Bước đầu học Phật - P3

Bước đầu học Phật - P3
“Nhất-tâm bất loạn là phương-pháp duy-nhất trong việc tụng-niệm”
NGHI-THỨC TỤNG-NIỆM

“Nhất-tâm bất loạn là phương-pháp duy-nhất trong việc tụng-niệm”
 
 
KHÓA LỄ
KINH BÁT ĐẠI-NHÂN-GIÁC



TÂM-KINH BÁT-NHÃ

KINH LỄ SÁU PHƯƠNG
KHÓA LỄ
KINH BÁT ĐẠI-NHÂN-GIÁC
 

[61]
(Thắp đèn, đốt hương xong, toàn-thể đứng ngay-ngắn, chắp tay ngang ngực mật-niệm ):
TỊNH PHÁP-GIỚI CHÂN-NGÔN:
Án lam sa-ha (3 lượt)
TỊNH TAM NGHIỆP CHÂN-NGÔN:
Án sa phạ bà phạ, truật-đà, sa phạ, đạt-ma sa phạ, bà phạ, truật độ hám (3 lượt)
(Người chủ-lễ thắp 3 nén hương, quỳ thẳng, cầm hương ngang trán, niệm lớn bài dâng hương ):
Nguyện đem lòng thành-kính,
Gửi theo đám mây hương;
Phảng-phất khắp mười phương,
Cúng-dàng ngôi Tam-bảo.
Thề trọn đời giữ đạo,
Theo tự-tính làm lành;
Cùng pháp-giới chúng-sinh,
Cầu Phật-từ gia-hộ:
Tâm Bồ-đề kiên-cố,
Xa bể khổ, nguồn mê,
Chóng quay về bờ Giác.
(Vái 1 vái rồi đọc tiếp bài kỳ-nguyện ):

Đệ-tử chúng con nguyện ngôi Tam-bảo thường-trụ trong mười phương đức Bản-Sư Thích-Ca Mưu-Ni-Phật, đức Tiếp-Dẫn Đạo-Sư A-Di-Đà Phật, cùng hết thảy Thánh-Hiền, từ-bi gia-hộ cho đệ-tử chúng con: tâm Bồ-đề bền-chắc, tự-giác, giác tha, giác-hành viên-mãn, cùng chúng-sinh trong pháp-giới, tội-chướng tiêu-trừ, căn lành tăng-trưởng, một thời đồng chứng Vô-thượng chính-đẳng, chính-giác.

(Vái 1 vái rồi đứng dậy cắm hương lên lư, Người chủ lễ chắp tay đứng thẳng và đọc bài tán Phật):

Đấng Pháp-vương vô-thượng,
Ba cõi chẳng ai bằng.
Thầy dạy khắp trời, người,
Cha lành chung bốn loại.[62]
Quy-y tròn một niệm,
Dứt sạch nghiệp ba kỳ[63]
Xưng-dương cùng tán-thán,
Ức kiếp không cùng tận.

(Người chủ lễ vái một vái rồi xướng ):
Nam-mô tận-hư-không, biến pháp-giới, quá, hiện, vị-lai chư Phật, Tôn-pháp, Hiền-Thánh-tăng thường-trụ Tam-Bảo (Lễ 1 lễ )
Nam-mô Sa-bà Giáo-chủ, đại-từ, đại-bi, Bản-Sư Thích-Ca Mưu-Ni Phật, đương-lai hạ-sinh Di-Lặc Tôn Phật. (Lễ 1 lễ )
Nam-mô Tây-phương Cực-lạc thế-giới, đại-từ, đại-bi A-Di-Đà Phật, Quán-Thế-Âm Bồ-tát, Đại-Thế-Chí Bồ-tát, Thanh-tịnh đại-hải-chúng Bồ-tát.
(Lễ 1 lễ, rồi quỳ thẳng đọc bài sám-hối ):
Đệ-tử kính lạy đức Phật Thích-Ca, Phật A-Di-Đà, thập phương chư Phật, vô-thượng Phật-pháp, cùng Thánh-Hiền-Tăng; đệ-tử lâu đời lâu kiếp, nghiệp-chướng nặng-nề, tham, giận kiêu-căng, si-mê lầm-lạc, ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi-lầm, thành tâm sám-hối, thề tránh điều dữ, nguyện làm điều lành, ngửa trông ơn Phật, từ-bi gia-hộ: thân không tật-bệnh, tâm không phiền-não, hằng ngày an-vui tu-tập, phép Phật nhiệm-mầu, để mau ra khỏi luân-hồi, minh-tâm kiến-tính, trí-tuệ sáng-suốt, thần-thông tự-tại, đặng cứu-độ các bậc tôn-trưởng, cha mẹ anh em, thân bằng quyến-thuộc, cùng tất cả chúng-sinh, đồng thành Phật-đạo.
(Đứng dậy vái 3 vái rồi ngồi xuống tụng ):
Lư hương vừa đốt,
Cõi pháp thơm lây,
Chư Phật bốn biển đều xa hay.
Thấu tâm thành này,
Chư Phật hiện thân ngay.
Nam-mô Hương-vân-cái Bồ-tát, Ma-ha-tát. (3 lượt )
KHAI KINH KỆ:
Pháp Phật cao-siêu rất nhiệm mầu,
Nghìn muôn ức kiếp dễ hay đâu.
Con nay nghe, thấy xin vâng giữ,
Chân-nghĩa Như-Lai hiểu thật sâu.
Nam-mô Bản-Sư Thích-Ca Mưu-Ni Phật. (3 lượt)

