Thầy Tư Trừng

Đăng lúc: Thứ sáu - 05/10/2012 00:07 - Người đăng bài viết: Ban quản trị
Thầy Tư Trừng, không phải là “Thầy bốn Trừng”, như cách gọi thứ trước tên sau của dân miền Nam chúng tôi thường dành xưng hô với người lớn tuổi. “Cuộc đời con người cốt lõi là được lìa xa thân thể một cách an lạc và giải thoát”...
Thầy Tư Trừng

Thầy Tư Trừng

 

Thầy Tư Trừng, không phải là “Thầy bốn Trừng”, như cách gọi thứ trước tên sau của dân miền Nam chúng tôi thường dành xưng hô với người lớn tuổi. Người Huế thì gọi là “Thầy Trừng” vì Thầy là thầy giáo của Tăng - Ni và của nhiều thế hệ học sinh - sinh viên Huế. Tên đủ của Thầy là Nguyễn Tư Trừng, người vừa từ trần vào chiều hôm qua, ở Huế; lúc trời đang mưa vì chớm bão.

Người viết bài này không biết sự nghiệp thân thế của Thầy, hoàn cảnh chung thế nào, hoàn cảnh riêng ra sao, chỉ biết rằng, sau vài lần hội ngộ, sau vài lần trao đổi, Thầy và tôi có  tình thân ái với nhau. Chính vì tình thân ái đó mà, trong lúc nhục thân của Thầy còn chưa tẩn liệm, tôi đã thắp nén nhang lên bàn thờ Phật rồi tĩnh tâm viết những dòng này.

Thay Nguyen Tu Trung phat bieu tai Tuan VHPG - Hue 2010.jpg

 

Thầy Nguyễn Tư Trừng phát biểu tại Tuần VHPG - Huế

Cách đây đôi ba bữa, được tin Thầy không khỏe, tôi vội tìm đến nhà thăm vào một buổi chiều không có nắng, ở Huế. Đang thiêm thiếp sâu, chợt Thầy ngước mặt lên, thấy tôi, mắt Thầy cười lấp lánh. Tôi cung kính chắp tay: “Thưa Thầy”, rồi ngồi thật khẽ vào cái ghế thấp bên cạnh. Rất cố gắng Thầy nói rất khẽ: “Sao chị gọi tôi là Thầy? Tự đáy lòng tôi không dám nhận chị là trò”. Tôi im lặng…

Tại Thầy không biết đó thôi, dù tôi chưa đủ duyên ngồi nghe Thầy giảng bài, nhưng tôi đã học ở Thầy rất nhiều, từ cách suy nghĩ, hành xử và lời nói. Với tôi, Thầy là một người Huế chuẩn mực, một Phật tử thuần thành, một ấn tượng đẹp và sâu.

Thầy còn nhớ không, tôi và Thầy gặp nhau lần đầu tiên nhân dịp Tuần Văn hóa Phật giáo lần thứ nhất tổ chức tại Từ Đàm, lúc đó chùa còn đang xây dựng dở dang. Sau giờ tôi thuyết trình, Thầy chủ động gặp tôi và chỉ nói một câu: “Tôi thích giọng miền Nam của chị”. Tôi cũng nói lại một câu y chang như vậy: “Tôi thích cái áo dài của ông”. Thế là quen và, chỉ thế thôi. 

Le khanh thanh chua Tu Dam.jpg

 

 

Lễ khánh thành chùa Từ Đàm - Huế (15-2 Canh Dần)

 

Lần thứ hai tôi được gặp lại Thầy trong dịp lễ khánh thành chùa Từ Đàm, vô tình và cùng một lúc, Thầy Quang Nhuận cài bông đại biểu cho Thầy và cho tôi giống màu nhau, màu xanh dương; Thầy tỏ ra thú vị với sự trùng hợp này. Lúc chùa mời cơm, tôi quan sát, thấy Thầy tìm một góc khuất, vuốt lại áo dài rồi lấy cái lược nhỏ ra, chải đầu rất cẩn thận mới bước vào nhà ăn. Nhưng Thầy lại không ngồi vào bàn ăn như mọi người, mà tìm tới chào một số khách lớn tuổi, rồi đi ra. Tôi cũng bước ra theo Thầy, và đây là dịp tôi được Thầy dạy cho nhiều bài học.

Bàn chuyện ăn cơm chùa, Thầy nói: “Cơm chùa tuy thanh bần nhưng nặng tình, nặng nghĩa; ăn cơm chùa phải tự xét mình có xứng với bữa ăn chưa?”. Câu này đến giờ tôi vẫn luôn học. Bàn chuyện Tăng đoàn, Thầy bày tỏ suy nghĩ rất riêng: “Tôi một lòng kính Phật trọng Tăng - Ni, không bao giờ dám suy nghĩ Tăng - Ni có xứng với sự kính trọng của tôi không; Tăng- Ni luôn tự mình biết rõ điều đó!”. Câu này, tôi nghĩ, không chỉ một mình tôi học mà tất cả những ai là con Phật đều phải nằm lòng.

Khi bàn tới nề nếp sinh hoạt, Thầy chia sẻ: “Phật tử là con nhà chùa nhưng nếp nhà vua, vì vậy ăn, uống, ngủ, nghỉ, đi, đứng, nằm, ngồi, phải uy nghi và sang trọng; được như vậy là kính người, trọng mình”. Từ đó tôi luôn cố gắng học ở Thầy sự tươm tất, thanh tao của người con Phật. Tôi để ý, khi cần phát biểu, Thầy không uốn lưỡi bảy lần mà viết ra giấy, viết rất cẩn thận, rồi đọc từng chữ mình viết một cách chậm rãi. Điều đó cho thấy, Thầy rất cẩn trọng khi phát ngôn. Bài học này tôi học cả đời có khi còn chưa thuộc.

 Cái buổi chiều không có nắng ở Huế mà tôi đến thăm Thầy ở nhà cách đây vài bữa, cả Thầy và tôi đều biết đây là lần gặp cuối. Tôi trao tận tay Thầy giỏ hoa, tôi thấy, đôi bàn tay xanh xao của Thầy lần vuốt những bông hoa màu đỏ thắm; gương mặt Thầy lúc đó sáng rực. Tôi nói: “Tôi chọn bông màu đỏ vì cuộc hội ngộ này vui, chớ không buồn”; Thầy đồng tình. Thấy trời đã chạng vạng tôi dợm chào về, Thầy bịn rịn, hỏi: “Chị ở Huế thêm ba ngày nữa được không?”. Tôi trả lời rất nhẹ: “Đến rồi đi, tan rồi hợp, sanh rồi tử, vui rồi buồn…, đó là lẽ thường tình; tạm chào nhau nơi này rồi lại gặp nhau nơi khác…”; biết tôi lém lỉnh, Thầy cười.

Trước khi tôi đi, Thầy đọc và nhờ người em dâu viết tặng tôi một câu “Cuộc đời con người cốt lõi là được lìa xa thân thể một cách an lạc và giải thoát”. Thưa Thầy Tư Trừng, Thầy và tôi dù âm dương cách trở, tôi vẫn an nhiên vì biết rõ, Thầy đã đạt được điều cốt lõi của riêng mình.

Nam mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.


Tác giả bài viết: Tạ Thị Ngọc Thảo
Nguồn tin: www.giacngo.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 476
  • Khách viếng thăm: 468
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 45428
  • Tháng hiện tại: 2853571
  • Tổng lượt truy cập: 88658174
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012