Biết huyễn thuật nhưng không sống theo huyễn thuật

Đăng lúc: Thứ hai - 09/10/2017 05:27 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Những lời Phật dạy cho Thôn trưởng Pàtaliya xác nhận rất rõ tư cách giác ngộ của bậc Đạo sư, một người đã chứng nghiệm đầy đủ mọi lẽ thực hư, phải trái, tốt xấu trên cuộc đời, thấy rõ nguyên nhân và hậu quả của chúng, thể hiện nếp sống chơn chánh của bậc Giác ngộ, nỗ lực chỉ bày và khuyến khích mọi người thực thi chánh hạnh, theo đuổi lối sống rời bỏ mọi việc sai trái xấu ác, chấp trì mọi điều chân chánh hiền thiện.

 
Sự việc Đức Thế Tôn mở rộng vòng tay thu nhận các tín đồ ngoại đạo theo về với giáo pháp giác ngộ của Ngài, đặc biệt là sau sự kiện hai vị tín đồ danh giá của giáo chủ Kỳ-na giáo, gia chủ Upàli và tướng quân Sìha, xin quy ngưỡng Tam bảo, đã làm dấy lên một làn sóng dư luận không hay đối với bậc Giác ngộ. Người ta gán cho Ngài là một huyễn thuật sư, biết được huyễn thuật lôi cuốn các đệ tử ngoại đạo (1). Tuy nhiên, bên cạnh một số người nhẹ dạ cả tin, những người hiểu biết luôn luôn có thái độ cân nhắc thận trọng. Trường hợp Thôn trưởng Pàtaliya là một trong số những người có thái độ khá thận trọng như vậy.
 
Nghi ngờ lời đồn đại của quần chúng nói rằng Sa-môn Gotama biết huyễn thuật, Thôn trưởng Pàtaliya đến tham vấn Đức Phật về vấn đề này. Sau khi được Đức Thế Tôn xác nhận Ngài biết huyễn thuật, Thôn trưởng Pàtaliya đi đến nhận xét rằng Sa- môn Gotama là người sống theo huyễn thuật. Đức Phật dạy cho Pàtaliya rằng biết huyễn thuật và sống theo huyễn thuật là hai sự việc hoàn toàn khác nhau. Một người biết rõ điều sai trái xấu ác mà không có từ bỏ, vẫn sống làm điều sai trái xấu ác ấy thì đúng là người biết huyễn thuật và sống theo huyễn thuật. Nhưng nếu một người biết rõ điều sai trái xấu ác và từ bỏ nó, không sống với điều sai trái xấu ác ấy thì đấy chính là người biết huyễn thuật nhưng không sống theo huyễn thuật. Câu chuyện vấn đàm như sau:

Rồi thôn trưởng Pàtaliya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, thôn trưởng Pàtaliya bạch Thế Tôn:
 
– Con được nghe rằng, bạch Thế Tôn, Sa-môn Gotama biết huyễn thuật. Bạch Thế Tôn, những ai nói rằng Sa-môn Gotama biết huyễn thuật; những người ấy, bạch Thế Tôn, có nói đúng với lời Thế Tôn hay không? Họ không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, họ trả lời đúng pháp, tùy pháp? Và những ai nói lời tương ứng đúng pháp thời không có lý do gì để chỉ trích. Bạch Thế Tôn, chúng con không muốn chống báng Thế Tôn.
 
– Những ai nói rằng, này Thôn trưởng, Sa- môn Gotama biết huyễn thuật, những người ấy nói đúng lời nói của Ta. Họ không xuyên tạc Ta với điều không thật. Họ nói lời đúng pháp, tùy pháp. Và những ai nói lời tương ứng đúng pháp thời không có lý do gì để chỉ trích.
 
