Tri kỷ

Đăng lúc: Thứ ba - 12/12/2017 20:07 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Tri kỷ là một sự hiểu biết của hai tâm hồn có sự tin tưởng, sự cởi mở, sống chân thật, biết trân quý sự sống của nhau, biết chập nhận những yếu kém của nhau.

Trên đời này mà có một người hiểu ta là một ân huệ rất lớn. Nhất là trong cuộc sống nhiêu khê này, có người bạn như thế thì đời ta đở khổ biết chừng nào. Chỉ cần nghĩ về người đó thôi, ta cũng có cảm giác bình an rồi.

Có lúc ta tìm mãi mà không tìm ra một tri kỷ nên ta nghĩ rằng chỉ có mình là tri kỷ của mình thôi, đi tìm sự hiểu biết từ một người khác là một ảo tưởng. Đúng! Tri kỷ là một người hiểu một người, và ta có thể là người ấy, nhưng hãy cẩn thận, vì suy nghĩ này có thể rất chủ quan, có chất liệu tự hào, kiêu ngạo, bởi ta nghĩ rằng ta là người giỏi nhất, nên chẳng có ai trên đời này hiểu ta ngoài ta. Đây không phải là tri kỷ là tự kỷ, tự hào, tự phụ.

May mắn tôi tìm ra những tri kỷ. Thầy tôi là tri kỷ của tôi, bởi trên đời này Thầy tôi hiểu tôi nhất. Sư anh Nguyện Hải là tri kỷ của tôi, nắng mai là tri kỷ của tôi, em tôi là tri kỷ của tôi, chị tôi là tri kỷ của tôi, dòng sông Bình Quới là tri kỷ của tôi…

May mắn cho tôi, gần đây tôi có thêm một tri kỷ; đây không phải là nắng, là mây, là dòng sông đâu mà là một người bạn, một người học trò, một người thương mà tôi tin tưởng. Trong cuộc đời, tôi thương nhiều người lắm, nhưng tri kỷ là người mà tôi tin tưởng và hiểu tôi. Tại sao tôi tin chắc bạn này là tri kỷ của tôi, bởi tôi tin tưởng người này. Tôi trải lòng mình ra với người này như trải lòng ra với nắng mai, với dòng sông. Tôi tâm sự thật nhiều, thật thoải mái và rất thật với người này mà không cảm giác sợ hãi. Tôi dám nói tất cả những gì đang còn nóng hỗi trong trái tim và tâm hồn tôi.

Đối với tôi, tri kỷ là người hiểu ta, nhưng câu hỏi là ta có chịu mở lòng ra để người ấy hiểu ta không? Ngồi bên dòng sông, ta có thật sự mở lòng với dòng sông hay không? Đi trong nắng mai, ta có mở lòng ra cảm giác sự ấm áp trên da thịt không? Ngồi bên Thầy, ta có mở lòng ra với Thầy ta hay không? …

Nhiều lúc tâm hồn ta là một cánh đồng tuyết trắng; nó lạnh ngắt, băng giá, chỉ có gió buốt, chỉ là một màu trắng mịt mù che phủ mây mờ sương khói. Do thế tâm ta dễ nghi ngờ người khác nên ta thường cảm giác sợ hãi và cô đơn. Ta sợ hiểu lầm, sợ lên án, sợ thị phi… Nỗi sợ này cũng có nguyên nhân chính đáng, vì cuộc đời có lắm thị phi. Đi đâu, tới đâu, nơi nào cũng có những chuyện nói xấu người thứ ba, thứ tư, người này, người nọ, nhóm này, nhóm kia. Ta muốn rút lui trong góc nhỏ, cái vỏ sò cô độc, khung cửa vắng, cánh đồng riêng biệt. Ta xa lánh con người. Ta chỉ muốn sống với thiên nhiên, vì thiên nhiên đâu có nói năng gì! Càng xa lánh con người ta càng cảm giác cô đơn, bởi vì ta cũng là một con người như bao nhiêu tâm hồn cô đơn, lạnh giá khác.

Ta hãy tập trải lòng ra với sự sống. Ta tiếp xúc với sự sống bằng tâm hồn của một em bé vô tư, không suy tư, không so sánh, không đòi hỏi. Ta thấy nắng lung linh như thấy lần đầu, một cái thấy trong suốt, thiêng liêng, lạ lùng. Ta muốn khám phá thế giới màu sắc của nắng. Ta trở thành nắng. Tâm hồn ta cũng lung linh từng giọt nắng. Ta tập thấy tất sự sống bằng tâm hồn trẻ thơ trong suốt, vô tư, hồn nhiên như thế. Lắng nghe ta cũng tập như thế. Từ từ, ta trở thành một với nắng, mưa, thiên nhiên, núi rừng, con người và muôn loài. Tâm thức ta hoà quyện vào thế giới ánh sáng của tâm không phân biệt, ta trở thành hiện hữu nơi bản thể nhiệm mầu. Nghe cơn mưa, ta là con mưa. Đi vào nắng, ta là nắng ấm. Vô tình, ta trở thành tri kỷ của sự sống, và sự sống trở thành tri kỷ của ta. Lúc ấy, ta xoá tan cảm giác cô đơn, lạc loài, ngăn cách.

Tâm ta trở về với cánh đồng mùa xuân nơi ấy chỉ có màu hoa tươi sáng, màu lá xanh biếc. Càng đi về mùa xuân, ta càng có thêm sức sống để làm quen với thế giới con người, một thế giới rắc rối nhưng chứa đầy thú vị để khám phá. Tâm hồn ta lành mạnh, bao la và nó không còn sợ hãi, nghi ngờ, tổn thương, nho nhoi nữa. Ta biết lắng nghe, nói năng, nhìn con người với tâm hồn cởi mở, bao dung, thanh thoát. Có cái hiểu trong tâm hồn rồi, ta có thể trở thành tri kỷ của người khác. Nên nhớ tri kỷ là một sự hiểu biết của hai tâm hồn có sự tin tưởng, sự cởi mở, sống chân thật, biết trân quý sự sống của nhau, biết chập nhận những yếu kém của nhau.

Cuộc đời này làm gì có toàn màu hoa thơm cỏ lạ mà nó cũng có mùi hôi thối của phân rác, não phiền. Quan trọng là ta có biết chấp nhận để hiểu nhau và thương nhau hay không? Tri kỷ là chấp nhận, là hiểu thương, là trân trọng một mối tình thẩm thấu.

Tác giả bài viết: Chân Pháp Đăng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 423
  • Khách viếng thăm: 419
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 80312
  • Tháng hiện tại: 1874187
  • Tổng lượt truy cập: 87678790
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012