Tu tập tâm và hạnh nguyện trong sự phát triển bền vững của PGVN

Đăng lúc: Thứ năm - 23/11/2017 00:55 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII: Tu tập tâm và hạnh nguyện trong sự phát triển bền vững của PGVN
Phật giáo ra đời dựa trên sự giác ngộ, giải thoát của đức Phật. Phật giáo truyền đi khắp năm châu, trong đó có Việt Nam, dựa trên hạnh nguyện độ sanh của chư Tổ, tiền bối giác ngộ và dấn thân. Có một sự thật là hạnh nguyện hay sự dấn thân luôn được nuôi dưỡng bởi sự giác ngộ và giác ngộ là thành quả của nhiệt tâm, tinh cần với pháp hành (tu tập tâm). 
 
Không có người giác ngộ, người hạnh nguyện thật khó tìm. Người giác ngộ và hạnh nguyện không có, Phật giáo Việt Nam sẽ không hơn không kém một tập hợp những cá nhân chỉ nương tựa, núp bóng và tồn tại nhờ niềm tin Tần đạo của chúng sinh như nhận định của Trương Hán Siêu trong văn bia chùa Khai Nghiêm(1).
 
1. Vấn đề tu tập tâm (Pháp hành)
 
Khi đức Phật còn tại thế, Ngài hết lòng khích lệ chư đệ tử: “Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh giác, bất luận ngày và đêm, ý vui tu thiền định(2)”. Đệ tử Phật, trong mọi thời đại, tại gia hay xuất gia, tu tập tâm luôn là xương sống cho ngôn ngữ, hành động và ý nghĩ trong đời. Người phật tử không chỉ dừng lại ở “không làm các việc ác; nguyện làm các điều lành”, mà luôn ý thức đi tới “giữ tâm ý thanh tịnh(3)”. Bởi tâm ý là nguồn cội của hành động. “Ý dẫn đầu các pháp(4)”. 
 
Nếu tâm ý không được tu tập, không có pháp hành để an tịnh, những hành động thực thi có thể được nguỵ trang dưới những vỏ bọc rất lành. Phật giáo, ngay buổi ban đầu, thực sự chỉ là một phong trào của những người đi tìm giải thoát và chia sẻ sự giải thoát. Đức Phật chưa bao giờ nói mình là giáo chủ. Ngài cũng không hề thành lập một tổ chức tôn giáo. Ngài chỉ là người thầy dẫn dắt tăng đoàn theo mô hình thế giới phẳng, hướng dẫn mọi người bằng lòng từ ái và trí tuệ giác ngộ của Ngài. 
 
Các thế hệ Tổ sư đi sau cũng đi theo con đường đó. Không có bất cứ một quyền lực hành chính hay tôn giáo nào trên con đường phát triển Phật giáo cả. Nhưng thật kỳ diệu, vì không quyền lực nên có quyền lực vô cùng. Đạo Phật đã có mặt khắp nơi, nhất là ở phương Tây ngày nay, không bằng một viên đạn, một nguồn tài chính hay một quyền lực thế tục nào. Đạo Phật đi thẳng vào khối óc và trái tim con người bằng lòng từ ái, trí tuệ giác ngộ đã được chuyển hoá nhờ tu tập tâm của những người xuất gia và tại gia theo Phật.
 
Từ góc nhìn tu tập tâm, bao gồm Thiền, Tịnh và Mật, một số tu sĩ ngày nay dường như chưa thật sự nghiêm túc thực hành. Các chùa gần giống một trung tâm dịch vụ tín ngưỡng hơn là một đạo tràng tu tập tâm, giúp chuyển hoá khổ đau của tự thân và nhân loại. Người phật tử đến chùa không còn cơ hội học giáo pháp để tu tập tâm và chuyển hoá tự thân, mà chỉ cầu xin và tín mộ. Từ đó, người đại diện ở những ngôi chùa ấy biến dần từ đại diện cho người giác ngộ và hạnh nguyện sang đại diện cho quyền lực siêu nhiên của Thần giáo và truyền bá Thần giáo vì lợi ích thế tục. 
 
