Tu học chánh pháp là cơ hội để tạo ra một thế giới tốt đẹp

Người sống có an lạc là người biết sống trong chánh pháp. Và với năng lượng an lạc nơi nội tâm ấy, người con Phật sẽ luôn bước đi với tâm thái tự tại, an nhiên giữa dòng đời.
Ngày nay khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển giúp con người có được cuộc sống tiện nghi hơn, thế nhưng kéo theo đó là những hệ quả mặt trái khôn lường, trong đó điều đáng lo ngại nhất là sự thoái hóa đạo đức của con người trong xã hội hiện đại. Hay nói khác hơn, đạo đức của con người đang tỷ lệ nghịch với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ trong xã hội hiện đại. Thế nên, với những ai sống theo lẽ phải sẽ không khỏi bị hoang mang khi những chuẩn mực đạo đức bị xem thường, quên lãng. Và đạo Phật chính là chân lý tối hậu để giải quyết vấn nạn trên. Thế nên, tu tập theo những điều đạo đức Phật dạy là điều rất cần thiết cho con người ở mọi thời đại.
 
Thật vậy, tu học chánh pháp giúp mỗi người có được sự bình an nơi nội tâm. Khi tâm bình an, ta đối diện và ứng xử với mọi người, với cuộc đời cũng bình lặng như thế. Nghĩa là một khi tâm không còn những phiền não, cấu uế, ta sẽ chẳng còn tâm hơn thua, tranh đấu, ganh ghét với bất kỳ ai trong cuộc đời; ta đón nhận và san sẻ với mọi người bằng tình yêu thương, vô ngã, vị tha. Nhờ vậy, cuộc đời sẽ vơi bớt khổ đau, thế giới sẽ an bình như bản lai của nó. Thế nên mới nói, “Tâm bình thế giới bình” là vậy.
 
Ai gieo hạt giống lành
Người ấy có quả ngọt
Ai nuôi dưỡng từ bi
Người ấy có hạnh phúc.
 
Vâng, từ bi là chất liệu đưa đến tình thương yêu bền vững. Tình thương ấy là tình thương không vị kỷ theo tinh thần Phật dạy, một tình thương đong đầy, không bị phai mờ bởi uế trược của dòng đời. Và để có được tình thương bền vững ấy, mỗi người cần “Gieo hạt giống lành” nơi “Mảnh đất tâm” của mình bằng cách tu học chánh pháp để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau cho mình và mọi người. Được như vậy, hạt giống lành kia mới nảy mầm xanh cho đời nhiều quả ngọt. Thế nên, chất liệu từ bi luôn đem lại hạnh phúc cho mình và cho nhân sinh là vậy.
 
Nếu hạnh phúc theo quan điểm của người đời là địa vị, uy quyền, tài sản, danh vọng, sắc đẹp…thì hạnh phúc của người học Phật không vị kỷ như vậy. Hạnh phúc của người tu học chánh pháp là niềm thanh thản, an lạc nơi thân tâm mỗi người. Tâm an lạc là tâm ít muốn biết đủ, không chấp trước, không tham cầu; biết chấp nhận và bằng lòng với thực tại của đời mình. Như lời Đức Phật đã dạy trong kinh Bát đại nhân giác rằng:
 
“Đa dục vi khổ
Sanh tử bì lao
Tùng tham dục khởi
Thiểu dục vô vi
Thân tâm tự tại”.
 
Con người ở đời sở dĩ khổ đau là do tâm nhiều tham muốn. Và chỉ những ai luôn sống với tâm ít muốn biết đủ thì thân tâm mới luôn được an lạc. Lời Phật dạy, đơn giản là vậy nhưng hiệu quả vô cùng lớn lao! Thế nhưng con người ở đời có mấy ai thực hành được như vậy. Chúng ta vì vô minh, vọng kiến ngăn che nên cứ mãi tham lam, đam mê đắm nhiễm vào trần cảnh để rồi mãi khổ đau, trầm luân sanh tử.
 
Vì vô minh nên lòng còn tham ái
Vì ngã si nên con mãi luân hồi.
 
Thế nến, những ai luôn tu học và thực hành theo lời Phật dạy, đều có được hạnh phúc tại đây và ngay bây giờ. Hay nói khác hơn, người sống có an lạc là người biết sống trong chánh pháp. Và với năng lượng an lạc nơi nội tâm ấy, người con Phật sẽ luôn bước đi với tâm thái tự tại, an nhiên giữa dòng đời.

 

Tác giả bài viết: Thích Nữ Giới Hương