– Như vậy là đúng sự thật, bạch Thế Tôn, tuy rằng con không tin các vị Sa-môn, Bà-La-Môn ấy, nói rằng Sa-môn Gotama biết huyễn thuật. Như vậy, bạch Thế Tôn, cuối cùng Sa-môn Gotama là người sống theo huyễn thuật.
 
– Ai nói rằng: “Như Lai biết huyễn thuật”, người ấy có nói rằng Như Lai là người sống theo huyễn thuật, nói rằng như vậy là Thế Tôn, như vậy là Thiện Thệ? Vậy này Thôn trưởng, về vấn đề này Ta sẽ hỏi Ông. Nếu có thể kham nhẫn, Ông có thể trả lời.
 
– Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có biết, này Thôn trưởng, các người làm thuê của dân chúng Kosala có búi tóc thòng xuống?
 
– Con có biết, bạch Thế Tôn, các người làm thuê của dân chúng Kosala có búi tóc thòng xuống.
 
– Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Dùng vào mục đích gì mà những người làm thuê của dân chúng Kosala có búi tóc thòng xuống?
 
– Những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala được dùng để chế ngự các người ăn trộm và để mang đi các tin tức cho dân chúng Kosala. Được dùng vào mục đích ấy, bạch Thế Tôn, là những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala.
 
– Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có biết những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là những người trì giới hay là những người ác giới?
 
– Con được biết, bạch Thế Tôn, những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là những người ác giới, theo ác pháp. Nếu có những người theo ác giới, theo ác pháp ở đời, chính là những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala, không có ai khác.
 
– Này Thôn trưởng, nếu có ai nói rằng: “Thôn trưởng Pàlaliya biết được các người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là người ác giới, theo ác pháp, thời thôn trưởng Pàtaliya cũng là người theo ác giới, theo ác pháp”, người nói như vậy có nói một cách chân chánh không?
 
– Thưa không, bạch Thế Tôn. Những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của các dân chúng Kosala là khác. Còn con là khác. Tự tánh của những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là khác. Tự tánh của con là khác.
 
– Này Thôn trưởng, Ông sẽ được tiếng như sau: “Thôn trưởng Pataliya biết rằng, các người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là những người ác giới, theo ác pháp. Nhưng thôn trưởng Pataliya không phải là người có ác giới, theo ác pháp”. Như vậy, tại sao Như Lai lại không được tiếng rằng Như Lai là người biết huyễn thuật, nhưng Như Lai không phải là người sống theo huyễn thuật?
 
Này Thôn trưởng, Ta rõ biết huyễn thuật và quả dị thục của huyễn thuật. Và Ta cũng rõ biết thực hành như thế nào mà một người làm huyễn thuật, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ta rõ biết như vậy.
 
Này Thôn trưởng, Ta rõ biết sát sanh và quả dị thục của sát sanh. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người sát sanh, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
 
Này Thôn trưởng, Ta rõ biết lấy của không cho và quả dị thục của lấy của không cho. Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người lấy của không cho, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
 
Này Thôn trưởng, Ta rõ biết sự sống tà hạnh trong các dục và quả dị thục của sự sống theo tà hạnh trong các dục. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người sống tà hạnh trong các dục, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
 
Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói láo và quả dị thục của nói láo. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói láo, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
 
Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói hai lưỡi và quả dị thục của nói hai lưỡi. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói hai lưỡi sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
 
Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói lời độc ác và quả dị thục của nói lời độc ác. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói lời độc ác, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
 
Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói lời phù phiếm và quả dị thục của nói lời phù phiếm. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói lời phù phiếm, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
 
Này Thôn trưởng, Ta rõ biết lòng tham dục và quả dị thục của lòng tham dục. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người có lòng tham dục, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
 
Này Thôn trưởng, Ta rõ biết lòng sân hận và quả dị thục của lòng sân hận. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người có lòng sân hận, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, đọa ngục.
 
Này Thôn trưởng, Ta rõ biết tà kiến và quả dị thục của tà kiến. Và Ta cũng rõ biết một người có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục” (2).
 
