Tết Trung thu có phải là một lễ lớn trong Phật giáo không?

Đăng lúc: Thứ hai - 29/08/2022 08:38 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Chúng cháu rất thích Tết Trung thu vì được chơi lồng đèn, ăn bánh và ngắm trăng nhưng không biết nhiều lắm về nguồn gốc và ý nghĩa của Tết này. Chùa mà chúng cháu thường đi lễ cũng tổ chức Trung thu cho trẻ em, vậy Trung thu có phải là một lễ lớn trong Phật giáo không?
Tết Trung thu có phải là một lễ lớn trong Phật giáo không?

Tết Trung thu có phải là một lễ lớn trong Phật giáo không?

Tết Trung thu còn gọi là ngày tết của trẻ em, nhằm ngày Rằm tháng 8 âm lịch hằng năm. Trung thu có nghĩa là giữa mùa thu, trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân,... rồi ăn bánh. Ngày xưa, vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, rước đèn và ngắm trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng, ăn bánh. Ở một số nơi, người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử để các em vui chơi thỏa thích.

Tại Việt Nam, tết Trung thu là một phong tục, nét văn hóa có từ lâu đời. Các sử liệu hiện có không đề cập chính xác thời điểm du nhập, rất có thể được người Trung Quốc truyền vào nước ta từ thời Bắc thuộc. Theo tác giả Toan Ánh: “Tết Trung thu bắt đầu từ thời nhà Đường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng rồi dạo chơi nơi cung Quảng.

Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng nên đặt ra tết Trung thu. Lúc đầu, trong ngày tết này, người ta chỉ uống rượu, ngắm trăng nên còn gọi là tết Ngắm trăng (Nếp Cũ Tín Ngưỡng Việt Nam). Theo sách Việt Nam Phong Tục, tác giả Phan Kế Bính cho biết về phong tục trong ngày tết Trung thu của người Việt xưa: "Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt (ngắm trăng). Đầu cỗ là bánh mặt trăng (Bánh Trung thu, người Trung Quốc gọi là bánh Nguyệt), và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng".

Bánh trung thu có hình tròn (như trăng tròn) tượng trưng cho sự đoàn viên, là lễ phẩm không thể thiếu để cúng trăng vào đêm Trung thu. Theo sách Đế Kinh Cảnh Vật Lược cho biết người xưa làm bánh Trung thu rất cầu kỳ. Bánh hình tròn, trên mặt luôn có in các hình Hằng Nga, Ngọc Thố. Theo thời gian, chiếc bánh ngày nay đã được mang nhiều danh hiệu khác nhau như bánh Hồ, bánh trăng, bánh đoàn viên. Theo truyền thuyết, thời Tây Hán, nhân sứ thần Trương Thiên đi Tây Vực (Ấn Độ) về, có mang theo các loại hạt mè, hồ đào, dưa hấu. Chính những thứ hạt này được người Trung Hoa dùng làm nguyên liệu chính để làm nhân bánh Trung thu nên được gọi là bánh Hồ (Ấn Độ).

Đến thời Huyền Tông nhà Đường, trong một đêm rằm tháng tám, vua và Dương Quý Phi ăn bánh này và ngắm trăng. Nhân đó nhà vua đã bỏ tên bánh Hồ và gọi là bánh trăng (nguyệt bính). Tên này thịnh hành cho tới ngày nay. Thời Tống, việc ăn bánh Trung thu chỉ giới hạn trong hàng quan lại, thượng lưu giàu sang quý tộc và là đề tài để cho các văn thi gia sáng tác, nhất là vào dịp trăng thu. Về sau, thời Nguyên-Minh thì ăn bánh Nguyệt vào mùa Trung thu mới phổ biến rộng rãi trong dân chúng.

Tết Trung thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với tết Trung thu của người Trung Hoa. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ thường là bánh trái, trà nước cho các con ăn uống mừng Trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến treo trong nhà và để các con rước đèn. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình cảm của mọi thành viên trong gia đình lại càng khắng khít thêm. Ngoài ra, cũng trong dịp này người ta mua bánh Trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.

Người Việt thường tổ chức múa Sư tử hay múa Lân trong dịp tết Trung thu. Thời xưa, còn tổ chức hát Trống quân, chơi đèn kéo quân, rước đèn trong dịp tết Trung thu. Ngoài việc tạo vui chơi cho trẻ em (và cả người lớn) tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị v.v…

Riêng việc nhà chùa tổ chức vui tết Trung thu cho thiếu nhi chính là sự quan tâm, tạo niềm vui, giải trí và thư giãn cho các em đồng thời qua đó giáo dục thế hệ trẻ về lòng từ, sự biết ơn, chia sẻ trong tinh thần đoàn kết và tương trợ… Tết Trung thu nhằm ngày rằm, đây là lễ rằm bình thường chứ không phải lễ lớn như rằm tháng Tư (Phật đản) hay rằm tháng Bảy (Vu Lan).

 


Tác giả bài viết: Quảng Tánh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 494
  • Khách viếng thăm: 479
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 90607
  • Tháng hiện tại: 2180628
  • Tổng lượt truy cập: 91072201
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012