PHẬT NÓI
KINH BÁT-ĐẠI-NHÂN GIÁC: 
[64]
Là đệ-tử Phật, thường thường ngày đêm, dốc lòng tụng-niệm tám điều giác-ngộ của bậc Đại-nhân.[65]
Một là biết rằng: Thế-gian vô-thường, đất-đai không chắc, bốn đại[66] khổ, không, năm ấm vô-ngã;[67] sinh, diệt đổi khác, dối-trá không chủ. Tâm là nguồn ác, hình là chằm tội.
Hai là biết rằng: Muốn nhiều là khổ. Sống chết nhọc-nhằn, từ tham-dục khởi. Ít muốn, vô-vi, thân-tâm tự-tại.
Ba là biết rằng: Tâm không chán, đủ; chỉ tham-cầu nhiều, tăng thêm tội ác. Bồ-tát không thế, thường niệm “biết đủ”, an bần giữ đạo, chăm tu trí-tuệ, sự-nghiệp của mình.
Bốn là biết rằng: Biếng lười, trụy-lạc. Thường hành tinh-tiến, phá phiền-não ác, dẹp hết bốn ma[68], ra ngục Ấm, Giới.[69]
Năm là biết rằng: Ngu-si sinh-tử. Bồ-tát thường nghĩ: học rộng, nghe nhiều, tăng thêm trí-tuệ, thành-tựu biện-tài, giáo-hóa hết thảy, đều được sướng vui.
Sáu là biết rằng: Nghèo khổ oán nhiều, kết nhiều duyên ác. Bồ-tát bố-thí, oán, thân bình-đẳng; không nghĩ ác cũ, không ghét ác-nhân.
Bảy là biết rõ lỗi-lầm năm dục[70]. Tuy là người tục, không nhiễm vui đời; luôn luôn nghĩ đến y, bát, pháp-khí,[71] chí-nguyện xuất-gia, giữ đạo trong-sạch, Phạm-hạnh cao-xa, lành thương hết thảy.
Tám là biết rằng: Sống chết nồng-nàn, khổ-não vô-lượng, phát tâm Đại-thừa, cứu khắp hết thảy; nguyện thay chúng-sinh, chịu nhiều khổ-não, khiến mọi chúng-sinh, được vui rốt-ráo.
Tám sự như thế, là điều giác-ngộ của các đức Phật, Bồ-tát đại-nhân. Các đại-nhân ấy tinh-tiến hành-đạo, từ-bi tu-tuệ, ngồi thuyền Pháp-thân, đến bờ Niết-bàn. Rồi thì các Ngài trở về sinh-tử, độ thoát chúng-sinh, đem tám sự trước, chỉ dẫn hết thảy, khiến mọi chúng-sinh, biết khổ sinh-tử, xa lìa năm dục, tu tâm Thánh-đạo.
Nếu đệ-tử Phật, tụng tám sự ấy, trong từng niệm niệm, diệt vô-lượng tội, tiến tới Bồ-đề, chóng thành Chính-giác, dứt hẳn sinh-tử, ở nơi sướng vui.

