Bồ tát và Chúng sanh

Đăng lúc: Chủ nhật - 23/03/2014 05:32 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Chúng sanh vô biên thề nguyện độ. Phiền não vô tận thề nguyện dứt. Pháp môn vô lượng thề nguyện học. Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.
Trời vừa dứt mưa, một bà cụ khoác áo tơi đi ra phố. Gặp một chú bé đang nghịch nước bẩn bên vệ đường, bà cau mặt quát:

- Thằng Tý! Mày có lên ngay không. Khiếp!

Thằng bé phản đối:

- Cháu xí cái vũng này từ hồi mới mưa lận. Bà kiếm cái khác đi, thiếu gì!

Bạn thân mến!

Bồ Tát là những vị sách vở định nghĩa là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.” (Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh). 

Riêng chúng ta có thể hiểu một cách giản dị như thế này: “Nếu chúng ta tin rằng mình và tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ thì ta đã có mầm Bồ Tát trong lòng rồi. 

Trên đường tu chừng nào thành Phật hãy hay, còn hiện tại chúng ta hãy tùy thuận giúp đỡ người chung quanh bằng tất cả khả năng hạn hẹp của mình... 

Vì tin tưởng nơi Phật tánh của mình và người nên Bồ Tát không bao giờ mệt mỏi trên bước đường tự lợi, lợi tha...

Nhưng....."Tâm Bồ Tát thì khó phát nhưng rất dễ thối thất..."

Bạn có biết tại sao không....? 

Bạn đừng tưởng là khi hành Bồ Tát hạnh đi đến đâu thiên hạ cũng rải hoa và trải chiếu bông đón tiếp mình hết đâu... mà coi chừng vỡ mộng đấy nhé ! 

Như trường hợp của bà cụ trên đây chẳng hạn.!

Nếu các tôn giả chúng sanh đang ưa thích điều gì mà mình cản trở thì coi chừng họ có thể nghi là mình muốn đoạt cái sở thích ấy,. 

Trong trường hợp đó, nếu ta chưa đủ tài thuyết phục họ thì phải chạy cho thật lẹ kẻo... u đầu, 

Nếu bạn có giúp đỡ ai điều gì thì... chớ nên hí hửng chờ người tuyên dương công trạng của mình vì có hàng khối kẻ bàng quang đang bĩu môi phẩm bình rằng: “Ðồ ngu! Chuyên môn làm mọi thiên hạ.”

Hoặc là: “Cái số cực...”  “Cái nghiệp nặng”. 

Chà coi bộ bạn muốn thối tâm rồi phải không?

Nếu mình là Bồ Tát thứ thiệt thì khỏi nói, đàng này thật kẹt cho hàng Bồ Tát sơ tâm như bọn mình, có lẽ vì thế mà trong các kinh, đức Phật đã không tiếc lời ca ngợi hạnh Bồ Tát.... và Ngài cũng đã từng nhắc nhở với chúng ta rằng: Muốn giảng kinh Pháp Hoa, tức là đi gieo rắc niềm tin rằng:  “Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật”,  Pháp sư phải ngồi tòa Như Lai, mặc áo Như Lai, Tòa Như Lai là tâm từ bi, Áo Như Lai là giáp nhu hòa nhẫn nhục đó bạn ơi... !

Hỷ xả là dù có chúng sanh làm những điều tội ác, vong ân, khinh hủy, hiểm độc, tổn hại cho người hoặc cho mình, cũng an nhẫn vui vẻ mà bỏ qua. 

Sự vui nhẫn này nếu xét nghĩ sâu, thành ra không thật có nhẫn, vì tướng người, tướng ta và tướng não hại đều không. 

Nên Kinh Kim Cang dạy: "Như Lai nói nhẫn nhục Ba La Mật, tức chẳng phải nhẫn nhục Ba La Mật, đó gọi là nhẫn nhục Ba La Mật."

Lòng tùy hỷ trừ được chướng tật đố nhỏ nhen.

Lòng hỷ xả giải được chướng hận thù báo phục. 

Bởi tâm hoan hỷ không ngoài sự giác ngộ mà thể hiện, nên đó chính là lòng Bồ Đề. 

Dùng lòng hoan hỷ như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.

Phát Bồ Đề tâm có thể tóm tắt trong bốn điều hoằng thệ là:

Chúng sanh vô biên thề nguyện độ.
Phiền não vô tận thề nguyện dứt.
Pháp môn vô lượng thề nguyện học.
Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.


Nhưng không phải chỉ nói suông: "Tôi phát Bồ Đề tâm", là đã phát tâm, hay mỗi ngày tuyên đọc bốn điều hoằng thệ, gọi là đã phát Bồ Đề tâm. 

Muốn phát Bồ Đề tâm hành giả cần phải quán sát để phát tâm một cách thiết thật, và hành động đúng theo tâm nguyện ấy trong đời tu của mình. 

Có những Phật tử xuất gia, tại gia, mỗi ngày sau khi tụng kinh niệm Phật đều quì đọc bài hồi hướng: "Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não...", 

Nhưng rồi trong hành động thì trái lại: "nay tham lam, mai hờn giận, mốt si mê biếng trễ, bữa kia nói xấu chê bai chỉ trích người, để đến bữa khác lại có chuyện tranh cãi gây gổ, buồn ghét nhau...."

Như thế, tam chướng làm sao tiêu, phiền não làm sao trừ được..? 

Chúng ta phần nhiều chỉ tu theo hình thức ít chú trọng đến chỗ khai tâm, thành thử lửa tam độc vẫn cháy hừng, không hưởng được hương vị thanh lương giải thoát của đức Phật đã chỉ dạy. 

Cho nên ở đây lại cần đặt vấn đề: "Làm thế nào để phát Bồ Đề tâm?" 

Muốn cho lòng Bồ Đề phát sanh một cách thiết thật, chúng ta nên suy tư quán sát để phát tâm theo sáu yếu điểm như sau:

- Giác Ngộ Tâm. 

- Bình Đẳng Tâm. 

- Từ Bi Tâm. 

- Hoan Hỷ Tâm. 

- Sám Nguyện Tâm. 

- Bất Thối Tâm. 

Sáu yếu điểm là sự kiện phải có của người phát Bồ Đề tâm. 

Nếu không y theo đây lập chí thiết thật tu hành, thì dù nói phát tâm chỉ là phát tâm suông, không thể nào đi đến Phật quả. 

Trước mặt chúng ta chỉ có hai đường: luân hồi và giải thoát. 

Đường giải thoát tuy có lắm nỗi gian nan, nhưng mỗi bước đi lần đến chỗ sáng suốt tự tại an vui. 

Đường luân hồi dù được tạm hưởng phước nhơn thiên, nhưng kết cuộc phải chuyển đến cảnh tam đồ ác đạo, sự khổ vô biên không biết kiếp nào ra khỏi. 

Vậy các vị đồng tu nên phát tâm mãnh tiến, bước thẳng lên đường sáng đại Bồ Đề. Cảnh muôn hoa đua nở nơi chân trời giải thoát sẽ đón chào các vị!

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 296
  • Khách viếng thăm: 291
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 86962
  • Tháng hiện tại: 3060499
  • Tổng lượt truy cập: 91952072
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012