
 
Như bóng, không rời hình”.
 
(Pháp Cú 2).
 
Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!
 
Kính chúc quý vị mạnh khỏe, hạnh phúc và bình an!

 

Tác giả bài viết: Tâm Tri