TÂM-KINH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA[72]
Khi Ngài Quán-Tự-tại Bồ-tát,[73] thực-hành sâu-xa pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn[74] đều không, qua hết thảy khổ-ách.
Này ông Xá-Lỵ-Tử! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Thụ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế !
Này ông Xá-Lỵ-Tử! Tướng Không của mọi pháp, không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Cho nên, trong Chân-không, không có Sắc, không có Thụ, Tưởng, Hành, Thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý[75]; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp[76]; không có nhãn-giới, cho đến không có ý-thức giới[77]; không có vô-minh, cũng không có cái hết vô-minh, cho đến không có già, chết cũng không có cái hết già, chết[78]; không có khổ, tập, diệt, đạo[79]; không có trí-tuệ cũng không có chứng-đắc, vì không có chỗ chứng-đắc!
Bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên tâm không ngăn-ngại. Vì không ngăn-ngại nên không sợ-hãi, xa hẳn mộng-tưởng điên-đảo, đạt tới cứu-cánh Niết-bàn. Chư Phật trong ba đời cũng y vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, được đạo-quả Vô-thượng chính-đẳng chính-giác.
Cho nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là đại thần-chú, là đại-minh-chú, là vô-thượng-chú, là vô-đẳng-đẳng-chú, trừ được hết thảy khổ, chân-thực không hư
Vì vậy, nói ra bài chú Bát-nhã ba-la-mật-đa. Liền nói bài chú ấy rằng: “Yết-đế, Yết-đế. Ba-la yết-đế. Ba-la-tăng yết-đế. Bồ-đề tát-bà-ha”[80].
Đại-từ, đại-bi thương chúng-sinh,
Đại-hỷ, đại-xả cứu muôn loài.
Tướng tốt sáng ngời tự-trang-nghiêm,
Đệ-tử chí tâm quy-mệnh lễ.
Nam-mô Sa-bà Giáo-chủ Bản-Sư Thích-Ca Mưu-Ni Phật (3 lượt).
Nam-mô Thích-Ca Mưu-Ni Phật (10 lượt, hoặc 1 tràng hay đi nhiễu tùy ý).
Nam-mô Văn-Thù Sư-Lỵ Bồ-tát (3 lượt, hoặc 10 lượt).
Nam-mô Phổ-Hiền Bồ-tát (3 lượt, hoặc 10 lượt ).
Nam-mô Thanh-tịnh đại-hải-chúng Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt).[81]
(Niệm xong rồi, quỳ đọc bài phát-nguyện):
Chúng-sinh không số lượng,
Thệ-nguyện đều độ khắp.
Phiền-não không cùng-tận,
Thệ-nguyện đều dứt sạch.
Pháp-môn không kể xiết,
Thệ-nguyện đều tu-học.
Phật-đạo không gì hơn,
Thệ-nguyện được viên-thành.
(Đứng dậy, đọc 3 tự-quy và đỉnh-lễ ):
- Tự quy-y Phật, xin nguyện chúng-sinh, thể theo đạo cả, phát tâm vô-thượng (1 lễ)
- Tự quy-y Pháp, xin nguyện chúng-sinh, thấu rõ Kinh-tạng, trí-tuệ như biển (1 lễ)
- Tự quy-y Tăng, xin nguyện chúng-sinh, thống-lý đại-chúng, hết thảy không ngại (1 lễ)
Hòa-nam Thánh-chúng.
(Vái 1 vái, đứng thẳng, chắp tay đọc):
Nguyện đem công-đức này,
Hướng về khắp tất cả.
Đệ-tử và chúng-sinh,
Đều trọn thành Phật-đạo.
(Vái 3 vái rồi lui ra).

