Vai trò của người nữ trong kinh Hoa Nghiêm

Đăng lúc: Thứ sáu - 21/10/2016 14:59 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Vai trò của người nữ trong kinh Hoa Nghiêm

Vai trò của người nữ trong kinh Hoa Nghiêm

Khi phát tâm tu hành và thâm nhập đời sống phạm hạnh, trí tuệ theo Phật, tất cả những người phụ nữ trong kinh Hoa Nghiêm đều tiêu biểu cho những hành giả trang nghiêm thân tâm bằng thánh tài vô tận, trí sáng vô cùng, uy đức cao tột và đạo lực siêu tuyệt.
Trong đời sống hiện đại, người phụ nữ đang nắm giữ nhiều vai trò quan trọng trong các lĩnh vực không thua kém gì nam giới, đó là việc bình thường. Nhưng ở thời kỳ đức Phật tại thế, mọi sinh hoạt của xã hội Ấn Độ đặt nặng trên sự phân chia giai cấp, trong đó phụ nữ chẳng có một vai trò gì đáng kể, còn bị xem nhẹ. 
 
Trong bối cảnh xã hội Ấn Độ như vậy, đức Phật đã thực hiện một cuộc đổi mới làm chấn động mọi người, nhất là hàng vua chúa và giới trưởng giả bấy giờ. Thật vậy, đức Phật đã cho phép những người bị xã hội Ấn xếp vào thành phần giai cấp thấp nhất được xuất gia, chính thức trở thành Tăng sĩ của giáo đoàn. 
 
Trong khi cuộc sống của họ lúc chưa xuất gia phải gánh chịu sự đối xử kỳ thị rất khắc nghiệt đến mức độ nếu họ lỡ dẫm lên cái bóng của giai cấp quý tộc thì cũng đủ bị chết chém. Vậy mà các vua chúa, trưởng giả khi cúng dường, đảnh lễ Phật, họ cũng phải cung kính cúng dường chúng Tăng.
 
Riêng đối với phụ nữ, đức Phật đã cho phép họ xuất gia, đứng hàng thứ nhì trong bốn chúng của Ngài, tức chỉ sau chư Tăng. Không phải chỉ những người thuộc giai cấp cao trong xã hội cảm thấy "sốc”, mà ngay cả chúng Tăng lúc ấy cũng không mấy hài lòng trước quyết định của đức Phật khi Ngài xếp đặt cho phụ nữ "vai trò đúng như họ xứng đáng được”. Có thể khẳng định rằng với uy đức vô lượng, đức Phật thành công nhẹ nhàng trong việc thay đổi nếp nghĩ, nếp sống muôn đời của dân chúng Ấn Độ theo chiều hướng đúng đắn, tốt đẹp. Và quả tình, thực tế đã cho thấy quyết định của đức Phật hoàn toàn sáng suốt. Những người xuất thân từ giai cấp thấp nhất của xã hội Ấn cũng như những người phụ nữ khi phát tâm tu hành dưới sự giáo dưỡng của Phật, đấng phước trí vô lượng, thì tất cả những người này cũng lần lượt dự vào dòng Thánh, đắc quả A la hán, xứng đáng cho trời người cung kính, cúng dường.
 
Nói về công đức tu hành của Ni giới, trong kinh điển Nguyên thủy có ghi rõ cuộc đời của nhiều vị Thánh Ni. Ở đây, chúng tôi xin nói đến kinh điển Đại thừa, đặc biệt là trong kinh Hoa Nghiêm đã đề cao hình ảnh những người phụ nữ có chí hướng thượng, trải qua quá trình phát huy tâm linh, đã đắc đạo, đắc quả. Người phụ nữ mà kinh Hoa Nghiêm phác họa, hiện hữu dưới nhiều hình thức và vai trò khác nhau. Có người là cư sĩ như Hưu Xã hay Cụ Túc Ưu bà di, Bất Động Ưu bà di; có người đóng vai trẻ thơ như Từ Hạnh đồng nữ, cũng có người thuộc giới xuất gia như Tỳ kheo Ni Sư Tử Tần Thân, thậm chí có người xuất thân từ thành phần bất hạnh nhất là Bà Tu Mật Đa và cho đến hình ảnh cao quý nhất được mọi người tôn thờ là Bồ tát Quán Tự Tại. Dù thuộc thành phần nào trong xã hội.
 