Phật giáo lúc này, ở những nơi đó, đã biến thành Thần giáo. Sự phát triển ở những ngôi chùa như thế nhìn thấy có vẻ rất tốt đẹp, nhưng bên trong nó là sự phát triển của một khối u không lành. Vấn đề đặt ra: Tại sao lại có khủng hoảng pháp hành trong các chùa Phật và trong đời sống người tu sĩ? Giáo dục và chọn người đại diện, có thể trả lời. Giáo dục chưa thật sự chú trọng đến tu tập tâm. 
 
Phần lớn sinh viên các trường Phật học học như một học giả và nhà quản trị tôn giáo. Nội dung tu tập tâm không được xem như là một chuẩn mực để tốt nghiệp. Hệ quả, tâm không được tu tập, nên một người đại diện Phật giáo chỉ khác chút với người thế tục ở hình thức, nội tâm vẫn nguyên vẹn tham dục, sân hận và khổ đau, thậm chí còn hoang tưởng và tự phụ vì được tín đồ tôn kính (có thể chỉ là hình thức) là thầy. 
 
Một đại diện Phật giáo với nội tâm không được tu tập, người ấy có thể sẽ đưa chính mình và phật tử vào con đường Thần giáo, mê tín và bị các dục lôi kéo vào các mục tiêu đời. Kết quả có thể nhìn thấy: Người theo Phật giáo lâu năm mất niềm tin, người mới sẽ không sinh trưởng niềm tin nữa, Phật giáo sẽ tự chuyển hoá thành Thần giáo và phát triển theo chiều hướng lai ghép, làm cạn dần cội nguồn trí tuệ giác ngộ của Phật giáo và biến thể Phật giáo thành một phương tiện để có lợi ích thế tục cho một nhóm đặc quyền.
 
2. Vấn đề hạnh nguyện
 
Phật giáo, mặc dù ban đầu chỉ là một phong trào đi tìm giải thoát, nhưng qua thời gian và những vùng miền khác nhau, đã phát triển thành một hệ thống tôn giáo có tổ chức. Một khi đã là tôn giáo có tổ chức, tất nhiên không thể không tham gia vào các mặt của đời sống số đông, từ đó, nội dung Phật giáo không còn thuần tuý: “Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh giác, bất luận ngày và đêm, ý vui tu thiền định” nữa. Đệ tử Gotama lúc này có thể là một nhà hoạt động từ thiện, một học giả, một nhà văn hoá, giáo dục, thậm chí là một cố vấn chính trị. 
 
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức tôn giáo được công nhận và có luật pháp bảo vệ tại Việt Nam. Dù muốn hay không, khi đã là tổ chức tôn giáo, tất yếu phải bước chân khỏi khung trời tâm linh thuần tuý để nhập thế. Các nhà sư (đại diện tôn giáo) bắt đầu tham gia vào các hoạt động xã hội như văn hoá, tín ngưỡng, từ thiện, y tế, giáo dục, âm nhạc, hội hoạ, chính trị… như là một hạnh nguyện. Và rồi từ hạnh nguyện đi đến nguỵ biện rất gần nếu không có một mức độ nào đó thành tựu trên con đường tu tập tâm. Những hướng dẫn về “nhân duyên” của đức Phật, hay những phát biểu về “tuỳ duyên” của Tổ sư, có thể được người ta nguỵ biện và mang ra làm lá chắn cho mình.
 
Hạnh nguyện là một phần của đời sống giác ngộ, là những tốt đẹp xuất phát từ trái tim từ ái và có trí tuệ của người con Phật. Hạnh nguyện sẽ làm cho đạo và đời kết nối, mang đạo vào đời, làm đẹp đời và mở cho đời một cánh cửa đi vào gia tài giác ngộ của Đạo. Nhưng nếu hạnh nguyện không dựa trên thành tựu tu tập tâm, hạnh nguyện sẽ làm biến dạng Phật giáo. Các hiện tượng bói toán, hầu đồng trong các chùa Phật giáo, có sự tham gia của các nhà sư đại diện Phật giáo, là một minh chứng biến dạng hạnh nguyện.Tình trạng nhân danh phật sự vi phạm luật pháp xã hội ở một số tăng, ni. Đó là điều chúng ta không khỏi ưu tư cho Phật giáo.
 