Những lời Phật dạy cho Thôn trưởng Pàtaliya xác nhận rất rõ tư cách giác ngộ của bậc Đạo sư, một người đã chứng nghiệm đầy đủ mọi lẽ thực hư, phải trái, tốt xấu trên cuộc đời, thấy rõ nguyên nhân và hậu quả của chúng, thể hiện nếp sống chơn chánh của bậc Giác ngộ, nỗ lực chỉ bày và khuyến khích mọi người thực thi chánh hạnh, theo đuổi lối sống rời bỏ mọi việc sai trái xấu ác, chấp trì mọi điều chân chánh hiền thiện. Phật biết rõ huyễn thuật nhưng không sống theo huyễn thuật vì Phật hiểu rõ hậu quả tai hại của việc sử dụng huyễn thuật. Nó là trò giả dối, gian trá, không thực, con đẻ của ý đồ dối gạt tinh vi, cốt yếu đánh lừa hay làm mê hoặc người khác vì động cơ tư lợi. Nó là việc làm sai trái xấu ác, con đẻ của dục vọng và vô minh, được vận dụng nhằm lôi kéo và chi phối những người nhẹ dạ cả tin, có tâm tư thiên nặng về tham dục. Nhưng Phật thì không còn dục vọng và vô minh, và những gì Phật làm chính là giúp cho mọi người nhận rõ và thoát khỏi sự chi phối khổ đau của lòng tham dục và si mê.
 
Phật xác nhận Ngài nói pháp giác ngộ cho người thấy (passato), người biết (jànato); không phải cho người không thấy (apassato), không biết (ajànato) (3), nghĩa là những gì Phật nói chính là để đánh thức trí tuệ trong mỗi người, giúp cho mọi người tự nhận diện và bước đi trên con đường giác ngộ an lạc bằng nghị lực sáng suốt của chính mình. Phật không khuyến khích một đức tin thiếu óc suy tư thẩm sát và thiếu trí tuệ dẫn dắt. Trong cách nói của mình, Phật dùng cụm từ “Ehipassiko” với dụng nghĩa kêu gọi mọi người đến để tự mình thấy rõ đạo lý trong sáng lợi lạc của Ngài. Nói khác đi, Phật biết rõ huyễn thuật là pháp bất thiện, trò gian dối, một loại ác hạnh đưa đến quả báo khổ đau, khổ cho mình và khổ cho người; do đó Phật không sống theo huyễn thuật, không dùng huyễn thuật để dẫn dắt và lôi kéo người khác đi theo ý đồ của mình. Ngài xác nhận: “Này các Anuruddha, Như Lai (thuyết pháp) không vì mục đích lường gạt quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích lợi lộc, trọng vọng, danh xưng, quyền lợi vật chất, không vì với ý nghĩ: Như vậy quần chúng sẽ biết Ta” (4).

Nói chính xác hơn, Phật không làm gì khác ngoài công việc chuyển mê khai ngộ, nêu rõ mọi mê lầm khổ đau giữa cuộc đời và chỉ bày cho mọi người cách thức đi ra khỏi mê lầm khổ đau (5).
 
Quả thật như thế, chính cách thái chân chánh sáng suốt mà bậc Giác ngộ thể hiện trên cuộc đời đã khiến cho những người từng chống đối Ngài trở nên bừng tỉnh và kính phục tư cách giác ngộ của Ngài. Sau lần đối thoái với đấng Giác ngộ và xin quy y Tam bảo, vị cựu tín đồ Kỳ-na giáo, tướng quân Sìha, càng cảm kích Đức Phật với lời khuyên: “Này Sìha, hãy chín chắn suy tư; chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như Ông” (6).

Gia chủ Upàli, một cựu tín đồ Kỳ-nao giáo khác, thì nói rõ lý do quy ngưỡng Tam bảo của mình trước mặt vị đạo sư cũ Nigantha Nàtaputta: “Lý thuyết của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, có thể ăn nhuộm đối với người có trí, không phải đối với người ngu si” (7).

