Sinh hoạt đời sống có đạo đức là phải căn cứ trên giới luật

Học những cái sinh hoạt có đạo đức là cái cách cư xử với nhau có hài hòa, cư xử như thế nào mà có tâm lân mẫn với mọi người, mọi loài xung quanh. Cho nên nói về sinh hoạt đời sống có đạo đức là phải căn cứ trên giới luật.
Cho nên đời sống thiền gia chúng ta phải biết nó là sinh hoạt có đạo đức, từ đi đứng, nói năng, ngồi nằm chúng ta phải giáo dục ngay từ lúc mới xuất hiện.

Nuôi dạy học trò cạo đầu cái rồi cho ra trường là vô trách nhiệm, phó mặc hết cho trường lớp. Họ đã phát tâm đi tu, bỏ cuộc sống nặng nề vướng bận ở thế gian rồi thì vào chùa lại phải đi học cho có bằng cấp, để về ăn trên ngồi trước đè đầu vít cổ thiên hạ, cái đó là đạo hay đời?

Khi vào chùa chúng ta không giáo dục môi trường của thiền gia, đó là một môi trường sống rất là đẹp. Chúng ta lại không quan tâm, không chăm sóc, không dạy những uy nghi đạo đức của người xuất gia thì như vậy chúng ta nghĩ rằng cho đi học có bằng cấp là lợi. Có thể lợi người nhưng không tự lợi. Có nhiều vị làm pháp sư giảng hay lắm, nhưng mà những bổn phận trong thiền gia không hề biết gì hết. Tình thầy trò không thiết lập, không có gắn bó, không thấy phong cách của thiền gia, biến cách sinh hoạt ở chùa thành một cái guồng máy như văn phòng.

Cho nên đời sống thiền gia chúng ta phải biết nó là sinh hoạt có đạo đức, từ đi đứng, nói năng, ngồi nằm chúng ta phải giáo dục ngay từ lúc mới xuất hiện. 20 tuổi, 30 tuổi, 40 tuổi gì không biết. Nhưng mà vừa mới cạo đầu xuất gia thì coi như mới sanh. Tất cả 30 năm, 40 năm của thế gian bỏ hết, phải coi như một em bé mới sanh dạy được như vậy mới tu được.

Làm Thầy được, làm Hòa Thượng được, nhưng làm trò không được, làm chú tiểu không được. Đây là vấn đề của Phật Giáo Việt Nam hiện nay. Cho nên chăm sóc giáo dục một trẻ nhỏ là điều quan trọng, không phải để ngoài đời, mà chúng ta phải độ. Ở ngoài đời, người ta nói như vầy:

Dưỡng nam bất giáo như dưỡng ngưu.

Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng thỉ.

Nuôi con trai mà không dạy, như nuôi con trâu lấy sức đi cày mướn. Nuôi con gái không dạy như nuôi con heo, đợi lớn đến lứa đẻ lấy tiền. Cho nên vấn đề giáo dục là quan trọng. Chúng ta nuôi đệ tử mà không có trách nhiệm không dạy uy nghi đạo đức như vậy, nếu may mắn vị đó phúc đức trung lai thì thôi họ còn biết chọn cho họ một con đường, còn không thôi thì nó hư hỏng, rồi nó trở thành kẻ giặc cho Phật Pháp. Một ông thầy, một sư cô nói chuyện rất nhiều người nghe, mà nói trúng thì không nói chi, ngược lại nói những điều sai giáo lý rồi kình chống với nhau làm những điều rất là khổ.

Qua hình ảnh đức Phật xuất hiện là một đề tài chúng ta quán niệm, giáo dục con cái, nuôi dạy học trò phải có trách nhiệm. Cho nên cạo đầu ai rồi phải dạy oai nghi đạo đức thật xong rồi mới cho ra trường. Anh đại học gì kệ anh. Anh thạc sĩ, tiến sĩ gì kệ anh. Cạo đầu xuất gia là phải học bốn cuốn luật cho tôi. Học được hãy nói gì khác. Đi đứng không chánh niệm. Nói năng không ái ngữ thì thạc gì thạc, tiến gì tiến vẫn chưa xong vấn đề đạo đức. Vì vậy học những cái sinh hoạt có đạo đức là cái cách cư xử với nhau có hài hòa, cư xử như thế nào mà có tâm lân mẫn với mọi người, mọi loài xung quanh. Cho nên nói về sinh hoạt đời sống có đạo đức là phải căn cứ trên giới luật.

Tác giả bài viết: HT. Thích Lệ Trang