 
ĐĐ.Thích Chúc Tiếp - Phó BTS GHPGVN tỉnh Thái Nguyên  
3. Bài học lịch sử
 
Năm 1396, Hồ Quý Ly xuống chiếu sa thải tăng nhân dưới 50 tuổi và bắt phải thi cử khi muốn làm sư(5). Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1429), Lê Thái Tổ sau khi lên ngôi, ra lệnh cho tất cả các tăng sĩ Phật giáo phải trình diện để khảo thí, ai không thi đậu thì bắt buộc phải hoàn tục(6). Đây là hai bài học lịch sử Việt Nam mà hiện tại chúng ta cần nghiêm túc tự hỏi để có bài học cho việc phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hiện tại và mai sau. 
 
Phật giáo Việt Nam dưới thời Lý và Trần được xem như là quốc giáo. Sự đóng góp cho đất nước và con người Việt Nam của Phật giáo trong giai đoạn đó là không thể phủ nhận. Nhưng tại sao sau nhà Trần, Phật giáo Việt Nam lại bị Hồ Quý Ly và cả Lê Thái Tổ đưa vào lịch trình cải cách văn hoá xã hội của nước nhà mạnh như thế? 
 
Khi đặt lại vấn đề như trên trong bối cảnh bùng nổ truyền thông mạng xã hội và sự phồn thịnh vật chất của thời đại, liên hệ đến việc chưa nghiêm túc ý thức việc tu tập tâm và hiện tượng xa hoa, phạm pháp được công luận lưu ý của tăng, ni gần đây, người có trọng trách Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ rất ưu tư nếu nghiêm túc và chân thành.
 
4. Giải pháp bền vững
 
Không có một giải pháp bền vững nào hơn là tu tập tâm. Đức Phật dạy rõ: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ kheo, lại khó sử dụng như tâm không được tu tập. Tâm không được tu tập thì khó sử dụng. Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ kheo, lại dễ sử dụng như tâm được tu tập. Tâm được tu tập thì dễ sử dụng. Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ kheo, lại đưa đến bất lợi lớn như tâm không được tu tập. Tâm không được tu tập đưa đến bất lợi lớn. 
 
Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ kheo, lại đưa đến lợi ích lớn như tâm được tu tập. Tâm được tu tập đưa đến lợi ích lớn. Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ kheo, đem lại khổ đau như tâm không được tu tập. Tâm không được tu tập, không được làm cho sung mãn, đem lại khổ đau. Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ kheo, đem lại an lạc như tâm được tu tập. Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, đem lại an lạc.”(7) 
 
Một khi tăng, ni có tu tập tâm, họ có thể tự nhiếp phục tham ưu của chính mình, thành tựu tâm an lạc trong kiếp sống. Những hành vi của họ, từ ngôn ngữ đến ý nghĩ, đều có từ ái và hiểu biết, làm cho người có duyên tiếp xúc hay cộng tác hoan hỷ và sinh tâm quy ngưỡng. Riêng đối với những người đã quy y Tam bảo, một khi được học đạo và tu tập dưới sự dẫn dắt của vị thầy có tu tập tâm, họ có thể tự mình hoá giải được khổ đau của chính mình và còn có thể mang những gì mình học và thực hành được ra chia sẻ với gia đình, người thân và bạn hữu. 
 
Phật giáo lúc bấy giờ có thể sẽ như hương ngược gió, lan toả trong từng cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Hơn nữa, những tăng, ni đại diện Phật giáo Việt Nam (trụ trì) có tu tập tâm, hạnh nguyện mà họ làm sẽ đẹp vô cùng. Là nhà giáo dục, văn hoá, âm nhạc, hội hoạ, từ thiện, cố vấn chính trị hay là thiền sư đều đẹp. Lịch sử Phật giáo Việt Nam trong quá khứ đã từng có những nhà sư cố vấn chính trị lỗi lạc như Khuông Việt, Vạn Hạnh và Đỗ Pháp Thuận. 
 