1

Nhưng khi phát tâm tu hành và thâm nhập đời sống phạm hạnh, trí tuệ theo Phật, tất cả những người phụ nữ trong kinh Hoa Nghiêm đều tiêu biểu cho những hành giả trang nghiêm thân tâm bằng thánh tài vô tận, trí sáng vô cùng, uy đức cao tột và đạo lực siêu tuyệt. Nơi họ, những đức tính dở, xấu, thấp kém của người đời nói chung và của phụ nữ nói riêng, hoàn toàn vắng bóng; chỉ có những đức tính và những việc làm đáng kính, đáng quý, đáng phục, đáng noi theo luôn tỏa sáng ở hàng nữ lưu trong thế giới Hoa Nghiêm.
 
Trên bước đường cầu đạo, sau khi tham vấn các vị Tỳ kheo Đức Vân, Hải Vân, Thiện Trụ, Hải Tràng và các nam cư sĩ như Di Già, trưởng giả Giải Thoát, v.v… Thiện Tài tìm đến Hưu Xã Ưu bà di để cầu học. Đây là hình ảnh người phụ nữ đầu tiên mà Đức Phật đề ra trong kinh Hoa Nghiêm nhằm phá bỏ quan niệm cố chấp về giới tính ăn sâu trong nếp sống của mọi người. Quả là một cuộc thay đổi mạnh mẽ trong một xã hội trọng nam khinh nữ, không bao giờ người đàn ông lại lắng tai nghe phụ nữ chỉ dạy. Nhưng Đức Phật đã đưa ra cái nhìn đúng đắn rằng không thể nghĩ tất cả phụ nữ là xấu. Tất nhiên, cũng như nam giới, trong nữ giới có người xấu người tốt. Đề cao nữ giới, hoặc xem thường họ, cả hai quan niệm này đều sai lầm.
 
Tâm hồn của Hưu Xã Ưu bà di không âm mưu, thủ đoạn, buồn khổ giống như đa số phụ nữ; chỉ có sự thanh thản, cao quý tỏa sáng nơi tâm nên bà mới có tên Hưu Xã, nghĩa là rũ bỏ tất cả ý tưởng đen tối. Hưu Xã cho biết bà đã phát tâm Bồ đề từ thời Phật Nhiên Đăng và đã thành tựu đại hạnh của Bồ tát. Đặc biệt bà sở đắc pháp tên "Ly ưu an ổn tràng”, nghĩa là đã lìa xa tham vọng, không có ý khống chế người khác, không cố chấp, không ưu phiền, sống thanh thản, tự tại, giải thoát, an lạc, tạo thành quang cảnh nơi bà sống rất thanh cao. Tâm thuần khiết như thế đã ảnh hưởng đến những ai trông thấy, hoặc thân cận với bà đều phát tâm Bồ đề, không bao giờ thoái chuyển và cũng được an trụ giải thoát.
 
Người nữ kế tiếp mà Thiện Tài tham vấn là Từ Hạnh đồng nữ. Kinh Hoa Nghiêm đề cao hình ảnh một cô bé, nhưng được mọi người kính trọng, vì đã tích lũy được phước đức và trí tuệ từ nhiều đời quá khứ. Đặc biệt là lòng từ bi của Bồ tát Từ Hạnh đã thể hiện thành hảo tướng, thành đền đài cung điện và việc làm giúp đỡ mọi người thoát khỏi cuộc sống khổ đau, được an vui.
 
Ngoài ra, trong hàng nữ lưu mà kinh Hoa Nghiêm đề cập, nổi bật nhất là hình ảnh của Bồ tát Quán Tự Tại. Hay nói đúng hơn, thân phụ nữ là một trong 32 ứng hiện thân của Bồ tát Quan Âm. Ngài chứng được trí Bát Nhã, thấu tỏ thật tướng của các pháp; vì thế, mọi việc trên cuộc đời này không thể làm chướng ngại việc cứu khổ độ sanh của ngài. Từ tâm chơn như, Bồ tát Quán Tự Tại phát tâm đại từ bi, lắng nghe tiếng khóc than, cầu cứu của tất cả chúng sanh, nên ngài có thêm một tôn danh khác nữa là Bồ tát Quan Thế Âm và đó cũng chính là nguyên nhân mà đức Quan Âm thường hiện hữu ở cõi Ta bà. Ngài là vị Bồ tát được nhân loại khắp năm châu bốn biển quy ngưỡng, tôn thờ, kính lễ. Nhìn thấy tôn tượng của Bồ tát Quan Âm ở khắp mọi nơi, chúng ta cảm nhận được công hạnh và quả đức của ngài liên quan mật thiết đến chúng ta như thế nào.
 
