Thương người nóng tính
- Thứ tư - 17/10/2012 03:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Có người tu tập cả đời mà tính sân hận mà chỉ giảm được vài phần. Âu cũng là nghiệp lực nặng nề của kiếp này, họ phải trả dần.
Tôi cũng có một người bạn như vậy. Thường ngày anh hiền lành, làm nhiều việc thiện, tâm anh tốt và từ bi lắm, nhưng có tật xấu là rất nóng tính.
Giận quá mất khôn, bạn tôi không sao kiểm soát được mình mỗi khi giận dữ.
Thời gian đầu, mỗi khi chứng kiến anh phẫn nộ, người tôi nóng ran lên, vừa sợ lại vừa tức. Tính anh nóng thì gì cũng nói được, làm được. Một phần vì kính nể, một phần vì là bạn, đã hiểu tính anh nên tôi cố gắng kham nhẫn, để cơn nóng giận trong anh qua đi.
Mỗi lần như thế, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi chịu đựng một chút cũng không sao, nhưng tôi biết anh vô cùng khổ sở vì tính nóng giận của mình. Một người có tâm tốt, sẽ dằn vặt khi làm cho ai đó đau lòng.
Một lần tôi nhìn thấy anh cô độc, đầy ân hận sau cơn giận, tôi thương anh quá...
Tôi nhớ lời Đức Phật dạy, con người có lúc này, lúc khác, không ai hiền mãi mà cũng không ai hung dữ mãi. Bạn tôi cũng thế, đâu phải lúc nào anh cũng nổi giận, la hét thế này. Có những lúc anh hiền lắm, lại có tâm rộng lượng bố thí rất đáng kính. Hiểu như vậy, nên dầu là nạn nhân của những lần anh “xả giận” vô cớ, tôi chỉ im lặng nghe. Đáng tiếc, trong cuộc sống, không phải ai cũng hiểu được điều này. Tôi chỉ sợ anh gặp kẻ xấu, cố tình khích tướng cho anh nổi nóng, để làm hại anh thôi.
Đức Phật dạy rằng những người nóng giận luôn bị vô minh che lấp tâm tánh. Những khi thấy người vô minh phải mở lòng từ bi yêu thương họ.
Từ khi biết hiểu ra bạn mình đã bị sân si che lấp gây ra nhiều nghiệp chướng, tôi chỉ âm thầm lặng lẽ tìm đọc các bài báo phân tích và hướng dẫn cách chuyển hóa cơn giận để giúp anh.
Trong một lần ngồi nói chuyện vui vẻ, tôi kể anh nghe một câu chuyện về việc nóng giận:
- Khi hai người yêu thương nhau, anh có tin là họ không cần nói lời nào, chỉ qua ánh mắt là đã hiểu nhau không?
- Tất nhiên rồi. Vì yêu thương và gần gũi nhau nên sẽ hoàn toàn hiểu ý nhau.
- Thế khi anh và em ngồi xa nhau, anh có phải nói to hơn không?
- Tất nhiên rồi. Nói to em mới nghe thấy.
- Cũng như vậy, khi ai đó làm cho anh nóng giận, tức là giữa anh và họ không hiểu nhau, trái tim của hai người đã có khoảng cách rất xa rồi. Anh phải la to, hét lớn để họ nghe thấy. Nhưng còn một cách, không phải như thế. Anh có muốn biết không?
- Làm thế nào?
- Đó là thu hẹp khoảng cách trái tim giữa anh và họ lại. Hãy thương họ vô minh, như khi em thương anh vô minh trong lúc nóng giận. Khi hiểu mình và hiểu người, gần nhau rồi anh không cần phải la hét nữa.
Tôi cũng không biết mình nghĩ đâu ra một câu chuyện như thế. Nhưng nhìn khuôn mặt anh giãn ra, tôi hạnh phúc lắm.
Bởi tôi biết người nóng tính là người khổ tâm nhất vì lỡ gây cho người ta những “vết đinh” trong lòng... Gỡ đinh ra, vẫn còn lại những lỗ hổng khó lấp đầy.
Tôi nguyện sẽ dùng yêu thương để khỏa lấp những vết thương lòng của anh mà anh vô tình gây ra cho tôi. Tôi mong từ bi và tỉnh giác sẽ chuyển hóa những chiếc “đinh” nóng giận trong anh thành những bông hoa thơm ngát.
Và anh sẽ không còn nóng giận và phiền não nữa!
Nguyễn Đặng Hồng Quế