PHỤ-LỤC
I.- PHẬT NÓI KINH LỄ SÁU PHƯƠNG1

Chàng Thiện-sinh,
Buổi sáng nọ,
Mặc áo mũ,
Lễ sáu phương.
Phật hỏi rằng:
“Lễ gì thế?”
Chàng mới kể:
“Theo lời cha,
Cứ sáng ra,
Thời lễ vậy”.
Phật bèn dạy:
“Ngươi hiểu lầm,
Lễ tại tâm,
Ngươi nên biết:
Sáu ác-nghiệp,
Trừ ngay đi !
Đừng rượu chè,
Chớ cờ bạc,
Đừng biếng-nhác,
Chớ bạn xằng,
Đừng nói nhăng,
Chớ gian-ác.
Trừ sáu ác,
Lễ sáu phương,
Người bất-lương,
Lễ vô bổ.
Nên biết rõ:
Tu cõi lòng.
Lễ phương Đông,
Là cha mẹ.
Giữ đủ lễ,
Sớm cùng khuya,
Có việc gì,
Phải làm đỡ
Phải thương nhớ,
Đức cù-lao.
Khi yếu đau,
Phải chạy chữa.
Chăm chức-sự,
Yên lòng già.
Làm mẹ cha,
Cho trọn đạo.
Nên dạy bảo,
Theo điều lành.
Nên dỗ-dành,
Gần người giỏi,
Khuyên gắng-gỏi
Chăm học-hành.
Tuổi trưởng-thành,
Tìm đôi lứa,
Dựng nhà cửa,
Dạy ăn làm.
Lễ phương Nam,
Là sư-đệ.
Phải kính-nể,
Phải nghe lời.
Học chớ lười,
Làm chớ ngại.
Phải khen-ngợi,
Công-đức Thầy.
Đạo làm thầy,
Cũng không dễ.
Phải chăm-chỉ,
Dạy cho mau.
Mong trò sau,
Thành người giỏi.
Học tấn-tới,
Hơn trò người.
Cố trau-giồi,
Hiểu đạo-lý.
Những nghi-nghĩa,
Vạch cho hay.
Lễ phương Tây,
Là chồng vợ.
Phải niềm nở,
Lúc chồng về,
Chồng ra đi,
Lo gia-chính.
Nết trinh-tĩnh,
Lòng chính-chuyên.
Có của riêng,
Đừng tư-túi.
Chồng giận-dỗi,
Phải ôn-tồn.
Chồng khuyên-ngăn,
Phải tùng-phục.
Phải săn-sóc,
Việc trong ngoài.
Chồng ngủ rồi,
Mới đi ngủ.
Chồng đối vợ,
Có nhân-nghì.
Khi đi về,
Phải chào hỏi.
Ăn đúng buổi,
Nghỉ đúng giờ.
Để đợi chờ,
Phiền lòng vợ.
Sắm cho vợ,
Tùy lực mình.
Áo quần lành,
Trang-sức đủ.
Giao cho vợ,
Giữ tiền-tài.
Cùng tiêu-xài,
Không giấu-giếm.
Tình âu-yếm,
Trọng thủy-chung.
Không hai lòng,
Với kẻ khác.
Lễ phương Bắc,
Là bạn bầu.
Răn cấm nhau,
Tránh điều dữ.
Phải giúp đỡ,
Lúc tai-nàn.
Nghĩa keo-san,
Ngày gắn chặt.
Thường thân-mật,
Viếng thăm nhau.
Chuyện riêng nhau,http://phatgiaoaluoi.com/forum/styles/abbcode/images/spoil.gif
Đừng tiết-lộ.
Giầu giúp của,
Khỏe giúp công.
Cam, khổ đồng,
Thù-tạc hậu.
Đừng giận-cáu,
Chớ tham-bô.
Mối hiềm-thù,
Nên dứt đứt.
Lễ xuống đất,
Là tớ thầy.
Trước khi sai,
Xem sức đã.
Có tội-quá,
Đừng phạt ngay,
Xét gian, ngay,
Cân nặng, nhẹ,
Lượng tình, lý,
Gồm cương, nhu.
Khi ốm-đau,
Phải thương-xót.
Cấp thang-thuốc,
Không tiếc gì.
Thưởng vật chi,
Không thiên-lệch.
Của trữ-tích,
Nó có riêng,
Phải phân-miêng,
Không đoạt-thủ.
Ở với chủ,
Hết đạo tôi.
Sáng sớm mai,
Dậy trước chủ.
Việc phận-sự,
Phải hết lòng.
Đồ ăn dùng,
Đừng phao-phí.
Phải kính-nể,
Phải chào mời.
Khen-ngợi người,
Chớ báng-nhiếc.
Trọng hiền-triết,
Lễ lên trời?
Tin theo lời,
Lòng thành-thiệt.
Bảo các việc,
Phải vâng làm.
Nên biết ham,
Nghe đạo-lý.
Nghe mà nghĩ,
Nghĩ mà tu.
Pháp Phật mầu,
Hỏi cho vỡ.
Bậc trí-giả,
Phải dạy người.
Dạy lễ nghi,
Không phóng-túng.
Thương các giống,
Cứu chúng-sinh.
Dạy “tinh-thành”,
Dạy “bố-thí”,
Dạy “định-lòng”,
Dạy “trì-giới”;
Dạy “ít nói”,
Mà chăm làm.
Dạy “phát-tâm”,
Cầu Tịnh-độ.
Sáu điều đó,
Làm được ra;
Ấy tức là,
Phép lễ-bái.
Thiện-Sinh lạy,
Xin Phật quy.
Phật vỗ-về,
Đọc câu kệ:
Đừng ngủ trễ,
Sáng dậy ngay.
Chắp hai tay,
Dâng hương, nước.
Cúng-dàng trước,
Phát-nguyện sau:
Bốn ân sâu,
Lo báo-bổ,
Phép “lục-độ”,
Phải cần tu.
Trừ “si-ngu”,
Thành “trí-tuệ”.
Chăm “bố-thí”,
Hết “tham-tàn”.
Trừ “giận-hờn”,
Thành “kiên-nhẫn”.
Chăm “tinh-tấn”,
Hết “lỗi-lầm”.
Trừ “phóng-tâm”,
Thành “thiền-định”.
Đừng lười-lĩnh,
Thì giờ qua.
“Sinh, bệnh, già,
Chết” là khổ.
Đời người thọ,
Được bao lâu.
Thân-thích đâu,
Khi hấp-hối.
Thuốc nào khỏi,
Trốn không phương,
Khách qua đường,
Ra quán trọ.
Nào con, vợ,
Nào mẹ, cha…
Vừa một nhà,
Phút đôi ngả.
Như thế cả,
Cảnh “vô-thường”.
Trong sáu đường2
Luân-hồi mãi.
Nay may lại,
Được làm người.
Biết đạo hay,
Tu mà độ.
Độ mình trước,
Độ người sau.
Vượt bể sầu,
Thuyền “lục-độ”.
Bến “Lạc-thổ”3
A-Di-Đà,
Tiếp-dẫn ta,
Mở đường rộng.
Hỡi tứ-chúng!,4
Nên cầu sang.
Phật dạy chàng,
Chàng nghe Phật.
Mừng nhảy nhót,
Mà tin theo.

II.- NIỆM PHẬT BUỔI SÁNG
(Phiên-âm Hán-văn)

(Chắp tay đọc ):
Đại-từ, đại-bi mẫn chúng-sinh,
Đại-hỷ, đại-xả tế hàm-thức.
Tướng-hảo quang-minh dĩ tự-nghiêm,
Chúng-đẳng chí tâm quy-mệnh lễ.
Nam-mô Sa-bà Giáo-chủ Bản-Sư Thích-Ca Mưu-Ni Phật (3 lượt)
Nam-mô Thích-Ca Mưu-Ni Phật (10 lượt, hoặc một tràng hay nhiều tràng tùy ý)
Nam-mô Văn-Thù Sư-Lỵ Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt)
Nam-mô Phổ-Hiền Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt)
Nam-mô Thanh-tịnh đại-hải-chúng Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt)

(Chắp tay đọc):
Nguyện dĩ thử công-đức,
Phổ cập ư nhất thiết.
Ngã đẳng dữ chúng-sinh,
Giai cộng thành Phật-đạo.

