Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ VIII: Khẳng định vai trò và tầm nhìn?

Đăng lúc: Thứ tư - 13/12/2017 08:26 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VIII vừa khép lại cách đây không lâu. Vẫn như cũ, với phương châm "Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội", Giáo hội này xác định mục tiêu cần phải đi theo phương châm này như thế nào trước những thách thức chung của thời đại, đồng thời sự vận hành song hành của "đạo pháp" và "chủ nghĩa xã hội" có cùng một ý nghĩa là thực thể mang tính chủ thể của thời đại và dân tộc hay không?

 
Ý thức rõ như vậy thì "đạo pháp" và thời đại "chủ nghĩa xã hội" không phải một điều gì mà người ta cho rằng không thể tương quan, bởi cho dù là thực thể chính trị nào, đối với Phật giáo cũng chỉ mang tính tuỳ duyên, thích ứng.
 
Mặt khác, Giáo hội thành lập theo mô hình quản lý mang tính thế tục với đầy đủ chức danh, cơ sở, chế tài..., hẳn nhiên giáo luật chỉ là yếu tố bổ trợ bên cạnh sự chi phối lớn hơn của định chế pháp luật, cụ thể là luật tôn giáo. Bất kỳ tôn giáo nào ở quốc gia nào cũng phải vận hành theo luật, tác động để xây dựng và điều chỉnh luật cho ngày một hoàn thiện.
 
Giáo hội như vậy không còn là một tổ chức tôn giáo thuần tuý, bởi suy cho cùng sự hiện diện mang tính tổ chức của bất kỳ tôn giáo nào vốn ít nhiều đã không "thuần tuý". Giáo quyền và thế quyền dù có được kết hợp một cách tự nhiên hay miễn cưỡng cũng không làm thay đổi bản chất vốn nhằm tạo ra một thế lực xã hội có toan tính về lợi ích và phương pháp khuếch trương, cũng như thống trị về mặt xã hội và tinh thần của con người.
 
Vậy thì việc xác lập đúng tư cách pháp nhân, pháp lý cần phải được khẳng định cụ thể hơn nữa, đó là truyền thống kế thừa của một giáo hội hàng nghìn năm, có tính lịch sử và thời đại: "hộ quốc an dân".
 
Hộ quốc là bảo vệ tất cả những giá trị mà các chủ thể thời đại xây dựng lên, có ý nghĩa tương quan gắn liền với sinh mệnh và lợi ích cốt lõi của một dân tộc. An dân là làm yên lòng người, cố kết lòng người để sống một cuộc sống thanh bình, an lạc.
 
Với vai trò ấy, hẳn nhiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, vốn có tư cách lịch sử lớn hơn ý nghĩa của một "hội đoàn" mà lâu nay vốn chỉ được hiểu một cách máy móc là nằm trong "Mặt trận Tổ quốc".
 
Từ trong quá khứ, khi nhà nước phong kiến cắt đặt bộ máy tăng quan, thì đó cũng là khởi sự của bộ máy hoạt động mang tính thế tục, khác với truyền thống Phật chế. Từ đó, bên cạnh ý thức truyền bá giáo lý là ý thức chính trị của một tôn giáo có khả năng bàn bạc những vấn đề quân quốc quan trọng của triều đình. Thực tế lịch sử cho thấy, thời đại nào Phật giáo đánh mất vai trò này thì Phật giáo bị đẩy xuống hàng thứ yếu, bị xem là "yếm thế", sa đà vào cầu cúng dị đoan.
 
Cho đến nay, người ta vẫn không khó nhìn ra sự "lỏng lẻo" và thiếu nhất quán của Giáo hội Phật giáo trên phương diện thừa hành giáo quyền, cũng như ý thức chính trị, bởi tính "nửa tăng đoàn, nửa hội thế tục" của nó. Mâu thuẫn của Giáo hội, trước nhất là mâu thuẫn của chính bản thân nó, hơn là việc người ta sử dụng nó như một công cụ.
 
Vậy câu hỏi cần phải nghiêm túc đặt ra là Giáo hội Phật giáo Việt Nam giữ vai trò gì trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam? 
 
Nếu chủ động tích cực tham gia vào tổ chức này hay buộc phải chịu sự chi phối của tổ chức này, thì Giáo hội cũng cần phải làm rõ vai trò của mình trên tinh thần phản biện, giám sát trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức này, chứ hiển nhiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chỉ đơn thuần là một "hội" có tính công cụ như hội phụ nữ, hội nông dân, hội sinh vật kiểng...
 
Tính chính danh này cho phép Giáo hội tham gia vào mặt trận như một chủ thể tạo ra giá trị giám sát và phản biện trên tinh thần tôn giáo truyền thống của mình: hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc.
 
Như vậy sự đổi mới cần dựa trên giá trị "nhập thế tích cực" mà Giáo hội này thừa hưởng từ lịch sử. Đồng thời với nhận thức chung "đồng hành cùng dân tộc", không ai có thể phủ nhận vai trò vị trí "đại diện" này, phù hợp với phản ánh "tôn giáo là một thực thể lâu dài của lịch sử". 
 
Đứng trước những thách thức của tự nhiên và xã hội, Phật giáo cần nói lên tiếng nói của mình cho một xã hội giàu đẹp, công bằng và dân chủ hơn.
 
