Gói nhân tình

Nhân tình sẽ ngập tràn trong mấy ngày Tết ngắn ngủi. Ắp đầy trên mâm cơm Tết chiều ba mươi ấm áp, ngậm ngùi. Chứa chan trong những cuộc đoàn viên gia đình, họ mạc. Bịn rịn theo khói hương trầm khắc khoải bay lên trong niềm tưởng nhớ tiên tổ, ông bà...
Về đi em, chợ chiều sắp vãn
Nhớ mua giùm anh một gói nhân tình...”.
 
Ấy là hai câu thơ đầy ám ảnh của thi sĩ Thu Bồn một thuở, thay cho lời nhắn nhủ ân cần mà đằm sâu ý vị. Chợ vãn, chiều đổ bóng theo chân người về, nhà thơ chỉ dặn mua giùm cho ông một “gói nhân tình”. Thật là cắc cớ! Bởi, nhân tình ai bán mà mua?
 
 
 
Nhân tình bịn rịn theo khói hương trầm khắc khoải bay lên trong niềm tưởng nhớ tiên tổ, ông bà...
 
Hơn bất cứ nơi đâu, chợ vốn dĩ là cái chốn nhộn nhịp, huyên náo nhất. Trong nhân gian thu nhỏ ấy gói đầy biết bao thân phận, bao cảnh đời rỉ rả bán mua, đổi chác, gặp gỡ, chuyện trò. Sang hèn hòa trộn. Tôi chợt nhiên liên tưởng đến nhiều phiên chợ Tết mà ở đấy, nhân tình thế thái được trổ khắc thật đậm nét như một bức tranh đời đa sắc. Người giàu có thì mang cả xe hơi đi chở đồ khi sắm Tết mà không lo lấn cấn hầu bao; người bình dân khiêm tốn hơn ở việc mua sắm đủ vừa, không xa xỉ; bên cạnh là những người nông dân chất phác với thức quê “cây nhà lá vườn” mang ra chợ bán, những mong sắm sửa cho những đứa con mình một cái Tết giản dị... Và, chao ôi, ta cũng sẽ bắt gặp không ít những cảnh đời bơ vơ, phải lê lết xin ăn, cơ cực trầm luân giữa năm rộng tháng dài mà chạnh lòng thương cảm...
 
Nhân tình hẳn là gói gọn ở đấy. Ngỡ rộng lớn xa xôi mà lại quá đỗi chật hẹp trong cõi người vô thường, khổ đau hạnh phúc song hành cùng xiết bao mất được. Tranh giành, đấu đá nhau đó rồi biết đâu một ngày lại hỷ xả, thứ tha cho nhau bằng sự bao dung và nhân hậu vốn có của con người. Ấy là tình người, là phép xử thế giữa con người với nhau - điều mà người Việt chúng ta vô cùng trân quý và lấy đó làm thiện căn để răn dạy con cháu.
 
Nhân tình ai bán mà mua? Vâng, chẳng cần bán mua gì cả giữa chợ người mông mênh hỷ nộ ái ố này. Hãy cho nhau, hãy biếu tặng nhau món quà quý giá ấy bằng chính cái tâm thiện lương, trong sáng. Nhân tình không phải là của ngon vật lạ, vậy mà khi mỗi chiều chiều những người hàng xóm có con cá, bát canh chuyền qua cái giậu rào san sẻ cùng nhau thì chao ôi, bữa cơm thôn dã sao ngon miệng và ấm áp lạ thường. Nhân tình không phải là đỡ đần, giúp ai đó đổi đời mà chỉ cần góp cho kẻ ăn mày tội nghiệp dăm ngàn bạc để họ qua cơn đói, ta nhận lại cho mình chút thanh thản, bình yên; là thi thoảng mua giùm người bán vé số tật nguyền đôi tờ vé; mua giùm cụ già bó rau vườn nhà úa héo trong buổi chợ chiều ế ẩm... để được nhìn thấy nụ cười rạng ngời trên những khuôn mặt dãi dầu, khắc khổ của họ. Những điều ấy, có khó gì đâu.
 
Tôi lại sực nhớ một câu chuyện đầy nhân văn, thật khó tin nhưng có thật. Số là nhà nọ đang ngủ trưa thì bị một tên trộm lẻn vào ăn trộm... mấy bộ đồ đang trên dây phơi. Không tri hô, đuổi đánh, trái lại họ còn mời tên trộm vào nhà, ân cần hỏi han và đãi một bữa cơm tử tế khi biết được hoàn cảnh éo le của một kẻ “bần cùng sinh đạo tặc”. Đấy, nhân tình đấy chứ đâu xa.
 
Trong cuộc đời mỗi người, tránh sao được đôi lần va chạm. Tránh sao được những hiểu nhầm hay đố kỵ, thị phi - những nguyên nhân khiến họ rời xa nhau, chán ghét nhau. Rồi một ngày, sự chân thành và lòng bao dung lên tiếng, trả về cho họ những quan hệ vốn dĩ rất tốt đẹp trước đó, thậm chí nhiều người ngày sau càng gắn bó bền chặt với nhau hơn. Nên, hãy tin rằng, bản chất của con người là luôn nhân ái.
 
Còn nhiều lắm bao nhiêu nhân tình ở muôn nơi, mỗi ngày ta hằng bắt gặp. Giản dị lắm, mà đằm sâu cảm động. Đó là những người suốt đời miệt mài làm từ thiện, đóng góp lặng thầm mà không cần phô bày thân thế; là những cô giáo trẻ rời bỏ thành phố xa hoa, hy sinh cả tuổi xuân, tương lai xán lạn của mình bằng tâm nguyện gắn bó sắt son với vùng sâu, vùng xa, gieo chữ trên những vùng đất khó...
 
Và rồi, mùa xuân lại gọi Tết xuôi về sau một vòng tuần hoàn thăm thẳm. Trên những chuyến tàu hồi hương của muôn người xa xứ, ta sẽ bắt gặp lỉnh kỉnh những gói quà xuân yêu thương song hành cùng niềm hân hoan đoàn tụ. Hòa vào không khí háo hức ấy là biết bao câu chuyện vui buồn được chia sẻ râm ran bởi những con người xa lạ mà chợt nhiên bỗng thấy thân quen đến vô ngần.
 
Nhân tình sẽ ngập tràn trong mấy ngày Tết ngắn ngủi. Ắp đầy trên mâm cơm Tết chiều ba mươi ấm áp, ngậm ngùi. Chứa chan trong những cuộc đoàn viên gia đình, họ mạc. Bịn rịn theo khói hương trầm khắc khoải bay lên trong niềm tưởng nhớ tiên tổ, ông bà...
 
Có lẽ, hơn tất thảy những điều tốt đẹp cuộc sống ban tặng cho con người, “gói nhân tình” chúng ta không mặc cả bán mua mà chỉ dành để biếu tặng nhau trong cuộc nhân sinh này chính là kết tinh của cái đẹp cao quý, thiện lương, chất chứa tình yêu thương, đầy bao dung, nhân hậu.
 
Những mong, trong cuộc người của mỗi thân phận, ở muôn nơi, ai ai cũng sở hữu một “gói nhân tình” làm hành trang sống cho mình, để nhận và cho nhau. Chỉ cần vậy thôi, đã là hạnh phúc.

Tản văn Ngô Thế Lâm