Bản chất của tình yêu

Đăng lúc: Thứ bảy - 26/12/2015 07:56 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Bản chất của tình yêu giới tính là sự vướng mắc, chấp thủ và chiếm hữu. Sở dĩ chúng ta muốn chiếm hữu người khác, vì chúng ta đang có nhu cầu để khỏa lấp sự cô đơn trống vắng trong tâm hồn.

Vua Ba Tư Nặc rất tôn kính đức Phật như một bậc Thầy tâm linh, như vị cố vấn về sự phát triển giáo dục và những giá trị về đạo đức trong cuộc sống, cho nên ông thường đến với đức Phật.

Những năm tháng đầu ông còn e ngại, vì lúc đó Như Lai Thế Tôn được xem là Bậc Đại giác, ở độ tuổi 35 – 36, bằng tuổi ông.

Ông nghĩ rằng trong truyền thống tâm linh của Bà La Môn giáo có nhiều bậc trưởng thượng cao hơn nữa, nếu có sự lựa chọn, ông sẽ chọn những bậc trưởng thượng chứ không đến những bậc trẻ trung. Vì người trẻ có thể không đảm bảo chất liệu tâm linh, tuệ giác và lòng từ bi, hay chỉ đơn thuần là tiến trình hội tụ thu thập kiến thức sách vở từ những người đi trước, về truyền bá kiến thức mà thôi. Sự dè dặt đó làm cho ông có một khoảng cách nhất định nào đó với Như Lai Thế Tôn.

Vua Ba Tư Nặc có hoàng hậu rất dễ thương là Manika (Mạc Lợi). Hai người rất tâm đầu, ý hợp. Có lần vua và hoàng hậu tâm sự với nhau sau những giờ căng thẳng trong triều chính. Vua hỏi hoàng hậu rằng: Trên cuộc đời này, ái khanh thương yêu ai nhất? (Dĩ nhiên khi đặt ra câu hỏi đó nhà vua chỉ muốn nhận câu trả lời là em thương chàng nhiều nhất).

Hoàng hậu trả lời:

- Nếu bệ hạ không bắt tội và cho phép thần thiếp trả lời đúng sự thật, thì thần thiếp mới dám nói.

Ta cho phép – Vua nói. Và câu trả lời của hoàng hậu là: “Thiếp yêu thiếp nhiều nhất”, đã làm vua choáng váng!

Vua nghĩ, có biết bao cung phi, mỹ nữ ta không màng đến, ta chỉ chọn có nàng, thế mà nàng nói không thương ta bằng thương chính nàng, thì còn gì bạc bẽo cho bằng. Ông đau khổ, nhưng không muốn trách nhiệm đau khổ này. Ông nghĩ ngược lại, đây là cách thức mà người tình của mình nói quanh co, để ông năn nỉ, mà thiết lập tình thương và hiểu biết lẫn nhau, không dựa theo cách thức vua, tôi mà với tính cách của hai người đối diện với trái tim thương yêu, thổn thức.

Ông nói: Ái khanh hãy nói lại lần thứ hai. Hoàng hậu vẫn nói y hệt như vậy. Ông yêu cầu lập lại lần thứ ba, hoàng hậu vẫn trả lời chính xác như vậy.

Bà nói rằng, chính Đại vương cũng yêu Đại vương nhất đó thôi! Giả sử, nếu Đại vương thấy thần thiếp tư tình với một võ tướng nào khác, có phải ngài sẽ đem thần thiếp và tên võ tướng đó ra chém đầu không? Chính vì mình quá yêu tự ngã của mình nên không muốn ai tranh giành chiếm đoạt. Thần thiếp cũng vậy. Vì muốn mình được sủng ái, nên phải làm mọi cách để vừa lòng ngài thôi. Nếu Đại vương không tin vào tấm lòng của thần thiếp, thì chúng ta hãy đến gặp Như Lai Thế Tôn, Ngài là bậc tuệ giác có thể hiểu được tất cả về tâm lý, Tha tâm thông, biết được dòng cảm xúc của Đại vương, biết được dòng cảm xúc của thần thiếp, Ngài sẽ cho chúng ta lời khuyên rất thích đáng.

Gặp đức Phật, Mạc Lợi đã đặt lại câu hỏi “Khi con thương một người nào đó, chẳng hạn như Đại vương Ba Tư Nặc thì có phải là con thương chính con nhiều nhất hay không?”

Như Lai Thế Tôn nói: “Đúng thật như vậy”.

Lúc đó, vua càng ngạc nhiên không hiểu tại sao đức Phật lại đồng tình với người mình thương như vậy. Vua suy nghĩ, với cách gợi ý của đức Phật, bỗng dưng ông cảm nhận ra điều bản chất của tình yêu giới tính là sự vướng mắc, chấp thủ và chiếm hữu. Sở dĩ chúng ta muốn chiếm hữu người khác, vì chúng ta đang có nhu cầu để khỏa lấp sự cô đơn trống vắng trong tâm hồn.

Cũng vậy, chúng ta hãy quan sát đám ma, người quá cố là một bà mẹ, có tình thương bao la đồng đều với những người con, gia tài sự nghiệp, lại ra đi trong tuổi lẽ ra bà phải được hưởng thụ sự chăm sóc hiếu thảo của con cái. Những đứa con khóc gào thét, kể lể đủ cách thức khác nhau. Nếu chúng ta lắng nghe những lời gào thét đó, thỉnh thoảng bắt gặp những câu như thế này: “Mẹ ơi, mẹ ra đi bỏ con cho ai, mẹ đi rồi con sẽ sống ra sao? Rõ ràng những lời than khóc đó không hề tiếc nuối sự ra đi của người mẹ.

Nếu người con nghĩ rằng khi mẹ ra đi, giá trị của mẹ không còn nữa, con tiếc nuối lắm thì còn có ý nghĩa là người con hiếu thảo. Đằng này lại nói “Mẹ ra đi rồi con sống với ai” có nghĩa là con cô đơn quá nên con không muốn mẹ ra đi, mẹ có mặt thì con được chăm sóc, mẹ có mặt thì có mọi thứ trong gia đình này, có người nâng khăn sửa túi mà con không phải lo gì cả, mẹ có mặt thì con được hạnh phúc...

Như vậy là mình thương sự cô đơn của mình chứ mình không thương người mẹ. Ngay trong cái chết, sự thương yêu của con người vẫn nằm ở trục xoay của bản ngã, xung quanh những giá trị mình đang có. Nếu ai đến với tình yêu vì bản ngã, thì sau khi người bạn của mình qua đời, cũng sẽ tái giá. Vì họ cần sự chăm sóc chứ không phải cần tâm hồn yêu thương, nên khi người đó không còn, họ sẽ thay thế người thứ hai, thứ ba... chỉ để thoả mãn thôi. Ai cũng thương bản thân mình nhiều nhất, khi tình thương của người yêu mình rót vào không đủ thì sẽ chia tay.

Hiểu như vậy để chúng ta không đi vào trạng thái bế tắc, và để cho sự chấp mắc trong tình yêu. Cho nên thương một người mà muốn họ có được tuổi thọ về tình yêu bền bỉ với mình, trăm năm răng long, tóc bạc thì chúng ta hãy đến với tình yêu bằng ngôn ngữ của lý trí và sự cảm thông.

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 428
  • Khách viếng thăm: 364
  • Máy chủ tìm kiếm: 64
  • Hôm nay: 104012
  • Tháng hiện tại: 2859425
  • Tổng lượt truy cập: 91750998
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012