Muốn Giáo hội này phát huy tinh thần "hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc", nhà nước điều chỉnh bằng luật, không can thiệp sâu vào nội bộ, đồng thời tạo điều kiện cho Giáo hội này chủ động tham gia tích cực hơn nữa trong các vấn đề quốc kế dân sinh. Một giáo hội được dung dưỡng phình to về cơ sở vật chất, thiếu cơ chế minh bạch tiền công đức, thân cận giới giàu sang, xa rời những vấn đề nóng hổi của xã hội thì nó là gánh nặng cho nhân dân chứ không phải phúc đức cho dân tộc này.
 
Do đó, những tiêu chí để xây dựng giáo hội phải ngày một hoàn thiện từ hình thức đến nội dung vận hành.
 
Khẩu hiệu "Trí tuệ - kỷ luật - hội nhập - phát triển" của Đại hội nhiệm kỳ VIII (2017-2022) phản ánh đúng những diễn biến vừa có tính chất nội bộ vừa có tính chất hướng mình ra bên ngoài. Những kỳ vọng về một sự chuyển mình lịch sử của Giáo hội cần một nhận thức bao quát hơn đó chính là khởi động cuộc vận động thống nhất Giáo hội, để Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực sự là nơi quy tụ của tất cả các truyền thống tông môn chứ không phải Phật giáo của 2 Giáo hội chia rẽ vừa chính thống vừa không chính thống như hiện nay. Bởi một khi những biến động chính trị xã hội thay đổi thì Giáo hội cũng thay đổi, thậm chí biến mất để từ đó hình thành một Giáo hội phù hợp hơn.
 
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự cho mình là đại diện cho tăng ni Phật tử Việt Nam phải có sứ mệnh hàn gắn vết thương chia rẽ của 2 Giáo hội như hiện nay. Đó mới là trí tuệ thực sự của Phật giáo Việt Nam. Không đoàn kết và lớn mạnh từ bên trong thì hội nhập và phát triển chỉ là những mỹ từ to tát, không nhìn ra được những thách thức sống còn của Phật giáo trong lòng dân tộc.
 
Bên cạnh đó, cần phải xác định và đề ra những chiến lược quan trọng của Phật giáo trong các lĩnh vực hoằng pháp, giáo dục, văn hoá, truyền thông...
 
Tăng cường khả năng dự báo những thay đổi trong đời sống xã hội để hoạch định chiến lược phát triển cho các ban ngành quan trọng này. 
 
5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm... Giáo hội đã làm được những gì căn bản trong các mục tiêu chiến lược hàng đầu ấy, chứ không chỉ là những báo cáo thống kê thành tích kiểu diện tích, số trường, số học viên, xây chùa giống nhau, mặc y phục giống nhau, số tiền làm từ thiện...
 
Xác định như vậy thì sẽ xây dựng hoạt động có trọng điểm, tránh hội thảo hội nghị tràn lan tốn kém mà không thiết thực với hiện trạng xã hội.
 
Ví dụ: trọng điểm của ngành hoằng pháp là thanh thiếu niên, trí thức, công nhân đô thị và đồng bào dân tộc thiểu số; Giáo dục là mở rộng hệ thống giáo dục ở các cấp học: mầm non, tiểu học, trung học và đại học (trong chính sách xã hội hoá giáo dục của nhà nước); Văn hoá là xây dựng lối sống văn hoá Phật giáo trong việc cưới hỏi, tang ma, phong tục sinh hoạt thường nhật,  thờ cúng (đề cao những giá trị thẩm mỹ, tâm linh thuần Việt), giao tiếp xã hội chuẩn mực thuần hòa, thống nhất các hình thức thể hiện trong lễ hội hay sinh hoạt hành chính của Giáo hội...
 
Giáo hội phải tập trung trí tuệ dự báo được xu hướng tôn giáo và các tôn giáo mới, thách thức cải đạo, tạo cơ chế thuận lợi cho tăng ni Phật tử dấn thân vào vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Trên cơ sở cụ thể của từng ban ngành, Giáo hội giao cho các ban ngành xây dựng đề án và lập ra các bước thực hiện để cân bằng khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu giữa các vùng như hiện nay (có nơi xây chùa to nghìn tỷ có nơi không có nổi một niệm Phật đường lợp tôn).
 
Có thể nói, bỏ qua cách điều hành và những thể hiện thiếu chuyên nghiệp, kiểu "cây nhà lá vườn" tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhìn vào chương trình hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022, với 9 đề mục lớn, người ta có quyền hy vọng vào một sự đổi mới toàn diện, mang nhiều dấu ấn và quyết tâm của những nhân sự trẻ.
 
Chiếc áo khoác có vừa cơ thể hay không không nằm ở số lượng thành viên Hội đồng Trị sự không ngừng tăng lên sau mỗi kỳ Đại hội mà nằm ở những Phật sự kia được thực hiện hiệu quả đến đâu, để lại sinh khí và dấu ấn gì sau mỗi nhiệm kỳ. 
 
Hy vọng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận thức sâu xa sứ mệnh tồn tại của mình, cũng là kế thừa tính chính danh và lòng tự trọng lịch sử của Đạo Phật trên quê hương Việt Nam.

 
Thích Thanh Thắng
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 410
  • Khách viếng thăm: 406
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 95525
  • Tháng hiện tại: 1889400
  • Tổng lượt truy cập: 87694003
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012