Cũng theo gia chủ Upàli thì những người khác có thể gán cho Đức Phật là một huyễn thuật sư với nghĩa xấu xa, nhưng với ông thì ông rất mong cho hết thảy chúng sinh đều được huyễn thuật của Đức Thế Tôn lôi cuốn, vì đó chính là vận may tối thượng giúp cho chúng sinh được hạnh phúc an lạc lâu dài. Vị cư sĩ này xác tín mạnh mẽ với đạo sư Nigantha Nàtaputta, người từng chỉ trích Đức Phật là nhà huyễn thuật:
 
“Thưa Tôn giả, vi diệu thay, huyễn thuật lôi cuốn này! Tốt lành thay, huyễn thuật lôi cuốn này! Thưa Tôn giả, nếu bà con huyết thống thân yêu của tôi được huyễn thuật này lôi cuốn, thời thật là an lạc, hạnh phúc lâu dài cho các bà con huyết thống của tôi. Thưa Tôn giả, nếu tất cả các người Sát đế ly được huyễn thuật này lôi cuốn, thời thật là an lạc hạnh phúc lâu dài cho tất cả các vị Sát- đế-lỵ. Thưa Tôn giả, nếu tất cả các người Bà-la- môn... nếu tất cả các người Vessa... Thưa Tôn giả, nếu tất cả các người Sudda được huyễn thuật này lôi cuốn, thời thật là an lạc, và hạnh phúc lâu dài cho tất cả các người Sudda. Thưa Tôn giả, nếu thế giới với chư Thiên, chư Ma, chư Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người được huyễn thuật này lôi cuốn, thời như vậy là an lạc, hạnh phúc lâu dài cho thế giới với chư Thiên, chư Ma, chư Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người” (8).
 
Giống như gia chủ Upàli, Bhaddiya người Licchavi cũng có nhận xét tương tự, đi kèm với lời xác chứng của Đức Phật về vận may cho hết thảy chúng sinh được cám dỗ theo giáo pháp chân chánh hiền thiện của Ngài:
 
“Như vậy là phải, này Bhaddiya! Như vậy là phải, này Bhaddiya! Này Bhadiya, nếu tất cả mọi người Sát-đế-lỵ, được cám dỗ với sự dụ dỗ này, để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy tất cả các hàng Sát-đế-lỵ được hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài! Này Bhaddiya, nếu tất cả mọi người Bà-la-môn... tất cả mọi người Phệ xá … tất cả mọi người Thủ đà được cám dỗ với sự dụ dỗ này, để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy tất cả các Thủ đà được hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài!

Này Bhaddiya, nếu thế giới cùng với chư Thiên, Màra, Phạm thiên, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ, để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy chúng được hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài!
 
Này Bhaddiya, nếu các cây sala to lớn này được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ, để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy tất cả cây sala to lớn này được hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài, nếu chúng có thể suy nghĩ được, còn nói gì với con người!” (9)
---------------------------------
1. Kinh Upàli, Trung Bộ; Kinh Bdaddiya, Tăng Chi Bộ.
2. Kinh Patali, Tương Ưng Bộ.
3. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.
4. Kinh Nalakapana, Trung Bộ.
5.  Kinh Xà dụ, Trung Bộ.
6. Kinh Tướng quân Sìha, Tăng Chi Bộ.
7. Kinh Upàli, Trung Bộ.
8. Kinh Upàli, Trung Bộ.
9. Kinh Bhaddiya, Tăng Chi Bộ.

Tác giả bài viết: Nguyên Thanh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 266
  • Khách viếng thăm: 250
  • Máy chủ tìm kiếm: 16
  • Hôm nay: 71245
  • Tháng hiện tại: 2790826
  • Tổng lượt truy cập: 88595429
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012