III.- NIỆM PHẬT BUỔI TỐI
(Phiên-âm Hán-văn)

(Chắp tay đọc ):
A-Di-Đà Phật thân kim sắc,
Tướng-hảo quang-minh vô đẳng luân.
Bạch-hào uyển-chuyển ngũ Tu-Di,
Hám-mục trừng-thanh tứ đại-hải
Quang trung hóa Phật vô số ức,
Hóa Bồ-tát chúng diệc vô biên.
Tứ thập bát nguyện độ chúng-sinh.
Cửu phẩm hàm-linh đăng bỉ ngạn.
Nam-mô Tây-phương Cực-lạc thế-giới đại-từ, đại-bi A-Di-Đà Phật (3 lượt)
Nam-mô A-Di-Đà Phật (10 lượt hoặc 1 tràng hay nhiều tràng tùy ý)
Nam-mô Quán-Thế-Âm Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt)
Nam-mô Đại-Thế-Chí Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt)
Nam-mô Thanh-tịnh đại-hải-chúng Bồ-tát (3 lượt hoặc 10 lượt)

(Chắp tay đọc ):
Niệm Phật công đức thù-thắng-hạnh, vô-biên thắng-phúc giai hồi-hướng. Phổ-nguyện trầm-nịch chư chúng-sinh, tốc vãng Vô-lượng-quang Phật-sát. Thập phương tam thế nhất thiết Phật, chư tôn Bồ-tát Ma-ha-tát, Ma-ha-Bát-nhã ba-la-mật. Tứ sinh, cửu hữu, đồng đăng Hoa-Tạng huyền-môn, bát nạn, tam-đồ, cộng nhập Tỳ-lô tính-hải.
Nam-mô Sa-bà thế-giới, tam-giới Đạo-Sư, tứ-sinh từ-phụ, Nhân, Thiên Giáo-chủ thiên-bách ức hóa-thân Bản-Sư Hòa-Thượng Thích-Ca-Mưu-Ni Phật. (3 lượt)
Tự quy ư Phật, đương nguyện chúng-sinh, thể-giải đại-đạo, phát vô-thượng tâm.
Tự quy ư Pháp, đương nguyện chúng-sinh, thâm-nhập Kinh-tạng, trí-tuệ như hải.
Tự quy ư Tăng, đương nguyện chúng-sinh, thống-lý đại-chúng, nhất-thiết vô ngại.
Hòa-nam Thánh-chúng.
Nguyện dĩ thử công-đức,
Phổ cập ư nhất-thiết,
Ngã đẳng dữ chúng-sinh,
Giai cộng thành Phật-đạo.

IV.- TƯỞNG NIỆM KHI ĂN CƠM
Nam-mô Bản-Sư Thích-Ca Mưu-Ni Phật (3 lượt)
- Nguyện đoạn các điều ác,
- Nguyện tu các điều thiện.
- Nguyện: tu được thiện-căn, hồi-hướng chúng-sinh đồng thành Phật-đạo.

V.- NHỮNG KỲ ĂN CHAY
- Tam nguyệt trai: Mỗi năm ăn chay 3 tháng: tháng giêng, tháng năm, và tháng chín.
- Thập trai: Mỗi tháng ăn chay 10 ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu kể từ ngày 27).
- Lục trai: Mỗi tháng ăn chay 6 ngày: Mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu kể từ ngày 28).
- Tứ trai: Mỗi tháng ăn chay 4 ngày: Mồng 1, 14, 15, 30 (tháng thiếu kể ngày 29).
- Nhị trai: Mỗi tháng ăn chay 2 ngày: Mồng 1 và 15.

NHỮNG NGÀY KỶ-NIỆM
Tháng giêng
Ngày mồng 1: Đức Phật Di-Lặc.
Tháng hai
Ngày mồng 8: Đức Phật Thích-Ca xuất-gia.
Ngày mồng 15: Đức Phật Thích-Ca viên-tịch.
Ngày mồng 19: Đức Quán-Thế-Âm Bồ-tát.
Ngày mồng 21: Đức Phổ-Hiền Bồ-tát.
Tháng ba
Ngày mồng 16: Đức Chuẩn-Đề Bồ-tát.
Tháng tư
Ngày mồng 4: Đức Văn-Thù Bồ-tát.
Ngày mồng 8: Đức Thích-Ca giáng-sinh.
Tháng sáu
Ngày mồng 19: Đức Quán-Thế-Âm Bồ-tát.
Tháng bảy
Ngày mồng 13: Đức Đại-Thế-Chí Bồ-tát.
Ngày mồng 15: Vu-lan-bồn.
Ngày mồng 30: Đức Địa-Tạng Bồ-tát.
Tháng chín
Ngày mồng 19: Đức Quán-Thế-Âm Bồ-tát
Ngày mồng 30: Đức Phật Dược-Sư.
Tháng mười một
Ngày mồng 17: Đức Phật A-Di-Đà.
Tháng chạp
Ngày mồng 8: Đức Thích-Ca thành-đạo.[/size][/align]

