Ý nghĩa của sự thờ Phật

Thờ Phật là một pháp môn tu Phật cũng như các pháp môn khác như trì giới, bố thí, tụng kinh niệm Phật… Tất cả đều nhằm mục đích chung là tu tập trưởng dưỡng tâm bồ đề...
Hình tướng Phật tuy là vật chất có bản thể vô tình nhưng đối với tín tâm người đảnh lễ là tổng trì hết vô lượng vô biên công đức chất giác ngộ, là tổng trì toàn thể chân lý giác ngộ vô cùng vô tận.
Thờ Phật là một pháp môn tu Phật cũng như các pháp môn khác như trì giới, bố thí, tụng kinh niệm Phật… Tất cả đều nhằm mục đích chung là tu tập trưởng dưỡng tâm Bồ Đề, tâm có sẵn bản tính chân thiện nhưng bị vô minh tham dục che mờ, xa lìa dần tâm chấp ngã của phàm phu để hiển lộ Phật tính ẩn tàng trong tâm thức tín đồ hành lễ.
 
Thờ Phật là quán tưởng đến Phật sau khi Phật đã nhập diệt, quán tưởng đến hình tướng, dáng dấp, thái độ cư xử, hành vi ứng đáp của Phật. Sự quán tưởng này đối với tín đồ hành lễ là yếu tố cần thiết và bắt buộc trong việc tăng trưởng đạo tâm, là trợ duyên cho nhân tố chuyển hóa tâm thức của tín đồ hành lễ từ vô minh ô nhiễm đến giác ngộ thanh tịnh. Kinh Hoa Nghiêm nói rõ: Xa lìa ra ngoài tâm Bồ Đề mà tu các thiện pháp thì đều là Ma nghiệp. Phật là cái gốc giác ngộ, tu thiện pháp mà không quán tưởng Phật thì đạo tâm không khai mở tăng trưởng, để lạc vào ma giáo tà đạo. Không quán tưởng Phật thì bị Ma lôi cuốn vào ác đạo lúc nào không hay.
 
Thờ Phật là quán tưởng Phật, là tiếp thu đạo lực truyền tới tâm thức tín đồ hành lễ, dù hình tướng Phật là vật chất có bản thể vô tình như tượng bằng gỗ, đất nặn nên, đồng đúc, tạc vào đá hay hình ảnh trên giấy, trên vải. Tại sao ? Xin thưa: Bản thể tánh chân thiện ở Phật hay ở người đảnh lễ chỉ là một, vốn như nhau đều là Không tịch, đều có tự tánh Không, tự tánh chân như, vốn vô phân biệt.
 
Đến khi hành lễ mới khởi duyên linh ứng giao cảm từ Phật tánh ở Phật đã giác ngộ truyền đạo lực sang tâm thức tín đồ, đánh thức tánh chân thiện có sẵn ở người đang hành lễ chưa giác ngộ. Chính giây phút giao cảm linh ứng này làm cho tánh chân thiện bấy lâu ẩn tàng bừng dậy tỉnh thức trong tâm tín đồ. Đó là tỉnh thức, là giác ngộ và hiện tượng linh ứng truyền đạo lực này ngôn từ nhà Phật gọi là tâm truyền tâm hay nôm na gọi là Phật độ.
 
Nói là truyền đạo lực nghĩa là có tha lực và tự lực, có sự phân biệt năng độ và sở độ, năng truyền và sở truyền. Như vậy thờ Phật, lễ lạy Phật là khởi động, là pháp tướng của lý duyên khởi đi từ vô phân biệt năng sở đến có phân biệt năng sở. Do đó, thờ Phật mới là yếu tố cần thiết và bắt buộc đối với tín đồ hành trì đạo pháp, gọi là trợ duyên cho sự tiến tu đạt đạo. Tự lực ở tín đồ hành lễ kết hợp với tha lực ở chư Phật tạo nên đạo lực trong tâm thức tín đồ.
 
Hình tướng Phật tuy là vật chất có bản thể vô tình nhưng đối với tín tâm người đảnh lễ là tổng trì hết vô lượng vô biên công đức chất giác ngộ, là tổng trì toàn thể chân lý giác ngộ vô cùng vô tận, dù chỉ một phần không phải toàn thể thân thể cũng đủ công đức truyền lực giác ngộ tới tín đồ đảnh lễ. Dẫn chứng nhiều nơi đã thờ xá lợi Phật, thờ tượng Phật bị bể nát không còn nguyên vẹn mà sự linh ứng không hề thay đổi giảm sút.
 
Thờ Phật có ý nghĩa như trên đã trình bày là một hành vi tích cực chủ động của tín đồ hành lễ khi phát tín tâm và hạnh nguyện hành trì Phật pháp, không phải là một hành vi tiêu cực thụ động chỉ cầu xin Phật ban phúc ban lộc như nhiều người đã hiểu lầm trên đường tu đạo.
 
 

Tác giả bài viết: Bảo Thông