Thế nào là đại hùng, đại lực, đại từ bi trong đạo Phật?

Với lòng đại hùng, đại lực và đại từ bi, Đức Phật chẳng những tự mình giải thoát, mà Ngài còn để lại cho nhân loại và chúng sanh một triết lý và tôn giáo vĩ đại.

 
Sở dĩ những lời dạy của Đức Phật, đã trải qua hơn hai mươi lăm thế kỷ nay, mà càng ngày càng trở nên phong phú là nhờ ở những bản sắc đặc thù của giáo lý nhà Phật. Ngay thời Đức Phật còn tại thế, từ trong lòng của xã hội thời bấy giờ, lúc mà hạng cùng đinh chỉ là nô lệ và phải chịu khuất phục dưới uy quyền của thần linh và giai cấp quí tộc, thì Đức Thế Tôn đã tuyên bố rõ giá trị ưu việt của con người và Ngài đã khẳng định rằng con người có khả năng giác ngộ và thành Phật. Chính Ngài đã tuyên bố rằng mọi người đều bình đẳng vì mọi người đều có Phật tính, và không thể có giai cấp nào khác hơn giai cấp nào trong khi máu của mọi chúng sanh cùng đỏ và nước mắt của mọi chúng sanh đều cùng mặn như nhau.
 
Đức Phật cũng khẳng định rằng không những những người Phật tử chỉ tin vào sự bình đẳng suông mà họ còn phải thể hiện, nuôi dưỡng và phát triển nó bằng cái đại hùng, đại lực, và đại từ bi của pháp nhà Phật. Chính cái đại hùng, đại lực, đại từ bi nầy đã giúp cho Phật giáo chẳng những trường tồn trải qua hơn hai mươi lăm thế kỷ nay, mà nó còn giúp Phật pháp phát huy và đứng vững trước những khoa học tiến bộ của nhân loại.
 
Vậy thế nào là đại hùng?
 
Với phàm phu thì người tài giỏi, có thể điều binh khiển tướng, trăm trận trăm thắng là hùng. Cái Hùng của phàm phu là khuất phục cho bằng được đối phương để được danh tiếng. Tuy nhiên, đối với Phật giáo, Đức Phật dạy rằng: “thắng vạn quân không bằng khuất phục được tham vọng và dục tình trong lòng ta.” Thế gian kim cổ chỉ khuất phục người bằng uy quyền và võ lực, chứ có mấy ai khuất phục nổi cái dục tình trong lòng của mình. Chính thái tử Tất Đạt Ta đã điều ngự lòng mình tinh sạch và thanh tịnh. Tất cả nội chướng ngoại ma đều tan tành như mây khói trước sức mạnh đại định của Ngài. Trong thì Ngài dứt sạch hết ma nội tâm, dục vọng và tham sân si; ngoài thì Ngài chiến thắng tất cả ma vương, ma nữ, ác thú cũng như những trận cuồng phong. Quả thật là Ngài đã thực hiện đúng cái câu: “chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình. Chiến thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất.” Chiến thắng tham vọng dục tình nơi chính mình để đạt cho được sự thanh tịnh và an nhiên tự tại trước ngoại cảnh ấy mới chính là đại hùng.
 
Thế nào là đại lực?
 
Thói thường, người có sức mạnh phi thường được gọi là đại lực sĩ. Nhưng theo đạo Phật, chữ đại lực không có nghĩa như vậy; mà đại lực là người có sức mạnh nội tâm, có nghị lực chịu đựng, có đức nhẫn nhục khắc phục mọi hoàn cảnh, cảm hóa chẳng những cho chính mình mà còn cảm hóa được tha nhân nữa. Vào thời Đức Phật còn tại thế, chính vua A Xà Thế, Đề Bà Đạt Đa, và chàng Vô Não đã bao phen tìm cách hại Ngài, thế mà Phật vẫn thản nhiên, chẳng buồn phiền mà còn phát tâm thương xót cảm hóa họ nữa. Cô gái giả bụng chửa để vu oan, mạ nhục Ngài trước hàng vạn thính chúng.
 