 
HẾT

 
===================
CHÚ GIẢI


[1] Học-thuyết: Lời nói đầy-đủ sự-lý trong học-thuật, có chủ-trương.
[2] Giáo-lý: Đạo-lý của Phật nói ra, để dạy răn chúng-sinh.
[3] Giác-ngộ: Hiểu biết chân-lý. Bậc giác-ngộ là chỉ vào Phật.
[4] Kết-tinh: Gom góp những thứ tản-mác lại thành một thứ có khuôn-khổ, hệ-thống…
[5] Mục-đích: Cái chủ-đích nhằm để đạt tới.
[6] Huân-tập: Hun-đúc, xông-ướp, tập nhiễm dần dần.
[7] Hành-trì: Gắng làm và gìn-giữ.
[8] Đồng-thể Tam-bảo: 3 ngôi báu cùng một thể-tính, cùng một tướng-trạng.
[9] Pháp-tính: Xem bài 40 ở sau.
[10] Thể-tính: bản-chất, tính-tình sẵn có.
[11] Biệt-thể Tam-bảo: 3 ngôi báu có những thể-tính riêng biệt.
[12] Chân-thực Tam-bảo: 3 ngôi báu đồng có thể-tính chân-thực.
[13] Xuất-thế Tam-bảo: 3 ngôi báu vượt ra ngoài thế-giới sinh diệt.
[14] Xem bài 45 ở sau.
[15] Xem bài 15, 25 và 27 ở sau.
[16] Trụ-trì Tam-bảo: 3 ngôi báu thường an-trụ ở đời để giữ-gìn chính-pháp.
[17] Xem bài 41 ở sau.
[18] Đối-quán: Đối-chiếu và quán-sát.
[19] Thù-thắng: Trội hơn hết.
[20] Tính-tướng: “Tính” là tự-thể, “tướng” là tướng-mạo.
[21] Duy-trì: Giữ gìn.
[22] Quan trai: Nghĩa là những pháp này cấm-đóng (quan) các tội không cho phạm.
[23] Thụ-trì: Lĩnh-thụ và duy-trì.
[24] 3 nghiệp: Nghiệp thân, nghiệp khẩu và nghiệp ý.
[25] Vô-lậu: Xem bài 36 ở sau.
[26] Tâm-điền: Tâm như mảnh ruộng.
[27] An-lạc: Tức là nước Cực-lạc, nơi đức Phật A-Di-Đà.
[28] Xem bài 34 ở sau.
[29] Xem bài 34 ở sau.
[30] Xem bài 34 ở sau.
[31] Giao-cảm: Cảm-ứng lẫn nhau.
[32] Phật-tính: Cái tính giác-ngộ sẵn có, không thay đổi.
[33] Tiêu-chuẩn: Cái nêu và cái thước để làm chừng mực.
[34] Biểu-tượng: Hình bóng lộ ra bề ngoài.
[35] Đối-trị: Đối-đãi và điều-trị.
[36] Biểu-thị: Tiêu-biểu, tỏ bày.
[37] Tôn-vị: Ngôi của các vị đáng tôn-kính.
[38] Quả-vị: Ngôi thứ trong sự chứng-ngộ.
[39] Bồ-đề: (Boddhi) có nghĩa là “giác”.
[40] Pháp-môn: Các pháp của Phật nói ra làm pháp-tắc cho thế-gian, pháp-tắc ấy là cửa ngõ của các bậc Thánh đi thông vào giác-đạo. Pháp-môn là giáo-pháp của Phật.
[41] Phật tử tại-gia: tức là Ưu-bà-tắc (Oupasaka: Tàu dịch là Cận-sự-nam, nghĩa là người đàn-ông thân-cận, phụng-sự Tam-bảo), Ưu-bà-di (Oupasika: Tàu dịch là Cận-sự-nữ, nghĩa là người đàn-bà thân-cận phụng-sự Tam-bảo) thụ ngũ giới.
[42] Sa-di (Sràmanera: Tàu dịch là “Tức-từ”, nghĩa là bỏ ác, làm lành) thụ 10 giới.
[43] Thức-soa-ma-na (Siksamànà): Tàu dịch là “Học-pháp-nữ”, nghĩa là người phụ-nữ đi tu, trước đã thụ 10 giới, nay lại học thêm 6 pháp-giới: không dâm-dục, trộm cắp, sát sinh, nói dối, ăn phi thì, uống rượu.
[44] Tỳ-khưu: (Bhiksu: Tàu dịch là “Khất-sĩ ”, nghĩa là người cầu xin pháp của Phật và xin ăn nơi quần-chúng) thụ 250 giới.
[45] Tỳ-khưu-ni (Bhiksuni): “Ni ” là chỉ phái nữ đi tu. Tỳ-khưu-ni thụ 350 giới.
[46] Bồ-tát: (Bodhisattva: Tàu dịch là “Giác-hữu-tình”, nghĩa là giác-ngộ chúng-sinh) thụ 10 giới trọng, 48 giới khinh. Bồ-tát-giới Phật-tử tại-gia cũng thụ được.
[47] Hình-thành: Kết-hợp thành hình-tướng.
[48] Xem bài 33 ở sau.