Lịch sử Phật giáo Việt Nam trong hiện tại cũng có không ít những người xuất gia và tại gia có phẩm chất lớn, tài năng lớn và hạnh nguyện lớn như Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Đức Nhuận, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Thanh Từ, Hòa thượng Thanh Tứ, Hòa thượng Phổ Tuệ, Cư sĩ Thiều Chửu, Cư sĩ Lê Đình Tám, Cư sĩ Đoàn Trung Còn, Cư sĩ Võ Đình Cường, Cư sĩ Mai Thọ Truyền… 
 
Nếu Phật giáo Việt Nam hôm nay và ngày mai có nhiều những vị xuất gia và tại gia như trên, Phật giáo Việt Nam không còn ngại chi trên con đường đi tới sự phát triển bền vững! Tất nhiên, phải thông qua giáo dục để đào tạo những con người như thế và thông qua sự chọn lựa (thọ giới và bổ nhiệm trụ trì) để có những cá nhân đủ phẩm chất đại diện cho Phật giáo Việt Nam.
 
a. Về giáo dục
 
Ngoài học những chương trình có nội dung Phật học, triết học, tôn giáo, văn chương, lịch sử, chính trị, quản trị, luật pháp và ngôn ngữ như hiện có, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần kết hợp với các trường Phật học yêu cầu mọi sinh viên tăng, ni phải hoàn tất một chương trình tu tập tâm nhất định (một chứng chỉ) để đủ điều kiện tốt nghiệp. Chương trình tu tập tâm phải được hướng dẫn và thực hành dưới sự giám sát của những bậc thầy có thành tựu tu tập tâm được công nhận. 
 
Không phân biệt là Thiền hay Tịnh. Nếu là Tịnh, thì đến tu tập để nhận chứng chỉ từ một viện tu tập chuyên môn như chùa Hoằng Pháp hay chùa Vạn Đức. Trường hợp Thiền, nếu Thiền tông thì đến thiền viện Thường Chiếu hay Trúc Lâm tu tập tâm; nếu là Minh Sát thì có thể đến thiền viện Phước Sơn. Cũng có thể đến các thiền viện Phật giáo có uy tín của các nước bên ngoài Việt Nam để tu tập tâm và nhận chứng chỉ. Tất nhiên, Giáo hội và các trường Phật học xây dựng hay chỉ định những trung tâm chuyên tu tập tâm, có các bậc thầy chuyên tu tập tâm thường trú, để tăng, ni sinh đến tu tập tâm thì viên mãn hơn rất nhiều.
 
b. Về chọn người đại diện
 
Mọi chúng sanh đều có khả năng thành Phật, nên mọi chúng sanh đều có thể tu tập. Nhưng đại diện cho Phật giáo phải là những chúng sanh có một phẩm chất nhất định để có thể nối đèn giác ngộ và dẫn dắt Phật đồ. Trong giới Luật Phật giáo từ nghìn xưa cũng đã đề xuất việc người xuất gia và thọ giới (cả sa-di và tỳ-kheo) phải thoả những điều kiện cơ bản nhất định. 
 
Ngày nay, với khối lượng tri thức quá lớn của nhân loại, cộng thêm các vấn đề xã hội và tôn giáo phức tạp hơn xưa nhiều, nên việc một nhà sư xuất gia và thọ giới cần phải thêm rất nhiều điều kiện. Riêng người đại diện cho tổ chức Phật giáo Việt Nam như trụ trì và đảm nhiệm các trọng trách của Giáo hội (từ địa phương đến trung ương) cần phải được tuyển chọn khắt khe, dựa trên những tiêu chuẩn được thống nhất cao của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiêu chuẩn không chỉ dựa trên phẩm hạnh mà còn phải dựa trên tài năng. Tất nhiên tu tập tâm vẫn là cốt lõi của việc chọn người.
 