Thế mà Ngài vẫn lặng thinh và bình thản rải tâm từ bi thương sót cho chúng sanh mê muội. Cuối cùng Ngài đã độ cho cô gái đáng thương ấy. Đức Thế Tôn đã gặp không biết bao nhiêu là chướng duyên và nghịch cảnh, thế mà tất cả đều tiêu tan bất thành trước trí huệ và định lực của Ngài. Ngài quả là một bậc đại lực. Chính Ngài đã nói rằng nhẫn nhục khiêm tốn không có nghĩa là khiếp nhược, mà trái lại chúng là đạo quân trung thành đưa ta đến thanh tịnh và rốt ráo. Trong kinh chính Đức Phật đã khẳng định: “Kẻ ác có tâm hại người hiền chẳng khác gì rải cát trước mặt trong gió ngược, thế nào rồi cát cũng sẽ bay tạt vào mặt mình.
 
Hoặc giả kẻ ác hại người hiền cũng giống như mình cầm đuốc mà đi gió ngược vậy, lửa sẽ tự cháy tay mình trước.” Như thế cho thấy ai có nghị lực sẽ thản nhiên trước những chưởi mắng thiếu đạo đức của người khác, sẽ bình tâm trước những thị phi đố kỵ. Ấy chính là bậc đại hùng. Gọi người đã tự chế được mình là bậc đại hùng vì chẳng những tự thắng mình là vẻ vang hơn chiến thắng vạn quân, mà không có ai có thể đánh bại được con người đã biết tự chế.
 
Thế nào là đại từ bi?
 
Đại từ bi có nghĩa là lòng thương bao la rộng lớn, bủa khắp đến muôn loài. Ấy là lòng vị tha vô bờ bến. Người có lòng đại từ lúc nào cũng để tâm thương xót và nghĩ đến người khác. Mà nghĩ và thương xót một cách bình đẳng chứ không phân biệt thân sơ hay bạn thù. Người có lòng đại bi lúc nào cũng muốn làm cho người khác được an vui hạnh phúc. Như lòng mẹ thương con vô bờ bến cũng có thể gọi là đại bi. Mẹ thương con mà không nghĩ đến thân mình, không hề nghĩ đến sự đền đáp. Thế nhưng khi con cái có trái nghịch bất hiếu và làm những điều tổn hại đến danh giá gia đình thì cha mẹ còn có lúc cũng buồn giận.
 
Nhưng lòng từ bi của Đức Thế Tôn nó bao la, nó rải khắp, nó chẳng bao giờ phân biệt chúng sanh nào với chúng sanh nào. Lòng từ bi của Đức Phật nó như ánh trăng rằm rải khắp vạn vật, bình đẳng, không phân biệt, không điều kiện. Phật lúc nào cũng thương chúng sanh hơn tự thương mình khi chính Ngài đã nói: “Nếu ta không vào địa ngục thay thế và cứu chúng sanh thì ai thay ta vào.” Còn Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát đã phát nguyện: “Địa ngục chưa trống không, ta thề không thành Phật.” Hay mười hai lời phát nguyện cứu khổ cứu nạn của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hoặc mười đại nguyện cứu chúng sanh thoát ly khổ não của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát.
 
Hoặc giả lời phát nguyện đại bi của Ngài Tôn Giả A Nan: “Trong đời ngũ trược, tôi nguyền vào trước. Nếu còn chúng sanh nào chưa thành Phật, tôi không nhận lấy quả vị Niết Bàn.” Đó là những tấm gương đại bi trong đạo Phật. Bất cứ ai trong chúng ta, một khi đã phát tâm Bồ Tát thì đều nên có tâm đại bi cứu khổ cứu nạn như các vị Địa Tạng, Quán Âm, Phổ Hiền, và Tôn Giả A Nan. Chính nhờ ở lòng đại bi của Đức Thế Tôn mà Ngài đã giáo hóa không biết bao nhiêu là những kẻ nghịch duyên và ngay cả những người ngoại đạo, trong đó có các vị Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, A Nan, Nan Đà, A Xà Thế, Đề Bà Đạt Đa, và Tu Bạt Đà La.
 
Tóm lại với lòng đại hùng, đại lực và đại từ bi, Đức Phật chẳng những tự mình giải thoát, mà Ngài còn để lại cho nhân loại và chúng sanh một triết lý và tôn giáo vĩ đại. Bất cứ ai, nếu có đủ đại hùng, đại lực và đại từ bi thì nội tâm sẽ thanh tịnh và tự tại trước chướng duyên nghịch cảnh. Nghĩa là cảnh giới Niết Bàn cạnh kề đâu đấy.
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Thiện Phúc