[49] Thanh-văn: Tiếng Phạm gọi là Xá-la-bà-ca (Sràvaka). Thanh-văn là hàng đệ-tử trong pháp Tiểu-thừa của Phật, nghe giáo-lý nơi tiếng nói của Phật, ngộ lý tứ-đế (khổ, tập, diệt, đạo) dứt được kiến-hoặc, tư-hoặc chứng nhập Niết-bàn gọi là “Thanh-văn”.
[50] Vật-thể: Thể-chất của sự-vật.
[51] Duyên-giác: Xưa gọi là Bích-Chi-Phật, nay gọi là Bát-thích-ế-già-Phật-đà (Pratyekabuddha) và xưa dịch là Duyên-giác, nay dịch là Độc-giác:
- Duyên-giác có nghĩa là: 1/ Quán 12 nhân-duyên, đoạn hoặc, chứng lý. 2/ Nhân thấy ngoại-duyên như hoa rơi, lá rụng mà tự giác-ngộ lẽ vô-thường, đoạn hoặc, chứng lý.
- Độc-giác có nghĩa là trong đời không có Phật, do mầm mống của nhân trước, hoặc quán 12 nhân-duyên, hoặc quán hoa rơi, lá rụng mà tự giác-ngộ.
[52] Bồ-tát (Boddhisattva): Gọi đủ là Bồ-đề-tát-đóa, Tàu dịch là “Giác hữu tình”. Nghĩa là những vị phát đại-tâm, vì chúng-sinh cầu đạo vô-thượng và luôn luôn giác-ngộ cho chúng-sinh thành vô-thượng đạo. Những vị có hạnh-nguyện sâu-xa gọi là “Đại-bồ-tát”.
[53] Pháp-lợi: Sự lợi-ích do giáo-pháp đem lại.
[54] Yếu-tố: Nguyên-chất để cấu-thành vật-thể.
[55] Xem bài 45 ở sau.
[56] A-la-hán (Arahat): Tàu dịch là “Bất sinh, Vô sinh” nghĩa là quả-báo trong một đời diệt tận, được vào Niết-bàn mãi mãi, không phải tái-sinh trong 3 cõi.
Thập-tín: 1/ Tín-tâm. 2/ Tinh-tiến-tâm. 3/ Niệm-tâm. 4/ Định-tâm. 5/ Tuệ-tâm. 6/ Thí-tâm. 7/ Giới-tâm. 8/ Hộ-tâm. 9/ Nguyện-tâm. 10/ Hồi-hướng-tâm. Mười bậc này đều lấy đức “Tín” làm gốc, cho nên gọi là “Thập-tín”.
[57] Thập-trụ: 1/ Phát-tâm-trụ. 2/ Trị-địa-trụ. 3/ Tu-hành-trụ. 4/ Sinh-quý-trụ. 5/ Phương-tiện-trụ. 6/ Chính-tâm-trụ. 7/ Bất-thoái-trụ. 8/ Đồng-chân-trụ. 9/ Pháp-vương-tử-trụ. 10/ Quán-đỉnh-trụ. Mười bậc này đều gọi là “Trụ”, nghĩa là chỗ ở của các vị Bồ-tát an-trụ tâm, đối với sự tu-hành về lục-độ chưa được rốt-ráo mầu-nhiệm, cho nên chỉ gọi là “Trụ”.
[58] Thập-hạnh: 1/ Hoan-hỷ-hạnh. 2/ Nhiêu-ích-hạnh. 3/ Vô-khuể-hạnh. 4/ Vô-tận-hạnh. 5/ Ly-si-loạn-hạnh. 6/ Thiện-hiện-hạnh. 7/ Vô-trước-hạnh. 8/ Tôn-trọng-hạnh. 9/ Thiện-pháp-hạnh. 10/ Chân-thực-hạnh. Mười bậc này chú-trọng tu-hành về pháp lục-độ hơn các hạnh tu khác, cho nên gọi là “Hạnh”.
[59] Thập-hồi-hướng: 1/ Cứu-hộ chúng-sinh, ly chúng-sinh-tướng hồi-hướng (cứu giúp chúng-sinh mà không chấp-trước về sự cứu giúp). 2/ Bất hoại hồi-hướng (không bao giờ thoái lui lòng cứu giúp chúng-sinh). 3/ Đẳng chư Phật hồi-hướng (lòng từ-bi cứu giúp chúng-sinh đã bằng chư Phật. 4/ Chí nhất thiết xứ hồi-hướng (lòng cứu giúp chúng-sinh mỗi việc đều chu-đáo). 5/ Vô-tận công-đức-tạng hồi-hướng (tích-chứa công-đức vô-tận). 6/ Tùy thuận nhất thiết kiên-cố thiện-căn hồi-hướng (thuận theo hết thảy căn lành bền-chặt). 7/ Đẳng tâm tùy thuận nhất thiết chúng-sinh hồi-hướng (đem tâm bình-đẳng tùy thuận hết thảy chúng-sinh) 8/ Như-tướng hồi-hướng (làm các công-đức đều hồi-hướng về tự-tính chân-như). 9/ Vô trước vô phược giải-thoát hồi-hướng (không chấp-trước, không ràng-buộc, một lòng giải-thoát). 10/ Pháp-giới vô lượng hồi-hướng (hồi-hướng về vô lượng pháp-giới). Mười bậc này đều gọi là “Hồi-hướng”, vì những sự tu-hành của các vị Bồ-tát về bậc ấy, đều đem công-đức mà hồi-hướng.
