Thế nào là tu hành niệm an-ban?

Thế nào là tu hành niệm an-ban, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Đã tu hành một pháp rồi, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Những gì là một pháp? Là niệm an-ban.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thế nào là tu hành niệm an-ban, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?”.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:

“Gốc rễ của Pháp do Thế Tôn nói. Nguyện xin Thế Tôn vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe từ Như Lai rồi sẽ thọ trì.” Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe, lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt rộng rãi cho các ngươi.”

Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Kính vâng, Bạch Thế Tôn.”

Sau khi các Tỳ-kheo thọ giáo rồi, Thế Tôn bảo rằng:

“Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân kiết già, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm an-ban. Nói an-ban, tức là khi hơi thở dài, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang dài; nếu hơi thở lại ngắn, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang ngắn; nếu hơi thở rất lạnh, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang lạnh; nếu hơi thở lại nóng, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang nóng. Quán khắp thân thể từ đầu đến chân, tất cả đều nên quán biết. Nếu hơi thở lại có dài ngắn, cũng hãy quán hơi thở có dài ngắn. Dụng tâm đặt nơi toàn thân, biết hơi thở dài ngắn, tất cả đều biết rõ, cho đến khi hơi thở ra vào được phân biệt rõ ràng. Nếu tâm đặt nơi thân, biết hơi thở dài ngắn, cũng lại biết rõ, đếm hơi thở dài ngắn cũng phân biệt rõ ràng.

“Như vậy, các Tỳ-kheo, đó gọi là niệm an-ban, liền được thành tựu đầy đủ quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm an, ban, liền sẽ được những thứ công đức thiện này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Hán Dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà 
Việt dịch: Thích Đức Thắng