5. Thấy và đi tới
 
Sự suy tàn của Phật giáo không bắt nguồn từ thế lực bên ngoài. Phật giáo đã có nhận thức rất rõ rằng: “Như trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử, chớ chẳng phải trùng ở ngoài đến ăn. Cũng thế, các phật tử tự hủy phá Phật pháp, không phải ngoại đạo hay tiên ma phá được(8)”. Vấn đề phát triển bền vững Phật giáo Việt Nam nằm chính ở tăng, ni Việt Nam. Tăng, ni có tu tập tâm, có hạnh nguyện lớn, cho dù trong hoàn cảnh nào, Phật giáo cũng có thể phát triển được. 
 
Giáo dục là con đường tốt nhất để có được những tăng, ni có đủ phẩm chất, đáp ứng nhu cầu của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới, nhất là giai đoạn cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Phật giáo, từ nghìn xưa, phát triển nhờ bám rễ trên đất tâm được tu tập. Các bậc thầy trong quá khứ cũng như hiện tại của Việt Nam làm được nhiều điều tốt đẹp cho tự thân, đạo pháp và xã hội đều là những người có tu tập tâm và hạnh nguyện đẹp. Đứng trước một thời đại đề cao trí tuệ và toàn cầu hoá này, việc chọn người đại diện Phật giáo cũng vô cùng quan trọng.
 
Con người thời đại không còn tiếp nhận tri thức một chiều nữa, kể cả những huấn thị tôn giáo. Một người mà có thể làm thầy người khác trong thời đại này đã là không đơn giản. Một tăng hay ni mà có thể đại diện đạo pháp, dẫn dắt chúng sinh càng khó hơn rất nhiều lần. Phật giáo Việt Nam không nên tự phụ, thụ hưởng những thành quả để lại của người đi trước mà không tự hỏi lại mình để thấy và đi tới. 
 
Phật tử có tâm và những thiện hữu có trí đã thấy từ lâu hiện trạng suy đồi đạo hạnh của phần lớn tăng, ni đại diện Phật giáo. Nhưng may thay vẫn còn nhiều vị tôn đức tăng, ni có phẩm chất để giữ lại niềm tin đạo của số đông. Đã đến lúc Phật giáo Việt Nam cần tự thân cách mạng, nếu muốn phát triển bền vững. Đã đến lúc chư tôn đức tăng, ni có trọng trách Giáo hội, từ trung ương đến địa phương, cần nghiêm túc nhìn mình và nhìn tương lai Phật giáo nước nhà. Nhìn để thấy và hết lòng đi tới, vì mình, vì trách nhiệm mình đã nhận và vì tiền đồ Phật giáo Việt Nam.
 
ĐĐ.Thích Chúc Tiếp - Phó BTS GHPGVN tỉnh Thái Nguyên
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 
-------------
Chú thích 
 
(1) 像教由設,乃浮屠氏度人方便。蓋欲使愚而無知,迷而悟者,即此以為回向白業地。乃其 徒人之狡獪者,殊失苦空本意,務占名園佳境,以金碧其居,龍象其眾. (Thượng giáo đặt ra là để đạo Phật dùng làm phương tiện tế độ chúng sinh; chính vì muốn khiến cho những kẻ ngu mà không giác ngộ, mê mà không tỉnh lấy đó làm nơi trở về với thiện nghiệp. Thế nhưng những kẻ giảo hoạt trong giới sư sãi lại bỏ mất cái bản ý “khổ, không” của đạo Phật mà chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự dát vàng nạm ngọc cho chỗ ở của mình rực rỡ, tô điểm cho môn đồ của mình lộng lẫy như voi rồng.)
(2) Pháp Cứu 301
(3) Pháp Cứu 183
(4) Pháp Cứu 1
(5) Cải cách Phật giáo của Hồ Quý Ly, Trần Văn Cương, Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 03/2015.
(6) Đại Việt sử ký toàn thư (Teo Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang).
(7) AN 1:iii (Tăng chi bộ, Hoà thượng Minh Châu dịch).
(8) Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Hòa thượng Trí Tịnh dịch.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 377
  • Khách viếng thăm: 372
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 113533
  • Tháng hiện tại: 1907408
  • Tổng lượt truy cập: 87712011
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012