[60] Thập-địa: 1/ Hoan-hỷ-địa. 2/ Ly khổ địa. 3/ Phát-quang-địa. 4/ Diệm-tuệ-địa. 5/ Nan-thắng-địa. 6/ Hiện-tiền-địa. 7/ Viễn-hành-địa. 8/ Bất-động-địa. 9/ Thiện-tuệ-địa. 10/ Pháp-vân-địa. Mười bậc này đều gọi là “Địa”, vì thâu tóm các công-đức hữu-vi và vô-vi dùng làm tự-tính, cùng làm chỗ nương-tựa chắc-chắn hơn cả cho sự tu-hành, khiến hay sinh-tưởng, cho nên gọi là “Địa”.
[61] Khóa lễ này, phần lễ-tán theo nghi-thức của Tổng-Hội P.G.V.N.
[62] Bốn loại: Loài sinh trứng, loài sinh con, loài sinh nơi ẩm-thấp và loài hóa-sinh
[63] Ba kỳ: Tức 3 A-tăng-kỳ kiếp, nghĩa là 3 vô số kiếp.
[64] Kinh Bát đại-nhân-giác là cuốn kinh số 779 trong Đại-tạng-kinh, do ngài An-Thế-Cao dịch chữ Phạm ra chữ Hán. Kinh này dịch-giả xuất-bản đầu năm 1957, nay có sửa lại đôi chút theo lối 4 chữ cho dễ tụng. “Bát đại-nhân-giác” nghĩa là 8 điều giác-ngộ của bậc Đại-nhân.
[65] Đại-nhân: Là chỉ vào chư Phật, Bồ-Tát.
[66] Bốn-đại: Đất, nước, gió, lửa.
[67] Năm ấm vô ngã: Sắc, thụ, tưởng, hành thức là 5 thứ ngăn che chân-tính. 5 thứ này tạo-thành sự-vật nhưng, đều là giả-hợp, không có gì là cái ta có tự-chủ, vĩnh-viễn.
[68] Bốn ma: Phiền-não-ma, ngũ-ấm-ma, tử-ma và thiên-ma.
[69] Ấm, Giới: Tức là 5 ấm và 18 giới (6 căn, 6 trần, 6 thức).
[70] Năm dục: 5 thứ dục-vọng là của-cải, sắc-đẹp, tiếng-tăm, ăn uống và ngủ-nghỉ. Còn gọi là sắc, thanh, hương, vị, xúc.
[71] Y, bát, pháp-khí: Tức là 3 áo Ca-sa, bình-bát cùng các vật-dụng hợp-pháp của các vị Sa-môn.
[72] Kinh này là cuốn kinh số 251, trong Đại-tạng-kinh, do ngài Huyền-Trang đời Đường dịch chữ Phạm ra chữ Hán. Bát-nhã ba-la-mật-đa (Prajnà-Pàramità): Có nghĩa là dùng Trí-tuệ vượt qua bể sinh tử đến bờ Niết-bàn.
[73] Quán-tự-tại Bồ-tát: Tức là Bồ-tát Quán-Thế-Âm.
[74] Năm uẩn: Tức 5 ấm: sắc, thụ, tưởng, hành, thức.
[75] Đây là lục (6) căn.
[76] Đây là lục (6) trần.
[77] Đây nói tắt về 18 giới, tức là 6 căn, 6 trần và 6 thức.
[78] Đây nói tắt 12 nhân-duyên là: Vô-minh, Hành, Thức, Danh-sắc, Lục-nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh. Lão (già)-tử (chết).
[79] Đây nói về Tứ-đế (4 sự thực): Mọi thứ đau-khổ (khổ), Nguyên-nhân của khổ (Tập), Diệt khổ được vui (Diệt), Tu theo, đường chính (Đạo).
[80] Bài Thần-chú này có nghĩa là: “Qua đi, qua đi. Tích-cực qua đi đến bờ kia. Mọi người đều tích-cực đi qua đến bờ kia. Sự giác-ngộ viên-thành nhanh-chóng!”
[81] Về phần niệm danh-hiệu này, các Phật-tử có thể chuyển niệm danh-hiệu đức A-Di-Đà, Quán-Âm, Thế-Chí, Thanh-tịnh đại-hải-chúng cũng được.
1 Bản kinh này của Hội Việt-Nam Phật-giáo.
Kinh này có thể tụng liền sau kinh Bát Đại-Nhân-Giác, hoặc nay tụng Kinh này, mai tụng kinh kia cũng được.
2 6 Đường: Trời, người, A-tu-la, địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh.
3 Lạc-thổ: Tức là nước Cực-lạc, nơi đức Phật A-Di-Đà hiện đang thuyết pháp.
4 Tứ-chúng: 4 chúng đệ-tử của Phật là Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.

 

PHẦN 1, PHẦN 2, PHẦN 3
 

Tác giả bài viết: HT. Thích Tâm Châu

Nguồn tin: www.quangduc.com