Quán Tự Tại là tên diễn tả sự tu chứng của ngài và tên Quan Thế Âm để chỉ cho việc làm của Bồ tát. Ngài tu nhân theo kinh Hoa Nghiêm, được tự tại đối với tất cả các pháp và khởi tâm đại bi trước khổ nạn của chúng sanh; cho nên ngài thường xuất hiện qua 32 ứng hiện thân để cứu khổ độ sanh theo tinh thần Phổ Môn của kinh Pháp Hoa.
 
Có thể hiểu 32 ứng hiện thân thể hiện quyền năng diệu dụng của Bồ tát Quan Âm, nói theo ngày nay là năng lực đa dạng của Bồ tát. 32 ứng hiện thân, hay 32 hoàn cảnh tiêu biểu cho tất cả mọi tình huống khó khăn nhất, Quan Âm đều có khả năng giải quyết tốt đẹp. Thật vậy, khi cần hiện thân Phật tiêu biểu cho người có năng lực cao tột về mọi mặt, Bồ tát Quan Âm thừa sức làm. Không những hiện thân Phật, Duyên giác, Thanh văn, tức đủ năng lực siêu tuyệt của hàng tam Thánh, Bồ tát Quan Âm còn có thể làm những việc của Trời Đại Phạm Thiên vương, tức những việc khó khăn vượt hơn sức người. Và đối trước mưu cầu hạnh phúc trong đời thường của con người, như mong muốn có con trai hay con gái, Quan Âm Bồ tát cũng đáp ứng được cho họ. Ngài cũng có đủ sức mạnh, đủ tài trí, đủ thế lực để che chở, cứu giúp mọi người thoát khỏi bảy tai nạn thường đe dọa mạng sống của họ, như bị nước cuốn trôi, bị hỏa hoạn, bị oán tặc bao vây, bị gông cùm xiềng xích… Thậm chí trước những đối tượng hung ác hại người, Bồ tát Quan Âm cũng có thừa dũng lực khiến chúng phải nể sợ, khuất phục qua ứng hiện thân Tiêu Diện Đại sĩ. Ngoài việc cứu giúp chúng sanh ở Ta bà, Bồ tát Quan Âm còn có năng lực siêu việt để trợ hóa đức Phật Di Đà ở Tây phương Tịnh độ.
 
Năng lực hành đạo của Bồ tát Quan Âm hoàn toàn tự tại ở hai thế giới tịnh uế trái ngược như thế, thì vấn đề giới tính nam hay nữ không quan trọng gì cả. Nói cách khác, vai trò nào Bồ tát cũng làm được trọn vẹn tốt đẹp, thì hiện thân phụ nữ của Quan Âm cũng là hạnh nguyện của ngài để khơi dậy cho số đông phụ nữ trên cuộc đời này đừng tự ti mặc cảm với nếp nghĩ là mình thuộc phái yếu, không thể làm được việc lớn. Bồ tát Quan Âm nhắc nhở nữ giới hay mọi người nói chung, ý thức được năng lực siêu nhiên tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta, nếu chúng ta biết ứng dụng tinh ba Phật dạy trong cuộc sống. Tất nhiên là con đường đi đến thành quả như Đức Quan Âm là lộ trình mà kinh Pháp Hoa gọi là năm trăm do tuần đường hiểm sanh tử phải vượt qua, không đơn giản.
 
Có thể khẳng định rằng hình ảnh Bồ tát Quan Thế Âm dưới dạng ứng hiện thân phụ nữ nói lên đỉnh cao của năng lực đa dạng và toàn mỹ, một khi đạt đến trí tuệ toàn giác và sử dụng được sự hiểu biết trọn vẹn để hành sử thích ứng trong mọi tình huống của cuộc sống, giải trừ mọi tai ách và mang lại hạnh phúc, an lạc cho mọi người. Bậc nữ lưu thành tựu được những việc làm siêu tuyệt của bậc đại trí, đại từ bi, đại hạnh như Bồ tát Quan Thế Âm là biểu tượng cho cả loài người tôn thờ, là niềm mơ ước của tất cả hành giả đang tiến bước trên lộ trình tự giác, giác tha, chứ không riêng gì hàng nữ giới noi gương theo.
Sưu tầm 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 418
  • Khách viếng thăm: 415
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 96217
  • Tháng hiện tại: 1890092
  • Tổng lượt truy cập: 87694695
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012